CPTPP giúp hàng của Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài

Thứ Năm, 05/12/2024, 06:13

Sau 5 năm tham gia CPTPP, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc tại các thị trường trong khối và sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam đã gia tăng tại nhiều thị trường mới mà trước đây chưa có FTA. Các chuyên gia cho rằng, dư địa cho hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường này là rất lớn.

Dư địa xuất khẩu lớn

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 3/12, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết, năm 2024 là một năm đầy hứa hẹn đối với ngành thủy sản Việt Nam, khi xuất khẩu (XK) tiếp tục đạt được những thành tựu ấn tượng, không chỉ về giá trị mà còn về sự đa dạng và ổn định của các thị trường và sản phẩm XK. Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD XK, tăng trưởng 11,5% so với năm 2023.

xkthuysanhtam_tgxq.jpeg -0
Doanh nghiệp Việt cần tuân thủ xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang các nước nội khối CPTPP.

Đóng góp vào sự tăng trưởng này, theo bà Hằng, có sự góp phần của các FTA mà Việt Nam đã thực thi, trong đó có CPTPP. Sau 5 năm, kim ngạch XK thủy sản đã tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2019 lên 2,9 tỷ USD năm 2022; 2,4 tỷ USD năm 2023 và năm 2024 ước đạt 2,56 tỷ USD. Điều đó cho thấy, CPTPP là nhóm thị trường có tăng trưởng tỷ trọng tăng mạnh thứ 2, sau Trung Quốc. Nếu như năm 2018, nhóm thị trường CPTPP chỉ chiếm 25% XK thủy sản của Việt Nam, thì tới năm 2023, con số này chiếm gần 27%. Đây là những con số rất đặc biệt, thể hiện thị phần của thủy sản Việt Nam tại các thị trường này tăng rõ nét, cho thấy thế mạnh cạnh tranh đã được hỗ trợ nhờ hiệp định CPTPP.

Song, lý giải về sự sụt giảm trong 2 năm qua, bà Hằng cho rằng, thị trường XK bị xáo trộn bởi dịch COVID-19, chiến tranh, lạm phát,... và thủy sản cũng nằm chung trong chuỗi cung ứng đó, tuy nhiên với diễn biến khả quan như hiện nay, các thị trường đang dần ổn định, XK thủy sản Việt Nam sang các nước trong khối CPTPP nói riêng và các nước nói chung đã quay trở lại quỹ đạo thông thường và bắt đầu tăng tốc.

“Các sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra… của Việt Nam nhập khẩu vào hầu hết các nước thành viên hiệp định được hưởng mức thuế suất 0%. Nên các doanh nghiệp (DN) đã tận dụng cơ hội, tìm kiếm thị trường và gia tăng XK đưa thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, bà Hằng nói.

Tương tự, DN da giày cũng hưởng lợi lớn từ CPTPP. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, các thị trường của Việt Nam trong khối CPTPP, trừ Brunei, còn lại hầu như đều giảm thuế về 0% ngay khi FTA có hiệu lực, mang lại kết quả tích cực cho DN. Các nước CPTPP hiện chiếm 12% tỷ trọng kim ngạch XK. Điều đó cho thấy, CPTPP là một trong những FTA quan trọng với ngành da giày. Trong những nước tham gia CPTPP, 2 quốc gia Canada và Mexico chưa có FTA trước đó nên khi có CPTPP, tốc độ tăng trưởng XK da giày vào 2 thị trường này tăng rất nhanh chóng, lên đến 20%.

Theo bà Xuân, một trong những tín hiệu tích cực là nhờ hiệp định này mà việc dịch chuyển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đã vào Việt Nam góp phần tăng trưởng tỷ lệ nội địa hoá đối với sản phẩm da giày XK từ mức 45% lên 55% và đang tiếp tục tăng lên. Đây là thành công đáng kể cho ngành da giày bên cạnh sự tăng trưởng XK.

Đối với ngành ôtô, ông Nguyễn Trung Hiếu, đại diện Công ty Ôtô Toyota Việt Nam cho rằng, Hiệp định CPTPP có hiệu lực, lộ trình áp dụng thuế suất 0% vào khoảng năm 2030 – 2031 sẽ giúp DN có sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường Việt Nam. Đồng thời, DN có thêm một lựa chọn, thêm cơ hội để cân nhắc những nguồn linh kiện từ Nhật Bản hoặc từ các thành viên khác trong hiệp định. Trong đó, sự kết hợp hoàn hảo giữa linh kiện đầu vào cho chế biến, chế tạo tại Việt Nam và xuất đi một thị trường trong CPTPP, giúp DN tìm kiếm khách hàng mới cũng như tăng thêm được doanh số.

Gia tăng khả năng tận dụng các ưu đãi thuế quan

Trên thực tế, sau khi có hiệu lực, CPTPP đã mang lại những lợi ích rất tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) và đầu tư của Việt Nam với các nước CPTPP. TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch XNK của Việt Nam đến thời điểm 2023 khoảng 95,5 tỷ USD, trong khi 2019 khoảng 77 tỷ USD và trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XNK giữa Việt Nam với các nước CPTPP đạt hơn 76 tỷ USD và tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại khoảng 6,6 tỷ USD. Con số trên cho thấy, có một sự tăng trưởng rất lớn và thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước CPTPP.

Bên cạnh đó, nhờ Hiệp định CPTPP, hàng hóa Việt Nam cũng gia tăng tại nhiều thị trường mới mà trước đây chưa có FTA, như Canada, Mexico và Peru. Năm 2023, kim ngạch XNK của chúng ta với các nước chưa có FTA này khoảng 12 tỷ USD và gấp 2 lần so với năm 2019 khi mà chúng ta chưa có FTA này; thặng dư thương mại cũng tăng trưởng rất lớn, tăng trưởng từ 5 tỷ USD lên mức 9 tỷ USD, năm 2023.

Song, TS Lê Huy Khôi cho rằng, thị trường trong khối CPTPP đang có đòi hỏi ngày càng cao về phát triển bền vững, xu hướng xanh hóa đặt ra thách thức lớn cho DN, nhất là DN XK. Cùng với đó, phần lớn DN tận dụng được các FTA này là các DN FDI trong lĩnh vực linh kiện điện tử, giày dép, dệt may, máy tính…, còn những DN liên quan đến nông, thủy sản là những DN thế mạnh của Việt Nam thì mức độ tận dụng còn tương đối hạn chế. Do đó, DN Việt Nam cần cải thiện về chất lượng, mẫu mã, tuân thủ xuất xứ hàng hóa, và gia tăng khả năng tận dụng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP hay các yêu cầu khác của thị trường để khai thác hết dư địa và cơ hội từ CPTPP.

Lưu Hiệp
.
.