Hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch: Cần đúng và trúng

Chủ Nhật, 23/05/2021, 06:57
Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, khiến cho tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn. Dù các gói hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy được nhiều tác dụng, song cũng còn nhiều hạn chế khiến DN khó tiếp cận. Đi tìm giải pháp để các gói hỗ trợ đến được với DN là nội dung quan trọng được bàn luận tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó COVID-19” vừa được tổ chức.


87,2% DN chịu ảnh hưởng tiêu cực

Tham luận tại tọa đàm, ông Lê Văn Quân- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN Hà Nội (Sở KH&ĐT) - cho biết, theo khảo sát, 87,2% DN chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% DN cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và chỉ gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”. Trong số các nhóm DN, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm và các DN có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Ở một số ngành, tác động của dịch COVID-19 đặc biệt lớn, có thể điểm danh như du lịch; vận tải; dệt may, da giày; bán lẻ; giáo dục - đào tạo…

Doanh nghiệp kiến nghị cần hỗ trợ đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và nhân công của DN. Chuỗi cung ứng của nhiều DN đã bị gián đoạn. Một số DN còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Ngoài ra, các DN cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch COVID-19…  

Thực tế, để hỗ trợ DN vượt qua những ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ; gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng… Tuy nhiên, các DN kiến nghị cần cải thiện hơn nữa hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy các DN khởi nghiệp.

Gói hỗ trợ cần công bằng hơn

Trước thực tế trên, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng câu chuyện hiện nay khẩn cấp hơn rất nhiều, chúng ta không còn nhiều thời gian bàn giải pháp mà phải có giải pháp thực thi ngay. “Các đối tượng trong chính sách mới cần phải tính toán kỹ hơn, thực sự công bằng hơn. Tiếp đó, các gói hỗ trợ phải tiếp cận theo hướng công bằng hơn, tiêu chí dễ dàng hơn, thực sự thiết thực cho DN. Ví dụ: Khi hỗ trợ DN lại đưa ra những tiêu chí đi ngược lại nỗ lực của họ. Đáng lẽ phải ghi nhận, hỗ trợ các DN đang tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thì chúng ta lại chỉ quan tâm đến các DN phá sản, ngừng kinh doanh... Nếu chúng ta mạnh dạn giảm thuế, hỗ trợ DN chi phí phòng, chống dịch thì sẽ công bằng hơn cho các DN đang tiếp tục trụ vững trong dịch COVID-19”, ông Hiếu nêu quan điểm và cho rằng chúng ta phải chủ động xây dựng các gói hỗ trợ, Chính phủ phải đi trước trong xây dựng các kịch bản. Tiếp đó phải tiếp cận theo nhóm đối tượng.

“Tôi rất lo ngại, nếu không chú ý đến khía cạnh này, có thể dẫn đến tình trạng chúng ta bị trục lợi chính sách. Tôi lấy ví dụ, có những DN, ngay cả khi chúng ta có hỗ trợ thì họ vẫn không thể tồn tại được, vẫn rút lui khỏi thị trường. Do vậy, nguồn lực của Chính phủ sẽ bị lãng phí. Chúng ta phải ưu tiên hỗ trợ những DN có khả năng phục hồi. Do đó phải phân loại đối tượng theo quy mô, theo ngành nghề, theo khả năng chống dịch...”, ông Hiếu góp ý.

Cùng quan điểm, ông Thân Đức Việt- đại diện DN đến từ Công ty May 10 cho biết trong năm 2020, gói hỗ trợ quan trọng nhất là gói 60.000 tỷ hỗ trợ cho người lao động, nhưng đến nay May 10 chưa tiếp cận được gói này. “Nguyên nhân là bởi yêu cầu DN phải có doanh thu giảm 30%, và lao động giảm 50%, nhưng nếu đáp ứng các tiêu chí này, thì DN của chúng tôi đã đóng cửa rồi. Nên tôi đồng ý với quan điểm cần chia gói hỗ trợ và đối tượng cần hỗ trợ. Ngoài ra, các gói hỗ trợ nên tập trung vào các DN có khả năng hồi phục và cần hỗ trợ sao cho xứng đáng để họ có thể hồi phục và kéo nền kinh tế tăng trưởng. Với các đối tượng DN đóng cửa dài hạn thì các gói hỗ trợ lại khác”, ông Việt nói.

Đại điện cộng đồng DN cả nước, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI khẳng định các ý kiến của DN rất chính xác. “Đúng là trong thời gian vừa qua các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ  đưa ra tương đối đồng bộ, toàn diện. Các gói hỗ trợ về tài khoá, chính sách thuế, gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ an sinh xã hội tiền lương, nhà ở… Tuy nhiên, các biện pháp thực hiện còn rất hạn chế như gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ trả lương cho người lao động. Sắp tới trên cơ sở ý kiến của các DN, VCCI sẽ rà soát và đề xuất lên Chính phủ cần xây dựng quy trình thủ tục minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận phù hợp với DN nhỏ và siêu nhỏ. VCCI với chức năng của mình sẽ phối hợp với các Hiệp hội khảo sát DN làm sao kiến nghị với Chính phủ và bộ, ngành”, ông Lộc cam kết.

Hà An
.
.