“Hàng rào kỹ thuật” mới ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng

Thứ Năm, 10/07/2025, 08:06

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện hàng loạt các nhãn hàng hóa giả mạo, kém chất lượng được đưa ra thị trường. Nhiều người dân bị “lừa” bởi  họ thiếu cơ sở để truy xuất nguồn gốc cũng như nguồn thông tin để tự kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Để khắc phục tình trạng này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo mới đây đã được Quốc hội thông qua. Các quy định mới khi chính thức đi vào cuộc sống sẽ giúp minh bạch hoá sản phẩm, hạn chế tình trạng thực phẩm giả bán tràn lan, tạo niềm tin cho người dân.

tem-nhan.jpg -0
Doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến tem, nhãn, mã vạch.

Bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã quy định nhiều giải pháp căn bản để giải quyết các vấn đề về chất lượng sản phẩm và hàng hoá. Theo ông Hà Minh Hiệp, trước đây chúng ta quản lý theo phân loại hàng hóa nhóm I, nhóm II, dẫn đến có những sản phẩm rủi ro cao nhưng lại do doanh nghiệp công bố chất lượng, đây là điều rất nguy hiểm.

Luật mới quy định phân loại hàng hoá sản phẩm theo mức độ rủi ro. Đây cũng là phương thức được hầu hết các nước trong khối ASEAN đang áp dụng, trong đó yêu cầu nhóm hàng hoá này phải có đánh giá của bên thứ ba, không để doanh nghiệp tự đánh giá. Với nhóm hàng hóa rủi ro trung bình đến thấp, doanh nghiệp có thể tự đánh giá hoặc sử dụng kết quả chứng nhận của bên thứ ba. “Lần này chúng ta rạch ròi, các sản phẩm rủi ro cao bắt buộc phải quản lý rất chặt”, ông Hiệp nói.

Ngoài ra, các luật mới cũng quy định, tất cả những hàng hóa rủi ro cao bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc. Vấn đề này đang được các bộ ngành đẩy mạnh, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Một giải pháp khác trong luật, theo ông Hiệp, là xác lập rõ cơ chế phân công, phân cấp quản lý, trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ sẽ quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa chỉ do một bộ, ngành quản lý, một đối tượng chỉ chịu sự điều chỉnh của một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cách làm này giúp tránh chồng chéo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Một giải pháp khác, theo người đứng đầu Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia là tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ công bố tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến thu hồi sản phẩm và bồi thường thiệt hại. Các hành vi gian lận chất lượng, quảng cáo sai sự thật, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt trên môi trường số, đều bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý nghiêm.

 Đáng chú ý, Luật đã bổ sung chế tài xử lý vi phạm mạnh mẽ hơn, bao gồm xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép, truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời công khai thông tin vi phạm trên nền tảng số quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành, địa phương, hải quan, cảnh báo quốc tế và phản ánh từ người tiêu dùng. Cơ chế này sẽ cho phép phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời và xử lý nhanh các trường hợp hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

img_7193.jpg -0
Người dân kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bày bán ở siêu thị.

Tiêu chuẩn là định hướng phát triển của quốc gia

Theo ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi đưa ra một triết lý rất rõ ràng: Tiêu chuẩn là định hướng phát triển của quốc gia để thúc đẩy năng suất, chất lượng và đổi mới; quy chuẩn là hàng rào bảo vệ quốc gia, bảo vệ sức khỏe, môi trường, an ninh và chủ quyền về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, còn một điểm mới là với tất cả các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (sau khi 2 luật này có hiệu lực) đều phải đánh giá tác động nhằm xem những đối tượng chịu tác động có ý kiến phản hồi như thế nào. Cơ quan nhà nước không đơn phương áp đặt trong việc đặt ra các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Điều này đảm bảo tính tương thích, hài hòa, cân bằng về quyền lợi nhưng phải đảm bảo tuyệt đối về mặt an toàn.

Ngoài các tiêu chuẩn do Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra, mới đây Bộ Y tế cũng chủ trì xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018, trong đó có nội dung kiểm soát công bố sản phẩm. Cơ quan này cho rằng, hiện chưa có quy định về việc kiểm soát hồ sơ tự công bố sản phẩm, dẫn đến doanh nghiệp tự công bố, tự xếp nhóm sản phẩm không đúng bản chất, thổi phồng công dụng hoặc không tuân thủ về chất lượng sản phẩm. Đến khi phát hiện, kiểm tra, sản phẩm đã được lưu thông, tiêu thụ. Để khắc phục, Bộ Y tế đề xuất trong thời hạn 21 ngày kể từ khi tiếp nhận bản tự công bố, nếu không có ý kiến bằng văn bản thì cơ quan tiếp nhận đăng tải hồ sơ tự công bố trên trang thông tin điện tử hoặc hệ thống dịch vụ công trực tuyến; doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

Hằng năm, cơ quan tiếp nhận sẽ xây dựng kế hoạch, lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu chất lượng và an toàn đối với sản phẩm công bố lưu thông trên thị trường nhằm kịp thời phát hiện vi phạm. Việc bổ sung các quy định về công bố sản phẩm được kỳ vọng là "liều thuốc" để trị tình trạng thực phẩm giả. Trong lúc kỹ năng tự bảo vệ của người tiêu dùng còn hạn chế, cũng không thể trông chờ vào ý thức tự giác của mọi doanh nghiệp, một hàng rào kỹ thuật về mặt pháp lý ít nhiều sẽ tăng tính minh bạch, nghiêm ngặt đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đặng Nhật
.
.