Bàm bàm bì bạch…

Thứ Năm, 28/12/2023, 08:51

Hồi nhỏ còn đi học, tôi có nghe cô giáo kể một giai thoại lịch sử có liên quan đến thơ. Nay, xin kể lại cho các bạn cùng nghe cho vui: Khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, triều đình mới tổ chức cuộc lễ khao mừng các tướng sĩ khải hoàn. Trong số đình thần có bốn ông tiến sĩ xin làm một bài thơ ca tụng chiến công của nhà vua. Ý kiến tâu lên được nhà vua chấp thuận nhưng đầu đề và vần phải do ngài chọn.

À, chuyện này hay đây. Tuy nhiên, chưa kể vội đâu. Nói như câu cửa miệng: "Từ từ thì khoai cũng nhừ". Cần gì phải vội vàng: "Đi đâu mà vội mà vàng/Mà vấp phải đá mà quàng phải dây/ Thong thả như chúng em đây/Thì đá chẳng vấp mà dây chẳng quàng". Sở dĩ thế bởi một khi nghe thơ, kể chuyện về thơ, phải trong tâm trạng không vội vàng, nôn nóng, không vướng bận, cứ từ từ, thong thả như mây bay trên trời, như nước chảy dưới sông thì mới cảm hết cái hay của thơ. Hơn nữa, chuyện này cũng liên quan đến thơ.

Bàm bàm bì bạch… -0
Tranh dân gian “Em bé ôm con cóc”.

Rằng, ngày xưa, nhà văn Ngô Tất Tố rất ghét những kẻ chữ nghĩa không đầy lá mít, chỉ trọc phú, lại háo danh bằng cách bỏ tiền ra in thơ. Những vần thơ ấy ngửi không nổi, chán quá, ông bèn đổ lỗi "Đầu têu tại ông Tản Đà" (Đông Pháp số ra ngày 29/12/1941). Tại ông Tản Đà in thơ rồi nổi danh như cồn, khiến thiên hạ cũng học đòi đua nhau in thơ, nhiều như "lợn con chợ huyện", "thơ đọc lên đã thấy lợm giọng". Chê thì chê, thơ vẫn thơ, cáu tiết, ông lại viết bài “Giải nghề thơ” (Đông Pháp số ra ngày 27/1/1942). Giải trong ngữ cảnh này là cởi ra, mở ra, tháo ra, bỏ hẳn cái nghề thơ.

Cơn cớ tại làm sao?

Kể rằng, ngày xửa ngày xưa vào đêm khuya khoắt, sau khi miệt mài làm xong bài thơ, nắn nót chép vào sổ tay, cẩn thận đặt trên án thư bên cạnh ngọn đèn rồi vào phòng nằm ngủ. Quá nửa đêm, nghe tiếng động, giật mình mở mắt nhìn qua cửa thấy có kẻ lạ đang chăm chú cầm đọc tập thơ của mình. Ông liền mở cửa ra xem ai lại đột nhập vào nhà. Kẻ đó luýnh quýnh muốn "tẩu mã vi thượng sách" nhưng ông đã níu được áo: "Sao lại vào nhà người ta? Có ý gian ư?". Kẻ đó thản nhiên: "Thưa ông, tôi định vào trộm một ít gạo nhưng nhìn thấy tập thơ của ông, tôi muốn thưởng thức xem sao".

Nghe cũng lạ

Ông hỏi về thơ, kẻ đó trả lời vanh vách, ra chiều ưng ý lắm, bèn hỏi:  "Vậy, có làm thơ không?". Kẻ đó nói có và đọc liền mấy bài thơ, ông không ngớt lời khen ngợi: "Anh có tài làm thơ như thế, sao lại bỏ nghề thơ mà đi làm nghề ăn trộm?". Nghe câu hỏi chân tình, kẻ đó lấy làm cảm động: "Cảm ơn ông có lòng chỉ giáo. Nhưng xin thưa để ông biết, nhà tôi trước cũng giàu có, chỉ vì ham mê nghề thơ, bỏ hết công việc, cửa nhà sa sút, dần dần không còn gì để ăn, phải đi làm nghề ăn trộm độ thân. Nếu tôi cứ giữ nghề thơ thì đã chết đói lâu rồi".

Kể xong, cha đẻ của chị Dậu, có lời bình chua chát: "Các ngài thấy chưa? Nghề thơ đưa người ta đi xa như vậy. Trong lúc thóc cao gạo kém như ngày nay, mà thi sĩ sản xuất ầm ầm, tuy có vui nhưng cũng đáng ngại". Quả thật về cái sự chuộng thơ, miệt mài làm thơ, say đắm với thơ, tranh tài đua thơ hết sức phổ biến ở nước Nam ta. Do đó, trong dịp vua Quang Trung khao quân đại thắng, các ông nghè muốn dâng thơ tụng ca chiến công rực rỡ cũng phải đạo, hợp thời.

Nghe lời tâu, nhà vua đồng ý, lúc ấy, nhìn ra sân bỗng thấy có một con cóc, ngài phán ngay: "Đó, đầu đề đó, các khanh làm thơ con cóc đi". Câu nói này ngoài thông tin cho biết đề tài của bài thơ nhưng còn ngụ ý mỉa mai, chế giễu nữa, vì với người Việt một khi đã nói "thơ con cóc" ắt ai cũng hiểu thơ dở ẹt/ dở ẹc/ dở òm/ dở khẹt.

Xin dừng lại một chút, dám nói rằng, có điều khiến chúng ta lấy làm ngạc nhiên vì sao người Việt mặc định "thơ con cóc" là thơ dở? Cóc phải là thơ. Cơn cớ gì con cóc lại nhảy xổm vào đây, chứ không là con gì khác? Do thân phận hèn kém của nó chăng? Không. Con cóc uy quyền ghê gớm lắm chứ: "Con cóc là cậu ông trời/ Ai mà đánh nó thì trời đánh cho". Do không dám đánh nên đem nó ra trêu, cụ thể là "thơ con cóc"? Vô lý. Nếu thế, tại sao khi ám chỉ những ai gan lì, lì lợm, gan góc, gan dạ, gan cùng mình, gan vàng dạ sắt…, người ta lại dùng cụm từ "Gan cóc tía"? Ấy là khen, chứ nào phải trêu con cóc.

Cái "gan cóc tía" này, chớ nên đụng tới, ngủm củ tỏi có ngày, ông bà ta dặn dò: "Gan cóc, mật công" là thứ cực độc nên tránh xa cho lành. Ở đời, khó có thể giỡn mặt với ai kia "Nói như cóc cắn" - tức nói câu nào ra câu đó, chắc nịch từng chữ, nghe xong chỉ có nước "ngậm mà nghe", đố dám tranh cãi cãi lại. Sở dĩ có sự so sánh này bởi cứ như theo lời người xưa, đại khái, một khi ai đó bị cóc cắn, dù thế nào nó cũng không chịu nhả ra, chỉ có trời gầm thì họa may, chẳng rõ hư thực ra sao. Lại còn có câu cửa miệng: "Cóc nghiến răng", ta hiểu rằng khi cóc mài răng, khua răng thì trời sắp có mưa v.v… Rõ ràng, cóc không phải là con vật "yếu bóng vía" mà đem nó ra trêu chọc.

Tóm lại, dù có nói thêm gì đi nữa, chúng ta cũng bí rị bà rì không thể lý giải thuyết phục vì sao con cóc lại gắn liền với "thơ con cóc". Xưa nay có cách giải thích, cho rằng từ bài thơ “Con cóc” của mấy anh học trò lỏng chữ: "Con cóc trong hang/ Con cóc nhảy ra" v.v… nên từ đó mới "chết tên" với cụm từ "thơ con cóc". Chắc gì. Giai thoại này ra đời sau "thành ngữ" trên như một cách để "hợp thức hóa" cách giải thích mà thôi. Hơn nữa, nếu không thế, chắc gì ở bài thơ này, chúng ta đã hiểu hết ý nghĩa sâu xa mà dân gian đã ngụ tình ngụ ý trong những câu tưởng chừng như hết sức đơn giản ấy?

Trở lại với chuyện thi thơ của vua Quang Trung. Sau khi ra đề làm thơ về con cóc, ngài còn hạ lệnh phải lấy vần cực oái oăm là "bàm"! Xét trong thơ của Hồ Xuân Hương, ta thấy “Bà chúa thơ Nôm” chơi nhiều cách gieo vần cực kỳ oái oăm, hiểm hóc thuộc bậc thượng thừa trong nghệ thuật sử dụng tiếng Việt nhưng vẫn không có bài nào hạ vần bằng từ "bàm".

 Xong, ngài lại bắt buộc cả bốn ông tiến sĩ phải đứng xếp hàng một, mỗi ông làm một câu, hễ ông trước làm xong bước lên thềm thì ông sau phải ứng khẩu tiếp ngay, nếu bài thơ không hoàn thành, mỗi ông sẽ bị phạt uống một tô rượu. Sau một hồi trống rền vang, cuộc thi thơ bắt đầu. Ông thứ nhất ứng khẩu:

Nghiến răng lừng biển Bắc,

Ông thứ hai tiếp theo:

Tắc lưỡi dậy trời Nam.

Hai câu này thật hay, đúng là tả con cóc lại ngụ ý nói lên được cái chiến công oanh liệt của vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh ở Thăng Long do vua Chiêu Thống dẫn đường sang, và đánh chìm 500 chiến thuyền của quân Xiêm ở miền Nam. Kể ra không kém gì câu: "Chép miệng nuốt ba con kiến gió/ Nghiến răng chuyển động bốn phương trời" của vua Lê Thánh Tôn.

 Nhưng đến ông thứ ba mới là khổ! Phải làm câu thứ 3 ra sao cho ông thứ tư còn lấy được vần "bàm", nếu không, mang danh là tiến sĩ mà bị phạt uống một tô rượu thì nhục lắm. Bởi nghĩ thế nên ông ta mới buộc lòng đọc tiếp:

Ấy nó là con cóc,

Ông thứ tư đọc luôn:

Chẳng phải… quả bàm bàm!

Vì phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt về vần nên sau khi nghe dứt câu cuối… trớt quớt, lập tức nhà vua và các quan văn võ cũng đều cười muốn vỡ bụng. Bạn cũng cười chứ gì? Tất nhiên rồi. Vấn đề đặt ra ở đây là ta thử tìm hiểu từ "bàm" xem sao.

Trong tiếng Việt, bản thân từ "bàm" không có nghĩa. Phải đi đôi với từ khác, thí dụ ai đó nói ai đó: "Xem kìa, ăn với uống, cái miệng chàm bàm, đẹp mặt chưa?". Ta hiểu người đó ăn/ nhai cái gì đó mà ngậm đầy ứ trong miệng, tràn ra ngoài mép, nói cách khác là đang nhai ngồm ngoàm/ choàm ngoàm không ý tứ. Từ "chàm bàm" này, còn có cách nói cham bam/ choàm oàm, chàm vàm - “Từ điển phương ngữ Nam Bô”å do Nguyễn Văn Ái chủ biên đã ghi nhận.

Ngoài ra còn có từ "bàm bạp", “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích: "(Tiếng động) nhỏ trầm đục của những vật có bề mặt phẳng và rộng tác động vào nhau, như tiếng vỗ của sóng nước: Sóng vỗ mạn thuyền bàm bạp". Xét ra trái nghĩa của "bàm bạp" chính là "ì oạp' chăng? Cũng từ điển này cho biết: "(Tiếng nước đập) mạnh và liên tiếp vào vật cứng, lúc to lúc nhỏ không đều nhau: Sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền". Tuy nhiên, từ "ì oạp" này vẫn còn có cách ghi là "bì boạp".

Dù các từ này cũng đều dùng để chỉ âm thanh nhưng có lẽ không "nổi tiếng" bằng… "bì bạch". Nói tếu táo như thế, bởi từ này đã được sử dụng trong vế đối tương truyền của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thử tài Trạng Quỳnh: "Da trắng vỗ bì bạch".

Vế đối này cực kỳ hiểm hóc ở chỗ "bì bạch" là tiếng tượng thanh nhằm chỉ: "Tiếng to tiếng nhỏ trầm bổng, không đều nhau, phát ra liên tiếp như tiếng vỗ vào vật mềm, ướt" - theo “Đại từ điển tiếng Việt”. Nhưng "bì bạch" còn có thể hiểu nôm na qua từ vay mượn tiếng Hán là bì: da; bạch: trắng - một cách chơi chữ nhằm lặp lại nghĩa "da trắng" đã có trước đó. Mà, vỗ ở đây không chỉ hiểu vỗ vào chỗ da trắng mà còn ngụ ý thông báo về tiếng động của âm thanh đó. Do sự lắt léo của vế đối vừa tượng thanh lẫn tượng hình đạt đến mức độc địa nên đến nay vẫn chưa ai có thể đối lại nổi.

Trở lại với câu thơ "Chẳng phải quả bàm bàm", ta thấy gì? Như đã biết, do trong tiếng Việt mỗi một từ bàm không có nghĩa, mà, ở đây là do thi thơ ngũ ngôn tứ tuyệt nên ông tiến sĩ mới nhanh trí lặp lại từ bàm để đủ số chữ trong câu nên trở thành "bàm bàm" chăng?

Không đâu.

Từ bàm bàm này, ta nghe quá lạ tai nhưng sẽ trở nên quen thuộc nếu biết đó chính là cây đậu dẹt hay còn gọi dây bàm. Trong công trình “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, GS-TS Đỗ Tất Lợi cho biết bàm bàm thuộc họ trinh nữ: vỏ cây sau khi đập dập nát, phơi khô dùng tắm, gội đầu thay xà phòng; lá dùng chữa nóng sốt, sài ở trẻ em; hạt dùng đặt lên chỗ vết thương khi bị rắn cắn… Suy ra, bài thơ “Vịnh con cóc” của mấy ông tiến sĩ dù đúng là "thơ con cóc" nhưng cách dùng từ "bàm bàm" là chính xác.

Lê Minh Quốc
.
.