Soi mình xuống nước dòng sông

Thứ Tư, 23/11/2022, 12:04

Khi tôi một tay tưới cây và một tay cầm cuốn sách “Câu chuyện dòng sông” (Hermann Hesse, người Đức, giải Nobel Văn học năm 1946), tôi nghĩ tại sao cái cây nó xanh, vì ta chăm tưới nó. Ta chỉ có mấy cái cây này thôi, ban công nhà ta quá nhỏ, vậy hãy làm cho nó xanh nhất có thể trước khi nghĩ đến việc đi tìm những cây khác đẹp hơn.

“Câu chuyện dòng sông” là cuốn tiểu thuyết có thể khiến tôi đọc lại. Nó cuốn tôi vào những khúc đoạn trong vắt của âm ngữ mượt mà sâu lắng như tiếng lòng ai đó được hát lên:

“…Trong lúc đó, vũ trụ quanh chàng tan rã, lúc chàng đứng cô đơn như một ngôi sao trên nền trời, lòng chàng tràn ngập một cảm giác thất vọng tái tê, nhưng chàng cũng cương quyết hơn bao giờ. Đó là sự run rẩy cuối cùng trước khi tỉnh thức, những đau đớn cuối cùng của sự thoát hình”.

vi-sao-khong-nen-soi-bong-duoi-nuoc.jpg -0

Tất-đạt, con của gia đình giàu có thuộc đẳng cấp Bà-la-môn, đáng lẽ sẽ trở thành một hoàng tử trong giới Bà-la-môn hay một bậc thức giả, nhưng chàng đã rời bỏ gia đình đi theo các thầy Sa-môn tu tập trong ba năm để trở thành một nhà khổ hạnh, những mong tìm ra chân lý, mà thấy thất vọng. Rồi chàng gặp Cồ-đàm, tức Đức Phật Đại Giác, trong thành Thất-la. Chàng thấy: “Ngài bước đi bình thản, lặng lẽ… mỗi ngón tay ngài đều nói lên một niềm bình thản đầy đặn,… tưởng như mỗi đốt tay của Ngài đều chứa đựng tri thức; chúng nói lên, thở ra, tuôn phát ra chân lý. Người này, đức Phật này, quả là một người thánh thiện cho đến đầu ngón tay”.

Nhưng…

Sau khi cùng người bạn đồng hành Thiện Hữu nghe đức Phật thuyết pháp, dẫu tiếng của Ngài “tuyệt diệu, lặng lẽ và đầy thanh bình”, khi Ngài nói về nguồn gốc của Khổ, cách diệt Khổ, về “Sự sống là khổ đau, thế giới đầy đau thương, song con đường thoát khổ đã tìm ra”. Rồi Đấng Giác ngộ dạy về Tứ diệu đế, về Bát chánh đạo, “…giọng người bay đến những thính giả như một ánh sáng, như một vì sao từ thiên giới”.

Và Thiện Hữu – người bạn thân của Tất-đạt, đã xin đi theo Ngài, như hàng trăm khách hành hương khác, gia nhập Giáo hội. Chỉ còn Tất-đạt, chàng từ giã đức Phật, chia tay Thiện Hữu. Lý do của cuộc từ giã với bậc thầy chứng ngộ lớn này, là bởi chàng có những nhận thức khác về vũ trụ, về bản thể và cuộc sống:

“…những điều Ngài dạy thật sáng lạng phân minh. Nhưng theo những lời dạy ấy, sự nhất tính và liên tục hợp lý của mọi sự, có một chỗ hở. Qua khe hở nhỏ ấy, một cái gì lạ lùng bỗng tuôn trào vào trong thế giới nhất thể này, một cái gì mới mẻ, một cái gì không có ở đấy trước kia và không thể chứng minh hay chứng nghiệm được: ấy là thuyết của Ngài về sự vươn lên trên thế giới, thuyết cứu độ. Với khe hở nhỏ này, chỗ gián đoạn bé bỏng ấy, dù sao, luật vũ trụ duy nhất không tiền khoáng hậu, lại bị sụp đổ”.

Và cho dù Đức Phật giải thích với Tất-đạt: “Giáo lý mà người đã nghe… mục đích của nó không phải là để giải thích vũ trụ cho những người khát khao hiểu biết… Mục đích ấy là giải thoát khỏi khổ đau”. Nhưng Tất-đạt vẫn khẳng quyết: “Không ai tìm được giải thoát qua những lời chỉ giáo”. Bởi, “Có một điều mà giáo lý sáng sủa và giá trị ấy không chứa đựng, ấy là những gì huyền bí mà đấng Giác Ngộ đã chứng nghiệm… Chính vì lẽ thế mà tôi phải đi con đường của tôi, không phải để tìm thêm một lý thuyết tốt đẹp hơn, vì tôi biết không có, nhưng để từ bỏ tất cả lý thuyết và thầy dạy, để tự mình đạt đến đích – hay chết”.

Và trong khi từ biệt đức Phật, chàng còn nghĩ: “Nếu tôi là một trong những đồ đệ của Ngài, tôi sợ rằng đấy chỉ là bề mặt, rằng tôi sẽ tự lừa dối mình là tôi đang bình an và đã giải thoát trong khi thực ra cái ngã vẫn còn tiếp tục sống và tăng trưởng…”.

Và thế là Tất-đạt ra đi, đi trước mắt con người mà trước đó chàng “đã thấy”, “…trước người ấy ta phải cúi đầu. Ta sẽ không bao giờ cúi đầu trước người nào nữa”.

Chàng đi, vì muốn thấu hiểu bản chất cuộc sống phải bằng trải nghiệm, tri thức, giác quan và cảm xúc, không phải bằng những lời dạy bên ngoài. Chàng quyết định nhập lại vào thế giới trần tục, để tìm cho bằng được câu trả lời cho nỗi hoang mang không biết “tìm linh hồn ở nơi đâu?” của mình.

Cuộc đi tiếp theo dẫn chàng gặp gỡ với cô kỹ nữ giàu có và xinh đẹp Kiều Lan. Cô dạy chàng, rằng cuộc sống là nghệ thuật tình yêu, việc làm và những quà tặng. Thật chẳng có gì rõ ràng, thẳng thắn và có phần trần trụi hơn! Tất-đạt trở thành trợ lý cho một lái buôn, học được kinh nghiệm và trở thành một thương gia thành công; nhưng rồi lại đắm chìm trong cuộc sống cờ bạc và những mối tham lam. Tất cả khiến chàng phiền não, mệt mỏi, thấy cuộc đời trống rỗng, vô nghĩa lý đến mức tìm đến dòng sông toan tự vẫn.

Nơi dòng sông ấy, mấy năm trước, chàng đã đi nhờ chuyến đò của Vệ Sử khi trong túi không có một xu. Trong lúc cúi gục xuống nước dòng sông, bất giác, chàng bỗng thấy dòng sông thầm thì vang động âm thanh "Om…" (Om có nghĩa là toàn thiện, bắt đầu và kết thúc mỗi bài kinh Bà-la-môn). Ý muốn tự tử thốt nhiên bay biến mất, chỉ còn lại nỗi mệt nhọc khôn tả khiến chàng thiếp ngủ một giấc dài bên bờ sông, tưởng chừng không bao giờ tỉnh dậy. Thiện Hữu lúc ấy lại vô tình trở thành người canh giấc ngủ mê mệt của Tất-đạt, nhưng không hề nhận ra chàng. Chàng cũng gặp lại Vệ Sử, người lái đò năm nào. Từ đây, họ sống cùng nhau, ngày ngày cùng lắng nghe âm thanh “om…” của dòng sông trong cuộc sống bình thường cùng mọi người và vạn vật.

Một cuốn tiểu thuyết hư cấu mang màu sắc tâm linh, văn phong trong sáng, đẹp đẽ, vang vọng như một thánh ca, mà cuộc sống chứa đựng trong đó lại muôn vàn hương sắc. Cuộc sống thực ra vốn giản dị và đa âm sắc như vậy, nhưng lắm khi chúng ta đã bỏ quên và đánh mất chính những điều đang hiện hữu, khi nghĩ rằng bằng những lý thuyết màu nhiệm, những kỹ năng và những bậc thầy chứng ngộ nào đó, có thể dẫn ta đi tìm những chân lý cao vời. Điều đơn giản ấy có thể gọi là tỉnh thức được không?

Tỉnh thức thật ra có gì đâu mà to tát. Khi tôi nói với con gái tôi rằng, thức đêm ngủ ngày hại cho sức khỏe, ăn nhiều đồ chiên rán là không tốt, con tôi cãi. Khi tôi bảo cuộc đời có nhân quả, con tôi cũng phủ nhận. Thôi thì, con trưởng thành rồi, hãy tự chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình. Tôi buông rồi, không hơi sức đâu mà căng thẳng mãi với con về việc thức đêm ngủ ngày nữa. Thì một ngày kia, con tôi bảo, con nhận thấy cơ bắp con đang bị gầy đi, con sẽ dậy sớm và đi tập thể thao. Lúc ấy tôi mới cười bảo, đấy, nhân quả ở ngay trước mắt, nào phải chờ đến kiếp sau. Tin vào nhân quả hay không là phải tự mình chứng nghiệm. Con tôi im lặng…

Trở lại câu chuyện đi tìm chân lý của Tất-đạt, thấy con đường dài với nhiều năm tháng và sự gắng công của chàng, đôi khi không giá trị bằng một khoảnh khắc. Nhưng cái khoảnh khắc ấy, để có được, là cũng phải trải qua thời gian dài dặc cùng những gắng công có lúc đến kiệt quệ. Đi tìm chân lý, không phải là đi tìm một thần thánh quyền năng chót vót, có thể ban cho tất cả điều mình mong muốn. Đi tìm chân lý, là hãy lăn vào cuộc sống, hãy tự chứng nghiệm để tìm lấy những kết quả riêng trên con đường chính mình lựa chọn. Kiến thức có thể được dạy, nhưng sự thông thái, trí tuệ lại phải đến từ kinh nghiệm cá nhân, nên mỗi người sẽ trưởng thành một cách khác nhau khi họ sống cùng trong một không gian hay làm cùng một công việc.

Bởi sống là trải nghiệm và lắng nghe, lắng nghe vạn vật và chính mình. Âm thanh “Om…” mà Tất-đạt nghe thấy khi cúi mình xuống mặt nước dòng sông, là biểu tượng cho khoảnh khắc bừng nở khi ta nhận ra bản chất hay vẻ đẹp của cuộc sống. Ấy là lúc con người ta tỉnh thức và được chứng ngộ…

Cuộc sống là một hợp âm đủ mọi cung bậc bổng trầm, ứng với đời người khi hiền hòa lúc trầm sâu, ghềnh thác, dẫu thế, vẫn luôn có một dòng sông đủ rộng dài để nhận về tất cả, chắt lọc tất cả cho được một thanh âm thiêng liêng hay dịu ngọt. Muôn vàn vẻ đẹp của cuộc sống soi trong, hiện hữu trên dòng sông ấy, dạy con người biết buông bỏ, biết dừng lại trước mọi buồn vui của đời mình, trở về soi mình xuống nước dòng sông…

Viết đến đây, tôi nhớ lại bài thơ tôi viết 20 năm trước. Bài thơ có tên là: “Đi về phía dòng sông”, có đoạn:

“Đi đi!

đi về phía dòng sông

bồi nỗi đau bên này lở niềm vui bên ấy

ở phía những dòng sông bắt gặp lòng người

đi đi, về phía dòng sông

mau mau, soi mình xuống nước dòng sông

thấy con còng vó nhảy choi choi đừng bắt

soi mình xuống nước dòng sông

Tôi đang sống

những ngày buồn bã tung vào gió rắc trên cỏ

còn trong nỗi nhớ màu tím nỗi đau màu đen

Mà lòng sông cứ sáng

đi thôi!

đi về phía dòng sông!”

Ngày ấy, tôi chưa chắc đã hiểu hết bài thơ của chính mình. 20 năm sau, có lẽ tôi cũng “đọc” thêm được ý gì đó trong điều mình muốn nói, sau khi tôi đã có thêm trải nghiệm từ cuộc sống vốn đã chẳng bao giờ dễ dàng.

Cuộc đời sẽ luôn đầy lên và dày thêm những điều mình trải nghiệm, còn “lòng sông cứ sáng”. Dòng sông cứ lặng lẽ trôi đi, tỏa ra trong mát và nhận về tất thảy mọi vẻ đẹp cùng những xấu xí, đớn đau của cuộc sống, để thanh lọc, để ôm ấp, vỗ về. Sông là dòng chảy của cuộc sống thực tại muôn màu. Cuộc sống dù có đớn đau quằn quại, trần gian có lúc như điên dại, nhưng chỉ cần có đó một dòng sông, biết trở về “soi mình xuống nước dòng sông”, thì cuộc đời con người sẽ luôn được tắm gội và tỏa sáng.

Trang Thanh
.
.