Sửu nhi trẻ trâu thả dê bỉm sữa

Thứ Tư, 22/09/2021, 10:08

Sau một thời gian bốc phét đến hạng thượng thừa, anh chàng nọ được cô X mê tít. Ngày nọ, ăn diện bảnh bao, ra dáng con nhà, hắn ta mò đến chơi nhà cô ta. Dù chỉ hạng cùi bắp nhưng hắn lại mồm mép tép nhảy, nổ thấu trời xanh, nổ như pháo Bình Đà, pháo Nam Ô, nổ banh chành té bẹ, nổ tưới hột sen, cứ như thể “soái ca” không bằng.

Quan sát nẫy giờ, bà mẹ cô X cảm thấy ngứa tai bèn cà khịa: “Cậu thả thính con gái tôi đấy à?”.

Có thể hiểu “thả thính” là chỉ hành động, lời nói giả vờ giả vịt nhằm thu hút, lôi cuốn, hấp dẫn người khác để qua đó họ nẩy sinh cảm tình với mình. Không phải ngẫu nghiên, từ  “thính” đi chung với “thả”. Bởi lẽ, thính là gạo rang vàng, giã mịn như bột, có mùi thơm dùng làm phụ gia trong một số thức ăn, nhưng nó còn dùng nhử cá, tôm, tép vào te, vào rớ hoặc ướp cá mắm. Tục ngữ có câu “Thả con săn sắt, bắt con cá sộp”, “Thả hổ về rừng”, “Thả mồi bắt bóng”… Thả là buông ra hoặc cho ra khỏi chỗ bị nhốt, không chăn dắt, chẳng hạn thả cá, thả gà… và còn có nhiều nghĩa khác nữa, tùy ngữ cảnh. Ngày trước còn có “thả cỏ”, nay không còn sử dụng, ít ai biết là nói về người đàn bà mà người chồng cho đi chơi ngang để lấy giống - Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức giải thích. Còn “thả dê” thì sao? Ca dao Nam Bộ có câu:

Phượng hoàng đậu nhánh sa kê

Ông thần hổng vật mấy thằng dê cho rồi

“Dê” là tiếng lóng nhằm chỉ những kẻ háu gái, háu sắc, luôn tìm cách tán tỉnh, săn đuổi… Đạt đến trình độ cao thủ võ lâm ắt được phong dê xồm, dê cụ, 35 dê. Có đôi bài thơ về dê, ít người biết tới, rằng, trong tập sách “Cổ thi khôi hài” dẫn giải của ông Trần Văn Tý - Đốc học Vĩnh Long, in năm 1939 có bài thơ khuyết danh là “Con dê”:

Giống nai sao lại tiếng bê hê,

Xem lại mà coi thiệt giống dê.

Đực cái có râu, không hổ thẹn,

Vợ chồng một mặt, hết khen chê.

Sớm phơi bốn móng, sân Tô Võ,

Chiều gác bốn sừng, cửa Lý Hề.

Cũng bởi vì trâu kia giớn giác,

Cam lòng chịu buộc lịnh vua Tề.

Những tích Tô Võ/ Tô Vũ chăn dê; Lý Hề/ Lý Bá Hề nhờ lo lót da dê mà nên danh phận, tưởng không cần nhắc lại. Riêng câu kết, ông Trần Văn Tý giải thích: “Giớn giác: ngó láo liêng, bộ lo sợ. Tục truyền: Xưa muốn cho chuông không nứt, thường lấy máu trâu thoa chuông. Ngày kia một con trâu bị đem giết lấy máu bôi chuông. Khi ngang qua thềm vua Tề Vương, bộ nó rầu rĩ run sợ, ngó giớn giác. Vua Tề thấy vậy, bèn dạy giết dê, lấy máu bôi chuông, cứu trâu khỏi chết” (tr. 33). Giớn giác nay tự điển ghi dớn dác/ nhớn nhác. Lại có thêm bài Dê nữa:

Đầu nai nhỏ tíu, đít bề xề,

Thiên hạ đều căm cái mặt dê.

Liếc mắt thấy mồi, na dái tới,

Bị người đánh ó, vác râu dê.

Đàn bà ngoài chợ, la khan cổ,

Con nít trong vườn, giận lộn mề.

Sao chẳng biết thân, rằng xấu hổ,

Hay còn quen giữ thói bê hê.

Na ở câu 3 nghĩa mang, vác. Ông Tý bình luận: “Bài này có ý biếm nhẽ sỉ nhục mấy đứa “dê”, thấy sắc thì na tới, a đại tới mà chọc ghẹo, không biết kiêng ai, lắm khi bị đánh, bị mắng, lủi thủi mang cái mặt dê về nhà. Đến thế mà cũng chưa biết xấu hổ, chưa tởn, cũng vẫn “ăn so đũa” mãi. “Bùi Kiệm vẫn Bùi Kiệm” (tr. 35). Câu bình cuối cho phép ta khẳng định, tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu rất quen thuộc phổ biến tại miền Nam; và, Bùi Kiệm đã trở thành nhân vật điển hình, chứ không hề mờ nhạt - có tính cách, có cá tính, tiêu biểu, đại diện cho một hạng người trong xã hội. Mà, các chi tiết này cũng hay thiệt. Nó cũng hay chẳng kém gì giai thoại: Có lần Bà Huyện Thanh Quan nhận đơn của ông nọ vừa đỗ Cống, xin phép cho giết trâu để khao làng. Theo nguyên tắc đơn này phải do chồng bà quyết định nhưng hỡi ôi, lúc ấy nguồn thơ tự dưng đang lai láng, bà thuận tay phê luôn:

Người ta thì chẳng được đâu

Ừ, thì ông Cống làm trâu thì làm

Cười hay mếu đây? Cả hai. Cười vì được chấp thuận theo đơn xin nhưng mếu là do cách xỏ ngọt: ông muốn giết con trâu khao làng thì làm; hoặc ông muốn làm con trâu thì cứ việc! Lại nữa, có giai thoại lúc về làm lẽ ông Tổng Cóc, ngày nọ lúc chồng đi vắng, bà Hồ Xuân Hương có nhận được đơn của tay lý trưởng trong làng xin cho phép mổ trâu bò tế thần. Trâu bò là gia súc đóng vai trò chính yếu trong việc cày cấy đem lại mùa vàng ấm no, do đó, lệ quy định khi sát sinh phải có lý do chính đáng, chứ không thể tự ý. Nhận được đơn, vốn hay chữ, chữ nghĩa đầy bụng, bà liền phê như sau:

Chuẩn y, quả việc tế thần

Bằng gian bán thịt, bà dần xương ra

Manh lòng dối trá cửa ta

Bà thì chọc tiết không tha một thằng

Ông lý trưởng nhận lời phê sung sướng nhưng cười… mếu, bởi mỗi câu cực kỳ chính xác nhưng chỉ có mỗi thịt là của trâu bò; còn lại xương, lòng, tiết là ám chỉ người đấy! À, cha chả là hay nhưng… lạc đề rồi kìa. Đang bàn về dê lại lái qua trâu. Stop gấp. Thế à? Thì đây, cái chuyện của chàng trai nọ tại nhà cô X. Vâng, tương tự “thả thính”, còn có “thả dê” là chỉ mức độ sỗ sàng giở giọng tán tỉnh đàn bà, con gái của kẻ háu sắc. Xin chớ nhầm, từ “rê” qua “dê”:

Dây lưng bốn mối phủ phê

Nón Gò Găng chạm chữ, thả rê các làng

Gò Găng là một địa danh ở An Nhơn (Bình Định); “thả rê” là đi đây, đi đó và ghé mỗi nơi một ít lâu. Đọc tiểu thuyết của nhà Nam Bộ đầu thế kỷ XX, thỉnh thoảng ta gặp dăm câu “khó hiểu” như: “Cơm nước xong, ông hương quản thả lên thả xuống”. Tra từ điển của Huình Tịnh Paulus Của (1895), câu đó có nghĩa mới biết là đi rểu, đi la cà quanh xóm… Chỉ là đi chơi cho tiêu cơm sau bữa ăn chiều, đi cà lơ phất phơ, không có chủ đích, chi thả rê, vậy thôi, chứ không chăm bẳm tán tỉnh ai đó, đại loại như:

“Cậu thả thính con gái tôi đấy à?”

Sau khi nghe bà mẹ cô X hỏi xóc hông “trúng tim đen” như “đi guốc trong bụng”, chàng trai sượng trân, bèn nói liều: “Dạ, không ạ, chúng cháu yêu nhau đã lâu ạ”. Bà mẹ bực mình mắng cho, còn đang đi học không nên yêu đương nhăng nhít. Thế nhưng cu cậu vẫn cãi béng, cãi chày cãi cối rằng, thì, là mà... Chịu hết xiết, bà buông một câu đau hơn hoạn: “Đúng là trẻ trâu”. Từ này dùng để chỉ những ai đó chưa trưởng thành, hỉ mũi chưa sạch, mới nứt mắt; thế nhưng dù kẻ đó đã trưởng thành nhưng lại có hành động bốc đồng, hiếu thắng, suy nghĩ nông cạn, không chịu tiếp thu ý kiến xác đáng của người khác cũng bị xếp vào hạng “trẻ trâu”.

r.jpg -0
Ảnh S.t

Tại sao “trâu” chứ không là con vật gì khác? Suy luận rằng, thành ngữ có câu “Dại như trâu” là quá dại; “Đầu trâu mặt ngựa” là bọn côn đồ hung ác;“Uổng thay đàn gảy tai trâu/ Nước xao đầu vịt nghĩ lâu nực cười” (Lục Vân Tiên); “Đàn đâu mà gảy tai trâu/ Đạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi” (ca dao) thì rõ ràng, trâu/ tai trâu nhằm chỉ hạng người dại dột, không biết tiếp thu, thưởng thức cái hay, cái đẹp. “Đánh như đánh trâu” là đánh quá sức mà nó không biết đau biết sợ; “Đánh da trâu” là đánh trống giục quân xung phong nhưng lại còn hàm nghĩa chế nhạo bọn quan văn chỉ đứng đàng sau đánh trống, đố dám xông lên phía hòn tên mũi đạn. Câu cửa miệng “Bắt vạ một trâu” hiểu làm sao cho đúng? Trong Việt Nam từ điển (1970), cho biết lệ xưa ở miền Nam: “Hình phạt vạ vừa vừa ở làng hồi xưa bằng cách tạ lỗi với một con trâu hoặc thế vào đó 5 quan tiền”.

Tóm lại, “trẻ trâu” hình thành trên sự “kế thừa” từ lời ăn tiếng nói, ngữ nghĩa sẵn có, đã định hình, đã phổ biến. Trong 12 con giáp, ta hiểu sửu là trâu nên thay vì nói trẻ trâu, người ta còn gọi “sửu nhi” - cách nói này chỉ mức độ nhẹ hơn, mang tính bông phèn chứ không là cách mắng sa sả như “trẻ trâu”. Sau khi bị mắng, chàng trai nọ vẫn cứng đầu cứng cổ cãi choe chóe,  giành cái lý về mình, bà mẹ của cô X nhẹ nhàng mời cu cậu cút xéo ra khỏi nhà, tự nhủ: “Ối dào, thèm chấp làm gì với kẻ não phẳng/ não dưới mông”. Có thể ghi nhận đây là cụm từ mới xuất hiện nhằm chỉ kẻ quá dốt nát, đần độn. Hết thuốc chữa. Trước tình huống này, nhiều bậc phụ huynh bảo nhau: “Thôi thì, có con thì giữ lấy con. Không khéo có ngày con mình trở thành “bỉm sữa” thì mệt lắm đây”.

Bỉm/ bỉm sữa là gì?

Nếu lấy Từ điển tiếng Việt của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam - Viện Khoa học - Xã hội vùng Nam Bộ làm mốc thời gian thì mãi đến 2013 - năm ấn hành tập sách này thì “bỉm sữa” vẫn chưa ghi nhận, do thời điểm đó từ này chưa xuất hiện chăng?

Từ năm 1895, Đại Nam quốc âm tự vị giải thích: “Bỉm: Mím miệng làm thinh; Ngồi chim bỉm: ngồi không nhích mép”. Năm 1931, Việt Nam tự điển (1931) giải thích: “Im đi, đừng nói nữa, chìm đi mất. Im bỉm”. Phương ngữ Nam bộ (2015) “đánh đồng” bỉm/ bím/ mím mà Từ điển từ ngữ Nam bộ (2007) giải thích: “ngậm chặt hai môi lại”. Có một điều rất ngạc nhiên, không rõ vì sao Đại từ điển tiếng Việt (1999) lại không ghi nhận từ “bỉm”? Chỉ ghi nhận “mím” theo nghĩa vừa nêu trên. Nhưng thật ra “bỉm” không chỉ có mỗi nghĩa đó, bằng chứng là từ năm 1970, Việt Nam tự điển ở miền Nam đã bổ sung: “Bỉm: Âm hộ, cửa mình của người đàn bà”.

Chỉ mới khoảng mươi năm trở lại đây, “bỉm” mới thêm nghĩa phát sinh “bỉm: tã giấy/ đóng bỉm cho trẻ” như Trung tâm từ điển học Vietlex (2009) giải thích.  Nay, ai cũng biết, bỉm là tã bằng giấy dành cho con trẻ, bé sơ sinh; tã lót cũng tã nói chung, có tác dụng thấm hút, sử dụng xong là vứt luôn. Ngày trước tã dùng bằng vải mềm, do đó, có thể giặt đi giặt lại để sử dụng nhiều lần. Về cách mặc tã cho bé, nay cách nói quen thuộc vẫn là “đóng bỉm”. Nhân đây, xin nói luôn tã và sữa đã xuất hiện trong lời ăn tiếng nói của người Việt, ít ra từ vài trăm năm trước - Từ điển Việt - Bồ - La (1651) giải thích: “Tã: Miếng vải hay khăn của trẻ sơ sinh”; và cho biết mút sữa, bú sữa cùng một nghĩa.

Thế nhưng một khi thay tã bằng bỉm và kết hợp với sữa, trở thành “bỉm sữa” hoặc bà mẹ bỉm sữa/ ông bố bỉm sữa lại nhằm chỉ các phụ huynh (thường còn trẻ) đang nuôi con sơ sinh. “Sữa” còn đươc hiểu là non, còn nhỏ như heo sữa, măng sữa, miệng còn hôi sữa, mặt búng ra sữa… Sở dĩ, bỉm sữa “se duyên” cùng nhau đơn giản chỉ vì họ luôn tất bật, bận rộn với cả hai thứ cực kỳ cần thiết này, sử dụng nhiều lần trong ngày, không thể thiếu trong lúc chăm con. Mà, phải nói luôn không chỉ dành cho người trẻ, ngay cả những ai “Cha già con mọn”, “Lão bạng sinh châu”, có con lúc đã già khú đế đến độ:

Rầu rĩ râu ria ra rậm rạp

Rón rén râu rơi… rụng rập rình

Rồi ra rứa, rờ rề rà, rên rẫm

Rờ râu, râu rụng, rún rung rinh

Ắt cũng được vinh dự gọi là bỉm sữa. Mà này, ai đó hả, bạn mình ơi?

Nghe hỏi thế, bèn cười…

Lê Minh Quốc
.
.