Tăng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Giải bài toán vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Ngân hàng e ngại khi giải quyết vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Giải pháp vốn nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong APEC?
Lãi suất cho vay xuống 5,5%
Với 196.689 khách hàng còn dư nợ, tổng số vốn mà ngành ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vay tăng 12,9% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ đối với DNNVV hoạt động trong ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 41%; DNNVV hoạt động trong ngành thương mại và dịch vụ 54%; DNNVV hoạt động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 5% trên tổng dư nợ.
Đáng chú ý, với số tiền cho vay nói trên, tính đến cuối tháng 9-2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (9,4% so với cuối năm 2018) và cao hơn cùng kỳ năm 2018.
“Trong điều kiện DNNVV ít có khả năng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, các nguồn vốn hỗ trợ có nguồn từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ quốc tế còn hạn chế thì vốn tín dụng ngân hàng vẫn là kênh tài trợ vốn chủ yếu cho DNNVV phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh”- NHNN thông tin.
Dư nợ tín dụng DNNVV tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. |
Được biết, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24-10-2019, chỉ số tiếp cận tín dụng là 1 trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước (vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP là tăng ít nhất 1 bậc trong năm 2019), đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế - vượt mục tiêu đề ra.
Để giúp các DNNVV tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng là nhóm DNNVV, như: BIDV triển khai các chương trình, gói tín dụng đối với DNNVV với tổng quy mô các gói lên tới 90.000 tỷ; Hay ACB triển khai các chương trình, gói tín dụng đối với DNNVV với tổng quy mô các gói lên tới 10.000 tỷ; Tương tự, VPB cũng triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng đối với DNNVV.
Khơi thông dòng vốn: Cần chính sách đồng bộ
Tuy nhiên, con số gần 1,5 triệu tỷ đồng nghe có vẻ lớn, nhưng so với lực lượng DNNVV chiếm tới 90% số lượng DN đang hoạt động trên cả nước, số tiền đó chưa đủ để vực dậy nhóm DN chịu nhiều rủi ro trong kinh doanh này.
Phần lớn các DNNVV vẫn gặp các rào cản khi tiếp cận vốn tín dụng. Xác định được mục tiêu là tạo mọi điều kiện tốt nhất cho họat động sản xuất kinh doanh, NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của các DNNVV; đồng thời, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua các loại hình Quỹ như Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV.
Song, để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Chính phủ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của DNNVV trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, NHNN cho rằng, cần phải có hệ thống các chính sách đồng bộ để khuyến khích và tạo điều kiện cho các DNNVV phát triển; đồng thời, cần có sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và bản thân các DN.
Cơ quan này đề ra 5 giải pháp như: Các bộ, ngành sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV, bảo đảm các chính sách hỗ trợ DNNVV được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. UBND các tỉnh, thành phố tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNNV quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp...