Ngọn đuốc của Thủ tướng

Cần nhất sự đồng lòng

Thứ Sáu, 02/06/2017, 15:33
Cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp của Chính phủ ngày 17-5-2017 đã cho thấy sự quyết tâm của Thủ tướng và những người đứng đầu bộ máy điều hành đất nước, thắp lên ngọn lửa cho nền kinh tế.

“Văn minh cần tiến bộ, buôn bán cần thịnh đạt, việc buôn bán thịnh suy có quan hệ với quốc dân thịnh suy”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời chí sĩ Lương Văn Can tại cuộc gặp gỡ 10 nghìn doanh nhân vừa diễn ra. Cuộc gặp với những trao đổi thẳng thắn, cởi mở, hướng đến sự thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Một cuộc gặp mà báo giới hoàn toàn không quá lời ví von là một Hội nghị Diên Hồng.

Nhưng lửa ấy cháy lên đầy hy vọng hay bị tắt sớm thì còn phải phụ thuộc vào câu hỏi: “Ai sẽ là người giữ lửa?”.

Cá nhân tôi cho rằng, những người trong bộ máy nhà nước tiếp xúc thường xuyên nhất với doanh nghiệp nói riêng hay người dân nói chung chính là những người đầu tiên cần giữ lửa. Vì họ là bước đầu tiên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng mà người dân, doanh nghiệp mong muốn. 

(Tôi thật sự không thích cụm từ “mong muốn”. Trong trường hợp mà doanh nghiệp có tâm tư, nguyện vọng thì gọi chính xác phải là “quyền lợi chính đáng”. Vì người dân, doanh nghiệp đóng thuế cho Nhà nước để các nhân viên công quyền thực thi chức trách công bộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói).

Minh họa: Lê Phương.

Có một ví dụ tích cực, khi tôi đến Đồng Tháp, người dân và doanh nghiệp ở đây dùng một từ rất dân dã khi nói về thủ tục hành chính của tỉnh nghèo này: “Phẻ lắm!” (khỏe lắm - tiếng Nam bộ, cũng có nghĩa là thủ tục hành chính dễ lắm). 

Vì Đồng Tháp có hai đầu tàu gương mẫu là Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương. Ông Hoan, ông Dương được dân và doanh nghiệp khen vì hai ông thực sự cải cách thủ tục hành chính vì dân, vì doanh nghiệp.

Là lãnh đạo tỉnh, hai ông chủ động tìm dân, tìm doanh nghiệp để nghe xem họ cần gì. Việc lập ra Hội quán Nông dân để nghe dân kiến nghị hay cho các du học sinh đi học bằng ngân sách nhà nước về làm việc cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chứng minh tư duy tích cực của cả hai. 

Khi lãnh đạo “chạy” đúng, “guồng máy” sẽ tự động vận hành theo hướng tích cực. Ông Hoan, ông Dương đã “thắp lửa” ở Đồng Tháp và cán bộ nơi này “giữ lửa” tiếp theo.

Chỉ số PCI (cạnh tranh cấp tỉnh) của Đồng Tháp luôn xếp trong top 5 từ 2008 đến nay là một minh chứng cụ thể. Trong đó, chi phí thời gian của Đồng Tháp đạt 8.69 điểm là nỗ lực không thể không khen ngợi. 

Người viết bài này chưa bao giờ gặp ông Lê Minh Hoan hay ông Nguyễn Văn Dương nhưng những lời khen mà người dân, doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp mà tôi được nghe nhiều lần và các chỉ số đánh giá khoa học chính là bằng chứng thuyết phục nhất.

Nhưng Việt Nam có bao nhiêu cặp đôi ăn ý như vậy? Đó là câu hỏi mà người viết tin rằng chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không dễ trả lời. Và khi các lãnh đạo bộ ngành, lãnh đạo địa phương của 63 tỉnh, thành chưa làm gương thì việc dẫn đầu về thành tích trên giấy sẽ vẫn là căn bệnh trầm kha. Việc chiến đấu với tham nhũng, với chi tiêu lãng phí, với nhóm lợi ích, với sự trì trệ trong hành chính,... là những việc rất khó. Khó, không có nghĩa là không thể.

Có một nhà báo nói với tôi rằng liệu Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên của chính phủ minh bạch, chính phủ kiến tạo đang lạc lõng giữa những trì trệ và sự dịch chuyển chậm chạp với hình ảnh vô cùng tiểu thuyết là “chống lại cối xay gió”. 

Người viết nghĩ rằng “cối xay gió” là một thứ khái niệm hay hình tượng không xác đáng trong bối cảnh hiện nay với những cố gắng không mỏi mệt của Chính phủ vì cái chung. 

Quan trọng hơn nữa, một chính phủ kỹ trị thế kỷ 21 càng không giống với Don Quijote bị ám ảnh bởi các tiểu thuyết hoang đường thời Trung cổ. Và vũ khí cần trang bị thêm chính là sự tham gia không ngại ngần của toàn dân và sự nghiêm minh của pháp luật. Chỉ cần cán bộ cao cấp cũng bị xử như thứ dân thì dân mới phục. Bất cứ ai sai phạm cũng không có kim bài miễn tử nào thì dân mới tin.

Sự đổi mới đôi khi không chỉ nằm trong các quyết sách mang tầm quốc gia mà cả trong ứng xử với các thành viên Chính phủ với nhau. Đặc biệt, không nên có những ưu đãi mang tính thân hữu để người dân trông vào mà xầm xì.

Tôi luôn ủng hộ những chủ trương, quyết sách và chỉ đạo đúng của Chính phủ trên nền tảng minh bạch, khoa học và đặc biệt là vì dân.

Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lập ra kênh tiếp nhận ý dân qua Cổng thông tin Chính phủ (website http://nguoidan.chinhphu.vn) vào ngày 4-4-2017. 

Nếu phát hiện Chính phủ hay chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có vấn đề về điều hành Nhà nước, tôi sẽ góp ý ngay tại đây. Người viết hy vọng bất cứ người dân, doanh nghiệp nào cũng thực hiện điều này trên tinh thần của một người chủ đất nước, trên tinh thần xây dựng vì cái chung. Góp ý thẳng thắn và khoa học chính là cách mỗi người giữ lửa cho chính quyền công dân của mình.

Giữ lửa như vậy mới đòi hỏi bất kỳ thành viên nào của Chính phủ, kể cả Thủ tướng, cũng ý thức giữ lửa cho trách nhiệm, danh dự lẫn chức vụ của họ.

Vì xét cho đến cùng, không có sự soi sáng nào cho kinh tế lẫn dân trí bằng cách làm cũ kỹ mà đòi hỏi thành quả hiện đại, điều này không chỉ ứng với Chính phủ mà với cả mỗi công dân.

Mai Quốc Ấn
.
.