Sến, sang, buôn, buông, be
Tương truyền ông thi sĩ Chiêu Lì có làm bài thơ theo lối “yết hậu”:
Sống ở nhân gian đánh chén nhè
Chết xuống âm phủ giắt kè kè
Diêm vương phán hỏi mang gì thế?
- Be.
“Đánh chén” là chỉ sự ăn uống nói chung. Tục ngữ có những câu như “Thuận buồm xuôi gió chén chú chén anh, lên thác xuống ghềnh mày tao chi tớ”- khi xuôi chèo mát mái thì vui vẻ bù khú “chèn tạc chén thù”, “chén đầy chén vơi” cực kỳ thân mật nhưng lúc gặp chuyện thì lại hục hặc nhau. Trong bài thơ trên do có từ “chén nhè” nên ta biết dứt khoát là có uống rượu, mà mỗi lần “đánh chén” do “quá chén” nên đến độ say nhè/ bét nhè.
Say là phải rồi. Bình thường uống mỗi ngày chỉ cần dưa cà qua bữa, “cơm tẻ mẹ ruột”, ăn cốt no rồi còn làm việc. Trong khi đó, đã “đánh chén”, lai rai “ít ly y lít”, người ta chuẩn bị xôm tụ hơn gấp bội phần. Tạp chí Nam Phong số 101 tháng 4/1931 có đăng bài phú “Răn uống rượu” cho ta thấy chi tiết hoành tráng của cuộc nhậu ngày xưa:
Của tươi theo khói, xì xèo ốc nướng, cua rang;
Vật tốt đương bơi, tức tắc trạch bung, lươn sáo.
Thóc mách tìm quả khế, chùm sung;
Cóp nhặt để quả cam, trái táo.
Tôm khô gỏi sứa, vật đường bể tanh tao;
Lá lộc rau thơm, giống quanh vườn vơ váo.
Sớm hàng hoa, thịt nạc, sáo thuôn;
Trưa cá quả, thìa là nấu cháo.
Tiết dê tích đó dở dang;
Đầu chó trữ đây khô ráo.
Ấy là vị ngon, ấy là cuộc rượu.
“Rượu vào lời ra”. Đã rượu thì phải hát hò mới thú. Thì, xem kìa, bài phú này, chỉ vài câu đã vẽ lên hoạt cảnh hài hước:
Miệng lắp bắp tiếng to tiếng nhỏ, giữa ồn ào như ếch thấy mưa;
Áo lôi thôi bước thấp bước cao, đi thất thểu như cò phải bão.
Gật gù nhổ vặt như tơ;
Lảm nhảm nói dai như chão.
Hống hách đánh con chửi vợ, mắt quắm diều hâu;
Hung hăng chửi chó mắng mèo, cổ giương rắn ráo.
Không rõ, trong cuộc nhậu tưng bưng bừng này các bợm rượu nốc hết bao nhiêu be, để rồi sau này, “Chết xuống âm phủ giắt kè kè/ Diêm vương phán hỏi mang gì thế?”, liền trả lời hiên ngang: “- Be”. Từ thú vị nhất trong bài thơ này, nhất là đối với người Nam vẫn từ “be”, nói như thế vì ở vùng này đã có từ “be sến”. Mà, từ sến này lại cực kỳ lôi thôi.
Rằng, có những từ mới xuất hiện, sau đó, tồn tại còn dài dài, nếu thời điểm đó không ghi nhận về nguyên cớ ra đời, ắt sau này bí rị. Tha hồ tranh cãi. Chẳng hạn, “sến/ mari sến/ mari phông tên”, gần đây lại còn có thêm “sến rện/ sến như con hến/ sến chảy nước” tùy theo cấp độ ta hiểu rất sến, cực sến. Thế sến là gì, có liên quan gì với nghĩa mà “Việt Nam từ điển” (1931) đã giải thích “Sến là thứ gỗ tốt, rắn: cột sến, rầm sến”? Tên gọi gỗ sến đã đi vào ca dao:
Cảm thương ô dước, bời lời
Cha sao, mẹ sến dựa nơi gốc bần
Như đã nói, đi về miền Nam đầu thế kỷ XIX, còn nghe đến cụm từ “be sến”, nếu ông Huình Tịnh Paulus Của không giải thích, ta ngắc ngứ lắm đây. Nó là cách nói tắt “be ghe bằng ván sến”, tức ván đóng nối hai bên ghe; be là “cơi thêm, nối thêm”; có thể dẫn chứng vài từ như “lên be”: Cơi thêm ván, nối thêm (thường nói về ghe thuyền); “be khăn”: Bịt khăn, vấn khăn cho lớn v.v… Rõ ràng, sến trong be sến không dây mơ rễ má gì với ma ri sến.
Vậy, “sến” này là gì và do đâu lại trở thành tiếng lóng?
Tưởng rằng dễ. Nhưng tẩn mẩn lật từ điển ra, lại thấy mỗi nơi mỗi phách. Chẳng hạn, “Sến: gái điếm rẻ tiền, bắc bực làm cao, thật sự chẳng có gì hơn người; dở mà hay làm màu, làm dáng; rẻ tiền, mạt hạng, chẳng có giá trị, không đạt tiêu chuẩn giá trị” (Nam Chi Bùi Thanh Kiên - Phương ngữ Nam Bộ, 2015); “quê mùa, diêm dúa, ngụ ý thiếu thanh tao” (Bùi Minh Đức - Từ điển tiếng Huế, 2004); “Do từ sen/con sen “dùng để gọi đứa gái nhỏ nhà nghèo phải đi ở đợ giúp việc cho nhà giàu” nói trại ra là sến, là “Tên gọi một cách chế nhạo về người con gái nghèo hèn ở đợ cho người nước ngoài và bày đặt lấy tên theo tiếng nước ngoài là Marie - tức Mari Sen” (Lê Gia - Tiếng nói nôm na, 1999)…
Lại có ý kiến tranh luận: “Về mặt âm lý, nếu sến có thể do sen mà ra thì nó cũng hoàn toàn có thể bắt nguồn từ selles. Sến < selles ban đầu vốn là một từ dùng để tỏ ý phủ nhận sự sang trọng, sự quý phái, v.v.. của cô gái, dần dần mang cái nghĩa mới là: nhà quê, thấp kém về văn hóa, v.v…” (An Chi); “sến” nguyên là “Maria Sến”- đọc theo lối Việt hóa tên nữ diễn viên người Áo Maria Schell. Cô Schell trở thành hiện tượng ở các đô thị miền Nam đầu những năm 1960, sau khi thủ vai một vũ nữ hộp đêm hát múa một cách khiêu khích, bốc lửa trong phim “Anh em nhà Karamazov” - Hollywood dựng năm 1958 theo tác phẩm của đại văn hào Nga Dostoievsky (Hoàng Phủ Ngọc Phan) v.v...
Vậy, ta chọn lấy cách giải thích ý kiến nào? Khó lắm. Và từ “sến” ấy trở nên càng rắc rối tợn khi xuất hiện cụm từ “nhạc sến”, ngay lập tức có “nhạc sang”! Hóa ra “sang” là trái ngược với “sến”? Nhiều người ắt bụm miệng cười khi nghe nói, “sến” cũng còn có nghĩa là… “sang”. Đùa dai nhỉ? Làm gì có chuyện kỳ quặc này? Thế mà có đấy. Bằng chứng “Việt Nam tự điển” (1970) ghi nhận: “Sến: Sang lại, nhượng lại, cả hai đều có điều kiện: Sến căn phố cho người ta được 50 ngàn đồng; Sến căn phố đặng ở hết 50 ngàn đồng”. Vẫn chưa thuyết phục ư? Xin thưa, “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) cũng ghi nhận: “Sến: Sang, nhượng, bán cho, mua cho: sến căn nhà cho người khác; sến được căn hộ gần đường”.
Quay về với từ “be”. Ngoài nghĩa “cơi thêm, nối thêm”, be còn được hiểu là “đắp lên cho cao hoặc đắp bọc phía ngoài thêm một lần nữa cho chắc”- theo “Phương ngữ Nam Bộ”. Thế thì, từ be này là nhằm chỉ trường hợp như:
Bỏ công đắp đập be bờ
Để ai quảy vó mang lờ đến đơm
…
Bao giờ cho đến tháng Hai
Con gái làm cỏ con trai be bờ…
Ngoài ra, be còn có những nghĩa khác mà “Từ điển phương ngữ Nam Bộ” do Nguyễn Văn Ái chủ biên đã bổ sung thêm như “Be: 1. Men theo, dọc theo. Xuồng bơi be theo bờ sông. 2. Rề lại, bám theo, men lại. Xuồng be gần bến”. Ngay cả nguyên khúc gỗ tròn người ta cũng gọi là be/ be gỗ, còn có từ tương tự là súc/ súc gỗ. Trong khi đó, “Việt Nam từ điển” (1931) do người Bắc biên soạn, be có nghĩa là cái chai nhỏ đựng rượu.
Rượu ngon chẳng lọ be sành
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may
Điều này cho thấy người Việt chuộng chất lượng, thực chất hơn hình thức lòe loẹt, hào nhoáng bề ngoài, thế nên còn có câu tương tự “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Chắc rằng ngày nay ít ai thấy cái be rượu có hình dáng như củ tỏi, dấu vết ấy còn lưu trong câu đối xưa:
Tết nhà nghèo, có gì đâu, đánh vài be củ tỏi;
Khách nhà nọ, đâm ra ương, nói chuyện cà riềng.
Nói cà riềng là nói đi nói lại, cằn nhằn, lải nhải, đay nghiến mỗi một chuyện đến phát chán. Tại sao như thế? Bởi “Khách đến nhà không gà thì vịt”, huống gì Tết nhất, chủ chỉ đãi mỗi “vài be củ tỏi” nên khách “đâm ra ương”/ ương ngạnh/ ương bướng, khó chịu, gàn dở, bướng bỉnh kiếm cớ gây chuyện lôi thôi. Cái hay của vế đối trên, còn là “tỏi” đối với “riềng” khiến ta nhớ đến câu cửa miệng “Nói cà riềng cà tỏi” là hiểu theo nghĩa vừa nêu trên.
Những sành uống rượu, trà thường bảo: “Rượu trên be, chè dưới ấm” - hàm ý rượu ngon nằm ở phần trên, chứ phần còn lại dưới đáy, phần cạn thì ngon cái nỗi gì? “Rượu ngon cái cặn cũng ngon/ Thương em chẳng luận chồng con mấy đời”. Từ “cũng” đã cho ta thấy rõ điều vừa giải thích. Ngược lại, thưởng thức trà thì uống phần dưới mới đúng điệu vì khi đó hương trà đã ra ngấm nhuần trong ấm/ bình.
Với từ be, ta còn gặp trong câu tục ngữ: “Bán đong buông, buôn đong be”. Có lẽ nhiều người cảm thấy khó hiểu và cũng khó có thể giải thích rành mạch. Với từ buông/ buôn rõ ràng có hai nghĩa khác nhau. “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng” (Tú Xương), có thể thấy hình ảnh tảo tần chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam trong việc nuôi chồng con.
Thế nhưng, còn tùy ngữ cảnh nữa, chẳng hạn, một người hỏi: “Ủa, họp mặt đông đủ thế này, X đi đâu, sao không thấy?”, câu trả lời: “X đã về buôn”. Có thể hiểu, X đã về nhà lo chuyện buôn bán của mình chăng? Chắc gì, buôn còn là từ mà người dân tộc thiểu số ở miền Nam còn dùng để chỉ làng, bản, không liên quan gì đến “Buôn tàu bán bè, không bằng ăn dè hà tiện”…
Đã buôn thì bán, tất nhiên, nhưng ta hãy nghe câu đối thoại này, chẳng hạn A hỏi B: “Ủa, họp mặt đông đủ thế này, X đi đâu, sao không thấy?”, B trả lời: “X đi bán muối rồi”. Chẳng phải buôn với bán gì cả. Đơn giản X đã ngủm củ tỏi, đã đi tàu suốt, đã đi hụi nhị tì, nói cách khác là X đã “ăn muối/ ăn bùn/ ăn đất”… Các từ này, dù khi nói không thể hiện ra ngoài mặt biểu cảm của bất kỳ sắc thái nào, nhưng ta hoàn toàn có thể biết thái độ, cảm nghĩ dành cho X.
Xét ra từ buôn cũng “rắc rối” lắm đây, bằng chứng là trong sách “Bên lề sách cũ” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2013), học giả Vương Hồng Sển cho biết chính Trương Vĩnh Ký đã viết trong “Tiểu địa dư”: “Lá buôn là bối diệp; lá buông là hồng diệp” (tr.8). Rõ ràng hai loại lá khác nhau, đó là “lá buôn dùng để chép kinh; lá buông dùng lợp nhà, làm quạt”… Thế nhưng khi tra tự điển hiện nay, ta chỉ thấy có mỗi từ “lá buôn”, chẳng hạn, “lá buôn: thứ lá trắng người ta hay dùng mà dệt đệm buồm” - “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895), “lá buôn dùng dệt buồm” - “Việt ngữ chính tả tự vị” (1959) của Lê Ngọc Trụ. Rất tiếc hiện nay “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) lại bỏ sót từ buôn/ lá buôn theo nghĩa này.
Trong câu tục ngữ “Bán đong buông, buôn đong be” thì buông là gì? Là thả, tỉ như “Buông sào bỏ lái”, “Buông tay cỏ, bỏ tay gầu”… ta hiểu là không giữ lại nữa, cho vật đó rời khỏi tay. Từ “đong” trong ngữ cảnh này, cho biết đó là động tác dùng cái lon, lon bơ/ lon gạo đong/ đựng, chẳng hạn, đong gạo/ đong đậu. Khi bán, đong một cách bình thường gọi là “đong buông”, được bao nhiêu là được, không thêm không bớt. Nhưng khi mình đi mua thì không thể buông mà phải be. “Be: Đong cái gì đã đầy rồi lại dùng ngón tay ngăn lại không cho rơi lăn xuống” - “Việt Nam tự điển” (1931).
Qua động tác “buông” và “be” trong ngữ cảnh này, ta có thể thấy cách đong trong mua bán không chỉ ngày trước, mà, nay vẫn thế.