Vì sao triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, người làm du lịch vẫn than khó?
Tính đến cuối tháng 11, gần 14.000 hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã được hỗ trợ trên 51 tỷ đồng. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cả về thuế, chi phí điện, tín dụng… đã được triển khai. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận các gói hỗ trợ và tiếp tục kiến nghị bổ sung, kéo dài nhiều chính sách hỗ trợ giúp du lịch phục hồi.
Doanh nghiệp chưa tiếp cận được nhiều chính sách hỗ trợ?
Vụ trưởng Vụ Lữ hành, ông Nguyễn Quý Phương cho biết, thời gian qua, rất nhiều chính sách về thuế, phí, an sinh xã hội đã được triển khai, tích cực hỗ trợ du lịch phục hồi sau một thời gian dài ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Cụ thể, Chính phủ giảm 15% tiền thuê đất năm 2020 và giảm 30% tiền thuê đất năm 2021, giảm mức thuế suất VAT kể từ ngày 1/11 đến 31/12 đối với hàng hóa, dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống, dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá, tổ chức tour du lịch. Về tín dụng, doanh nghiệp được miễn giảm lãi vay đến hết tháng 6/2022. Về an sinh xã hội có các chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng trong 6 tháng.
Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục đến dưới 1 tháng được hỗ trợ 1,855 triệu đồng/người. Trường hợp nghỉ việc từ 30 ngày trở lên được hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người. Ngoài ra còn có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách riêng cho ngành du lịch có giảm giá điện cho cơ sở lưu trú, giảm 50% phí cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên, giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, hỗ trợ tiền mặt cho hướng dẫn viên 3.710.000đ/người.

Cùng tháo gỡ khó khăn để phục hồi du lịch, Bộ VH,TT&DL triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế, kích cầu du lịch nội địa…
Tuy nhiên, ông Đào Mạnh Lượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho rằng, thực tế, rất nhiều chính sách hỗ trợ nói trên chưa thực sự đi vào đời sống. Theo ông Lượng, Chi hội Tàu du lịch Hạ Long có 245 hội viên là các chủ tàu, chủ doanh nghiệp, chuyên về tàu du lịch lưu trú trên Vịnh Hạ Long. Lực lượng lao động thường xuyên khoảng 4.000 người, thời gian cao điểm có thể tập trung tới 6.000 người. Sau 2 năm chịu đựng sự tàn phá của dịch bệnh, hầu hết hội viên cạn kiệt nguồn tài chính để chi tiêu nhằm mục đích duy trì hoạt động. Công ty của ông dừng hoạt động từ tháng 3/2020, đến cuối tháng 11 đã phải chi ra 4 tỷ để tồn tại nên phải bán bớt tàu đi để trả nợ.
Về các hỗ trợ của Chính phủ, ông Lượng cho rằng, doanh nghiệp không tiếp cận được, hoặc tiếp cận được cũng rất ít. Gói hỗ trợ vay sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đáp ứng được hầu hết các điều kiện nhưng không vay được chỉ vì hồ sơ yêu cầu phải có xác nhận báo cáo quyết toán thuế của cơ quan thuế. Trong thực tế, không bao giờ doanh nghiệp quyết toán thuế vào đầu năm nên hồ sơ không thể có giấy xác nhận này. Gói vay để trả lương làm việc rất hay, nhân văn nhưng thực tế, chưa có đến 60% doanh nghiệp của chi hội tàu tiếp cận được. Vì muốn vay gói này, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội, xác nhận doanh nghiệp vẫn đang trả bảo hiểm xã hội cho các công nhân viên đó cho đến thời gian vay. Nếu đóng được số tiền bảo hiểm lớn đến thời gian vay như thế, doanh nghiệp phải còn rất “khoẻ”. Vì vậy, sau khi làm hồ sơ, chỉ có 14/240 doanh nghiệp của Chi hội đủ điều kiện vay.
Chính sách hỗ trợ người lao động nghe có vẻ lớn nhưng thực ra mức hỗ trợ rất nhỏ. Ví dụ, người lao động hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% trong 12 tháng. Công ty có 24 công nhân viên, số tiền được giảm là 1,2 triệu đồng. Hỗ trợ giảm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động 0,5%, mỗi công nhân được giảm 25.000 đồng/tháng, toàn bộ công nhân viên trong công ty giảm được 60.000 đồng. Nếu tính tổng 12 tháng thì doanh nghiệp được giảm 7 triệu, trong khi tổng số nộp khoảng 500 triệu.
Kiến nghị kéo dài các chính sách hỗ trợ trong nhiều năm tới
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế cũng phân tích, việc miễn thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng và thuế khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh trong quý 2,3,4 năm 2021 chưa thiết thực vì khoảng thời gian này, phần lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã dừng hoạt động, không có thu nhập, không phải nộp thuế. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, địa phương tiếp tục gia hạn chính sách nói trên để sau khi phục hồi hoạt động, doanh nghiệp tiếp cận được ngay. Ngoài ra, cần kéo dài thời gian điều chỉnh giá điện lưu trú ngang bằng giá điện sản xuất, giảm thuế đất, gia hạn nợ tối thiểu 24 tháng hoặc đến hết giai đoạn hậu COVID-19, hoặc khi du lịch phát triển bình thường trở lại...
Khẳng định năm 2022 ngành du lịch sẽ còn tiếp tục chịu nhiều thiệt hại trực tiếp và gián tiếp từ tác động tiêu cực của dịch bệnh gây ra, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội động quản trị Công ty Du lịch Vietravel kiến nghị, trong thời gian sắp tới, Chính phủ cần có một số các giải pháp nhanh và mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động kinh doanh du lịch.
Cụ thể, ông Kỳ đề nghị giảm thuế VAT còn 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp còn 16% trong vòng 3 năm đối với các doanh nghiệp du lịch và hàng không; gia hạn thêm thời gian giãn nộp đến tháng 6/2022 đối với các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Đối với gói hỗ trợ tín dụng của ngân hàng, Chính phủ có đánh giá dựa trên quy mô doanh thu và mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong 3 năm trước khi diễn ra dịch bệnh; ban hành ngay các chính sách với chế tài cụ thể cho việc khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất hoặc hạ bậc tín dụng liên ngân hàng; bổ sung gói tín dụng cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động; bảo trì, sửa chữa điểm tham quan, cơ sở lưu trú đã bị xuống cấp do tạm ngưng hoạt động trong thời gian dài; gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch đến hết năm 2022. Chính phủ hỗ doanh nghiệp với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động để duy trì nguồn nhân lực và có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm cho người lao động. Để chuẩn bị khởi động lại thị trường hàng không và du lịch, cần nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo khôi phục và phát triển du lịch cấp quốc gia để chỉ đạo, xây dựng, triển khai chương trình hành động nhằm khôi phục ngành du lịch trong nước và quốc tế.
Về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, thời gian vừa qua đã có những chính sách ban hành, thực thi, nhưng chưa đến được đến tất cả mọi người. Để các chính sách hỗ trợ đến được đúng đối tượng thì cần tiếp tục trao đổi và kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp. Đây là vấn đề lâu dài. Trước mắt, các doanh nghiệp phải cố gắng tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đề phục hồi hoạt động.