Chính phủ kiến tạo

Thứ Ba, 12/07/2016, 03:39
Gần đây, các phiên họp, nghị quyết của Chính phủ đề cập nhiều đến khái niệm “Chính phủ kiến tạo”. Thực chất, đây là cách dùng từ ngữ mới với những mục tiêu, giải pháp mới. 


Nếu như trước đây chúng ta xây dựng chính phủ kháng chiến, kiến quốc thì ngày nay, việc nhấn mạnh phương châm này mục đích để xây dựng một Chính phủ đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. 

Từ “chính phủ” bắt nguồn theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “cầm lái” - công việc của chính phủ là “cầm lái”. Khi nói “Chính phủ kiến tạo”, có thể hiểu nội hàm ở đây là bằng việc ban hành cơ chế, chính sách và xây dựng bộ máy nhân lực, phương cách quản lý thích hợp để kiến tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân phát huy mọi tiềm năng phát triển. 

Theo nghĩa đó, Chính phủ kiến tạo không phải là điều gì mới mẻ hôm nay mới nói mà chỉ là cách dùng từ ngữ trong bối cảnh mới còn nội hàm xuất phát từ bản chất của nhà nước công nông, được Bác Hồ đặt ra ngay từ khi khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền nhà nước. Quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những nhận thức, tìm kiếm, lựa chọn một hình thức, chế độ nhà nước thích hợp, thúc đẩy dân tộc Việt Nam phát triển theo đúng quỹ đạo tiến bộ xã hội. 

Năm 1946, Quốc hội cử ra Chính phủ chính thức của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, gồm 22 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đây là Chính phủ kháng chiến và kiến quốc. Chính phủ kháng chiến và kiến quốc xuất phát từ yêu cầu lúc bấy giờ của cách mạng, trong đó khái niệm “kiến quốc” là khá rộng. 

Xây dựng chính phủ kiến tạo là nội dung trọng tâm trong nhiệm kỳ mới.

Thực chất, “kiến tạo” mà ngày nay chúng ta nói đến cũng chính là một biểu hiện, một khía cạnh của “kiến quốc”, là sự cụ thể hoá của “kiến quốc” trong điều kiện phát triển mới. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Việt Nam ngày càng được củng cố và hoàn thiện, thật sự là công cụ quyền lực của nhân dân, vì lợi ích và nguyện vọng của toàn dân tộc.

Căn cứ vào các nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ, Người đã chỉ đạo tổ chức bộ máy Chính phủ thích hợp, đủ năng lực và trí tuệ quản lý đất nước. Trong tư tưởng của Người, Nhà nước của dân, do nhân dân làm chủ bao hàm một nội dung quan trọng là nhân dân có quyền kiểm soát Nhà nước.

Bác viết: “Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”. 

Như vậy, là người làm chủ đất nước, nhân dân thông qua cơ chế dân chủ thực thi quyền lực nhưng đồng thời nhân dân có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Nhà nước, Chính phủ, làm cho Nhà nước ngày càng hoàn thiện, trong sạch, vững mạnh. 

Qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý, Bác nhìn nhận rõ những căn bệnh phát sinh có thể làm biến dạng Nhà nước, Chính phủ, từ đó Người cảnh báo nguy cơ, có chế tài nghiêm khắc xử lý các cán bộ thoái hóa, biến chất, đảm bảo xây dựng bộ máy Nhà nước, Chính phủ liêm chính, vì dân. 

Trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo để phát triển là yêu cầu khách quan. 

Cách đây 5 năm, trong bài viết xác định nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển”. 

Trong bài viết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Trong nhà nước kiến tạo phát triển, chức năng của nhà nước là xây dựng quy hoạch phát triển theo một chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng đắn; tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống. Chính vì vậy, Đại hội Đảng lần XI xác định tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là trọng tâm trong khâu đột phá về thể chế”. 

Có thể thấy, việc cải cách bộ máy của Chính phủ để đủ sức vận hành nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng là một yêu cầu cấp bách. Điều này có nghĩa, cơ quan hành chính các cấp cần có một tư duy mới về mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, trở thành xúc tác cho sự phát triển, tạo điều kiện phát huy mọi nguồn lực xã hội. 

Tư duy đó sẽ giúp hạn chế việc can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của thị trường, của xã hội bằng các biện pháp hành chính, mà điển hình là các thủ tục hành chính mang tính chất xin – cho vốn chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, không bền vững và kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Về các giải pháp cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8-6-2010 để thể chế hóa hoạt động cải cách thủ tục hành chính - một trụ cột để xây dựng chính phủ kiến tạo. 

Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo thủ tục hành chính trước khi ban hành phải đánh giá tác động theo 4 tiêu chí: sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và đảm bảo chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thấp. Sau đó, dự thảo thủ tục hành chính này được gửi lấy ý kiến phản biện cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính để hoàn thiện trước khi gửi cơ quan tư pháp thẩm định. 

Thông qua công tác đánh giá tác động, chất lượng thủ tục hành chính được nâng lên, đảm bảo chỉ ban hành những thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất. Tiếp đó là khâu tổ chức thực hiện. Việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện sẽ góp phần hạn chế tình trạng đặt thêm yêu cầu, điều kiện, quy định thêm thành phần hồ sơ cũng như né tránh thực hiện thủ tục hành chính.

Qua việc thực hiện thủ tục hành chính ở các bộ, cơ quan ngang bộ, các cấp chính quyền, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính sẽ tham mưu, giúp người đứng đầu nắm được tình hình và kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn, để từ đó có những giải pháp chỉ đạo cụ thể, nhằm kịp thời ngăn chặn sự lạm quyền của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong phục vụ nhân dân, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát việc thực hiện hoạt động cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tập hợp và gửi những khó khăn vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính để Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp kịp thời chỉ đạo xử lý, tháo gỡ. 

Ngay từ thời điểm đó, Chính phủ đã ban hành 25 nghị quyết để thông qua phương án đơn giản hóa gần 4.800 thủ tục hành chính trên tổng số 5.400 thủ tục hành chính được rà soát. 

Theo tính toán của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, để đơn giản hóa các thủ tục hành chính này, cấp Trung ương phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ trên 1.000 văn bản pháp luật. 5 năm qua, công việc này tiếp tục được thực hiện quyết liệt để hiện thực hóa các kết quả của cải cách mà Đề án 30 mang lại.

Chính phủ kiến tạo tiếp tục là nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021. Trong phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ sau khi được kiện toàn (tháng 4-2016), Chính phủ đã dành thời gian để thảo luận về phương thức chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới trên cơ sở Hiến pháp mới và Luật Tổ chức Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tổng kết lại 6 định hướng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian tới. 

Theo đó, trước hết, Chính phủ sẽ quan tâm xây dựng bộ máy trong sạch, liêm chính, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; làm gương cho xã hội về tất cả mọi vấn đề, nói đi đôi với làm. Hai là, Chính phủ khẳng định sẽ tăng cường kỷ cương, phép nước, chấn chỉnh tình trạng thực thi pháp luật, kỷ cương, phép nước không nghiêm, đặc biệt là trong khu vực hành chính công. 

Muốn như vậy, Chính phủ xác định cần phát huy và bảo đảm quyền dân chủ của người dân, nhất là người yếu thế trong xã hội. Ba là, chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Chính phủ, chính quyền các cấp. 

Bốn là, phân định rõ chức năng quản lý với thị trường, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho. Năm là, Chính phủ quan tâm tới phân cấp, giao quyền theo hướng để bộ, ngành, địa phương tự làm những việc có thể tự chủ và làm tốt. Sáu là, đề cao vai trò trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; sự phối hợp của các bộ, ngành với địa phương và của các địa phương với các bộ, ngành.

Đăng Minh
.
.