Nông dân lo lắng vì dưa hấu rớt giá, tằm không nhả kén
Những ngày sau Tết Nguyên đán 2025, nông dân trồng dưa hấu ở huyện Ia Pa, của tỉnh Gia Lai đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, thời điểm này, nông dân nơi đây như đang ngồi trên đống lửa vì giá dưa hấu giảm mạnh, nhiều diện tích đã thu hoạch xong nhưng chẳng có thương lái nào đến mua.
Dưa hấu rớt giá
Trong căn chòi tạm bợ nằm giữa cánh đồng, ông Trần Văn Bình (SN 1973, trú tại tỉnh Bình Định) đưa đôi mắt thẫn thờ nhìn những luống dưa trên mảnh đất hơn 6ha đang vào vụ thu hoạch nhưng không có người đến mua với vẻ đăm chiêu, lo lắng.
Theo lời ông Bình, gần 10 năm qua chưa có năm nào ông lại lâm vào cảnh thất bại nặng nề như năm nay. “Những năm trước, mỗi ha cho năng suất trung bình từ 35-40 tấn/ha. Nhưng năm nay do ảnh hưởng của đợt rét kéo dài khiến ruộng dưa phát triển chậm, quả nhỏ nên năng suất chỉ đạt 20-25 tấn/ha. Cộng với giá thu mua giảm sâu khiến chúng tôi đang thua lỗ nặng”, ông Bình buồn bã nói.
![Nông dân lo lắng vì dưa hấu rớt giá, tằm không nhả kén -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/02/14/22_dua_01-1739495130304.jpg)
Theo lời ông Bình, trước Tết Nguyên đán 2025, giá dưa được các thương lái thu mua tại ruộng ở mức 8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau Tết, giá đã giảm mạnh và hiện nay chỉ còn từ 3.000-4.000 đồng/kg.
Anh Ksor Út vốn là người dân địa phương quanh năm chỉ quen với việc trồng cây mì. Thấy người dân từ nơi khác đến thuê đất trồng dưa hấu cho thu nhập khá nên anh cũng quyết định học hỏi kinh nghiệm, tận dụng đất sẵn có để trồng. “Vài năm trước, khi dưa hấu được mùa, được giá thì mỗi vụ gia đình mình có lãi cả trăm triệu. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết bất lợi, giá dưa xuống thấp nên hơn 2ha đất canh tác giờ cho thu hoạch may ra chỉ hòa vốn”, anh Ksor Út chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ, hơn 6ha dưa của gia đình anh Lê Văn Hoàng (SN 1985) cũng không có thương lái nào đến mua. “Năm nay dưa nhỏ, ruột nhạt, thương lái chê, ép giá xuống tận đáy. Năm nay quả thật trắng tay”, anh Hoàng than thở.
Anh Hoàng cho biết thêm: “Vụ dưa năm ngoái tôi trồng 2ha, năng suất đạt gần 40 tấn/ha, với giá dưa 6.000 đồng/kg, thu lãi hơn 50 triệu đồng/ha. Do đó, trước Tết tôi quyết định vay thêm vốn để trồng 6ha dưa trên cánh đồng Ia Sao nhưng không ngờ năm nay lại thất bại thảm hại. Với 6ha dưa chỉ bán được hơn 300 triệu đồng, tính vào tiền thuê đất, công chăm sóc… thì vụ này gia đình thua lỗ hơn 600 triệu đồng”, anh Hoàng buồn bã nói.
Ông Lê Hoài Nam, một thương lái thu mua dưa tại huyện Ia Pa, Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, dưa hấu ế ẩm là do sức mua giảm mạnh sau Tết. Năm nay thời tiết bất lợi khiến quả dưa nhỏ, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên chỉ có thể tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong nước, thương lái đều thu mua cầm chừng. Mặc dù trước Tết đã đặt cọc tiền cho các chủ vựa dưa nhưng do tình hình thị trường không thuận lợi, nhiều thương lái phải đàm phán lại giá cả. Nếu không thỏa thuận được, họ buộc phải bỏ cọc.
Một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Pa cho biết, năm nay, vụ dưa trên địa bàn huyện có khoảng 1.000ha do người dân trồng sớm nên đang vào đợt thu hoạch rộ, năng suất bình quân 15-20 tấn/ha, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Giá dưa hấu sau Tết giảm mạnh, chỉ còn từ 2.000-4.000 đồng/kg nên người nông dân bị thua lỗ nặng.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, vụ Đông Xuân 2024-2025, khu vực Đông Nam tỉnh có khoảng 1.500ha dưa hấu và hiện dưa đang bước vào mùa thu hoạch.
“Việc người dân không thực hiện theo khuyến cáo, tự ý trồng ồ ạt nên khó tránh khỏi bị ảnh hưởng, thua lỗ. Việc trồng dưa hấu cũng như một số loại nông sản khác cần có sự khảo sát sự đồng bộ giữa các vùng miền trong nước và cả ở nước ngoài. Mặt khác, cần có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, ký kết bao tiêu đầu ra mới đảm bảo ổn định giá, tránh thua lỗ”, ông Có chia sẻ.
Tằm không nhả kén, hàng nghìn nông dân lo lắng
Giá kén tằm đang neo ở mức rất cao tới 200.000 đồng/kg nhưng gia đình ông Phạm Ngọc Hiếu (thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) không mấy mặn mà. Nhiều tháng qua, tâm trí nông dân này đặt tất cả vào trại tằm, tìm cách lý giải vì sao 3 lứa liên tục, tằm của gia đình ông Hiếu không kéo kén, hoặc kéo kén nhưng sản lượng không đáng kể và chất lượng rất thấp, bán chỉ bằng 10% giá thị trường. Tìm hiểu suốt 4 tháng ròng rã nhưng tới nay nông dân có 16 năm kinh nghiệm nuôi tằm này vẫn không có được câu trả lời chính xác. Tất cả chỉ là nghi ngờ do chất lượng nguồn giống không đảm bảo.
Ông Hiếu cho biết, mỗi lứa tằm gia đình ông nuôi 4 hộp, trung bình sản lượng kén đạt từ 50 - 60kg/hộp. Tuy nhiên, ba lứa liên tiếp gần đây gia đình ông chỉ thu được 6 tới 8kg kén, có hộp mất trắng. “Nếu tính ra gia đình tôithất thu gần 100 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên sau hơn 16 năm nuôi tằm tôi mới gặp tình trạng này!..”, ông Hiếu cho biết.
Điều bất thường bắt đầu xuất hiện trên đàn tằm thường nằm ở giai đoạn tằm chín. Khi chủ chuyển lên né để kéo kén, tằm chuyển sang yếu, không nhả được kén, nhiều trường hợp phải đổ bỏ. Có những lứa thì kén bị vàng, sợi tơ mỏng rất dễ đứt nên bán chỉ được khoảng 20.000 đồng/kg!... Tình trạng này xuất hiện trên con tằm tại hầu hết các hộ ở xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng. Tằm to, đều, đẹp nhưng khi cho lên né lại không chịu kéo kén.
![Nông dân lo lắng vì dưa hấu rớt giá, tằm không nhả kén -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/02/14/22_dua_02-1739495235046.jpg)
Ông Phan Tùng, thành viên tổ Khuyến nông xã Bình Thạnh, cũng là người có kinh nghiệm nuôi tằm nhiều năm cho biết, khả năng tằm bệnh là do nguồn giống, ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật do người dân phuncho rau màu gần vườn dâu... Có hộ lại cho rằng, cuối năm thời tiết lạnh, vì thế họ đã vây ấm nhà tằm, thắp đèn hoặc đốt lửa nhưng kết quả vẫn không khả quan hơn.
Ông Đoàn Thế Định, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng cho biết, địa phương có khoảng 300ha dâu với 50% dân số làm nghề nuôi tằm lấy kén. Tình trạng tằm không kéo kén xuất hiện từ tháng 9/2024, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và tình hình sản xuất, thu nhập của bà con.
“Nông dân Bình Thạnh là những người có kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm từ hơn 30 năm trước, sản lượng kén tằm luôn rất đạt. Khi xuất hiện tình trạng như trên, nhiều người cho rằng nguyên nhân có thể đến từ chất lượng con giống. Bởi từ khi nhập về tằm 3, 4 ngày tuổi vẫn ăn khỏe, con tằm to mập. Chỉ đến khi kéo kén mới xuất hiện các vấn đề!..”, ông Định cho biết.
Theo Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng, đơn vị đã ghi nhận phản ánh của người dân về tình trạng tằm không nhả kén trên địa bàn, đặc biệt là ở các xã Bình Thạnh, N’Thôn Hạ và Liên Hiệp. Cơ quan chuyên môn phán đoán, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên nhiều khả năng do chất lượng nguồn giống nhưng chưa có cơ sở để kết luận chính xác. Trung tâm này cũng đã tập huấn cho người dân, đồng thời khuyến cáo một số biện pháp phòng trừ bệnh trên tằm, trong đó lưu ý chỉ lấy giống tằm tại các cơ sở uy tín được cấp chứng nhận cơ sở nuôi tằm con đạt tiêu chuẩn. Trước mỗi lứa nuôi mới người dân cần vệ sinh sát trùng toàn bộ nhà tằm và các dụng cụ nuôi tằm, giữ nhà tằm thoáng mát, thức ăn cho tằm phải đảm bảo sạch sẽ…
Hiện nay, huyện Đức Trọng có hơn 1.600ha dâu với hàng ngàn hộ dân nuôi tằm. Phần người dân nhập giống từ các cơ sở phân phối trứng tằm, tằm con loại 2 tại huyện Lâm Hà. Khi gặp tình trạng trên, nhiều người đã liên hệ các cơ sở bán giống tằm nhưng không thể giải quyết bởi chính các cơ sở cũng nhập trứng tằm theo dạng trôi nổi, không có cam kết đảm bảo chất lượng cho người dân.
Hiện nay, nguồn giống tằm nhập vào Lâm Đồng gần như hoàn toàn theo đường “tiểu ngạch”, không có công bố chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của đơn vị cung cấp khi xảy ra sự cố. Tại huyện Bảo Lâm, cuối năm 2024 tới nay người nuôi tằm tại xã Lộc Tân, Lộc Lâm... cũng đang lâm vào cảnh tương tự. Tới ngày chuẩn bị lên kén, tằm có dấu hiệu bị bủng, còi và chết dần. Trung bình một hộp giống tằm đạt từ 50 tới 60kg kén thì nay chỉ thu được khoảng 50%.
Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có trên 10.000ha dâu nuôi tằm, sản lượng hằng năm đạt khoảng 16.000 tấn, sản lượng tơ trên 2.000 tấn/năm. Mỗi năm, địa phương cần 350.000 - 400.000 hộp trứng tằm lưỡng hệ phục vụ sản xuất, trở thành tỉnh trọng điểm về trồng dâu nuôi tằm của cả nước, chiếm tới 80% diện tích. Tuy vậy, gần như toàn bộ giống tằm được thương nhân nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đường “tiểu ngạch”, không qua khâu kiểm dịch và chất lượng trứng giống tằm không ổn định.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề nghị các bộ, ngành sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, làm việc với phía cơ quan chuyên môn của Trung Quốc để các doanh nghiệp Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch trứng tằm nhằm nâng cao chất lượng nguồn giống, gắn liền với trách nhiệm của nhà cung cấp.