Giật tràng vá vạt

Thứ Hai, 31/05/2021, 09:05
Giữa lúc thiên hạ đang tranh luận ì xèo về chất lượng sách giáo khoa tiểu học, có người lại nhớ về bài học thuộc lòng thời Quốc văn giáo khoa thư.

Bộ sách này, gợi lên nhiều cảm hứng, dạt dào xúc động, kỷ niệm êm đềm, khó quên. Nếu không, làm sao nhà văn Sơn Nam có thể viết “Tình nghĩa giáo khoa thư”. Chuyện rằng, anh chàng phái viên của báo Chim trời đi xuống tận xóm Cà Bây Ngộp tìm gặp anh nông dân Trần Văn Có để đòi 2 đồng 6 cắc rưỡi vì nợ tiền mua báo.

Cà Bây Ngộp nghĩa là gì? Là cách phát âm của “Cro-bây ngoap”, ta hiểu là “Con trâu chết” - một địa danh vay mượn từ tiếng Campuchia, vốn quen thuộc và phổ biến ở Nam Bộ. Thêm một thí dụ khác, trong truyện ngắn “Xóm Cù Là”, theo Sơn Nam: “Các vị bô lão cho biết: xưa kia, vài người mộ đạo đã cất ngôi chùa tại Ngã Tư. 

Một vị tướng nhà Nguyễn có tá túc tại chùa, dâng cho chùa một tượng Phật nhỏ mà ông đã thỉnh tại xứ Cù Là lúc bôn ba hải ngoại. Các vị bô lão còn nói rõ: gọi là Cồ Là mới đúng sách vở, Cồ Là tức là xứ Miến Ðiện giáp ranh Xiêm La”.

Tại xóm Cà Bây Ngộp, lúc thầy phái viên gặp Tư Có mới biết, sở dĩ nơi đồng không mông quạnh này đặt địa danh này là vì: “Hồi đó nghe nói trâu “len” tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp, trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn... 

Bởi vậy dân tình bịnh hoạn, thưa thớt, làng này chưa cất nổi cái trường học”. Cả hai gặp nhau và trở thành bầu bạn thân thiết. Sự kết nối tình cảm ấy là từ những bài học thuộc lòng trong “Quốc văn giáo khoa thư”. 

Khi Tư Có nhắc lại bộ sách này, lập tức thầy phái viên: “Nhớ chớ. Làm sao mà quên được! Hồi nhỏ tôi hớt “ca rê”, tay xách tòn ten bình mực đi học ở trường làng. Hồi đó, trí óc minh  mẫn sáng suốt, nhớ dai lắm. Bây giờ lớn tuổi, đầu bạc hoa râm, đi làm ăn rày đây mai đó, nhớ nhà, nhớ trường học, nhớ làng xưa.

Tư Có nói:

- Chắc là thầy muốn nói bài Chốn quê hương đẹp hơn cả chớ gì?

Rồi chú đọc một hơi:

- Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: ông đi du sơn du thủy...

- Ðó đa! Ðó đa! Anh Tư nhớ kỹ quá... Người du lịch mới trả lời: ở chống quê hương... từ cái bụi tre ở xó vường cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi cho tôi những mối cảm tình chứa chan...”. Bài đó có hình ông già mang kiếng, chống gậy nói chuyện với mấy người khăn đóng áo dài”.

Cứ thế, cả hai ngồi trong mùng tránh muỗi, ánh đèn dầu cá thắp sáng, người này nhắc chuyện này, người nọ nhắc chuyện kia. Đọc lên rôm rả. Rồi gật gù thích thú, tâm đắc. Bộ “Quốc văn giáo khoa thư”, hiện nay NXB Trẻ, Kim Đồng đã tái bản. Thỉnh thoảng, đọc lại vẫn còn thấy thú vị, chẳng hạn, bài “Đi học phải đúng giờ”, có câu:

Xuân đi học coi người hớn hở

Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng

Hỏi rằng: "Sao đã vội vàng

Trống chưa nghe đánh, đến tràng làm chi?”.

Từ tràng này, ta thừa biết đó chính là trường/ trường học. Thế nhưng một khi được sử dụng làm danh từ riêng, chỉ có thể chọn 1 trong 2, thí dụ đã là cầu Trường Tiền thì không thể thay thế bằng Tràng Tiền. Vậy mà có đấy. Hiện nay, tấm biển đặt ở bên trái hai đầu cầu Trường Tiền (Huế) lại ghi Tràng Tiền. Tréo ngoe chửa. Một cây cầu lại có hai tên gọi.

Vậy, khi đọc câu tục ngữ “Giật tràng vá vạt”, ta hiểu ra làm sao về từ tràng này? Liệu có liên quan gì đến tràng trong câu lục bát vừa nêu? Mà, khoan vội trả lời, vì rằng, khi nghe câu “Giật tràng vá vạt” ắt ta sực nhớ đến câu tương tự “Giật gấu vá vai”. 

Cả hai câu này cũng hàm nghĩa như “Giật đầu cá, vá đầu tôm” - được hiểu là chạy vạy, chật vật xoay xở, lấy cái này bù vào kia, chẳng đâu vào đâu, không giải quyết được gì, túng thiếu vẫn túng thiếu. Vá có nhiều nghĩa, ở các câu trên ta hiểu: “Bổ vào chỗ thủng, chỗ rách cho lành: vá áo, vá lưới, vá giày, vá tường”, “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích. Có câu ca dao nghe thật xao xuyến:

Ai kêu văng vẳng bên sông

Tôi đang vá áo cho chồng tôi đây.

Này, đừng tơ tưởng gì nữa hỡi gã tình nhân ngày cũ. Hình ảnh của gã nằm gọn lỏn trong từ “ai” không một cảm xúc. Rất đỗi rưng rưng. “Vá áo cho chồng” tự nó đã là câu trả lời mạnh mẽ và dứt khoát, có thể sánh với tiếng lòng da diết như câu thơ của Apollinaire - qua bản dịch Bùi Giáng: “Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa/ Mộng trùng lai không có ở trên đời”. “Vá áo” là một hành động cụ thể, chẳng khác gì “ngắt đi một cụm hoa thạch thảo”.

Ảnh: L.G

Trở lại với gấu trong ngữ cảnh “Giật gấu vá vai”. Vậy, gấu là gì?

Chuyện rằng, lần đầu tiên đến chơi nhà “soái ca”, “ngự tỷ” rụt rè thăm dò: “Ở một mình à? Gấu đâu?”. Lại có người vui vẻ bô lô ba la, bật mí cùng bồ tèo chiến hữu: “Gấu mẹ của tớ gấu lắm, do đó, tớ lép vế và trở thành… anh hùng râu quặp”. 

Ai nấy cười ồ lên. “Gấu mẹ” này là con gấu nhưng đã trở thành tiếng lóng nhằm để chỉ bà xã của mình, của ai đó - một cách nói mang sắc thái tếu táo, không hàm ý châm chọc, chỉ giỡn vui thôi. Còn “gấu” ở vế hai lại khác, nó dùng chỉ về tính cách hung tợn, dữ dằn, khó có thể giỡn mặt, không dễ bắt nạt.

Tại sao là “gấu”, chứ không ví von với con vật nào khác cũng dữ tợn như hùm, beo, sói? Chịu chết. Đố ai có thể giải thích nổi. Biết là khó giải thích, tuy nhiên, cũng mạo muội nghĩ rằng, từ xa xưa, thành ngữ đã có câu: “Hỗn như gấu”, “Ăn gấu ăn trăng”… “Việt Nam từ điển” (1970) của Lê Văn Đức ghi nhận ở miền Nam còn có tiếng lóng “Đồ gấu ngựa” - chỉ hạng “Đàn bà hung dữ”. Chà, liệu chừng con gấu có tính cách dữ dằn ấy liên quan gì đến từ “gấu ó” hiểu theo nghĩa la ó, la vang, làm ầm ĩ, om sòm nghe điếc con ráy? 

Từ điển của Huình Tịnh Paulus Của (1895) giải thích “gấu ó” chính là con gấu, con ó: “người ta thường nói trại “khấu ó”, chỉ nghĩa là gây gổ, rầy rạc”. Với các hàm nghĩa trên, chỉ cần nghe ai đó nói: “Vợ tớ gấu lắm”, ta hiểu là cô ấy rất dữ dằn khiến anh chồng lép vế và trở thành “anh hùng râu quặp”.

Thế nhưng, gấu đi chung với đầu, thành “đầu gấu” - tỷ như cách nói: “Hắn ta là thứ đầu gấu” thì ngoài tính cách nêu trên còn nhằm chỉ hạng phạm pháp, giang hồ, anh chị, ba bứa, “đồng hội đồng thuyền” với “Đầu bò đầu bướu”, “Đầu trâu mặt ngựa”… 

Tuy nhiên, xin lưu ý còn có câu thành ngữ, thoạt nghe cũng “hầm hố” ra phết, cỡ như “Đầu chày đít thớt” nhưng lại không “ăn nhậu” gì với mấy cái đầu quái dị trên, chỉ là hạng người “trên răng, dưới cắt  tút”, thấp hèn, kiếm sống vất vả, lì lợm, bất cần đời…

Chưa hết, trong cơ quan nọ, ai nấy xì xào, thầm thì kháo nhau: “Chà, hắn ta uống mật gấu hay sao mà bữa nay dám cãi đốp chát với sếp?”. Ơ hay, lâu nay, quý ngài bợm rượu thường rỉ tai, đại khái, nếu chẳng may “trên bảo, dưới không nghe”, tình hình thiệt tình hình, muốn chấn chỉnh à? Bỏ rượu chăng? Không cần đâu, dù vẫn uống nhưng cũng đạt đến cỡ “ông uống bà khen” thì rượu đó phải pha thêm mật gấu! Tức là uống mật gấu chứ còn gì nữa? Ừ, cứ cho là thế.

Thế nhưng với câu bình phẩm trên, không có chuyện uống mật gấu ở đây, chỉ là cách nói nhằm chỉ ai đó thay đổi thái độ đột ngột, bất ngờ dám thể hiện liều lĩnh hoặc lời nói, hoặc hành động khiến người khác lè lưỡi lắc đầu bởi không nghĩ tới, không dám làm. Trong chừng mực nào đó, sự liều lĩnh này tùy theo trường hợp cụ thể, còn có câu như “Điếc không sợ súng”, “Cùi không sợ lở”…

Về tên gọi các loại gấu, thật lạ khi có lúc lại gọi bằng một từ mà nay nghe rất lạ tai: “Gụ”, chẳng hạn, gụ chó, tức gấu chó. Có người nọ nổ vang trời: “Lần nọ đi phượt, trong lúc nguy cấp, một mình tớ dám đánh tay đôi và bắt sống được một con gấu đen to kềnh”. “Gấu đen” đích thị “gấu ngựa/ gụ ngựa”. 

Có phải “gụ” là cách phát âm riêng biệt của vùng miền nào chăng? Không, đây là cách nói phổ thông, bằng chứng là “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) của A. de Rhodes ghi nhận: “Gụ: Con gấu”. Đi về miền Nam, có vùng miền do phát âm “r” hơi bị khó nên lắm lúc ta ngạc nhiên khi nghe chủ nhà tốt bụng, hiếu khách, rót ba xi đế rồi tha thiết mời “uống gụ” là vậy.

Với câu “Giật gấu vá vai”, nãy giờ vòng vo tam quốc, nghe thú vị quá nhưng không khéo “lạc đề” mất. Vậy, ta quay lại. Gấu trong “Giật gấu vá vai” đích thị là phần gấp mép, phần khâu lại cuối cùng của thân áo, thân quần: gấu quần, gấu áo. Nếu gấu này liên quan đến quần áo nói chung thì tràng trong câu “Giật tràng vá vạt” cũng không gì khác.

Vậy, tràng là gì?

Tràng có nhiều nghĩa, ở đây, ta chỉ bàn về tràng liên quan đến áo quần. Nói có sách, mách có chứng. Tràng: “Vạt dài trong áo” (“Việt Nam tự điển”, 1931); “Phần rìa vạt cả áo, khâu gấp lại để đính cúc vào đấy” (“Nam ngữ chính tả tự vị”, 1932); “Vạt áo trước” (Việt Nam từ điển, 1970), “Vạt trước của áo dài” (“Từ điển Việt Nam”, 1977, “Đại từ điển tiếng Việt”, 1999)… 

Xin nói ngay, không thể đem cách giải thích này về tràng áp dụng trong câu tục ngữ “Giật tràng vá vạt”. Không những thế, cũng không thể áp dụng cho câu cũng có từ tràng như “Áo rách thì giữ lấy tràng/ Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi” hoặc “Áo cứ tràng, làng cứ xã”.

Này, bộ uống mật gấu hay sao lại dám phán chắc cú như đinh đóng cột? Lộng ngôn quá đi mất! Nào dám. Thưa rằng, với từ tràng “Từ điển Việt-Hoa-Pháp” (IDEO - 1957) của Eugène Gouin ghi nhận nhiều nghĩa, trong đó có “collet: cổ áo” (tr. 1432). 

Nhà nghiên cứu An Chi khẳng định: “Tràng vốn là cái cổ áo” (như đã được giảng trong “Từ điển An Nam-Bồ Đào Nha-Latinh” của A. de Rhodes), nay được hiểu là vạt trước của chiếc áo dài” (“Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm” - NXB Tổng hợp TP. HCM - 2017, tr. 339-340). 

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công cũng có ý kiến tương tự: “Tràng là cái cổ áo (Hán: y lĩnh), không phải “tràng” là cái vạt áo”; và giải thích: “Ông xã trưởng phải là người chịu trách nhiệm về mọi vấn đề của làng. Muốn nắm được làng, phải nắm được ông xã trưởng, cũng như muốn cầm cái dài cho gọn chắc, phải nắm được cái cổ áo” (“Từ điển tiếng Việt” của Nguyễn Lân” - Phê bình và khảo cứu - NXB Hội Nhà văn - 2017, tr. 83).

Vậy, “Giật tràng vá vạt”, ta hiểu là lấy phần vải nơi cổ áo đem vá vào vạt áo, chứ không thể lấy phần lành lặn của vạt áo để vá/ khâu vào chỗ thủng, chỗ rách cùng trên vạt áo đó. Nếu thế, hóa ra che chỗ rách này bằng cách lòi ra chỗ rách khác? 

Ai lại làm một cách kỳ quặc thế bao giờ? Có thể nhận ra điều vô lý này nhưng do không hiểu tràng còn có nghĩa là cái cổ áo, vì thế, với câu” “Áo cứ tràng, làng cứ xã”, có từ điển đã “cải biên” thành “Áo cứ chàng, làng cứ xã

Lê Minh Quốc
.
.