“Tổ chim” chon von ở Huổi Đanh

Thứ Tư, 19/05/2021, 07:40
Sáng sớm, hai cô giáo Đào Thị Uyên và Lò Thị Loan vượt con dốc dài đến điểm trường Huổi Đanh, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tranh thủ dọn dẹp phòng học và quét sân.

Giờ ra chơi, các cô tranh thủ nhặt rau, rửa rau. Gần trưa, đang dạy, lại tất tả vào bếp nấu nướng để kịp giờ cho các con ăn. Khi đàn con đã ngủ trưa, bát đĩa đã rửa xong, các cô vội vàng ăn cơm để kịp giờ dạy chiều. Ở mảnh đất cực tây xa xôi của Tổ quốc, nhịp quay đều đặn và mải miết với hai cô giáo bám bản cũng đã thành quen…

Đàn con thơ của hai người mẹ

Điểm trường Huổi Đanh như một tổ chim nhỏ xíu treo chon von trên núi cao. Bởi từ Trung tâm xã Mường Toong phải ngược dốc men theo con đường quanh co mới đến được bản Huổi Đanh. Đi mãi về phía cuối bản, sẽ gặp tổ chim nhỏ bé ấy với hai chim mẹ và bầy chim con ríu rít từ sáng tới chiều. Đứng ở mảnh sân con con trước lớp học, ngước mắt lên là mây ngàn gió núi, đưa mắt xuống là nương rẫy của người Mông lọt thỏm.

Điểm trường chỉ có hai lớp học. Lớp ghép hai trình độ lớp 1 + 2 của cô Uyên thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1. Lớp ghép 4 lứa tuổi 2 + 3 + 4 + 5 do cô Lò Thị Loan phụ trách là một nhánh nhỏ của Trường Mầm non Mường Toong.

Cô giáo Loan sinh năm 1992, nhà ở huyện Mường Ảng, đi dạy đã 5 năm. Nhà xa, cô phải ở tập thể tại Trung tâm xã Mường Toong để ngày ngày phóng xe vào bản. Còn cô giáo Uyên sinh năm 1985. Từ quê nhà Tiên Lữ, Hưng Yên lên bản Huổi Đanh với cô là cả một hành trình xa xôi và không ít nhọc nhằn. 12 năm trước, sau khi học ngành sư phạm ở Hưng Yên, cô giáo trẻ hăng hái nộp hồ sơ mãi tận Điện Biên với quyết tâm lên vùng cao công tác.

Chỉ khi vượt gần 200 cây số từ thành phố Điện Biên Phủ vào bản dạy học, nhìn những mái nhà lúp xúp, trường lớp tạm bợ, cô giáo Uyên mới thấy hoang mang và buồn nản. Nhưng rồi hình ảnh tụi học sinh nheo nhóc, ngơ ngác đã dấy lên trong lòng Uyên tình thương yêu và nghị lực trụ lại mảnh đất nơi biên thuỳ.

Cô giáo Lò Thị Loan đang dạy các con học hát.

Năm 2013, cô giáo Uyên xây dựng gia đình ở xã Mường Toong, nguyện gắn bó dài lâu với hành trình gieo con chữ. Từng ấy năm xa quê, mỗi năm cô chỉ có thể về thăm bố mẹ duy nhất một lần vào dịp nghỉ hè. Dịp lễ tết dù có nhớ nhà đến phát khóc thì cũng đành chịu vì đường sá xa xôi. Cô bảo, năm nay tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, có lẽ cô không về được quê. Nỗi nhớ nhà cứ dày lên rồi nén chặt lại.

Cô Uyên có nụ cười hiền và đôi mắt luôn thoáng chút buồn. 22 đứa con của cô, 14 đứa học lớp một, 8 đứa học lớp hai, đáng yêu và đáng thương lắm. Sáng nào chúng cũng đến lớp từ rất sớm, thấy cô làm gì cũng tranh nhau làm theo. Giờ ra chơi, chúng túm tụm giúp cô nhặt rau.

Việc dạy dỗ học sinh lớp 1 rất vất vả, nhưng với cô Uyên thì gian nan gấp mấy lần. Bởi các con chưa sõi tiếng phổ thông, thành ra giờ giảng phải pha cả tiếng Mông để giải thích cho các con hiểu. Đã thế lại còn là lớp ghép hai trình độ.

Soạn giáo án, cô Uyên chia trang giấy làm đôi, bên này dạy lớp 1, bên kia lớp 2, các hoạt động dạy học đan xen và song song. Cả buổi học cô Uyên như con thoi đi lại giữa hai đầu lớp, viết trên hai chiếc bảng. Không có giáo viên dạy môn chuyên biệt, cô Uyên kiêm cả môn mĩ thuật, hát nhạc.

Dạy các con phải thật kiên trì, nhưng họp phụ huynh còn phải kiên trì hơn nữa. Cô Uyên bảo, năm nào nhà trường cũng triển khai họp phụ huynh 3 lần. 100% người dân ở bản Huổi Đanh là người Mông.

Các ông bố thường thạo tiếng phổ thông hơn, việc thông báo, trao đổi với phụ huynh dễ hơn. Còn các bà mẹ chỉ biết tiếng Mông thì cô Uyên phải nhờ trưởng bản vào họp để phiên dịch giúp. Các ông bố bà mẹ Mông ở nhà hầu như không kèm được con học bài nên mọi việc nhờ cả vào cô giáo.

Thời gian gần đây, một bộ phận người dân Mường Toong vẫn chặt phá rừng làm nương, nhiều trường hợp bị xử lý nghiêm. Hai em học sinh lớp cô Uyên có mẹ phải đi cải tạo vì huỷ hoại rừng. Biết các con thiếu sự chăm sóc của mẹ, cô Uyên càng quan tâm đến các con nhiều hơn. Có đợt bố bận không chở đến trường được nên các con nghỉ học luôn, cô Uyên phải xuống tận nhà để vận động gia đình đưa con đến lớp.

Có 33 đứa con, lúc nào cô Loan cũng tất bật, từ việc dạy dỗ, chăm sóc, nấu ăn đến vệ sinh lớp học và làm đồ dùng học tập. Sáng ra, việc đầu tiên là cô phải xách nước rửa tay chân, mặt mũi, chải tóc cho 33 đứa con rồi mới vào học. Lớp cô có đến 3 cặp chị em 2-3-5 tuổi, bố mẹ đẻ nhiều nên chả có thời gian chăm con.

Cô chia lớp thành 4 nhóm tuổi để dạy. Đến lớp, các con nền nếp hơn ở nhà, được học hát học múa, được ăn bữa trưa có trứng có thịt, được ngủ giấc trưa tròn trặn thay vì đi dãi nắng. Thế nhưng chỉ sau đợt nghỉ hè ở nhà, các con đến lớp lại như mới, cô lại bỏ công rèn giũa lại từ đầu.

Cô trò ở điểm trường Huổi Đanh, xã Mường Toong.

Giấc mơ có điện

Đầu giờ chiều, trời nắng chang chang, gió Lào thổi ào ào, không khí càng oi nồng và nóng nực. Mấy cái cây trước cửa lớp học mới chỉ cao khoảng một mét nên chưa có bóng mát, thành ra cái nóng từ sân trường lại phả vào trong lớp. Tất cả cửa chính và cửa sổ đều được đóng bớt và buộc cố định một cánh, nếu không gió sẽ đập ầm ầm và hất tung ra.

Mái nhà bị cành cây đập vào rung bần bật và kêu phành phành như tiếng động cơ. Dường như đã quen với nắng gió vùng biên, lớp cô Uyên vẫn say sưa ôn tập để chuẩn bị thi cuối năm, lớp cô Loan đang học hát. Mồ hôi rịn ra trên mặt cả cô cả trò.

Dù bản Huổi Đanh đã có điện lưới quốc gia từ cuối năm 2020, nhưng đường điện chưa kéo được về đến trường. Cô trò cứ mong mỏi từng ngày. Hiện tại, các con tự mang cơm từ nhà đi, thức ăn và canh rau cô giáo nấu ở lớp. Cô Loan bảo, mong có điện về trường, để buổi trưa các cô có thể cắm nồi cơm thơm dẻo, cả cô và con sẽ không phải mang cặp lồng cơm mỗi ngày nữa.

Có hôm, có bố mẹ quên không chuẩn bị cơm cho con mang đi, đến bữa, con mếu máo, cô đành phải san sẻ phần cơm của mình cho con. Trước đây, cứ đến gần trưa là hai cô dừng việc dạy, tất tả đi nhóm bếp củi để nấu canh và thức ăn, chỉ lo không nấu kịp bữa trưa. Giờ thì điểm trường đã có được chiếc bếp ga nên việc nấu nướng nhanh hơn, các cô có thời gian dạy các con nhiều hơn.

Chuyện ăn là vậy, còn chuyện mặc của các con cũng là điều các cô luôn canh cánh. Thương nhất là khi trời đông lạnh giá mà các con vẫn chỉ quần đùi áo cộc, người lạnh run, môi tím tái. Năm nào nhà trường cũng quyên góp quần áo ấm cho các con. Nhưng khổ nỗi các bố mẹ thường để con mặc nhiều ngày, bẩn thì đem vứt đi, thành ra lạnh vẫn hoàn lạnh. Nhiều hôm trời mưa, các con đến lớp là quần áo ướt sũng. Các cô thường để quần áo đồng phục ở trường để thay cho các con.

Hai dãy nhà nhỏ hiện tại là niềm mơ ước dài lâu của cô trò ở Huổi Đanh. Năm 2018, dãy nhà đầu tiên xây bằng gạch không nung thay cho lớp học mái tôn, nền đất, vách gỗ cong vênh hở hoác quanh năm gió lùa. Năm ngoái, dãy nhà thứ hai hoàn thiện, mảnh sân đã được lát ximăng lúc nào cũng sạch sẽ, khô ráo. Bà con Huổi Đanh phấn khởi, bảo nhau làm xích đu, bập bênh, cầu trượt bằng gỗ mang đến trường cho các con vui chơi.  

Cô Loan bảo, các thầy cô giáo vùng cao thường được điều động dạy học tại các điểm trường, năm ở bản gần, năm đến bản xa. Thương bọn trẻ, dù ở điểm trường nào thì các thầy cô cũng luôn gồng mình đảm đương lượng công việc một ngày luôn quá tải. Cả năm các cô hầu như không nghỉ ngày nào, chỉ lo các con sẽ ăn ngủ, học hành chệch choạc. Trong những bữa cơm trưa lặng lẽ nơi góc núi, hai cô giáo san sẻ cho nhau mọi niềm vui nỗi buồn, động viên nhau cùng cố gắng để nuôi dạy bọn trẻ dần lớn khôn. 

Cô giáo Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1:

“Chúng tôi có một điểm trường chính và 12 điểm lẻ. Ngày ngày, các thầy cô giáo toả ra các bản làng để đem cái chữ về cho các em. Điểm trường xa nhất cách điểm trường chính 12km, đường đi rất khó khăn. Vào mùa mưa đường trơn trượt, các thầy cô phải ăn ở tại điểm trường nhiều ngày. Từ lớp 3 đến lớp 5, các con sẽ ra trung tâm xã học.

Việc vận động học sinh bám lớp, bám trường là công việc thường niên của các thầy cô. Các giáo viên đều có chứng chỉ tiếng Mông để giao tiếp với học sinh, để uốn nắn, dạy dỗ các em từ những con chữ đầu tiên. Những năm trước, khi chưa có bữa ăn bán trú, học sinh thường đi học buổi sáng, buổi trưa về nhà và buổi chiều nghỉ học luôn vì đường xa. Giờ đây, khi có dự án hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh, tỉ lệ đi học đều và ổn định hơn. Trước kia, buổi tối chỉ có đèn dầu, các con ăn cơm tối xong là đi ngủ. Hiện tại, bản Huổi Đanh vừa có điện, mong các con sẽ chăm chỉ ôn lại bài vở vào buổi tối.

Có được dãy nhà học kiên cố ở điểm trường Huổi Đanh là sự chung tay của các cấp các ngành. Đặc biệt, chính sự tận tâm, nhiệt huyết, vượt khó của các thầy cô bám bản đã tạo nên nền nếp dạy và học như hôm nay. Điều cần nhất ở các thầy cô là lòng yêu nghề mến trẻ, đó chính là chất keo gắn họ với mảnh đất biên cương này”.

Huyền Châm
.
.