Người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và địa chỉ rõ ràng

Chủ Nhật, 17/11/2024, 08:59

Nhiều người dân cho rằng, trong khi hàng nông sản của nước ta bị các nước kiểm tra nghiêm ngặt về đủ loại thì ngược lại, hàng nhập của họ thì không kiểm tra kỹ. Người dân tiêu dùng trong nước hầu như không biết thông tin gì về các sản phẩm ngoại nhập.

Thử nghiệm gần đây do Thai PAN (một tổ chức tư nhân chuyên bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hóa chất nguy hiểm có trong thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp) thực hiện cho thấy nho sữa xanh không hạt Shine Muscat nhập khẩu từ Trung Quốc vào Thái Lan bị phát hiện có chứa dư lượng hóa chất nguy hiểm cao quá mức cho phép.

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đợi kết quả phân tích và cảnh báo chính thức từ Thái Lan rồi sẽ xem xét và áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với các lô hàng nho nhập khẩu từ Trung Quốc.

Người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và địa chỉ rõ ràng -0

Việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng trái cây nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ. Mặt hàng nho đang được kiểm tra theo hình thức thông thường là kiểm tra hồ sơ và kiểm tra giám sát của cơ quan chuyên ngành (Cục Bảo vệ thực vật). Điều này càng làm người dân lo ngại.

Tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), trái cây được ghi rõ xuất xứ... Nho xanh Shine Muscat xuất xứ Trung Quốc bày bán không nhiều, giá 89.000 đồng/kg. Tại siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh (quận 1), khu vực kệ bày bán nho mẫu đơn Hàn Quốc cũng có tên là Shine Muscat, giá bán 429.000 đồng/kg. Người mua nho cho biết, họ thích ăn thì mua chứ không biết chất lượng như thế nào. Lâu lâu mới ăn nên cũng không chú nhiều đến xuất xứ và mua trong siêu thị thì yên tâm hơn.

Tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền cho biết, rau, củ và trái cây của Trung Quốc mẫu mã đẹp, để được lâu nên dễ bán. Một người đàn ông người Trung Quốc khoảng gần 50 tuổi đi cùng với hai người nữa cho biết, lượng tiêu thụ trái cây như hồng, nho, táo… tại chợ này rất lớn, muốn đưa thêm hàng từ Trung Quốc sang đây bán nhưng khu vực để container hết chỗ cho thuê.

Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng kế hoạch về tổ chức triển khai, thực hiện "Chiến lược truyền thông" định hướng đến năm 2030. Sở thường xuyên phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người dân, cách nhận biết và chọn lựa rau, củ, quả an toàn. Sở cũng xây kế hoạch về việc lấy mẫu giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm năm 2024; trong đó có tổ chức lấy mẫu rau, củ, quả lưu và kiểm tra chất lượng các chỉ tiêu kiểm nghiệm theo quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Sở An toàn thực phẩm thực hiện thường xuyên, liên tục đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có các sản phẩm rau, củ quả, trái cây.

Riêng tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn của thành phố (Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền), Sở An toàn thực phẩm bố trí Đội Quản lý an toàn thực phẩm phối hợp với Ban Quản lý chợ thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhập chợ. Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo, vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm để xử lý nghiêm.

Nguyễn Cảnh
.
.