Tăng trưởng xanh và bền vững là điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh

Thứ Tư, 04/12/2024, 12:35

Sáng 4/12, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là một xu hướng tất yếu mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của các nền kinh tế. Việt Nam, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam, không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi này đòi hỏi một chiến lược đồng bộ, bao gồm từ định hướng của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, sự chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh và tinh thần hợp tác đồng hành của các bên liên quan.

Tăng trưởng xanh và bền vững điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh -0
Diễn giả đang trao đổi, trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp tại diễn đàn.

Đánh giá cao những sáng kiến và thành tựu đã đạt được của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, Phó Trưởng ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam Andri Meier cho biết, Thụy Sĩ ưu tiên tính bền vững trong các chính sách thương mại và kinh tế của mình, cũng như các chương trình hợp tác quốc tế và cam kết hỗ trợ Việt Nam trong hành trình hướng tới một nền kinh tế có thu nhập cao, phục hồi và đạt được các mục tiêu đầy tham vọng là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong đó, Chiến lược hợp tác phát triển quốc gia sắp tới giữa Thụy Sĩ và Việt Nam trong giai đoạn 2025-2028 sẽ tập trung vào việc thúc đẩy thương mại và đổi mới bền vững, thúc đẩy tài chính công và tư nhân bền vững, đồng thời tăng cường phát triển công nghiệp và đô thị thông minh về khí hậu.

Tại diễn đàn, các diễn giả và doanh nghiệp đã thảo luận và trao đổi về các yêu cầu trong Thoả thuận xanh châu Âu mà doanh nghiệp xuất khẩu phải nắm bắt và thực hiện chuyển đổi. Các giải pháp và phương thức hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, cải thiện chuỗi cung ứng theo tiêu chí xanh và bền vững.

 Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, với những doanh nghiệp xuất khẩu sang EU cần phải tuân thủ và chủ động đầu tư cho chuyển đổi xanh, và đây là khoản đầu tư lớn trong ngắn hạn nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài trong dài hạn cho doanh nghiệp trong phát triển bền vững. Doanh nghiệp khi thực hiện cũng cần có chiến lược thực thi trong quá trình xuất khẩu xanh bền vững.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, theo danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo cập nhật của Chính phủ mới đây, có 2.166 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính vào tháng 3/2025 và xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp ở các lĩnh vực đã sẵn sàng... Trong khi đó, từ ngày 1/1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản thì phải chứng minh được hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau 31/12/2024. Ngoài ra, còn các vấn đề như xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa, ảnh hưởng doanh nghiệp sản xuất. Nếu doanh nghiệp không chuẩn bị thì bị loại khỏi cuộc chơi.

Theo TS. Thọ, những yêu cầu về tiêu chuẩn xanh là bắt buộc và doanh nghiệp phải tuân thủ khi tham gia vào thị trường, nhất là thị trường EU. Trong thời gian tới, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu về những yêu cầu, quy định của EU. Bên cạnh đó, cũng cần ưu tiên huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh. Đặc biệt, tăng cường năng lực, nâng cao khả năng về hấp thụ tài chính xanh, sử dụng các công nghệ xanh để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng sang nền kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, tài chính xanh ở Việt Nam trong thời gian qua còn khiêm tốn, do đó, để thúc đẩy nguồn tài chính xanh thì trước hết là sự chủ động của doanh nghiệp trong việc xây dựng lộ trình sản xuất kinh doanh xanh. Có chuyển đổi xanh được thì mới xanh hóa được nguồn vay xanh, tài chính xanh từ trong nước và quốc tế. 

Lưu Hiệp
.
.