Nguồn cung gạo dồi dào, người dân không nên tích trữ hàng hóa quá mức

Thứ Ba, 10/09/2024, 15:48

Từ trưa 10/9, nhiều người dân Hà Nội lại đổ vào các siêu thị, các chợ để mua lương thực, thực phẩm tích trữ, do dự báo Hà Nội có thể úng ngập.

Lo ngại Hà Nội úng ngập, người dân đổ xô đi mua gạo để dự trữ những ngày mưa lũ. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo CAND tại một số khu vực ở Hà Nội thì nhiều đại lý gạo cho biết, nguồn cung gạo dồi dào, giá cả ổn định nên người dân không lo thiếu gạo.

Chị Trần Thị Thực, chủ cửa hàng gạo Hùng - Thực ở Phú Lương (Hà Đông) cho biết, sáng nay lượng khách mua buôn gọi lấy hàng nhiều hơn, nhưng lượng tăng không đáng kể. Còn lượng khách lẻ mua ăn thì vẫn bình thường, giá gạo giữ ổn định. “ Khách gọi là có gạo, nguồn cung luôn sẵn và dồi dào. Vừa rồi do ảnh hưởng mưa bão, vận chuyển khó khăn, gạo nhập vào có lên vài giá nhưng cửa hàng vẫn bán giá như cũ không thay đổi. Như gạo Bắc Hương 20.000đồng/kg; gạo Thái loại 19.000 - 20.000đồng/kg; gạo Khang dân 17.000đồng/kg. Khu vực Hà Đông, gạo Bắc Hương và gạo Khang dân tiêu thụ tốt hơn…”, chị Thực cho hay.

Nguồn cung gạo dồi dào, người dân không lo thiếu gạo -0
Các tiểu thương đã chuẩn bị nguồn cung gạo dồi dào.

Anh Định bán gạo ở Mậu Lương (Hà Đông) cũng cho biết, trong ngày 10/9, người đi mua gạo, khách mua buôn gạo cũng gọi chở gạo tăng hơn so với ngày thường. Người đi mua lẻ tăng hơn và mua nhiều hơn 1 chút, giá vẫn giữ như cũ và gạo lúc nào cũng đầy đủ, thoải mái. 

Theo bà Vân, cửa hàng gạo Vân Phong ở chợ gạo Nguyễn Thiếp - Ngã tư Bốt Hàng Đậu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sợ mưa lũ, người dân sáng nay gọi gạo nhiều hơn, bình thường người dân mua 5kg, thì hôm nay mua 10kg; người mua 10kg thì mua 20kg.

Nguồn cung gạo dồi dào, người dân không lo thiếu gạo -0
Người dân không lo thiếu gạo.

Về mặt hàng rau xanh, trong ngày 10/9, do ảnh hưởng của mưa, bão, giá rau xanh tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội đã tăng. 

Tại các siêu thị, giá rau củ vẫn tương đổi ổn định nhưng trên kệ chỉ còn vài loại rau bắp cải, xà lách. Do lo ngại tình trạng rau xanh, thực phẩm sẽ cháy hàng và giá cao trong thời gian tới, nhiều người dân đã có xu hướng mua rau dự trữ. Các loại thực phẩm như thịt, cá thì vẫn giữ mức giá ổn định.

Nguồn cung gạo dồi dào, người dân không lo thiếu gạo -0
Nhiều loại rau xanh được bày bán nhưng giá một số rau ăn lá tăng gấp đôi ngày thường.

Tại chợ Xốm, Văn Nội (Hà Đông), giá rau xanh một số loại đã tăng gấp đôi sau bão, như rau ngót, mùng tơi 15.000-20.000đồng/mớ; bí xanh tăng 3.000 -5000 đồng/kg lên mức 30.000 đồng/kg; cà chua 45.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, rau xanh có lá bị ảnh hưởng của bão và ngập nên hư hỏng nặng. Rau củ quả cũng khan hàng hơn khi mà hàng nhập từ Trung Quốc bị ảnh hưởng do mưa lớn. Tại chợ Ngọc Hà, giá rau xanh cũng tăng gấp đôi so với trước bão, người bán hàng lo ngại vài ngày tới có thể sẽ khan hàng.

Theo ghi nhận tại một số hệ thống siêu thị cho thấy, người dân đổ dồn về siêu thị mua mì tôm, sữa... để tích trữ. Lượng khách hàng mua gạo cũng tăng. Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, ngày hôm nay 10/9, lượng khách đến siêu thị mua sắm tương đối đông, chủ yếu mua hàng thực phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm và hàng đi từ thiện. Mặt hàng gạo thì sức mua tăng hơn, lượng hàng dồi dào, giá bình ổn người, đủ cung ứng nhu cầu của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart cũng cho biết, hệ thống siêu thị BRGMart ghi nhận nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng mạnh khoảng 70-80% so với ngày thường, ở các mặt hàng thực phẩm ăn liền (bánh, xúc xích, sữa, đồ hộp, thịt nguội, các loại mì ăn liền, mì khô, phở, miến, bánh đa; các loại nước tinh khiết, nước khoáng) do nhu cầu tích trữ hàng hóa và hoạt động từ thiện hỗ trợ đồng bào đang bị ảnh hưởng bão số 3 và lũ lụt. Với các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu, nước mắm và thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt, cá; các loại giấy ăn, giấy vệ sinh người dân cũng mua tăng khoảng 30-35%, nhưng siêu thị không thiếu hàng.

Nguồn cung gạo dồi dào, người dân không lo thiếu gạo -1
Hàng hóa vẫn đang được cung ứng đầy đủ.

Theo bà Hiền, mặt hàng rau xanh, do ảnh hưởng bởi bão nên mặt hàng rau ăn lá sẽ hạn chế, nhưng sản phẩm rau muống vẫn đảm bảo đầy đủ 100%, các sản phẩm rau cải, rau ăn lá khác vẫn có nhưng ít hơn. Mặt hàng thịt heo và thịt gà cũng tăng khoảng 30%, có bổ sung nhiều sản phẩm heo mảnh, gà nguyên con, hiện tại hàng hóa đầy đủ. Về giá cả hàng hóa không có sự biến động, giá cả bình ổn theo chính sách chung của toàn hệ thống. Đặc biệt, tại BRGMart Hải Dương, lượng khách hàng đến mua sắm tăng đột biến, khách mua hàng chật kín siêu thị. Tuy nhiên, hàng hoá vẫn đang được cung ứng đầy đủ.

Đại diện Tập đoàn Masan và Siêu thị MM Mega Market cho biết đã ưu tiên vận chuyển rau củ quả từ miền Nam ra miền Bắc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Nguồn cung hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá thiết yếu tại các địa phương này đảm bảo ổn định, không tăng giá.

Nguồn cung gạo dồi dào, người dân không lo thiếu gạo -0
Tại BRGMart Hải Dương, lượng khách hàng đến mua sắm tăng đột biến.

Ưu tiên lương thực cho bà con vùng bão lũ

Trao đổi nhanh với báo chí sáng 10/9 về kế hoạch đảm bảo phân phối hàng hoá cho các tỉnh, thành đang bị ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 3, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương thông tin, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã khẩn trương nắm bắt tình hình, triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc. Do đó đã có sự chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân. Người dân đã chủ động mua sắm, dự trữ hàng hóa trước khi bão số 3 đổ bộ.

Ngay trong ngày 7/9, Bộ Công Thương đã có Công văn số 6813/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương tại 35 tỉnh/thành phố để chuẩn bị, điều phối hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng nhằm kịp thời cung ứng, đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cần thiết, sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân.

“Qua báo cáo tình hình từ các Sở Công Thương, đến 9h00 sáng 10/9, nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, trừ một số loại rau xanh có tăng giá nhẹ do khó bảo quản”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

Cụ thể tại tỉnh Thái Nguyên, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân đang được chủ động cung ứng tại chợ hạng 1, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị Go, Lan Chi, Winmart, Minh Cầu, Aloha. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn trên địa bàn chủ động có kế hoạch nhập hàng từ trước vào các kho, bể chứa, đảm bảo cung ứng xăng dầu, gas cho sản xuất và sinh hoạt.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, theo ghi nhận từ Sở Công Thương, mặt hàng nhu yếu phẩm có nhu cầu lớn chủ yếu là mì tôm, nước lọc phục vụ cho các vùng ngập lụt, chia cắt, các hộ gia đình phải di chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên, lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh tình hình thời tiết còn tiềm ẩn diễn biến bất thường, Bộ Công Thương vẫn liên tục giữ liên lạc và chỉ đạo các địa phương bằng mọi cách không để đứt gãy nguồn cung hàng hoá thiết yếu. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình của các địa phương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 9/9/2024 về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để có chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng điều tiết và vận chuyển hàng hóa, trong đó có mặt hàng xăng dầu phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Trân Trân
.
.