Nhiều ý kiến nhận định sẽ khó khả thi
- Đóng cửa hơn 12 bến đò ngang, kiểm soát chặt giao thông đường thuỷ
- Các doanh nghiệp giao thông “lao đao” vì dịch COVID-19
Đề xuất cơ chế “siêu ưu đãi”
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 TĐ, TCT, UBQLV cho biết, dự kiến doanh thu của các TĐ, TCT trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 7/19 TĐ, TCT đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng.
Cụ thể, TCT Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ 2.383 tỷ đồng; TĐ xăng dầu Việt Nam lỗ 572 tỷ đồng; TĐ Hóa chất Việt Nam lỗ 440 tỷ đồng; TCT Hàng hải Việt Nam lỗ hơn 111 tỷ đồng; TCT Lương thực Miền Nam lỗ 97 tỷ đồng; TCT Cà phê Việt Nam lỗ 25 tỷ đồng; TCT Đường sắt Việt Nam lỗ 100 tỷ đồng. Dự kiến cả năm, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các TĐ, TCT sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch; 8/19 TĐ, TCT bị thua lỗ với tổng số lỗ khoảng 26.324 tỷ đồng.
Các tập đoàn, tổng công ty đang gặp khó khăn, thua lỗ vì dịch bệnh. |
Với sự ảnh hưởng nghiêm trọng đó, UBQLV đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất tới các bộ, ngành liên quan về hỗ trợ thuế, tài chính, thương mại, đầu tư và chế độ chính sách cho người lao động.
Đáng chú ý, UBQLV đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm có hướng dẫn trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn để các TĐ, TCT sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động.
Trong đó, riêng Vietnam Airlines đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng, bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.
Không hợp lý
Mặc dù những khó khăn của các DN trong danh sách UBQLV đưa ra để xin vay vốn là có thực, song chuyên gia kinh tế, PGS, TS Ngô Trí Long cho rằng đề xuất này có phần “ngược đời” vì những khó khăn các DN gặp phải là khó khăn chung.
“Hiện nay, các DNNVV cũng chỉ được hỗ trợ ở mức khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vài phần trăm mà thôi, tại sao UBQLV lại muốn “con” mình được ưu tiên hơn, trong khi các TĐ, TCT đều là “đại gia”? Giống như cơn bão quét qua, nhà cao tầng kiên cố lại đòi ưu đãi nhiều hơn lều tranh là sao?”, ông Long đặt vấn đề.
Phân tích cụ thể hơn, PGS, TS Ngô Trí Long cho rằng, “Anh muốn tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ 250 nghìn tỷ của các ngân hàng đưa ra, nhưng ai sẽ cho anh vay? Ngân hàng thương mại cũng chỉ là một DN, cho vay vốn dựa trên tiền gửi huy động từ nền kinh tế.
Ngay cả Ngân hàng Chính sách Xã hội khi cho vay các gói tín dụng hỗ trợ đặc biệt lãi suất 0% cũng chỉ trong vòng thời hạn vài tháng, và chỉ dành cho những trường hợp đặc biệt khó khăn. Như vậy, đề xuất này đang nhằm vào Ngân hàng Nhà nước - thực ra là nhằm vào túi tiền ngân sách đang như mảnh chăn hẹp bên nào cũng kéo”, ông Long nói.
Đồng quan điểm cho rằng đề xuất này là không khả thi, TS Cấn Văn Lực cũng chỉ ra 3 khía cạnh.
Thứ nhất, việc cho vay với lãi suất 0% chỉ áp dụng cho các khoản vay để đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, tại Dự thảo Nghị định về gói hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch COVID-19 vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng chỉ đề xuất cơ chế cho các DN vay thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người.
Thứ hai, gói hỗ trợ 285.000 tỷ của các ngân hàng thương mại không phải khoản tiền ngân sách nhà nước bỏ ra để hỗ trợ nền kinh tế mà đó là nguồn vốn thương mại của các ngân hàng, tức là các ngân hàng phải huy động vốn từ người dân và DN để cho vay (hiện nay, lãi suất huy động dài hạn đang dao động từ 6,5% - 8,5%/năm).
Thứ ba, bản thân các tổ chức tín dụng cũng là DN, họ không thể bỏ vốn ra ưu đãi theo cách “cho không” DN khác được, trong khi ngân hàng đang phải chịu rất nhiều chi phí liên quan đến đồng vốn đó.
Bình luận về đề xuất của UBQLV, PGS, TS Ngô Trí Long cho rằng, nếu đề xuất của UBQLV được thông qua thì vô hình trung đang nuôi dưỡng tư tưởng ý lại, tư tưởng bao cấp, và các TĐ, TCT vốn nhiều tai tiếng vì làm ăn không hiệu quả, quen trông chờ bầu sữa ngân sách sẽ tiếp tục sống theo kiểu “dây leo tầm gửi”. “Phải khó khăn mới biết sức sống của DN.
Đây cũng là một cơ hội để tái cơ cấu trúc những DN nhà nước làm ăn không hiệu quả. Nếu thực sự không thể vượt qua, anh phải chấp nhận đào thải để tư nhân vào tiếp quản, không thể mãi mãi ăn bám như thế được”, vị chuyên gia này nói.