Áp lực giảm nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Năm 2024, dù tỷ lệ phát hành trái phiếu cao hơn, tỷ lệ chậm trả nợ giảm đi, song áp lực trả nợ trái phiếu vẫn là câu chuyện “đau đầu” của nhiều doanh nghiệp. Vấn đề này được cho là vẫn sẽ gây áp lực lên năm 2025.
Chật vật trả nợ trái phiếu
Theo báo cáo "Tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp" của Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam - VIS Rating vừa công bố cho thấy, 11 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi lần đầu trong năm 2024, giảm đáng kể so với 79 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi trong năm 2023. Năm 2024, tỷ lệ nợ chậm trả trái phiếu là 14,5%. Nhóm năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất ở mức 43%, trong khi nhóm bất động sản nhà ở chiếm 62% tổng lượng trái phiếu chậm trả.
Báo cáo của VIS Rating cũng cho thấy trong tháng 12/2024, có 10 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực bất động sản nhà ở, năng lượng, xây dựng, du lịch nghỉ dưỡng và sản phẩm nông nghiệp đã hoàn trả tổng cộng 2.768 tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ. Trong đó, 85% nợ gốc trái phiếu đã chậm trả được hoàn trả trong tháng 12/2024 đến từ các tổ chức phát hành thuộc nhóm bất động sản nhà ở với tổng giá trị gốc là 2,3 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả của nhóm ngành bất động sản nhà ở tăng 1,4% lên mức 22,7% vào cuối tháng 12/2024; tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả của toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng 1% so với mức 22,9% vào cuối tháng 11/2024.
Về áp lực đáo hạn đối với trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn có rủi ro cao trong thời gian tới, báo cáo của VIS Rating cho thấy 22% trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025 có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Cụ thể, có 5 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025. VIS Rating đánh giá có 2 trong 9 trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc, cả hai đều thuộc nhóm ngành bất động sản nhà ở.
Trong năm 2025, khoảng 110 nghìn tỷ trái phiếu phát hành bởi các tổ chức phát hành thuộc nhóm Bất động sản nhà ở sẽ đáo hạn, trong đó, 31 nghìn tỷ đồng đã chậm trả gốc lãi trước đó. Những trái phiếu này đã chậm trả lãi hoặc chậm trả nợ gốc trước khi gia hạn đến năm 2025. Trong 224 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2025, trong đó ước tính 17% có rủi ro chậm trả nợ gốc. Đặc biệt, 94% giá trị trái phiếu rủi ro này đến từ nhóm bất động sản nhà ở và du lịch, nghỉ dưỡng.
52% tổ chức phát hành có tín nhiệm dưới mức trung bình
Năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 485 nghìn tỷ đồng trái phiếu mới phát hành, tăng 40% so với năm trước. Trong các trái phiếu được phát hành năm 2024, chiếm tỷ trọng chủ yếu thuộc về nhóm ngân hàng (70%) và nhóm Bất động sản Nhà ở (17%). Đánh giá về hồ sơ tín nhiệm của các tổ chức phát hành, VIS Rating ước tính có 19% tổ chức phát hành trong tháng 12/2024 có hồ sơ tín nhiệm ở mức Dưới trung bình hoặc thấp hơn.
Trong tháng 12/2024, tỷ lệ tổ chức phát hành thuộc nhóm tài chính có các tiêu chí tín nhiệm ở mức “Yếu” thấp hơn trung bình 11 tháng đầu năm, trong khi tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp phi tài chính thì tăng lên. Ngoài ra, 71% các công ty phi tài chính phát hành trái phiếu có hệ số bao phủ nợ yếu trong tháng 12/2024. Trong số đó có 6 công ty có dòng tiền hoạt động được đánh giá là Yếu đến Cực kỳ Yếu để đáp ứng các nghĩa vụ nợ; 2 tổ chức phát hành cũng có hệ số đòn bẩy cực kỳ yếu dẫn tới hồ sơ tín nhiệm cũng ở mức yếu.
Theo báo cáo của VIS Rating, trong năm 2024, 52% tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm ở mức "Dưới trung bình" hoặc thấp hơn thuộc nhóm Bất động sản nhà ở hoặc xây dựng. Trong số này, hơn một nửa là các công ty mới thành lập không có hoạt động kinh doanh cốt lõi với dòng tiền hoạt động hạn chế.
Trước thực tế này, mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn tất Dự thảo lần 3 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (dự thảo). Theo đó, Dự thảo quy định tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, quy định tổ chức phát hành trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm như vậy là để doanh nghiệp làm quen với văn hóa xếp hạng tín nhiệm, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động chào bán trái phiếu ra công chúng.
Ngoài ra, Dự thảo quy định hệ số nợ phải trả (bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành, ngoại trừ trái phiếu phát hành để cơ cấu lại khoản nợ) trên vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành không quá 4 lần, ngoại trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Bộ Tài chính khẳng định điều kiện này nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính của các tổ chức phát hành, đảm bảo thanh toán gốc và lãi cho nhà đầu tư, hạn chế rủi ro cho công chúng đầu tư và tình trạng “vốn mỏng” của doanh nghiệp; đồng thời cũng thống nhất với pháp luật liên quan. Hệ số 4 lần được đánh giá là phù hợp, vừa đảm bảo an toàn tài chính, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn cho phát triển nền kinh tế.