Thị trường lao động ra nước ngoài rộng mở nhưng không có “việc nhẹ lương cao”

Thứ Sáu, 21/02/2025, 08:23

Hàng loạt thị trường có thu nhập tốt như Nhật Bản, Đức, Phần Lan, Úc… đang có các chương trình tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc. Có thể nói, bước sang năm 2025, cánh cửa cho người lao động ra nước ngoài làm việc ngày càng được mở rộng với nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước, để có thu nhập tốt, người lao động cũng phải đảm bảo trình độ nhất định.

Nhiều cơ hội việc làm thu nhập cao

Ít ngày qua, sau một thời gian đàm phán, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức thành công Lễ ký hợp đồng cung ứng để triển khai các chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao như CHLB Đức, Nhật Bản.

Đơn cử, Chương trình Hand in Hand for International Talents, được ký kết với DIHK Service GmbH CHLB Đức (thuộc Hiệp hội Các phòng Thương mại và Công nghiệp Đức). Khi ứng viên đạt yêu cầu sang làm việc tại CHLB Đức sẽ được bố trí việc làm theo trình độ tay nghề được xác định khi phỏng vấn tuyển dụng và nhận mức lương từ 2.000 Euro/tháng trở lên (khoảng hơn 54 triệu đồng), tùy theo vị trí làm việc và được hưởng lợi ích xã hội như người Đức.

Thị trường lao động ra nước ngoài rộng mở nhưng không có “việc nhẹ lương cao” -0
Cánh cửa cho người lao động ra nước ngoài làm việc rộng mở nhưng đòi hỏi phải có trình độ mới thu nhập tốt. Ảnh minh họa: CTV.

Chương trình đi làm việc tại CHLB Đức làm trợ lý điều dưỡng được ký kết với Công ty TNHH Vivantes (Diễn đàn cho người cao tuổi CHLB Đức), người lao động được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hưởng mức lương trước thuế hơn 3.000 Euro/tháng (khoảng hơn 80 triệu đồng).

Mức lương thấp hơn thì người lao động có thể tham gia chương trình đi thực tập kỹ năng nghề hộ lý tại Nhật Bản được ký kết với Hiệp hội phi lợi nhuận We are Asian Nhật Bản. Khi sang thực tập tại Nhật Bản, người lao động được bố trí làm việc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe có môi trường, trang thiết bị hiện đại. Mức lương (chưa bao gồm tiền làm thêm giờ, phụ cấp, thưởng) năm thứ nhất và thứ hai là 184.000 Yên/tháng (khoảng 30 triệu đồng), năm thứ ba là 194.000 Yên/tháng (khoảng 32 triệu đồng).

Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng cho hay, sau một thời gian đàm phán, xin ý kiến của các cơ quan chức năng, ngay từ những tuần đầu năm mới 2025, Trung tâm đã gấp rút hoàn tất các thủ tục và thống nhất với các đối tác để triển khai ký kết hợp đồng cung ứng.

“Đây là các chương trình phái cử lao động có tay nghề, thực hiện theo hình thức phi lợi nhuận, người lao động được hỗ trợ hầu hết các chi phí đào tạo, vé máy bay, thậm chí được đài thọ chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo tại Việt Nam. Việc Trung tâm ký kết các hợp đồng cung ứng nêu trên sẽ mở ra các cơ hội việc làm tốt, thu nhập hấp dẫn cho người lao động, đồng thời các chương trình mới này cũng đáp ứng định hướng của Trung tâm về việc nâng cao số lượng, chất lượng lao động đã được đào tạo nghề đi làm việc ở nước ngoài”, ông Đặng Huy Hồng cho biết.

Bên cạnh các chương trình lớn, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thêm nhiều quốc gia cũng đang có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam. Đơn cử, giữa tháng 1/2025, Việt Nam và Phần Lan đã ký Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ đi làm việc tại nước này. Tiếp theo, Việt Nam sẽ hướng đến ký Bản ghi nhớ với Ba Lan, Hy Lạp, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với CHLB Đức.

Thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng rất tiềm năng đối với lao động Việt Nam. Các cơ quan chức năng đang phối hợp triển khai nhiều giải pháp để thời gian tới được tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại UAE với số lượng càng nhiều càng tốt. Dự kiến trước mắt có thể đưa 10.000 lao động Việt Nam sang làm việc. Với lao động chất lượng cao thì thu nhập có thể lên đến 200.000 USD/năm/người.

Thị trường lao động ra nước ngoài rộng mở nhưng không có “việc nhẹ lương cao” -0
Điều dưỡng Việt Nam đang được CHLB Đức, Nhật Bản đánh giá cao và đẩy mạnh nhu cầu tiếp nhận.

Nhu cầu tuyển dụng sẽ rất sôi động

Theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng 450 doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian tới, số doanh nghiệp được cấp phép có thể lên con số 500 vì thị trường đang rộng mở. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự báo, năm 2025 hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc sẽ rất sôi động khi bên cạnh duy trì ổn định các thị trường truyền thống, nhiều thị trường tiếp nhận mới được mở rộng, các chương trình phái cử cũng được ký kết nhiều hơn.

Vì thế các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Đảm bảo tất cả người lao động đều được giáo dục định hướng theo quy định về phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của nước tiếp nhận lao động. Đặc biệt, tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhức nhối nhất hiện nay là nhiều doanh nghiệp không có giấy phép, không có chức năng phái cử lao động nhưng vẫn quảng cáo tuyển dụng, nhận hồ sơ, thậm chí nhận tiền của người lao động rồi không thực hiện hợp đồng mà chuyển cho các đơn vị khác. Từ đó khiến thị trường nhiễu loạn, ảnh hưởng an ninh trật tự và làm tăng mức chi phí cho người lao động khi lao động có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc.

Doanh nghiệp khi tuyển dụng cạnh tranh không lành mạnh thông tin về công việc, về lương không chính xác làm người lao động ảo tưởng thu nhập cao. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, người lao động có ý định, nhu cầu ra nước ngoài làm việc cần tìm hiểu rõ thông tin. Sẽ không có công việc giản đơn, đào tạo ngắn, không có ngoại ngữ lại được hưởng lương cao khi ra nước ngoài làm việc.

Thị trường có nhiều điểm sáng, nhưng cũng có không ít yêu cầu khó khăn đối với người lao động. Đơn cử như việc, để tham gia được các chương trình sang CHLB Đức làm việc mà Trung tâm Lao động ngoài nước vừa ký kết, người lao động phải đạt trình độ tiếng Đức B1 và được đào tạo bài bản. Với chương trình hộ lý, yêu cầu tiếng Đức phải đạt mức B2. Còn với chương trình hộ lý Nhật Bản, người lao động phải đạt trình độ N4 tiếng Nhật và có bằng cấp về hộ lý.

“Nhiều chương trình đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là các nước châu Âu như Đức, Áo… đều yêu cầu trình độ ngoại ngữ B1, B2 khung châu Âu. Nhật Bản cũng yêu cầu người lao động phải đạt trình độ tiếng Nhật nhất định... Đa số lao động hiện đi làm việc ở nước ngoài vẫn chủ yếu bị giới hạn trong các công việc phổ thông, có mức thu nhập chưa cao. Do đó, người lao động phải hiểu rõ đi ra nước ngoài làm những công việc giản đơn thì không thể có mức lương cao, để tránh bị lừa đảo”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cảnh báo.

Phan Hoạt
.
.