Tìm tầm xuân kiếm gối đầu giường

Thứ Ba, 16/01/2024, 08:02

Anh về tìm vẩy cá trê

Tìm gan tôm sú, tìm mề con lươn

Anh tìm con bướm có xương, Dây tơ hồng có rễ, đạo cang thường em ưng anh.

Chi mà ác nhơn vậy trời?

Khi cô nàng ra điều kiện oái ăm thế này, dẫu có tìm bở hai tai, tìm lòi con mắt cũng bù trất.

ca tre trong tranh dan gian.jpg -0
Cá trê trong tranh dân gian.

“Tìm” là từ nhằm chỉ hành động khi người ta chú tâm, căng mắt ra, lục lọi, toàn tâm toàn ý để tìm cho ra một vật gì đó đang lẩn khuất đâu đó. Đã từ lâu tôi rất thích ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó cái sự tìm rất phiêu bồng, ấn tượng qua lời tự sự: “Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi. Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi. Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay. Tìm lại trên sông những dấu hài”. Dấu hài trên sông? Làm sao có thể tìm? Khi Kim Trọng trở về chốn cũ, ngậm ngùi chứng kiến: “Xập xè én liệng lầu không/ Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày”. Có thể tìm thấy dấu giày mà rêu đã phủ kín?

Từ hàm nghĩa của từ “tìm”, tôi lại nghĩ đến “Phạm Công - Cúc Hoa”, có thể nói trong toàn bộ hệ thống truyện cổ tích Việt Nam, đây chính là câu chuyện phản ánh rõ nét nhất, tiêu biểu nhất cho sự thủy chung trong tình chồng nghĩa vợ của người Việt.

Rằng, sau khi công thành danh toại, trạng nguyên Phạm Công xin từ quan để đi tìm xuống âm cung tìm vợ là Cúác Hoa. Vợ đã về nơi suối vàng, làm sao tìm? Biết nguyện vọng này, nhà vua an ủi: “Xưa nay chưa từng có ai trên dương trần xuống âm ty tìm vợ. Ta hỏi thực, trạng có muốn cưới vợ lần nữa không? Con gái ta đẹp người đẹp nết, sánh duyên loan phượng, há chẳng phải đẹp đôi đó sao?”. Phạm Công lắc đầu từ chối. Nhà vua biết không thể ép nên sai pháp sư, bá quan lập đàn lễ cho Phạm Công ngồi đồng để thiên tướng thiên binh dẫn hồn chàng đi tìm vợ. Tuy nhiên, lúc ngồi đồng chàng vẫn tỉnh trơ trơ, vì oai của chàng quá lớn nên binh tướng không thể nhập vào người được. Cuối cùng, nhà vua sai Tề Thiên Đại Thánh đánh ngã hồn Phạm Công rồi dẫn chàng xuống âm cung.

Sau nhiều tháng xuất hồn xuống âm cung, Phạm Công đi khắp cửa ngục nhưng vẫn không tìm thấy vợ. Cảm thương chàng, Động Đình Thủy Tề muốn gả con gái cho và nhường ngôi nhưng vì còn nặng tình xưa nghĩa cũ nên Phạm Công từ chối. Trải qua biết bao gian khổ nhưng vẫn không tìm thấy Cúc Hoa, chàng viết thư cầu cứu Diêm vương:

Nước trong leo lẻo

Sóng vỗ là đà

Có rắn mãng xà

Cất cao cái cổ

Vợ tôi âm phủ

Cách trở nghìn trùng

Tìm kiếm hết lòng

Phương nào chẳng thấy

Hai con thơ dại

Dương thế miền xa

Nhớ mẹ nhớ cha

Hai bề cam khổ

Vái cùng Hậu thổ

Soi xét lòng đau

Sống thác nhường nào

Xin cho tôi biết

Cảm động trước tấm lòng yêu thương, thủy chung với vợ, Diêm vương sai công chúa Xuân Dung giúp đỡ. Trải qua nhiều gian nan, thử thách cuối cùng, Phạm Công tìm thấy vợ. Diêm vương cảm động trước tấm lòng thủy chung của chàng nên cho Cúc Hoa tái sinh. Hai vợ chồng cùng trở về dương thế trong sự vui vầy của mọi người và nhà vua nhường ngôi cho chàng. Từ đó, gia đình Phạm Công - Cúc Hoa sum họp, đời đời vinh hiển. Âu cũng là mô-típ “có hậu” phổ biến trong truyện kể của người Việt, ngay các áng văn bất hủ như “Truyện Kiều”, “Lục Vân Tiên”… cũng vậy.

Với chuyện tìm, ắt ta tủm tỉm cười trong trường hợp của anh chàng, thiệt cực kỳ éo le, có thể tiêu biêu biểu cho cái sự tìm mà không thể đạt đến kết quả mỹ mãn:

Tìm em như thể tìm chim

Chim ăn bể bắc, đi tìm bể đông

Tuy nhiên còn phải tùy theo ngữ cảnh nữa, chẳng hạn, khi đứa con gặp vấn đề nan giải, người mẹ bảo: “Chuyện đó, con tìm cách giải quyết cũng dễ như lật bàn tay” - tìm ở đây chính là suy nghĩ, cố nghĩ làm sao để tìm cách tháo gỡ thuận lợi nhất. Tương tự tìm/ tìm tòi được hiểu là tìm cho ra, tìm cho thấy nhưng cũng có thể một sự vật/ sự việc vấn đề gì đó chưa hề có mà nay bằng mọi cách phải tìm cho bằng được như một phát hiện trước tiên.

Lại nữa, thí dụ tên đạo chích lẻn vào siêu thị khoắng đi vài trăm chiếc ipad, bấy giờ cơ quan chức năng vào cuộc. Trường hợp này, có từ thể hiện quyết tâm cao hơn cả tìm chính là lùng/ lùng bắt/ săn lùng - là sục sạo mọi nơi khắp chốn để tìm bắt thủ phạm. Mà, tìm cũng là tầm, thí dụ:

Mang bầu tầm bạn cố tri

Tầm không gặp bạn li bì những say

Tầm là từ Hán - Việt chuyển sang tiếng Việt. Trong “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê” có chương “Xuân nhật tầm phương”, vậy ngày xuân đi tìm cái gì thế? Rằng thưa, phương có nhiều nghĩa, ở đây hiểu theo nghĩa thơm/ mùi thơm nhưng còn được hiểu là đi thăm phong cảnh đẹp, tìm tình nhân. Trong “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê” (NXB Văn Học - 1993), cụ Lê dùng cụm từ “tầm phương” để nói về chuyện tìm người se duyên kết tóc trăm năm.

Về chuyện này, sau dăm ba lần đi “xem mắt”, tìm người sẽ đầu ấp tay gối, cùng ăn đời ở kiếp, cụ Lê suy nghĩ: “Phương Đông ta có chuyện ông Tơ bà Nguyệt, chuyện duyên nợ ba sinh, không biết các dân tộc khác có không, nhưng tôi không chắc không dân tộc nào không tin rằng hôn nhân là một chuyện may rủi, bất ngờ, như có duyên tiền định. Lần đó đối với tôi là rủi; bây giờ ngẫm lại, thì cơ hồ lại là may; dù may hay rủi thì theo các nhà lý số, cũng là tiền định rồi, rất hợp với số tử vi của tôi” (tr. 152). Có câu ca dao huê tình được nhiều người yêu thích:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Thử hỏi, tại sao không loại hoa khác mà phải là hoa tầm xuân? Do ngẫu nhiên chăng? Không đâu. Ngoài nghĩa, “tìm cảnh mùa xuân” còn có nghĩa “tìm con gái đẹp”, Tự điển Hán - Việt của Đào Duy Anh giải thích. Xét ra, từ “tầm xuân” sử dụng trong ngữ cảnh này rất đắc địa, đã đạt đến mức ngụ ý, ngụ tình kín đáo và trang nhã. Xin đừng quên, “tầm” trong tiếng Việt còn từ dùng với nhiều nghĩa khác nữa. Ngày xưa ở trong Nam, khi đo ruộng một người bảo: “Chiều dài tầm vài chục tầm”. Tầm ở đầu câu có nghĩa là chừng, độ chừng, khoảng, áng chừng, ước lượng; còn tầm cuối câu là đơn vị đo chiều dài, “một tầm” dài bằng 5 thước mộc, mà 1 thước mộc bằng 0, 425 đến 4, 645 mét. Còn có thể kể hàng loạt từ khác như cau tầm vun là cau chín phơi lấy nguyên hột; cau tầm phổng lại là thứ cau chưa đặc ruột v.v…

Đồng nghĩa với tìm/ tầm là kiếm, vì thế có lúc cả hai từ này trong chừng mực nào đó có thể hoán đổi, thí dụ “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ”; thế nhưng không thể lúc nào cũng thực hiện “máy móc”, thí dụ “Ăn tìm đến, đánh tìm đi”… Ngay cả từ kiếm khi đi chung với từ ăn/ kiếm ăn thì không phải lúc nào cũng mang sắc thái trung tính, còn tùy vào trường hợp cụ thể. Thí dụ, lúc Mã Giám Sinh: “Quen mùi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa”, hoàn toàn khác với hoàn cảnh chị em Thúy Kiều lúc sa sút khó khăn: “May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi”.

Với tên phong tình họ Mã, “kiếm ăn” là hiểu theo nghĩa mà “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) đã ghi nhận: “Tìm kiếm thực phẩm, nhất là nói về những người đi kiếm thực phẩm bằng việc ăn trộm, ăn cướp và những cách bất chính khác”; còn trường hợp chị em nàng Kiều chỉ đơn thuần là tìm công việc làm ăn chính đáng, lương thiện.

Nếu từ “kiếm ăn” còn biểu lộ sắc thái phê phán, chê cười thì “kiếm chác” cũng thế, cũng là tìm lấy mối lợi bằng trò ma mãnh nào đó. Thế nhưng tại sao lại là “chác”? Trước hết, cần xác định với từ “chác”, trong tiếng Việt có bán chác/ mua chác/ đổi chác, quan điểm của A. de Rhods là “thêm tiếng chác, cho ra văn vẻ”. Không phải “cho ra văn vẻ” mà “chác” là từ Việt cổ có nghĩa là mua lấy, cầu lấy tùy ngữ cảnh như thành ngữ có câu “Chác dữ cưu hờn”… Ngoài ra “chác” còn có nghĩa là “Xước đi một miếng” - theo “Việt Nam tự điển” (1931), ta hiểu kiếm chác tức kiếm được một phần lợi lộc khi dựa vào ai đó, khác với trường hợp “kiếm chút cháo” chỉ là kiếm chút đỉnh, không đáng kể.

Khi hai người bạn gái trò chuyện cùng cùng nhau, cô A bảo: “Bồ tèo định suốt đời làm lính phòng không à? Sao không kiếm chồng?”. Kiếm trong trường hợp này là hàm ý lấy chồng, chọn người làm chồng. Tương tự ca dao có câu thiệt ngộ:

Con tôi đi kiếm về đây

Có cho nó gọi bằng thầy thì cho

Kiếm là kiếm ra làm sao? Không lẽ cứ bỏ công đi tìm/ đi kiếm là có được đứa con đem về nuôi? Kiếm ở đây ngụ ý là chính cô nàng đã sinh nở, con của cô chứ không phải tìm kiếm ở đâu cả. Vậy, kiếm bằng cách nào trong trường hợp này? Không cần dài dòng ắt bạn đã biết.

 Đôi khi đọc cũng từ kiếm nhưng chắc gì đã kiếm! Chẳng hạn ở vùng Liễu Đôi (Hà Nam) có câu cửa miệng: “Kiếm gối đầu giường, bốn phương bão nổi”. Ơ hay chẳng lẽ đi kiếm/ đi tìm cái gối - một thao tác quá đơn giản, lại được đặt đầu lên gối đó thì ngủ ngon, chứ cơn cớ gì “bốn phương bão nổi”? Không, kiếm này không phải động từ mà chính là danh từ nhằm chỉ thanh kiếm. Câu này ngụ ý chê trách những người dù võ nghệ cao cường nhưng “mũ ni che tai”, thờ ơ trước biến động của thời cuộc.

Trở lại với cô nàng đã ra điều kiện: “Anh về tìm vẩy cá trê…”, vậy phải làm sao? Anh ta bèn than rằng:

Đố ai kiếm được vảy con cá trê vàng

Cái gan con tép bạc, mấy ngàn tôi cũng mua

Liệu chừng có ai tìm được? Ắt không.

Lê Minh Quốc
.
.