TP Hồ Chí Minh: Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định sẵn sàng phục vụ Tết

Thứ Hai, 13/01/2025, 08:24

Không khí mua sắm Tết tại TP Hồ Chí Minh đang dần sôi động khi lượng hàng hóa đổ về các chợ đầu mối và siêu thị ngày càng tăng. Để đảm bảo thị trường ổn định, các cơ quan quản lý đã siết chặt kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, giá cả, đồng thời ngăn chặn tình trạng hàng gian, hàng giả và tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết.

Sức mua đang tăng

Những ngày gần đây, không khí mua sắm Tết tại TP Hồ Chí Minh trở nên nhộn nhịp hơn trên các tuyến đường, chợ truyền thống và siêu thị. Tại chợ Bến Thành (quận 1), lượng khách đến tham quan và mua sắm ngày càng đông. Trong đó, khu vực kinh doanh thực phẩm khô, bánh kẹo, cà phê... luôn sôi động khi các tiểu thương liên tục giới thiệu sản phẩm, mời khách dùng thử và tư vấn cách chọn quà Tết phù hợp.

chotete10.jpg -0
Các mặt hàng thực phẩm tại chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh khá dồi dào để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao.

Tại các khu vực kinh doanh hàng mùa vụ đặc thù như củ kiệu, tôm khô, không khí mua bán ngày càng nhộn nhịp. Các sản phẩm này chủ yếu phục vụ các cơ sở làm củ kiệu Tết chuyên nghiệp để chế biến và bán cho người tiêu dùng, cũng như tiểu thương chợ truyền thống lấy hàng về bán lẻ. Theo chia sẻ từ một số chủ cửa hàng, năm nay củ kiệu được nhập từ các địa phương như Bình Định, Phú Yên khá sớm, với giá bán dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/kg tùy kích cỡ và chất lượng. Trong khi đó, giá tôm khô dao động từ 70.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết.

Chị Ngọc Thu, chủ sạp thực phẩm chế biến khô tại chợ Bến Thành cho biết, lượng khách đến chợ gần đây đông hơn ngày thường và người dân đã bắt đầu mua sắm hàng Tết. Các mặt hàng được ưa chuộng nhất gồm tôm khô, mực tẩm, hạt điều... Mặc dù giá nhập hàng có xu hướng tăng, cửa hàng vẫn giữ mức giá ổn định như năm ngoái để phục vụ khách hàng. Theo chị Thu, phần lớn sức mua hiện nay đến từ các khách hàng quen đặt hàng làm quà biếu tặng cho dịp Tết 2025.

Tại chợ Bình Tây (quận 6), không khí kinh doanh Tết cũng sôi động khi các tiểu thương liên tục nhập thêm hàng mới để phục vụ nhu cầu mua sắm. Năm nay, ngoài các loại mứt truyền thống như mứt dừa, mứt bí, hạt sen, còn xuất hiện nhiều loại mứt mới như ổi sấy, xoài sấy, thơm sấy, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Chị Bành Ân Ân, chủ cửa hàng bánh kẹo tại chợ Bình Tây cho biết, lượng khách bắt đầu tăng nhưng vẫn chưa bằng thời điểm trước dịch COVID-19. Tuy vậy, chị cho rằng tình hình hiện tại đã khả quan hơn bởi kinh tế vẫn còn khó khăn và người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Hầu hết, khách hàng mua mứt, kẹo Tết năm nay chủ yếu để trưng bày hoặc đãi khách trong dịp Tết 2025.

Theo ông Lê Minh Hiệp, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Bến Thành, các tiểu thương tại chợ đã chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2025. Dù mãi lực chợ đang tăng từng ngày nhưng hiện mới đạt khoảng 20%, thấp hơn mức 30% cùng thời điểm các năm trước. Ông Hiệp kỳ vọng những ngày tới, không khí mua sắm tại chợ sẽ sôi động hơn. Ban quản lý chợ cũng tích cực vận động tiểu thương tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố, đảm bảo giá cả hợp lý, nguồn gốc rõ ràng và an ninh trật tự, đặc biệt với các mặt hàng thực phẩm chế biến và tươi sống.

Ông Nguyễn Tấn Quang Vinh, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đứccho biết, lượng hàng về chợ đã tăng từ đầu tháng Chạp, đạt khoảng 3.300 tấn/ngày, tăng 800 tấn/ngày so với trước. Phần lớn là các loại trái cây trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp Tết. Đơn vị đang theo sát diễn biến để kịp thời điều chỉnh, dự kiến từ 23 tháng Chạp, chợ sẽ hoạt động 24/24h. Cao điểm từ ngày 25 đến 28 tháng Chạp, sản lượng có thể đạt 6.000 tấn/ngày, tuy nhiên vẫn thấp hơn trước đây do hàng hóa bị chia sẻ về các điểm kinh doanh tự phát và sức mua giảm khi công nhân về quê sớm.

Siêu thị tăng nguồn cung, giảm giá sâu

Ghi nhận tại các hệ thống bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh, sức mua tại các siêu thị đang tăng dần so với tháng trước, tập trung chủ yếu vào các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng... Theo đại diện một số siêu thị, thị trường đã bước vào giai đoạn cao điểm 4 tuần cận Tết, đây là thời điểm mua sắm sôi động nhất trong năm, khiến các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Satra cho biết, đơn vị đã chuẩn bị hơn 3.500 tấn hàng hóa để cung ứng cho thị trường Tết, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, không cho phép tồn trữ hay kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Để thu hút khách hàng, đơn vị còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như mua 1 tặng 1, giảm giá 50%, và tặng quà khi mua hàng.

Tương tự, tại hệ thống MM Mega Market, lượng cung hàng hóa dịp Tết ước tính tăng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước và 20 - 25% so với ngày thường, tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu. Đơn vị đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm đặc trưng Tết như thực phẩm tươi sống, bánh, kẹo, mứt, dưa món và đồ trang trí nhà cửa, với ưu tiên trưng bày tại các vị trí bắt mắt để phục vụ nhu cầu trang trí Tết và chuẩn bị mâm cỗ truyền thống của các gia đình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.opcho biết, đơn vị đang triển khai giảm giá trên 3.500 sản phẩm Tết với mức giảm từ 50% trở lên nhằm kích cầu mua sắm. Ngoài ra, Saigon Co.op còn mang đến trải nghiệm mới lạ cho khách hàng bằng loạt dịch vụ độc quyền và các sự kiện thực tế kết hợp không gian số, bao gồm 10 phiên livestream bán hàng Tết trên Fanpage Co.opmart trong khung giờ từ 11h30’ đến 14h30’.

Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp đã tích cực chuẩn bị nguồn cung hàng hóa chi phối thị trường theo đăng ký với UBND thành phố. Nhiều đơn vị cũng lên phương án giữ giá, tổ chức các điểm bán hàng bình ổn lưu động và triển khai chương trình khuyến mãi sâu từ 30 - 50% vào những ngày cận Tết, giúp người dân mua sắm với giá tốt nhất.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã hoàn tất làm việc với nhà sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu với sản lượng lớn. Trong đó, các mặt hàng bình ổn chiếm khoảng 40% nhu cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp còn tăng dự trữ hàng Tết từ 20 - 30% so với năm trước và cam kết giữ giá ổn định để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Hoàng Tuyết
.
.