Nụ cười thách thức thuỷ thần

Thứ Tư, 04/08/2021, 22:07

Trong ngôi nhà bên cầu Sông Hàn, thành phố Đà Nẵng, tôi thấy nụ cười bình yên của Trần Văn Khôi bên các con. Nhưng điều làm tôi thấy ngỡ ngàng, là nụ cười ấy vẫn thường trực trên môi thuyền viên này giữa biển khơi ngàn trùng và rợn ngợp khi anh vượt sóng dữ để cứu người trên tàu Vietship 01 gặp nạn năm 2020. Chính nụ cười tự tin, bình tĩnh và lạc quan ấy đã giúp thuyền viên Trần Văn Khôi giành giật được 4 mạng sống từ tử thần. Và có lẽ chính nụ cười ấy đã vừa mang về cho "chiến binh" dũng cảm của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II tại Đà Nẵng giải thưởng "Hành động dũng cảm đặc biệt" năm 2021 - giải thưởng cao nhất của Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO.

Đối mặt

"Sóng cuộn sóng - dồn Cửa Việt/ Chèo lái thuyền con cứu Vietship thương/ Sóng quăng, sóng quật - vẫn cười/ Kiên cường giải cứu từng người bình an", đó là những vần thơ xúc động mà ông Bùi Tân Nguyên - Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II tại Đà Nẵng dành tặng thuyền viên tìm kiếm cứu nạn Trần Văn Khôi với lòng dũng cảm, ý chí và sức chịu đựng phi thường. Giải thưởng của Tổ chức IMO là sự công nhận quốc tế cho người thực hiện hành động dũng cảm đặc biệt, thể hiện sự quả cảm xuất sắc trong nỗ lực cứu người gặp nạn trên biển trong tình huống bản thân có khả năng gặp rủi ro hy sinh hoặc thương tích. Với ý nghĩa đó,  Trần Văn Khôi hoàn toàn xứng đáng được vinh danh.

Tháng 10-2020, cơn bão số 6 như hung thần tràn vào dải đất ven biển miền Trung. Trời mưa như trút, biển mịt mù, gió cấp 8 gào thét ngạo ngược, nước lũ đổ ra cửa biển Cửa Việt (Quảng Trị) tạo thành những dòng chảy siết. Trong ngày 8-10-2020, nhiều thông tin tai nạn sự cố tàu thuyền tại khu vực vùng biển Cửa Việt liên tiếp đổ về Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II, trong đó có tàu Vietship 01 bị lũ cuốn trôi ra biển và mắc cạn gần kè chắn sóng của cảng Cửa Việt cách bờ biển khoảng 800m. Ban đầu, tàu Vietship 01 có 9 thuyền viên, nhưng các thuyền viên đã cứu vớt thêm 3 thuyền viên của một tàu khác bị chìm trước đó. Tổng số 12 người đều đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng do tàu có nguy cơ lật, chìm.

Xét tính chất nguy hiểm của vụ việc, Ban Lãnh đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II đã khẩn trương thành lập tổ phản ứng nhanh để tiếp cận, cứu nạn, trong đó có thuyền viên Trần Văn Khôi. Không thể tiếp cận tàu V01 từ ngoài biển, tổ cứu hộ của anh Khôi phải tiếp cận hiện trường tai nạn từ phía bờ. Càng khảo sát địa thế, anh Khôi càng nhận thấy mức độ phức tạp của vụ việc. Bởi lúc đó hầu như không có lực lượng nào có thể tiếp cận được tàu Vietship 01 do sóng quá lớn, dòng chảy siết, gió mạnh.

Nụ cười thách thức thuỷ thần -0
Thuyền viên Trần Văn Khôi khi xung phong lên tàu cá cùng ngư dân để tiếp cận tàu bị nạn Vietship 01. 

Sang ngày 9-10, khoảng 10 giờ sáng, anh Khôi quan sát thấy hai thuyền viên tàu Vietship 01 do quá hoảng loạn đã nhảy xuống biển. Anh Khôi lập tức mặc áo phao, buộc dây vào người lao ra biển, thực hiện bơi cứu nạn và đã đưa nạn nhân về bờ an toàn. Trưa 9-10, điện thoại của mọi người trên tàu hết pin, do đó hoàn toàn không thể nắm bắt được thông tin của họ. Qua ống nhòm, thuyền viên Khôi thấy chiếc tàu dập dềnh, quăng quật giữa sóng nước, anh hiểu rằng tất cả những nạn nhân đáng thương đều đang cố gắng bám trụ trong cabin. Dù đã nỗ lực ném đồ ăn khô tiếp tế theo luồng nước nhưng những người bị nạn đã không đón vớt được do thời tiết quá khắc nghiệt. Đêm ấy, ở phía bờ, anh Khôi không tài nào ngủ được. Lòng anh như lửa đốt khi nghĩ đến những nạn nhân trên tàu đang phải chịu đói khát giữa trời mưa rét.

Sáng ngày 10-10, thêm một thuyền viên nữa của tàu Vietship 01 nhảy xuống biển, anh Khôi tiếp tục thực hiện công tác bơi cứu nạn và đã cứu được thành công thuyền viên này. Ngay sau đó, nỗ lực đầu tiên tiếp cận tàu Vietship 01 bằng tàu cá được huy động cùng bốn ngư dân địa phương được triển khai, tuy nhiên phương án tiếp cận không thành công do tàu cá bị chìm do sóng lớn, gió mạnh. Một ngư dân may mắn được sóng đánh dạt vào bờ, ba ngư dân trôi dạt và bơi bám vào tàu Vietship 01 làm tăng thêm số lượng người gặp nạn, tình hình càng thêm phức tạp.

Trưa ngày 10-10-2020, anh Khôi chủ động tham mưu với Ban chỉ huy, nêu phương án tiếp cận trên một tàu cá khác. Lần thứ hai này, đồng hành cùng anh có thêm ba ngư dân lão luyện. Tuy nhiên trong tình cảnh hết sức ngặt nghèo lúc đó, người nhà những ngư dân này kêu khóc, van xin chồng con của họ đừng đi. Anh Khôi đã nói chuyện, thuyết phục người thân của họ để người nhà mình tham gia cứu người, cuối cùng thì họ cũng xuôi lòng. Tiếc rằng tàu cá cũng không thể tiến đến sát tàu Vietship 01 do sóng quá cao.

Đến chiều muộn ngày 10-10, thời tiết chuyển biến xấu hơn, Trung tâm tăng cường một xuồng công tác ra hiện trường. Nhận thấy anh em đồng nghiệp vừa ra chưa nắm rõ tình thế, lúc đó chỉ có anh Khôi là người hiểu rõ nhất mức độ nguy hiểm do đã bám trụ hiện trường 2 ngày. Tuy đã gần kiệt sức nhưng anh vẫn xung phong tiếp tục điều khiển xuồng công tác cùng 3 đồng nghiệp ra tiếp cận tàu Vietship 01 lần thứ 3. Lần này, anh xác định khả năng cao xuồng sẽ bị lật chìm, sống chết chỉ cách nhau tích tắc nên đã cùng các đồng nghiệp chuẩn bị kỹ trang bị cứu sinh, kiểm tra kỹ máy móc và dặn dò anh em phải bình tĩnh để xử lý tình huống bất trắc.

Họ nổ máy, chiếc xuồng mỏng mảnh lao ra giữa những cơn sóng đục ngầu cao đến 5m, mỗi một cơn sóng phủ qua người là họ biết mình còn sống. Quãng đường ra khơi đã gian nan nhưng lúc tiếp cận được gần tàu còn khó khăn hơn nhiều lần do xuồng mắc kẹt vào dây cáp của tàu Vietship 01, bị ngập nước và chết máy. Tình huống nguy cấp, anh Khôi cùng các anh em nỗ lực đẩy xuồng thoát khỏi tình thế mắc kẹt. Khi đẩy được xuồng thoát ra khỏi dây cáp, tổ cứu hộ bị cuốn ra khu vực nhiều đá ngầm. Họ nỗ lực khắc phục sự cố máy. Máy nổ, anh em chưa kịp mừng vì thoát chết thì đã phải bám chắc để tiếp tục tiếp cận tàu. Tuy nhiên do hướng tiếp cận không thuận lợi, mức độ nguy hiểm tăng lên, trời tối, anh em đã kiệt sức nên chỉ huy yêu cầu tổ cứu hộ quay về bờ. Hôm sau phương án huy động trực thăng cứu hộ đã được triển khai. Toàn bộ nạn nhân tàu Vietship 01 được cứu sống.

Nụ cười thách thức thuỷ thần -0

Hình ảnh thuyền viên Khôi chiến đấu với thuỷ thần để cứu người. Ảnh: Bảo Trung. 

Luôn trong tư thế lên đường

Những ngày quăng quật trên biển, lo lắng, căng thẳng như thế với thuyền viên Trần Văn Khôi bao năm qua cũng đã thành quen. Bởi gắn với sóng gió, biển cả là sự lựa chọn của anh từ khi vào nghề. Quê anh ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hàng hải, anh vào Đà Nẵng nhận nhiệm vụ. Tính đến nay, anh đã có 10 năm là thuỷ thủ tàu SAR 412, 5 năm là nhân viên cứu nạn thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II Đà Nẵng.

Cứ có tình huống cấp bách cần cứu hộ cứu nạn trên biển là anh và đồng nghiệp lập tức lên đường bất kể ngày đêm. Không phân biệt quốc tịch, màu da, anh đã nhiều lần cứu người trên các tàu nước ngoài gặp nạn khi đi qua vùng biển Việt Nam. Trung bình mỗi năm anh Khôi tham gia hơn 20 chuyến cứu nạn trên biển. Có tuần dồn dập 2-3 chuyến cứu nạn, nhiệm vụ đến bất thình lình, không báo trước. "Có hôm tôi vừa hết ca làm, về đến nhà chưa kịp mở cửa, có điện thoại là lại đi luôn. Vợ con tôi đã quen với nhịp làm việc đặc biệt của tôi. Tôi đã lên đường là sẽ không gọi được điện thoại, không biết tôi có an toàn hay không, đành phó mặc cho số phận thôi", anh Khôi tâm sự một cách chân thành và tếu táo, tiếng cười vẫn vang lên.

"Để trở thành một nhân viên cứu nạn thiện chiến có khó không anh", tôi hỏi. Anh Khôi hào hứng: "Phải là người đa năng nhà báo ạ. Phải có sức khoẻ, bơi lặn thiện xạ, thông hiểu về dòng nước, luồng lạch trên biển. Phải thành thạo trong việc điều khiển xuồng cao tốc, sử dụng trang thiết bị hỗ trợ, phải được huấn luyện cứu hộ cứu nạn bài bản, biết xử lý sơ cứu ban đầu cho người gặp nạn. Nhưng điều không kém phần quan trọng là phải tự tin, trách nhiệm và biết ứng biến trong các tình huống ngặt nghèo. Chỉ một sai lầm sẽ mang đến những hậu quả khôn lường và mãi không thể sửa sai". Đã hơn 15 năm gắn bó với Đà Nẵng, giờ đây anh Khôi coi mảnh đất này là quê hương thứ hai. Ở đây, anh có một tổ ấm hạnh phúc. Ngôi nhà nhỏ của anh ở gần cầu Sông Hàn, đảm bảo chỉ sau 15 phút là anh có mặt tại cơ quan và lên đường làm nhiệm vụ.

Dịch bệnh COVID-19 càng diễn biến phức tạp thì môi trường làm việc của anh và đồng nghiệp càng trở nên nguy hiểm. Họ phải tiếp xúc với người ở bất cứ vùng nào đến, dù có đi qua vùng dịch hay có yếu tố dịch tễ mù mờ nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Bất chấp những hiểm nguy, anh Khôi và đồng nghiệp vẫn luôn sẵn sàng xả thân để cứu vớt những phận người nhỏ bé, lạc lõng mưu sinh giữa sóng nước ngút ngàn. Mỗi khi giành giật được sự sống từ tay tử thần, anh Khôi thấy lòng ấm áp. Những lá thư, những cuộc điện thoại cảm ơn, những chuyến thăm hỏi tận nơi của người dân đối với anh và đồng nghiệp - ân nhân cứu mạng họ đã mang lại cho anh niềm vui và động lực trong công việc.

"Với tôi, việc cứu người trên tàu Vietship tháng 10-2020 không phải là vụ việc khó khăn, nguy hiểm nhất mà tôi từng thực thi. Nhưng đặc biệt ở chỗ đây là lần đầu tiên tôi sát cánh cùng chính những ngư dân trên phương tiện của họ để cứu người. Trong những giây phút căng thẳng đó, tôi không có thời gian để suy nghĩ cho bản thân, thậm chí không chỗ cho cảm xúc len vào, chỉ có mạng sống con người đặt ra trước mắt" -Thuyền viên tìm kiếm cứu nạn Trần Văn Khôi  

Thái Hưng
.
.