Kỳ vọng sức mua bật tăng vào cận Tết
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tại các chợ truyền thống, siêu thị, hàng hoá dồi dào, phong phú song khách hàng thưa vắng. Theo các tiểu thương, thường mọi năm tầm này bắt đầu nhộn nhịp mua bán nhưng năm nay người dân vẫn trong tình cảnh thắt chặt chi tiêu và kỳ vọng vào tuần cận Tết sức mua sẽ bật tăng.
Giá cả ổn định
Bà Phi Thị Bẩy (bán đồ khô chợ Long Biên) cho biết, gần Tết mà khách đến chợ rất vắng, thi thoảng mới có khách tới chợ nhưng đa phần không mua nhiều, chỉ mua số lượng ít. Bán rất chậm. Những năm trước khách lấy đổ buôn trước cả tháng, họ sợ gần Tết giá tăng, song năm nay các đầu mối đều nhập rất ít, họ không dám nhập về bán, lo ế hàng. Đồ măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ, đậu xanh, gạo nếp giá cả năm nay cũng giữ ổn định.
“Gần Tết mà vẫn trong tình cảnh người bán ngóng người mua. Người dân đi chợ mua số lượng nhỏ”, chị Trần Thị Thanh (bán đồ khô ở Hà Đông) cho hay. Theo chị Thanh, giá các mặt hàng khô Tết như măng khô giá 350.000-400.000 đồng/kg; miến 110.000 đồng/kg; mộc nhĩ 200-250.000 đồng/kg; nấm hương 300.000-350.000 đồng/kg tuỳ loại.
Chị Thu Linh (tiểu thương chợ Mỹ Đình) cho biết, gần tới ngày 23 ông Công, ông Táo người dân đã bắt đầu mua sắm đồ khô và hàng mã, nhưng hàng hoá vẫn bán chậm hơn các năm trước. Lý giải về sức mua chậm, nhiều tiểu thương cho rằng, năm nay kinh tế vẫn chưa hết khó khăn nên nhiều tiểu thương cũng không dám dự trữ hàng Tết với số lượng lớn. Bởi người dân vẫn đang thắt chặt chi tiêu và ưu tiên những mặt hàng thiết yếu.
Hàng hoá giờ phong phú, thuận tiện nên người tiêu dùng có xu hướng cận Tết mới mua và mua vừa đủ. Các cửa hàng tạp hoá, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mở cửa phục vụ mua sắm tiêu dùng từ sớm nên người dân không mua tích trữ. Với sức mua chậm như hiện nay, các tiểu thương đều kỳ vọng tuần cận Tết sức mua sẽ bật tăng và những sản phẩm đặc trưng cho Tết, thiết yếu thì người dân sẽ gia tăng mua sắm hơn.
Tại các siêu thị lớn như: Co.opmart Hà Đông, Winmart Trần Phú (Hà Đông); Winmart Lê Đức Thọ, GO! Thăng Long (Big C Thăng Long cũ), BRG số 8 Phạm Ngọc Thạch… lượng khách tới mua sắm cũng không đông, vào những ngày cuối tuần có đông khách hơn thường lệ. Lượng khách tăng khoảng 30% so với ngày thường nhưng vẫn không có hiện tượng ùn tắc trong mua bán hay thanh toán.
Tại các hệ thống siêu thị, từ gần 1 tháng trước đã bày bán, giới thiệu nhiều giỏ quà Tết, các sản phẩm dành cho Tết như bánh, kẹo, các sản phẩm nông sản… được bày ở những khu vực bắt mắt, trang trí hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Đồng thời, các siêu thị cũng chạy chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà, bán theo combo để khách hàng được hưởng ưu đãi. Ngoài các mặt hàng thiết yếu trên, nhiều loại hóa mỹ phẩm làm sạch nhà đón Tết; thực phẩm chế biến sẵn, dầu ăn, muối mắm… cũng có chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy nhiều gian hàng khá vắng khách.
Hàng hoá dồi dào
Theo các tiểu thương, mặc dù bán chậm nhưng họ vẫn nhập hàng, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu của khách hàng trong mùa Tết. Tại các siêu thị cũng có kế hoạch dự trữ từ mấy tháng trước Tết.
Theo bà Hà Thị Thu Trang, Trưởng phòng Marketing, Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce - chi nhánh Hà Nội, dự báo sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường. Hệ thống siêu thị đã chủ động dự trữ hàng hóa từ sớm với lượng dự trữ tăng 10-20%, bảo đảm lượng hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết. Các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc nói chung và chi nhánh ở TP Hà Nội nói riêng sẽ hoạt động tới 12h00 ngày 29 Tết và mở bán trở lại vào ngày mùng 4 Tết.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị GO! Thăng Long, siêu thị cũng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu dịp Tết này từ 10-50%.
Về cung ứng hàng Tết Ất Tỵ 2025, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tương đối dồi dào sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Khả năng tự cung ứng của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với một số sản phẩm như: Thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt (chủ yếu là cá); các nhóm hàng còn lại khả năng đáp ứng khoảng 20% - 60% nhu cầu. Lượng hàng thiếu còn lại và các sản phẩm vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trên địa bàn được khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
Theo ông Hiệp, tổng số doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 22 đơn vị tham gia Chương trình, cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 10.600 điểm bán (giảm 3.935 điểm). Ước tính lượng hàng hoá thực hiện chương trình Bình ổn thị trường năm 2024 của TP Hà Nội đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong 1 tháng (khả năng cung ứng của Chương trình trong 3 tháng Tết khoảng 997.531,575 tấn thực phẩm các loại và 132 triệu quả trứng gia cầm).
Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5%-20% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024; tại các điểm bán hàng, lượng hàng hoá đã được tăng cường 30-35% sẵn sàng phục vụ nhân dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm khoảng 85-90%). Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Chương trình của TP Hồ Chí Minh có 48 doanh nghiệp đầu mối tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tăng 3 doanh nghiệp so với năm 2023. Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả...