Cù gù, gật gù, bầu bù

Thứ Hai, 15/05/2023, 11:19

“Nác su” ý nói “nước sâu”

“Trấy bù” để gọi “quả bầu” đó thôi

Qua câu vần vè đáng yêu này, ta thấy với người xứ Nghệ đã phát âm “âu” thành “u”, tuy nhiên không phải tất cả, thí dụ người ta vẫn nói đi tàu, trái đậu v.v… chứ không biến âm.

Bài vè nơi vùng đất ấy có câu: “Bọ ăn trộm thì trộm con tru (trâu)/ Ăn trộm trấy bù (trái bầu) mà mang cái tiếng”.Với câu ca dao quen thuộc, nếu phát âm theo tiếng nói phổ thông:

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon

Còn người xứ Nghệ dứt khoát phải là:

Râu tôm nấu với ruột bù

Chồng chan vợ húp gật gù khen ngon

Cái “râu tôm” ấy, có dị bản “đầu tôm”, xét ra không làm nổi bật tình cảm gắn bó, tâm đầu hợp ý của vợ chồng một cách khái quát nhất. Bởi đầu tôm vẫn “giá trị” hơn râu tôm, cần thiết phải bỏ thì người ta chỉ bỏ râu tôm. Ấy mới chính là thứ đáng vứt đi, cũng như ruột bầu, nếu không cần phải “tận dụng” cũng bỏ nốt. Một khi cả hai thứ bỏ đi ấy lại “kết hợp” thành món ăn, hỡi ôi, ngon lành cái nỗi gì? Không, vẫn ngon. Ngon như ăn cao lương mỹ vị. Ngon cực. Ngon ở đây không phải từ miếng ăn cụ thế mà chính vì sự keo sơn gắn bó của tình chồng nghĩa vợ, hợp ý tâm đầu thể hiện qua hình ảnh san sẻ “chồng chan vợ húp” nên mới là ngon. Qua cách nói này ngẫm ra, ông bà ta đã sử dụng từ cực kỳ chính xác, đâu ra đó, rất chọn lọc.

Cù gù, gật gù, bầu bù -0
Mâm cơm người Việt ngày xưa (ảnh tư liệu)

So sánh cách phát âm của người Nghệ và tiếng nói phổ thông, ta đã nhận ra “gật gù/ gật đầu”. Vậy, dù cùng nội dung nhưng cả hai cụm từ cũng đều hay như nhau chứ gì? Chưa chắc. Chuyện này, ta bàn sau.

Với từ bù, khi nói “Bù đầu bù trốc”, trốc nghĩa đầu, ta hiểu là ai đó đang phải xử lý khối lượng công việc quá hớp. Họ bận bịu, túi bụi đến độ có cảm giác như công việc đang ngập đầu ngập cổ, ngập lút đầu. Từ bù này, còn có câu “bù trơ bù trất/ bù trất ống vố” là chỉ cấp độ cao hơn “bù trân/ bù trớt/ bù trất”. Tùy ngữ cảnh, có thể cụm từ này còn hàm ý chỉ sự mù tịt, không hề biết mảy may, ất giáp gì sất. Trước khi quyết định một vấn đề quan trọng gì đó, có người tặc lưỡi quả quyết: “Nhất chín nhì bù”.

Bù này nghĩa là gì?

Nếu “chín” là từ chỉ số lượng thì “bù” chính mà “mười”; nếu “chín” chỉ sự viên mãn, toàn bích, cực đỉnh thì “bù” ngược lại. Dù trường hợp nào thì “chín” và “bù” cũng chỉ hai trạng thái hoàn toàn đối ngược nhau. Bù trong trường hợp cũng tựa như “Năm ăn năm thua”, “Được làm vua, thua làm giặc”, “Được ăn cả, ngã về không”… Nếu được thì được tất, thâu tóm hết; còn thua, thất bại thì “xong phim/ đứng hình”, mất sạch sành sanh.

Khi bàn đến từ bù, ta nhớ đến cụm từ “bù lăn bù lóc”. Vậy, bù này hiểu thế nào cho đúng? Để trả lời câu hỏi, trước hết, ta biết bà Hồ Xuân Hương có câu thơ:

Bác mẹ sinh ta phận ốc nhồi,

Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi.

Lăn lóc là từ đôi cùng có nghĩa, nhằm chỉ sự vật nào đó lăn đi lăn lại, trườn tới qua nhiều vị trí khác nhau… Xin cắc cớ hỏi thêm, tại làm sao “cù” lại chen ngang giữa lăn lóc để trở thành “cù lăn cù lóc”? Sở dĩ như thế, vì chính cù mới phản ánh rõ nét nhất của hành động lăn và lóc, vì trước hết ít ra vật ấy phải tròn. Nói cách khác, “cù” là do từ Hán - Việt “cầu” mà ra nhằm chỉ vật hình tròn.

Trong vốn từ của người miền Nam có hòn cù/ trái cù và nó được sử dụng trong trò chơi như đánh cù, cù khăng thể hiện qua cách nói “Lăn như trái cù”. Trái cù ấy, theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895): “Trái tròn để mà đánh trổng”. Cách giải thích này khó hiểu bởi ta ngắc ngứ với từ trổng/ đánh trổng. Thì đây, tự vị này cho biết: “Đánh trổng: Cuộc chơi trái cù, hai người cầm lấy hai đoạn cây đánh trái cù qua lại mà giành đàng đất; người sức mạnh hoặc biết thế đánh trái cù đi xa thì lấn đàng đất nhiều”.

Nói cách khác, cù lăn cù lóc đã cao hơn lăn lóc nhưng đến bù lăn bù lóc mới là “cực đỉnh”, là “hết thuốc chữa” - là cách nói có tính cách “chốt hạ”, không còn bàn cãi gì sất. Sở dĩ chọn bù bởi bù và cù trùng âm, không những thế, bù còn mang ý nghĩa như phần trên đã phân tích. Mà, cũng độc đáo không kém như khi nói cầu bơ cầu bất/ cầu bất cầu bơ thì cũng chính là cù bơ cù bất/ cù bất cù bơ. Tất nhiên “cù” còn có nhiều nghĩa khác.

Oánh ông Tơ cái trót

Ổng nhảy thót ngọn bần

Biểu ông xe mối chỉ, ổng cù lần không se

Vậy, cù/ cù lần này có phải như ta hiểu theo cách giải thích của “Từ điển tiếng Việt thông dụng” (Vietlex): “Ngù ngờ, chậm chạp (hàm ý chê hoặc hài hước): Người đâu mà cù lần thế không biết”? Không đâu. Cù lần trong ngữ cảnh này, chính là cách nói tắt của cù lần cù cứa là chỉ hành động chần chừ, lần khân, dây dưa, lần lữa. Tùy ngữ cảnh cũng có thể hiểu như cù lơ cù trợt, cù nhầy/ cù nhằng/ cù nhây/ cù nhựa… Không chỉ có thế, còn có thể kể thêm từ khác nữa, nay, chỉ có thể tìm thấy trong “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895): “Cù xây: Hay làm lầy; bộ dai hoi. Nợ đòi mặt nợ, nó cù xây”. Trường hợp này, với tính cách cù nhằng, với bộ mặt trơ ra đó, người miền Nam xưa gọi là cù chì cù mài. Trở lại với từ bù, tương truyền vua Lê Thánh Tôn làm thơ về thằng bù nhìn:

Dẹp giống chim muông xa phải lánh

Dể quân cầy cuốc gọi không thưa

Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi

Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa

Xin giải thích, “dể/ dể quân” thì dể có nghĩa là khinh thường, khinh dể, không nể nang ai đó, bọn nào đó. Thằng bù nhìn còn gọi bồ nhìn “Hình người ta bện bằng rơm cỏ” - theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895), đóng vai trò như câu thơ trên cho biết. Rõ ràng, “bù” có thể đổi qua “bồ”, còn có thể kể thêm như bù kết/ bồ kết; hoặc “bù” qua “bọ” như bù hung/ bọ hung v.v…  Không chỉ có thế, còn có thể đổi qua “bồng” như trường hợp “đầu bù tóc rối/ đầu bồng tóc rối”, bồng này là hiểu theo nghĩa phồng/ vồng lên, “Đầu tóc rối bồng lên”  - theo “Việt Nam tự điển” (1931).

Với một ai đó, trong trường hợp nào đó bị phê phán dữ quá bèn “bù non bù nọt” là van xin, năn nỉ ỉ ôi, nhưng vẫn không được việc bèn “chuyển tông” qua “bù lu bù loa” là la khóc om sòm khiến ai nấy đều chú ý đến, động lòng thương cảm.

Bây giờ, ta quay lại câu hỏi: Khi ăn đầu tôm nấu với ruột bầu/ ruột bù thì động tác gật đầu/ gật gù có gì khác nhau? Với từ gật/ gật đầu, ta hiểu đó là động tác cúi đầu xuống rồi ngẩng lên, dù không nói ra nhưng tỏ ý ưng thuận, đồng thuận. Về “nguyên tắc” là thế nhưng chắc gì. Tôi đồ rằng, chỉ khi người Pháp sang nước Nam ta, chúng lập hội đồng dân biểu, tổ chức bầu cử chọn người vào nghị trường, gọi “nghị viên/ ông nghị”, từ đó mới xuất hiện “nghị gật” là ám chỉ những kẻ bất tài vô tướng chui vào hội đồng mà khi nghe bàn thảo vấn đề gì cũng bù trân, bù trớt, cứ như vịt nghe sấm. Bèn gật/ gật đầu cho xong, chứ đâu hẳn đã “toàn tâm toàn ý, nhất trí trăm phần trăm”! Nhà thơ Tú Mỡ mỉa mai bọn nghị gật:

Bao chương dự toán luận bàn

Vì dân sái cổ gật tràn đôi phen

Thậm chí còn ngủ gật:

… ngẩn mặt tần ngần

Ngồi nghe diễn thuyết ngủ dần thiu thiu

Dứt khoát cái đầu lúc ấy gật xuống ngẩng đưa lên lúc nhanh lúc chậm trong trạng thái lơ mơ làng màng, nửa mê nửa tỉnh… Khác gật/ gật đầu, với gật gù thì động tác ấy không chỉ biểu lộ thái độ đồng tình, tâm đắc, tán thưởng mà còn diễn ra không chỉ một lần. Tựa như ta thấy rõ/ biết rõ tâm thế của ông nghị nếu như ông ta gật gù/ gật gà gật gù, chứ không chỉ gật đầu lúc “dự toán luận bàn”.

Ngoài ra, với người xứ Nghệ, ta còn có thể nhìn thấy không chỉ “gật gù” mà còn gật (và) gù nữa, tức gồm hai động tác. Gù là rủ rê, mời mọc hết sức tình tứ tựa như “Tiếng chim bồ câu đực kêu đến lúc gần con cái” - theo “Việt Nam tự điển” (1931). Xét ra từ gật gù trong ngữ cảnh này còn thể hiện rõ nét sự ngợi khen, rất ưng ý - chứ không chỉ gật/ gật đầu là không biểu lộ thêm sắc thái gì khác.

Mà cái hoạt cảnh “chồng chan vợ húp gật đầu/ gật gù khen ngon”, sau này, một khi họ đã có tuổi thì sao nhỉ? Có còn tình tứ như thế không? Rằng, bấy giờ, nhìn thấy đức lang quân lúc nào cũng xìu xìu ểnh ểnh, “bụng thì to, lò xo lại ngắn”, “trên bảo dưới không nghe”, cô vợ thương tình bèn bồi dưỡng món ăn ngon cho mau sung sức, xin hỏi, lúc ấy ông chồng nhớ tới từ gì? Chớ nên láu táu trả lời, gượm đã, lúc nhìn thấy chồng ăn, cô vợ âu yếm vừa gắp cho chồng vừa liên tục nhắc nhở: “Anh ăn đi cho nó khỏe”. Bỗng anh chồng sa sầm nét mặt: “À, vậy ra cô coi nó hơn tôi à?”. Nó là ai? Chẳng có ai.

Biết chồng hiểu nhầm, cô vợ lặng thinh, tưởng cô nàng biết lỗi, anh chồng sấn thêm: “Nó còn khỏe chán. Còn đủ sức cù rủ khối cô đấy”. Nghe qua, đã biết chồng “nổ”/ nổ banh ta lông/ nổ tanh bành té bẹ/ nổ banh xác pháo nên cô vợ không thèm chấp, bèn phá lên cười: “Nè anh, nó ủ rũ, cù rủ cù rù như gà rù mắc mưa thì có”. Cù rủ cù rù là mức đội cao hơn cù rù chỉ trạng thái không lanh lợi, hoạt bát, chậm chạm lù đù; còn cù rủ là rủ rê, rủ rỉ rù rì, tán tỉnh, dụ dỗ, dỗ ngon dỗ ngọt ai đó, ta có thể thay thế bằng từ tương tự là gù như vừa giải thích.

Cách nói trong tiếng Việt mình đó.

Ngộ chưa?

Lê Minh Quốc
.
.