Nặng lòng xuân xa xứ

Thứ Hai, 26/02/2024, 14:47

Quê hương, đó là những con đường, ngõ nhỏ, những mảnh vườn, ao quê hay món ăn dân dã, những câu chuyện ân tình bên bát nước chè xanh... Với người ở lại, những điều thân thuộc, bình dị ấy tưởng như không có gì để nhớ nhưng ở nơi xa cách nghìn, vạn dặm, mỗi lời nói, bước chân, mỗi nếp nhà, sương khói đều trở thành nỗi niềm khắc khoải, nặng lòng xuân xa xứ...

Em gửi tặng anh vương vấn lưng thon

Tảo tần nắng mưa dãi dầu năm tháng

Trên xứ người lặng thầm trong đêm trắng

Bỏng rát lòng hình bóng người thương

Em gửi tặng anh ánh trăng trải trên sông

Sóng lấp lánh soi nhịp cầu nỗi nhớ

Kỷ niệm chảy trong vần thơ khát vọng

Hòa quyện vào khúc hát mùa xuân...

Nặng lòng xuân xa xứ -0
Sinh viên Việt Nam và quốc tế tham gia chương trình "Tết sum vầy" tại Nga. Ảnh: TTXVN

Chị Bùi Nguyệt (Chemnitz, CHLB Đức) trải lòng trên trang quehuongonline.vn với những vần thơ "lặng thầm trong đêm trắng", thả lòng cho nỗi nhớ vương vấn lưng thon, dãi dầu năm tháng... Còn chị Nguyễn Thị Trung Hoa (CHLB Đức) thì cảm xúc xuân là cái lạnh vẫn chưa tan gió đông, để hình ảnh bếp củi bập bùng sưởi ấm năm xưa vẫn rực lửa:

Ngoài kia lạnh lắm mùa đông

Trong nhà ngọn lửa bập bùng ấm êm...

Cây mơ mảnh khảnh góc vườn

Ấp ủ những mầm trào nhựa thành hoa!

Mấy nhành xuân mảnh mai kia

Cho đời hy vọng... xuân về nay mai!

Không thể hiện cảm xúc bằng thơ, song với chị Nguyễn Thị Phương Thảo (Việt kiều Mỹ, tại Washington D.C) chia sẻ, mỗi dịp Tết đến, xuân về, chị lại tranh thủ đưa cả gia đình đi sắm Tết ở khu chợ Việt để cùng nhau tìm lại hương vị Tết quê nhà và nhắc nhở con cháu của mình về những nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Năm nay, cái Tết mang trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên khi gia đình chị Thảo đón bố đẻ từ Việt Nam sang và các con cháu lại quây quần đoàn tụ. Chị Thảo sang Mỹ làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB) và sinh sống ở bang Virginia được gần 20 năm nay. Lần đầu tiên ăn Tết Việt cùng gia đình con gái tại Mỹ, cụ Nguyễn Hoàng Nghĩa - bố của chị Thảo, cũng cảm thấy vơi bớt nỗi nhớ nhà khi được cùng các con cháu đi sắm Tết trong không khí thân quen ở khu chợ Việt thuộc bang Virginia. Cụ Nghĩa chia sẻ: "Không khí Tết ở Mỹ cũng khá đầy đủ những mặt hàng Tết như ở Việt Nam. Qua buổi đi sắm Tết, tôi có thể dạy cho con cháu về những phong tục truyền thống, giúp các cháu biết cần phải trang hoàng nhà cửa sạch đẹp trong ngày Tết, phải sắm chậu hoa, cành đào, cành mai... Phải dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, trẻ con sẽ được người lớn lì xì lấy may đầu năm".

Vốn là người Hà Nội nên chị Thảo nhớ những thứ mà ở Mỹ còn thiếu trong dịp Tết như cành đào, cây quất, lá dong... Chị chia sẻ, ở Mỹ khó có thể luộc bánh chưng trong những nồi to tại sân nhà hay trên hè phố như Việt Nam, cũng không có nhiều họ hàng để đi từng nhà nhau chúc mừng năm mới. Dù vậy, để khơi gợi cảm xúc Tết quê hương, chị đều duy trì việc gói bánh chưng hay đưa gia đình đi sắm Tết.

Năm nay, chợ Tết của người Việt ngoài những sản vật quen thuộc còn có những gian hàng bày bán các bộ áo dài dân tộc truyền thống, rồi có cả khu để treo câu đối Tết, giúp mọi người có thể hiểu được đạo hiếu phong tục ngày Tết của người Việt. Với anh James (chồng chị Thảo), Tết Việt đã trở nên rất đỗi thân quen. Tết với anh không thể thiếu chiếc áo dài đỏ mà anh rất yêu thích, anh luôn chọn mặc áo dài màu đỏ trong những dịp lễ đặc biệt của Việt Nam. Năm nay, anh James còn mua thêm chiếc áo dài có thêu hình rồng, tượng trưng cho năm Thìn. "Tôi đã đến Việt Nam 2 lần nhưng chưa lần nào được ăn Tết Việt. Vợ tôi là người nấu bếp giỏi nên tôi rất thích các món ăn Việt Nam, tôi thích ngày Tết được ăn bánh chưng do vợ tôi làm. Tết năm nào tôi cũng ngồi gói bánh chưng cùng vợ, nấu rất nhiều bánh chưng" - anh James Gaites chia sẻ.

Nặng lòng xuân xa xứ -0
Một tiết mục văn nghệ của kiều bào tham dự chương trình Xuân quê hương Tết Giáp Thìn 2024 tại Nga.

Với gia đình anh Đặng Huy Quyết, chủ quán Phở Quyết tại Tokyo, Nhật Bản, dù dịp Tết rất bận rộn nhưng anh Quyết cùng các nhân viên người Việt trong quán đã quyết định dành riêng một ngày để làm công tác chuẩn bị những phần quà đặc biệt dành tặng những người Việt Nam đang lao động gần nơi gia đình sinh sống như một cách để chia sẻ yêu thương trong cộng đồng người Việt nơi đất khách quê người.

Anh cho biết, trải qua 15 năm học tập, lao động và sinh sống ở Nhật Bản, mang trong mình niềm đam mê nấu ăn, anh quyết định mở quán Phở Quyết bằng số tiền tiết kiệm của bản thân và gia đình trong một khu phố nhỏ của Tokyo. Nhiều năm ăn Tết tại Nhật Bản khi còn là một thực tập sinh kỹ năng, anh thấu hiểu với những khó khăn của công việc và tâm trạng nhớ nhà của những người lao động Việt Nam tại đây mỗi dịp Tết đến, xuân về. Đặc biệt, năm qua, thu nhập của những thực tập sinh Việt Nam giảm khá nhiều do đồng yên mất giá và giá cả leo thang nên càng ít thực tập sinh về Việt Nam ăn Tết.

Đã thành thông lệ hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền, Trung tâm văn hóa quận Woluwe Saint-Pierre ở Thủ đô Brussels, Bỉ lại trở thành một không gian Tết Việt ấm cúng với mâm quả được khắc chữ công phu mừng năm mới. Năm nay, lần đầu tiên có một không gian báo Tết trưng bày những ấn phẩm báo xuân đặc sắc mang từ quê hương Việt Nam tới Bỉ phục vụ đồng bào xa xứ như Nhân dân, An ninh thế giới, Tuổi trẻ, Phụ nữ Việt Nam, Văn nghệ...

Chị Huỳnh Thị Thu Thảo, sống tại Bỉ từ 25 năm nay, rất hứng khởi khi được cầm trên tay những ấn phẩm báo Tết, những tờ báo chị vốn hay đọc khi còn ở Việt Nam. Chị Thảo cho biết, mặc dù hiện nay mọi người đọc báo chủ yếu trên mạng Internet, nhưng với chị, được đọc những những tờ báo in, nhất là số Tết bằng tiếng Việt ở trời Âu vẫn là điều tuyệt vời nhất, thực sự là món quà xuân từ quê nhà hết sức ý nghĩa dành tặng những người con xa xứ. Cũng trong không gian Tết Việt này, mọi người vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi thấy sự xuất hiện của "ông đồ" Jean-Sébastien Gill, một người Pháp yêu thích nghệ thuật thư pháp. Trong bộ đồ áo the, khăn xếp, anh Jean-Sébastien tự tay viết thư pháp cho bà con. Sự tận tâm và chân thành của anh đã thu hút rất đông người Việt Nam và cả người Bỉ với mong muốn được sở hữu một bức thư pháp độc đáo để treo tại nhà dịp Tết. Nhìn cảnh anh Jean-Sébastien viết thư pháp, nhiều người lại nhớ những lời thơ sâu lắng của Vũ Đình Liên năm nào...

Tết là những lúc những người con xa xứ cảm nhận rõ nhất nỗi nhớ quê cha đất mẹ, nhớ những kỷ niệm, năm tháng sống ở quê hương, dẫu khó khăn nhưng chan chứa tình người.

Chị Lan Hương, một Việt kiều tại Đức rưng rưng nước mắt khi đọc những dòng thơ, dòng văn đầy cảm xúc về trái cà na, một món ăn dân dã đầy hương vị đất Quảng Nam: "Quê tôi mùa này, ngó ra đồng lún phún mạ non, từng mái nhà lô nhô dưới vòm lá biếc xanh, má tôi lại đỏ lửa làm quà đón Tết từ nguyên liệu chủ yếu có sẵn nơi đồng quê bồi bãi, vừa thanh sạch lại vừa độc lạ. Trái cà na là thức quà sạch được hái về từ trên núi, thân hình nhọn bầu dục, to gần bằng ngón tay cái. Lớp vỏ cà na trơn láng căng mịn, màu xanh nhạt, có vị chua và chát. Má rửa sạch rồi đem luộc, cho ít muối hạt vào để giảm bớt vị chua, chát. Sau đó, dùng dao khía dọc, bóc lấy phần vỏ, vớt ra để ráo. Cà na vỏ dày nên má ướp đường, mật ong trong thời gian khá dài để thấm đều gia vị. Bắc lên bếp, chụm đều lửa, vỏ cà na cứng dày, không sợ gãy vụn nên mạnh dạn đảo đều tay liên tục đến khi nước đường keo lại thì hoàn thành, thêm vài lát gừng xắt sợi để dậy mùi thơm. Lúc này, những trái cà na khoác tấm áo màu hơi ngả vàng, sóng sánh nước đường. Khi ăn, mọi người sẽ cảm nhận sự khác biệt đến không ngờ...

Để cho ngày Tết cổ truyền thêm trọn vẹn, ngoài mứt mang hương vị núi rừng, má còn bày biện thêm mứt vỏ bưởi. Nhà tôi nhiều bưởi mọc phía đầu hè, ra trái hằng năm nên việc chọn nguyên liệu làm mứt khá dễ dàng... Ăn miếng mứt bưởi, cái vị ngòn ngọt, the the ngay từ khi chạm vào đầu lưỡi tạo cảm giác ấm áp giữa tiết trời xuân se lạnh. Có gì tuyệt vời hơn thưởng thức đồ nhà làm, uống từng ngụm nước chè xanh đậm vị đất trời và lắng nghe mùa xuân về..." (Thiên Thu - Quảng Nam).

Mới đây, tại Trung tâm Văn hóa của Trường Kinh tế cao cấp HSE, chương trình "Tết sum vầy 2024'' đã thu hút sự tham gia của hơn 150 sinh viên Việt Nam và nước ngoài. "Tết sum vầy 2024'' là sự kiện được phối hợp tổ chức bởi 4 Chi đoàn Nghiên cứu công nghệ quốc gia, Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow, Kinh tế cao cấp HSE và Đại học Quan hệ quốc tế Moscow. Năm nay, lần thứ hai được tổ chức, "Tết sum vầy" đổi mới hình thức từ chương trình thông thường sang "Hội chợ Tết" với hai phần chính là lễ và hội. Phần lễ gồm những tiết mục văn nghệ đặc sắc với những giai điệu quen thuộc, gợi nhớ về quê hương, đất nước, thắp sáng niềm tự hào dân tộc.

Ở nơi xa quê, những bài hát như "Hello Việt Nam", "Bèo dạt mây trôi", "Bóng phù hoa", "Mời anh về Tây Bắc", "Tết xa"... trở nên đặc biệt ý nghĩa. Phần hội diễn ra sôi nổi, hào hứng với sự tham gia của đông đảo sinh viên Việt Nam và nước ngoài. Những trò chơi dân gian như ô ăn quan, nhảy dây, chơi chuyền, đập niêu, nhảy bao bố không chỉ là món ăn tinh thần của sinh viên sau những giờ học căng thẳng mà còn góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa Việt...

An Nhi
.
.