Hoàn thành việc tu bổ tổng thể di tích và đưa vào khai thác Điện Thái Hòa

Chủ Nhật, 24/11/2024, 13:37

Điện Thái Hòa - Đại Nội Huế là công trình có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, sau 3 năm trùng tu, ngày 23/11/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã công bố hoàn thành dự án “Bảo tồn, tu bổ, tổng thể di tích điện Thái Hòa” đưa vào phục vụ khách tham quan, du lịch sớm hơn dự kiến 9 tháng.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế cho biết, Điện Thái Hòa là kiến trúc quan trọng bậc nhất của Hoàng Thành Huế. Đây là nơi tổ chức lễ Đăng quang của 13 vị hoàng đế triều Nguyễn; nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình. Ngôi điện này được xây dựng từ mùa xuân 1805 thời Gia Long. Đến thời Minh Mạng, triều đình cho tu bổ cải dựng tại địa điểm mới từ năm 1832, đến năm 1833 thì hoàn thành.

Hoàn thành việc tu bổ tổng thể di tích và đưa vào khai thác Điện Thái Hòa -0
Lễ Khánh thành dự án “Bảo tồn, tu bổ, tổng thể di tích điện Thái Hòa” và đưa vào phục vụ khách.

Sau hàng trăm năm tồn tại, Điện Thái Hoà đã trở thành một chứng nhân, chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, dưới tác động của thời gian, chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, đợt mưa bão cuối năm 2020 khiến ngôi điện đứng trước nguy cơ cần phải cứu nguy. Bởi thế, việc trùng tu và tôn tạo công trình này là một nhiệm vụ cấp thiết. Dự án đã được khởi công theo Nghị quyết số 12/NQ-HĐND và Quyết định số 1491/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa bao gồm nhiều hạng mục như: bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống kết cấu chịu lực bằng gỗ, hệ mái, tường và nền; bảo quản, tu bổ, phục hồi chi tiết các trang trí ngoại thất và nội thất công trình. Qua gần 3 năm triển khai dự án, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã tuân thủ đầy đủ các quy trình khoa học, từ khảo sát, nghiên cứu đến thực hiện các biện pháp nhằm bảo quản tối đa yếu tố gốc của di tích, quyết tâm gìn giữ cho được hồn cốt của công trình sau khi tu bổ và phải đảm bảo sự bền vững trong kỹ thuật và tôn vinh giá trị mỹ thuật truyền thống. Theo đánh giá chung, công tác bảo tồn, tu bổ Điện Thái Hoà đã thực hiện một cách bài bản, khoa học, đáp ứng và tuân thủ các nguyên tắc về bảo tồn di tích.

Hoàn thành việc tu bổ tổng thể di tích và đưa vào khai thác Điện Thái Hòa -0
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát biểu tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong lịch sử Việt Nam, Huế từng là trung tâm văn hóa - chính trị của xứ đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn; là Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất (1802 -1945). Với tư cách là Kinh đô, Huế là điểm hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Dưới bàn tay của các nghệ nhân, của các thợ lành nghề và công sức, trí tuệ, tài năng của cả dân tộc Việt Nam đã để lại cho Huế một quần thể kiến trúc tiêu biểu với sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về chân dung kinh đô xưa của Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam, chứa đựng những sắc thái văn hoá rất riêng của vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế.

Huế vinh dự là địa phương đầu tiên của cả nước có di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (Quần thể Di tích Cố đô Huế, 1993) và cũng là nơi sở hữu Di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nhã nhạc cung đình Huế, 2003). Cho đến nay, Thừa Thiên Huế đang là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống di sản văn hóa mang giá trị toàn cầu tại vùng đất Cố đô. Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Huế từng bước được các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu

Hoàn thành việc tu bổ tổng thể di tích và đưa vào khai thác Điện Thái Hòa -0
Các đại biểu tham quan Điện Thái Hòa.

Á - Thái Bình Dương. “Tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, kế hoạch hành động của Quốc tế và của Chính phủ Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Văn Phương cho hay.

Phát biểu tại lễ công bố hoàn thành việc tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa và đưa vào khai thác, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho hay, di sản tư liệu của thế giới chính là di sản của tất cả chúng ta. Các di sản đó cần được gìn giữ và bảo tồn một cách toàn vẹn và được tiếp cận một cách vĩnh viễn, được công nhận một cách đúng đắn về các hoạt động thực hành văn hóa và tính thiết thực của văn hoá đó, được dành cho tất cả công chúng và không có sự cản trở. “UNESCO đánh giá cao mối quan hệ đối tác lâu dài với Thừa Thiên Huế - nơi mà công tác bảo tồn Di tích Huế đã được thực hiện với tâm huyết to lớn và gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Ba mươi năm trước, UNESCO và cộng đồng thế giới đã nhận thấy sự cấp thiết trong việc hợp tác với Việt Nam để gìn giữ và bảo vệ các di sản quý giá này”, ông Jonathan Wallace Baker chia sẻ.

HẢI LAN
.
.