Những cuộc điện đàm mang thông điệp của hòa bình
Cuộc điện đàm riêng rẽ hôm 12/2 (giờ địa phương) của Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận quốc tế, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine trên thực địa vẫn nóng lên từng ngày.
Theo giới chuyên gia, bước đi này được các bên đánh giá là suôn sẻ, khi những cuộc điện đàm nhằm đặt nền tảng cho các cuộc hòa đàm và hướng tới mục đích cuối cùng là chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình.
Thông báo trên trang mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/2 cho hay, ông vừa có cuộc điện đàm quan trọng với hai người đồng cấp Nga và Zelensky, khẳng định rằng cả hai nhà lãnh đạo này cũng như bản thân ông đều bày tỏ mong muốn hòa bình và các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine sẽ bắt đầu ngay lập tức.
"Chúng tôi đã có một cuộc gọi tuyệt vời và kéo dài trong hơn một giờ với Tổng thống Nga Putin. Tôi cũng đã có một cuộc gọi rất tích cực với Tổng thống Zelensky sau đó. Tôi nghĩ, chúng tôi đang trên con đường đạt được hòa bình. Tổng thống Putin muốn hòa bình, Tổng thống Zelensky muốn hòa bình và tôi cũng vậy", Tổng thống Trump chia sẻ.
Đáng chú ý, khi nói về nội dung cuộc điện đàm, ông Trump đã bày tỏ sự đồng tình với quan điểm loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Mỹ nêu rõ, tham vọng gia nhập NATO của Ukraine là không thực tế và nhấn mạnh Ukraine khó có thể khôi phục lại lãnh thổ như trước năm 2014. Điều này cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố trước đó tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO diễn ra cùng ngày tại Brussels (Bỉ).
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng, việc Kiev theo đuổi mục tiêu này chỉ khiến chiến tranh kéo dài hơn và nhiều người sẽ phải bỏ mạng vô ích. Ông Hegseth cũng nhấn mạnh, Mỹ sẽ không gửi quân tới Ukraine để bảo đảm an ninh, thay vào đó, việc này nên để các nước châu Âu thực hiện.
![quoc-te.jpg -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/02/13/quoc_te-1739459617795.jpg)
Về phía Nga và Ukraine, khi đề cập cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ quan điểm mang tính hòa giải. Với Moscow, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, ông Putin và ông Trump đã nói chuyện trong gần 90 phút và hai nhà lãnh đạo đã đồng ý sẽ sớm gặp nhau trong thời gian không xa.
Ông Peskov chia sẻ: "Tổng thống Nga đã mời Tổng thống Mỹ đến thăm Moscow và bày tỏ sự sẵn sàng tiếp đón các quan chức Mỹ tại Nga trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, tất nhiên, bao gồm chủ đề giải quyết vấn đề Ukraine. Tổng thống Putin và Tổng thống Trump cũng đồng ý tiếp tục các cuộc tiếp xúc cá nhân, bao gồm cả việc sắp xếp một cuộc họp trực tiếp".
TASS ngày 13/2 dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev cho hay, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đây đã hủy bỏ mọi dịp tiếp xúc cấp cao nhằm trừng phạt Nga, khiến thế giới đứng trên bờ vực tận thế. Do đó, ông gọi cuộc điện đàm này là ý nghĩa và tối quan trọng ở thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, với Ukraine, Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky thông tin, cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Zelensky kéo dài khoảng một giờ. Hai bên đã nói về về cơ hội đạt được hòa bình, nêu rõ phía Kiev sẽ hợp tác với Washington để lên kế hoạch cho các bước tiếp theo nhằm đảm bảo một nền hòa bình lâu dài.
Tổng thống Zelensky chia sẻ: "Chúng tôi đã nói chuyện rất lâu về các cơ hội đạt được hòa bình, thảo luận về sự sẵn sàng hợp tác của chúng tôi ở cấp độ nhóm và năng lực công nghệ của Ukraine, bao gồm máy bay không người lái và các ngành công nghiệp tiên tiến khác. Tôi biết ơn Tổng thống Trump vì sự quan tâm của ông đối với những gì chúng ta có thể cùng nhau đạt được".
Được biết, Tổng thống Zelensky và một số quan chức cấp cao Mỹ, bao gồm Đặc phái viên của ông Trump về Ukraine và Nga Keith Kellogg cùng Phó Tổng thống JD Vance, sẽ tham dự Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 14-16/2. Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Zelensky dự kiến sẽ gặp cả hai quan chức này. Ông Kellogg cũng sẽ thăm Ukraine vào ngày 20/2, trong khi ông Trump cho biết sẽ gặp ông Zelensky trong thời gian tới nhưng không tiết lộ địa điểm và thời gian cụ thể.
Các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng sẽ là chủ đề chính. Tuy nhiên, bất kể các quan chức Mỹ có đề xuất gì, theo giới chuyên gia, Ukraine sẽ vẫn đưa ra một số "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua. Các nhà quan sát cho rằng Ukraine sẽ không công nhận vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát là của Nga một cách hợp pháp, trong khi Nga cũng sẽ không từ bỏ sáp nhập những vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố thuộc về mình.
Trong khi đó, ông Stefan Wolff, Giáo sư an ninh quốc tế tại Đại học Birmingham, nhận định: "Tôi nghĩ sẽ có một lệnh ngừng bắn dọc theo chiến tuyến tại thời điểm đó. Có thể có một số điều chỉnh và khả năng thiết lập vùng đệm. Nhưng tôi nghĩ sẽ không có thay đổi lãnh thổ đáng kể hay công nhận chính thức nào đối với hiện trạng".
Nhà phân tích chính trị Ukraine Volodymyr Fesenko cho rằng Ukraine có thể trao đổi vùng kiểm soát tại tỉnh Kursk của Nga để đổi lấy phần lãnh thổ tỉnh Kharkiv hiện do Nga kiểm soát. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Nga Dmitry Oreshkin cho rằng yếu tố Kursk rất quan trọng trong tình huống này và Tổng thống Zelensky đã tuyên bố sẵn sàng xem xét việc trao đổi này.