Khoa học công nghệ giúp giữ vị thế quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức cấp bách như biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tài nguyên suy giảm nhanh chóng và áp lực lớn từ yêu cầu tăng trưởng xanh, giảm phát thải. Xung quanh những tồn tại, điểm nghẽn cần tháo gỡ cũng như những thuận lợi mà Nghị quyết 57 “mở đường” để ngành Nông nghiệp có thể “đột phá và phát triển”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến.

Phóng viên: Xin ông cho biết vai trò của khoa học công nghệ và chuyển đổi số với ngành Nông nghiệp?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong nông nghiệp, khoa học công nghệ (KHCN) đóng vai trò rất quan trọng. Nhờ KHCN, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Minh chứng rõ nhất là chỉ riêng chương trình giống đã giúp ngành lúa gạo hiện có đến 85% là giống mới, 89% là gạo chất lượng cao. Hiệu quả của giống chất lượng cao được thể hiện trong giai đoạn vừa qua khi giá lúa gạo giảm nhưng gạo chất lượng cao vẫn duy trì, ít bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, khi giá lúa gạo tăng trở lại ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, những loại gạo chất lượng cao tăng 100 - 150 đồng/kg thì gạo chất lượng thấp hơn chỉ tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Điều này khẳng định được vai trò của ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Riêng vấn đề giống trong nông nghiệp giúp gia tăng giá trị khoảng 38%, còn trung bình giá trị gia tăng do KHCN đóng góp khoảng 30%. Việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào canh tác, tưới tiết kiệm cũng đã giúp nhà sản xuất giảm được 30 - 50% chi phí, giống cây trồng thế hệ mới giúp năng suất tăng 10 - 15%, trong khi chi phí cũng giảm từ 20 - 30%.
Qua đó, chúng ta thấy, trong lĩnh vực nông nghiệp, KHCN đã được ứng dụng rộng khắp, trên mọi đối tượng, ngoài trồng trọt, chăn nuôi còn có thủy lợi, phòng chống thiên tai. Cụ thể, chúng ta đã có những công trình rất tiêu biểu như cống âu thuyền Ninh Quới, cống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, khi đưa vào hoạt động đã đem lại hiệu quả rất lớn. Với lĩnh vực lâm nghiệp, chúng ta có sản lượng nguyên liệu gỗ đến 33 triệu tấn như hiện nay là nhờ ứng dụng KHCN.
Với chuyển đổi số, đây là xu thế chung không thể đảo ngược trong bối cảnh mọi vấn đề đều phải minh bạch hóa và Việt Nam đã hội nhập với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về xuất nhập khẩu. Không còn cách nào khác ngoài phải chuyển đổi số. Trên tinh thần đó, đến nay, việc chuyển đổi số đã được áp rụng rất rộng khắp trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ như quản lý tài nguyên, giám sát môi trường về đất đai hay quản lý dữ liệu về sức khỏe cây trồng, giúp chẩn đoán bệnh qua hình ảnh. Trong công tác dự báo, khi ứng dụng chuyển đổi số, các cảnh báo, khuyến cáo được đưa ra rất chính xác. Cụ thể như vấn đề xâm nhập mặn năm 2024, chỉ hơn 100.000ha bị ảnh hưởng là nhờ việc ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, kết hợp với những số liệu bổ sung từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường để kết quả được chính xác hơn. Với thời tiết, việc ứng dụng internet vạn vật, blockchain hay trí tuệ nhân tạo đã giúp đưa ra những thông tin dự báo giúp phòng chống, khôi phục được những ảnh hưởng lớn của thiên tai. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng những sàn thương mại điện tử cho nông sản hay quá trình xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ xuất khẩu... Những thông tin trên cho thấy, việc ứng dụng KHCN và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường đã được triển khai tương đối đồng bộ và đem lại những hiệu quả tương đối rõ rệt.
Phóng viên: Hiện nay, theo ông, có những “lực cản” nào khiến việc áp dụng KHCN, phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo vào nông nghiệp còn gặp khó khăn?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nếu không có cải cách mạnh mẽ, thì dù nguồn lực có lớn đến đâu, tiềm năng cũng mãi không được chuyển hóa thành kết quả thực tiễn. Việc sửa đổi Luật KHCN sắp tới cần khẳng định rõ vai trò trung tâm của đội ngũ nhà khoa học. Trong nhiều năm qua, lực lượng chuyên gia đầu ngành ngày càng thiếu hụt, một phần do cơ chế đãi ngộ còn hạn chế, môi trường làm việc chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này dẫn đến việc khó thu hút nhân tài, đặc biệt là thế hệ cán bộ khoa học trẻ. Nếu không có cơ chế phù hợp để giữ chân người giỏi, khoa học sẽ khó có thể phát triển bền vững.
Một bất cập lớn khác là quy trình xét duyệt và nghiệm thu nhiệm vụ KHCN còn kéo dài và cồng kềnh. Hiện nay, từ khi đề xuất đến khi nghiệm thu nhiệm vụ có thể mất tới 5-6 năm, khiến kết quả nghiên cứu không còn phù hợp với yêu cầu thực tế của sản xuất. Trong khi đó, ở các nước có trình độ phát triển nông nghiệp cao như Israel, việc nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu cụ thể, triển khai nhanh và có thể đưa vào ứng dụng ngay khi đạt kết quả. Chúng ta có thể lấy ví dụ, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi - một lĩnh vực mà các doanh nghiệp tư nhân đã triển khai thành công - trong khi nếu để viện nghiên cứu hoặc trường đại học thực hiện theo cơ chế hiện hành thì khó có thể ra sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương hiện nay cho thấy, tỷ lệ giải ngân chi ngân sách cho KHCN chưa đạt mức tối thiểu 2% như quy định. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu người đủ điều kiện để chủ trì đề tài. Ngược lại, ở cấp Trung ương, nơi tập trung nhiều chuyên gia, nhà khoa học có năng lực, lại không có đủ nguồn lực tài chính để triển khai các ý tưởng nghiên cứu. Điều này cho thấy sự thiếu đồng bộ và lãng phí trong phân bổ nguồn lực khoa học trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, tư duy bao cấp vẫn còn nặng nề trong một bộ phận nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu, làm giảm động lực đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, chủ trương “3 tự chủ” (tự chủ tổ chức, tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính) dù được đặt ra nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thực thi hiệu quả. Riêng Bộ NN&MT hiện có khoảng 11.500 người làm khoa học, quản lý hơn 16.400ha đất, bình quân mỗi người hơn 1ha. Tuy nhiên, nhà khoa học vẫn nghèo, trong khi văn phòng, nhà xưởng, trang thiết bị hoạt động không hết công suất. Điều đó cho thấy cần có cơ chế giải phóng nguồn lực, tránh tình trạng đầu tư lãng phí như trường hợp một số phòng thí nghiệm trọng điểm có thiết bị nhưng thiếu nhà xưởng, có nhà xưởng thì lại thiếu nhân lực hoặc không có kinh phí hoạt động.

Phóng viên: Xin ông cho biết, để thúc đẩy phát triển KHCN, cần có những giải pháp gì mang tính chiến lược và đồng bộ?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phải nhận diện rõ được những tồn tại và điểm nghẽn mới có thể tháo gỡ hiệu quả. Hiện nay, Bộ NN&MT xác định có 15 vấn đề lớn cần được giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển KHCN.
Thứ nhất, đội ngũ các nhà khoa học cần được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay số lượng giáo sư, tiến sĩ có xu hướng giảm; thu nhập chưa tương xứng khiến việc thu hút và giữ chân nhân tài gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh. Thứ hai, cần rà soát lại trình tự phê duyệt các đề tài khoa học để đảm bảo mục tiêu, nội dung và đầu ra phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Khoa học phải bắt nguồn từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn. Bộ KHCN hiện có các quỹ hỗ trợ, song cần thúc đẩy cơ chế để chuyển nhanh từ nghiên cứu sang ứng dụng công nghệ hiệu quả.
Thứ ba, cần cân đối chi ngân sách cấp Trung ương và địa phương.
Thứ tư, vẫn còn tồn tại tư duy "bao cấp", triệt tiêu động lực sáng tạo, do đó, cần có cơ chế đột phá để giải phóng tư duy này, hướng tới việc làm giàu từ KHCN.
Thứ năm, cần tháo gỡ khó khăn giải quyết khó khăn trong “ba tự chủ”: tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính và tự chủ tổ chức nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho các đơn vị nghiên cứu.
Thứ sáu, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực. Hiện nay có nhiều trang thiết bị được đầu tư nhưng không đồng bộ, tần suất sử dụng thấp, dẫn đến khấu hao chậm và lãng phí. Cần rà soát, quy hoạch đầu tư theo hướng đồng bộ và hiệu quả.
Thứ bảy, cần có cơ chế sử dụng đất đai phục vụ hiệu quả cho các nhiệm vụ KHCN.
Thứ tám, cần xây dựng cơ chế tín dụng riêng để hỗ trợ cho các cá nhân, nhóm nghiên cứu triển khai ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Thứ chín, việc phê duyệt kinh phí cho nhiệm vụ khoa học cần được thực hiện đúng tiến độ để tránh tình trạng chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu.
Thứ mười, cần hình thành và đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung vào những lĩnh vực chủ lực của ngành.
Mười một là, các chương trình KHCN cần được đầu tư tập trung, đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí.
Tiếp đó, điểm thứ mười hai, những chương trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn lớn, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất cần được ưu tiên về cơ chế và nguồn lực.
Mười ba, cần xây dựng các cơ chế đặc biệt cho các chương trình KHCN phù hợp với đặc thù, nhu cầu và chiến lược phát triển của từng bộ, ngành cụ thể.
Mười bốn, các chương trình phục vụ cho Bộ chuyên ngành phù hợp.
Mười lăm, kinh phí nghiên cứu nên được phân bổ theo chuỗi, theo kíp, bảo đảm tính liên tục và hiệu quả.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!