Từ thau lau tới nhà bàn

Thứ Bảy, 18/02/2023, 13:26

Này cô Hai, về câu ca dao "độc" và "lạ" này, trước hết cần phải cám ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu.

Khi đi điền dã, ông tìm được một trong rất nhiều lời ăn tiếng nói thuở xưa của người miền Nam và đã công bố trong tập sách “Diện mạo văn học dân gian Nam Bô”å (NXB Trẻ - 2004):

Đi ngang nhà ngói

Anh ngó vói đàng sau

Thấy con Hai nằm chõng thau lau

Giăng mùng vân xuyến

Gối may kim tuyến

Từ miếng thêu cườm

Quần nho áo nhiễu vàng lườm

Phải chi anh làm ăn có của

Thời anh quyết tìm đường anh vô

Từ thau lau tới nhà bàn  -0
Thị trấn Nhà Bàng (thị trấn huyện lỵ huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Ảnh: S.t

Thau lau nghĩa là gì? Dễ quá. Cứ việc tra từ điển sẽ ra ngay. Đừng, mất công vô ích, vì tôi đây đã thao tác nhưng rồi cũng bí rị. Trong tiếng Việt không có từ "thau lau", chỉ có "thau" và "lau". Vậy, chẳng lẽ bó tay? Không. Trước mắt, ta hãy tìm nghĩa của từ chõng. "Ghế dài làm bằng tre. Văn liệu: "Kẻ lều người chõng nghênh ngang" (Lục Vân Tiên), "Tủi bút nghiên, hổ lều hổ chõng" (Phú thi hỏng)", “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích. Nếu là ghế/ ghế dài, làm sao con Hai trong câu ca dao trên lại "nằm/ nằm chõng"?

Có lẽ giải thích như thế này mới rõ nghĩa hơn: "Đồ dùng để nằm, ngồi, làm bằng tre nứa, giống như chiếc giường nhưng nhỏ, hẹp hơn", theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999). Với phát âm của người Quảng Bình, xứ Nghệ, chõng còn gọi là "chọng". Chi tiết "bằng tre nứa" rất quan trọng, vì căn cứ vào thực tế ta thấy rõ ràng là thế, nó nhẹ nên dễ di chuyển; và hơn nữa, do làm bằng vật liệu rẻ tiền nên người ta thường đặt dưới mái che phía trước/ sau nhà đặng ngồi/ nằm chơi, chứ không phải đồ dùng quý giá, bảo quản lâu dài.

Vậy, suy ra "chõng thau lau" cũng thế chăng?

Khoan vội trả lời, trước hết ta hãy đọc lại bài thơ “Bỡn tình nhân” của Nguyễn Công Trứ:

Tau ở nhà tau, tau nhớ mi,

Nhớ mi nên phải bước chân đi.

Không đi mi nói răng không đến,

Đến thì mi nói đến làm chi.

Câu thứ nhất, hoàn toàn có thể viết như sau: "Tao ở nhà tao, tao nhớ mi". Dù thay thế trong cách phát âm nhưng vẫn rõ nghĩa, từ trường hợp tau/ tao cho phép ta suy luận "thau lau" chính là "thao lao". Vậy, thao lao nghĩa là gì? Nếu lấy “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) làm chuẩn, ta không tìm thấy từ "thao lao". Chỉ tìm thấy từ "thao láo" hiểu theo nghĩa "mắt giương to, không chớp" tựa như "thao láo mắt ếch". Mà, "thao láo" cũng đồng nghĩa với "trao tráo" là mở mắt trô trố, nhìn chòng chọc mà không thèm nói năng, biểu lộ cảm xúc gì, cái sự dửng dưng ấy, có thể nhìn thấy qua câu tục ngữ: "Trao tráo/ thao láo như cáo trông trăng".

Chà, rắc rối nhỉ?

Ừ cứ cho là thế nhưng xin khẳng định “thao lao” chính là tên gọi địa danh ở vùng Phước Tuy (nay thuộc vùng Bà Rịa - Vũng Tàu), vì thế, ngày xưa có loại "đường thao lao" mà “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: "Đường đen làm tại xứ ấy, đường đen đổ từ táng (tán) tròn tròn". Ngoài ra, “thao lao” còn có nghĩa gì nữa?

Trước khi tìm hiểu thêm, ta tạm dừng một chút tẹo đặng ca chơi đoạn cải lương này cho rộn ràng, rôm rả, đằm thắm tình tứ: "Gió lên lay động hoa bằng lăng thướt tha. Hoa diễm kiều, hoa mặn mà, màu hoa tươi thắm lắm hoa ơi cũng như câu chuyện tình ta ngát hương". À, thế đấy, "đáp án" về từ "thao lao" đã "bật mí" ngay ở câu đầu. Nói tắt một lời, "thao lao" chính là từ mà người miền Nam từ xửa từ xưa còn dùng gọi "bằng lăng".

Nói có sách mách có chứng: "Thao lao (thực vật): Bằng lăng ổi, loại cây to cao lối 30 m, vỏ tróc từng miếng nhỏ giống vỏ cây ổi, lá láng bề mặt, có lông bề trái, chùm hoa ở chót nhánh, màu trắng, đài nhỏ, có lông dày, 6 cánh, nang dài, gỗ trắng được thông dụng như dầu" - theo “Việt Nam tự điển” (1970) của Lê Văn Đức, do Lê Ngọc Trụ hiệu đính. Nếu căn cứ vào “Từ điển bách khoa nông nghiệp Việt Nam” do Trung tâm Quốc gia biên soạn in năm 1991, tất nhiên ta không thể tìm ra ra từ "thao lao", chỉ có "bằng lăng" và thật thú vị, từ điển này cho biết nó còn có tên gọi khác là "tử vi".

Với nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu khi đi điền dã, ông ghi nhận: "Có một điều đáng lưu ý là tên cây bằng lăng chỉ phổ biến từ vùng Mỗi Xuy (Bà Rịa) đến đạo Trường Đồn (Mỹ Tho) hay xa hơn nữa thì cũng tới châu Định Viễn (Vĩnh Long) là cùng. Khi đi sâu vào vùng châu thổ sông Cửu Long thì cây "bằng lăng" được cải danh thành cây "thau lau". Người miền này coi thau lau là một loại cây quý, vì nó vừa chắc, vừa nhẹ, vừa đẹp, có thể dùng pha phách nhiều thứ trong nhiều thứ hàng ngày và quý nhất là dùng nó thì không hề sợ bị mối mọt đục phá" (sđd, tr. 206).

Tại sao lại gọi thau lau/ thao lao? “Tầm nguyên tự điển Việt Nam” của Lê Ngọc Trụ, “Phương ngữ Nam Bộ” của Nam Chi Bùi Thanh Kiên cho rằng đây do vay mượn từ Khmer: "sralau". Gỗ này là gỗ quý, có như thế, nó mới "xứng đôi vừa lứa" với nơi ăn chốn ở sang trọng, đài các của "con Hai", nào nhà ngói, mùng vân xuyến, gối kim tuyến thêu cườm, quần nho, áo nhiễu…, chứ nào phải do quy định bắt vần nghiêm ngặt của thể thơ lục bát.

Mọi việc đã rõ như ban ngày. Ta còn có suy nghĩ gì thêm nữa không? Rằng, đáng ngạc nhiên ở chỗ, hiện nay tra cứu trên Google, ta thấy đã có sự thống nhất với tên gọi "thao lao", chứ không dùng "thau lau". Rõ ràng, tìm về ngữ nghĩa trong ca dao nói chung, có những từ thật không dễ dàng hiểu ngay mà phải nhọc công tìm hiểu lẫn cần tra tự điển là vậy. Nói thế đã "chuẩn cơm mẹ nấu", nào ai cãi cọ lôi thôi nhưng rồi đã nói thì cho phép tôi thưa luôn thể, rằng, có khi thao tác đó cũng bù trấc chứ nào nên cơm cháo gì.

Thì đó, cô Hai biết đó, hiện nay, tại An Giang có địa danh Nhà Bàng. Văn bản giấy tờ rõ ràng và cụ thể là vậy, nhưng rất thú vị là cách ghi mỗi nơi mỗi phách, do đó, có sự tranh luận về chữ nghĩa: Nhà Bàng hay Nhà Bàn? Giữa "bàng" và "bàn" thì từ nào mới phản ánh đúng tên gọi ban đầu, vì thông thường là từ sự vật/ sự việc cụ thể ở vùng đất đó mà người dân địa phương đã đặt tên. Thí dụ, ta có địa danh Trảng Bàng (Tây Ninh) là do xuất phát từ: "Tên trảng cỏ nhiều cỏ bàng", theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895).

Vậy, "Nhà Bàng" cũng tương tự chăng?

Trước hết, ta hãy bàn về từ bàng. Khi nói về nghề đan lát làm nóp, bao đệm ca dao miền Nam có câu:

Chiều hôm em đứng giã bàng

Thương anh quảy nóp trong hàng quân đi

Bàng này không phải cây bàng tỏa rợp bóng mát, chính là loại cỏ cao từ trên 1 mét đến 2 mét, ống tròn như đầu đũa, thẳng tựa cây cói/ cây lác. Về tên gọi Nhà Bàng: "Có người nói ở đây có trồng cây bàng để lấy bóng mát cho nên có tên gọi như vậy nhưng tôi cho không đúng" - trong tập sách “Nửa tháng trong miền Thất Sơn” (NXB Hương Sen - 1970) nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu khẳng định. Theo ông phải là: "Nghe nói trước kia, khi chưa lập chợ, tại đây có một nhà sản xuất nhiều đệm bàng. Người ta cắt dây bàng về thật nhiều, đập cho dẹp như láng bố, rồi dệt thành đệm để phơi lúa, chằm nóp hoặc trải ra mà nằm thay cho chiếu. Sau khi mở chợ, người ta quen gọi như vậy luôn, nên thành danh là vùng Nhà Bàng" (tr. 132).

Tuy nhiên, giải thích này còn khiến chúng ta phân vân ở chỗ, nếu chỗ chứa, trữ một món hàng gì đó, ở miền Nam lại dùng từ "vựa" là hiểu theo nghĩa: "Chỗ trữ chứa số lượng lớn để dùng hoặc bán dần: vựa củi, vựa lá chằm, vựa than" - “Phương ngữ Nam Bộ” (2015) của Bùi Thanh Kiên giải thích. Từ vựa này xuất hiện từ đời tám hoánh, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) đã giải thích, qua đó, ta còn tìm thấy từ tương tự là "lẫm": "Đụn, vựa, chỗ chứa lúa thóc"; có các từ đôi như đụn lẫm, kho lẫm, nhà lẫm… Nhiều văn bản đã ghi nhận câu tục ngữ: "Được mùa chê cơm hẩm/ Mất mùa lẫm cơm thiu". Vậy "lẫm cơm thiu" là nghĩa ra làm sao? Không có nghĩa gì cả, mà phải là lẩm (dấu hỏi) thì mới có nghĩa là… ăn.

Xét ra, nếu "tại đây có một nhà sản xuất nhiều đệm bàng" thì người ta gọi vựa bàng/ lẫm bàng, chứ không ai gọi nhà bàng. Ngoài ra còn có thêm từ tương tự khác nữa, chính là "chành", nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ cho biết đây là tiếng Việt chuyển gốc Hán-Việt: "chành, nơi chứa trữ đồ vật" < sạn (: nhà để xếp hàng hóa)". Điều thú vị là từ tiếng chành này, chúng ta có thêm từ "banh chành" nghĩa là hư hại, không còn nguyên vẹn, hư hỏng nặng đã đến mức "banh chành té bẹ", "tè le hột me", "từa lưa hột dưa"…

Còn nếu chọn "Nhà Bàn" thì sao?

Trước hết, với từ này ta dễ dàng liên tưởng tới cái bàn như bàn làm việc, bàn ăn chẳng hạn; ngoài ra còn có thêm nghĩa mà “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích: "Nơi gặp gỡ, trao đổi giải quyết mọi vấn đề giữa các bên: Mọi việc đều phải đặt lên bàn". Bàn này là luận bàn, bàn thảo, nghị bàn... Thế nhưng, tại sao lại gọi "Nhà Bàn"?

Cùng thời với nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu, nhà văn Sơn Nam cũng đi thực tế nhưng lại ghi nhận khác. Khi biên soạn “Lịch sử An Giang” (NXB Tổng hợp An Giang -1988), theo ông, tên gọi "Nhà Bàn" chỉ xuất hiện khi người Pháp bắt đầu khai thác tài nguyên khoáng sản tại An Giang, đắp đường lộ đê thuận tiện cho việc đi lại, cụ thể: "Từ tháng 5/1878 đến lượt chỉnh trang con đường nối rạch Trà Ôn đến Chắc Cà Đao… Năm 1885, tay kinh doanh Garcerie đưa những bè súc về Tân Châu để lập một trại cưa máy. Tên Manset lập sở trồng cây ăn trái và cây kỹ nghệ ở khu vực Nhà Bàn. Bàn là bàn ăn cơm tập thể cho lao công ngồi tạm" (tr. 107).

Xét ra, "Nhà Bàng" hay "Nhà Bàn" cũng do người đời sau giải thích và khẳng định. Vậy, cách tốt nhất cũng thuyết phục nhất vẫn là tìm xem người đương thời đã giải thích thế nào? Chẳng hạn, nhà thơ, nhà soạn nhạc đàn ca tài tử nổi tiếng một thời là ông Nguyễn Liên Phong, sinh năm 1821, không rõ năm mất, đã có đề cập đến. Năm 1909, nhà in Phát Toán (Sài Gòn) xuất bản tập “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” của ông, phần về Châu Đốc, ở trang 96 có đoạn:

Đốc công tạo lập sở vườn

Thanh hoa đẳng vật coi thường vẻn vang

Cất bên một cái nhà bàn

Để khi ăn uống, nghỉ an luận bàn

Sau lập chợ phố hai hàng

Người đều kêu chợ Nhà Bàn thành danh

Qua đây, ta thấy "Để khi ăn uống, nghỉ an luận bàn" thì tên gọi "Nhà Bàn" còn hiểu theo nghĩa giải thích của Đại từ điển tiếng Việt (1999) vừa nêu trên; chứ không chỉ hiểu như cách hiểu của nhà văn Sơn Nam: "Bàn là bàn ăn cơm tập thể cho lao công ngồi tạm". Không chỉ có tên gọi nhà bàn mà ngày xưa miền Nam còn có từ "ăn bàn" nữa? Là… ăn luôn cái bàn ăn? Biết cô Hai không tin nên mới hỏi đùa chứ gì? Thỉ đây, "ăn bàn" là toàn bộ thức ăn dọn lên bàn như lối ăn đám cưới, ăn giỗ, ăn tập thể… mọi người nhìn trên bàn biết bữa ăn hôm đó có món gì, ăn hết thì thôi, không gọi thêm nữa. “Đại Nam quấc âm tự vị” giải thích ngắn gọn: "Ăn đồ dọn ra cỗ bàn, ăn đồ nhà quán". Nói cách khác lối ăn ở nhà bàn là "ăn bàn", hiểu theo nghĩa này.

Tóm lại, sự việc rõ ràng là vậy, chỉ có thể kết hợp cả ý kiến của hai ông Nguyễn Liên Phong và Sơn Nam khi giải thích địa danh "Nhà Bàn", phải vậy không cô Hai? Tuy nhiên, theo tập sách “Việt Nam - những thay đổi địa danh và địa giới hành chính” (1945-2002) của Nguyễn Quang Ân do NXB Thông Tấn in năm 2003 cho biết, Quyết định số 56 - HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng: "Ngày 10/5/1986: Thành lập thị trấn Nhà Bàng (thị trấn huyện lỵ huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang)… Có tổng diện tích tự nhiên 539 ha với 7221 nhân khẩu" (tr. 632).

Do đó, ta mặc nhiên phải thừa nhận tên chính thức là Nhà Bàng.

Lê Minh Quốc
.
.