Ngành dừa Bến Tre: Vượt rào cản, tìm lối đi xanh
Với diện tích gần 80.000 ha, từ lâu, Bến Tre được xem là cái nôi, là “thủ phủ” của ngành dừa Việt Nam. Nơi đây, cây dừa không chỉ làm nên thương hiệu vùng đất, là biểu tượng văn hóa với “Dáng đứng Bến Tre” hiên ngang, vững chãi trong mưa bom, bão đạn một thời mà còn đóng vai trò trụ cột trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương.
Nhưng để cây dừa vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, ngành dừa Bến Tre cần một bước chuyển mình – bền vững, hiện đại và “xanh” hơn bao giờ hết.
Nhiều lợi thế, lắm rào cản
Cây dừa ở Bến Tre có mặt khắp trên 3 dãy cù lao, từ cù lao Bảo, qua cù lao Minh và cù lao An Hóa. Trên tổng gần 80.000 ha – chiếm gần một nửa diện tích dừa cả nước – cây dừa không chỉ đem lại sinh kế cho hơn 170.000 hộ dân mà còn hình thành nên hệ sinh thái sản phẩm dừa đa dạng bậc nhất cả nước.

Từ thực phẩm (kẹo dừa, nước dừa đóng hộp, cơm dừa sấy khô), đến mỹ phẩm (dầu dừa, xà phòng), hay cả công nghiệp phụ trợ (chỉ xơ dừa, than hoạt tính)… ngành dừa đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 500 triệu USD/năm.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cho biết, không dừng lại ở giá trị kinh tế, diện tích dừa còn có khả năng hấp thụ hàng triệu tấn CO₂ mỗi năm, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu – một giá trị đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Dù tiềm năng lớn, nhưng ngành dừa Bến Tre đang đứng trước nhiều thách thức nội tại. Theo ThS Nguyễn Võ Nhất Duy, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bến Tre, thách thức đầu tiên và dễ nhận ra nhất chính là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết khiến vùng nguyên liệu khó kiểm soát chất lượng, khó đạt chuẩn VietGAP, GlobalG.A.P. hay Organic. Khâu chế biến chủ yếu là sơ chế, công nghệ lạc hậu, tỷ lệ sản phẩm tinh chế thấp. Thị trường quốc tế ngày càng siết chặt tiêu chuẩn về môi trường, truy xuất nguồn gốc, trong khi phần lớn doanh nghiệp dừa ở tỉnh còn yếu về năng lực tiếp cận.
Liên tiếp nhiều năm qua, biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, xâm nhập mặn kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái dừa. Nguồn nhân lực trẻ ngại gắn bó với nông nghiệp, thiếu đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ chế biến và đổi mới sáng tạo.
“Những yếu tố trên không chỉ làm suy yếu chuỗi giá trị, mà còn khiến ngành dừa có nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu không sớm có hướng đi mới”, ThS Nguyễn Võ Nhất Duy, khẳng định.
Gỡ nút thắt ngành dừa: “Xanh hóa” và tăng giá trị
Trên thế giới, nông nghiệp không còn chỉ là chuyện của sản lượng. Các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản... đều đang đặt ra những yêu cầu mới về phát thải carbon, dấu vết môi trường, tiêu chuẩn lao động. Người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, sản xuất sạch, bao bì thân thiện với môi trường.
Với ngành dừa, điều đó đồng nghĩa: không còn là thời của dừa khô, cơm nạo sấy thô. Thay vào đó, sản phẩm có giá trị gia tăng cao như dầu dừa tinh khiết, nước dừa hữu cơ, axit lauric chiết xuất, mỹ phẩm thiên nhiên… mới là mũi nhọn xuất khẩu. Đây chính là "lối đi xanh" cần được khơi thông.
Thực tế, dừa Bến Tre có lợi thế lớn để chuyển đổi: vùng nguyên liệu rộng, ít dùng hóa chất, dễ đạt chứng nhận hữu cơ; phụ phẩm từ dừa nhiều, có thể tận dụng làm phân bón, nhiên liệu sinh học, sản phẩm tái chế... Hướng đi tuần hoàn – xanh – công nghệ cao là xu thế tất yếu. ThS. Nguyễn Võ Nhất Duy cho rằng, muốn đưa ngành dừa Bến Tre trở thành hình mẫu nông nghiệp xanh, hiện đại, nhiều giải pháp đồng bộ cần được triển khai.
Trước tiên là mạnh dạn ứng dụng công nghệ và đổi mới quy trình. Cần đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống dừa chịu mặn tốt, năng suất cao. Áp dụng công nghệ chế biến hiện đại như enzyme, sấy lạnh, chiết xuất hoạt chất. Thiết lập hệ thống truy xuất điện tử vùng trồng, nâng cấp logistics ngành nông nghiệp, đầu tư vào kho lạnh, trung tâm kiểm nghiệm chất lượng.

Tiếp theo, cần khẩn trương hình thành, củng cố chuỗi liên kết bền vững. Tập trung phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, doanh nghiệp làm đầu mối thu mua – chế biến – tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” về thể chế, tín dụng xanh, quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung. Phát triển thị trường tín chỉ carbon, kinh tế tuần hoàn từ phụ phẩm là bước đi chiến lược.
Xây dựng thương hiệu “Dừa Xanh Bến Tre” gắn với chỉ dẫn địa lý và tiêu chuẩn môi trường. Tăng cường xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tham gia các hội chợ thực phẩm xanh toàn cầu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do.
Thực tế nông dân trồng dừa của Bến Tre lâu nay vẫn nặng theo lối chuyển giao truyền thống qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Trong xu hướng phát triển như hiện nay, “thủ phủ” dừa của Việt Nam rất cần một thế hệ nông dân mới: am hiểu kỹ thuật, có tư duy kinh doanh, làm chủ công nghệ. Để được điều này, cần sớm đưa chương trình đào tạo ngành dừa vào các trường nghề, đại học. Khuyến khích khởi nghiệp nông nghiệp, thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo ngành dừa – nơi thử nghiệm mô hình mới, ươm mầm startup công nghệ nông nghiệp.
Ngành dừa đã, đang và sẽ tiếp tục giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Bến Tre (sau này là tỉnh Vĩnh Long mới), không chỉ về mặt sản lượng, kim ngạch xuất khẩu mà còn về ý nghĩa sinh kế, văn hóa và tiềm năng đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với lợi thế là địa phương có diện tích dừa lớn nhất cả nước, hệ sinh thái sản phẩm dừa đa dạng, cùng với kinh nghiệm canh tác lâu đời, ngành dừa Bến Tre có đủ điều kiện để trở thành hình mẫu nông nghiệp bản địa – hiện đại – sinh thái; địa phương hoàn toàn có cơ sở để định vị ngành dừa như một ngành hàng chủ lực gắn với chiến lược kinh tế tuần hoàn, xanh hóa chuỗi giá trị và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Võ Nhất Duy, con đường này đòi hỏi sự bền bỉ, sáng tạo và quyết liệt từ nhiều phía: nông dân phải sẵn sàng thay đổi tập quán canh tác; doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới; chính quyền kiến tạo môi trường thuận lợi về hạ tầng, chính sách và tài chính. Nếu làm được, cây dừa sẽ không chỉ là biểu tượng quê hương, mà còn là niềm tự hào quốc gia – một minh chứng sống động cho khả năng “xanh hóa” nông nghiệp Việt Nam trong thời đại hội nhập.