Động tâm ở Bồ Đề Đạo Tràng

Thứ Năm, 19/01/2023, 09:05

“Dậy sớm nhé”, anh bạn đi cùng dặn đi dặn lại trước khi về phòng. Anh không dặn thì tôi cũng xác định phải dậy sớm. Lần đầu tiên về đất Phật, được chiêm bái một thánh tích mà hơn 2.500 năm trước Đức Phật đắc đạo, chắc chắn phải dậy sớm, đi trong không khí trong lành rồi. 

Từ khách sạn chỗ tôi ở đến Bồ Đề Đạo Tràng chỉ mất chừng 20 phút đi xe tuk tuk (một phương tiện giao thông phổ biến ở Ấn Độ, gần giống với xe lam ở Việt Nam trước đây). Hai mươi phút ấy, tôi quay ngang quay ngửa nhưng thực chất là chẳng nhìn thấy gì cả. Nhìn mà chẳng nhìn. Đầu óc trống rỗng. Phải đến khi xe tuk tuk dừng, mấy anh cảnh sát Ấn Độ đi lại sát sạt trước mắt thì mới chợt nhận ra: À, đến nơi rồi! Buổi sáng tinh tươm, các quầy bán đồ lưu niệm bên ngoài thánh tích còn chưa mở, nhưng những người bán hàng rong đã làm công việc của mình. Một em nhỏ bán rong chạy đến phía tôi, mời mua hoa. Tôi mua một đĩa hoa màu trắng, dâng lên Đức Phật.

Khi biết tôi là người Việt Nam, em nhỏ chắp tay, nhắm mắt, hướng về phía cổng Bồ Đề Đạo Tràng rồi nói bằng tiếng Việt: “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật”. Không riêng gì em, bất cứ người bán hàng nào ở đây khi thấy người Việt đều nói được như thế. Lạ! Lạ thật! Mãi sau này anh bạn người bản xứ mới giải thích: “Trong khoảng chục năm trở lại đây, số lượng người Việt Nam đến Bồ Đề Đạo Tràng ngày càng đông. Một, hai năm nay, có thể nói là đông nhất so với các nước khác. Do vậy, những người bán hàng quanh thánh tích đều nói được những câu niệm Phật bằng tiếng Việt”. Anh còn bảo, đã bắt đầu có những dân bản xứ sang Việt Nam học tiếng Việt rồi trở về làm tour, phục vụ riêng cho khách du lịch và khách hành hương người Việt.

ANTGGT Tết trang 11: Động tâm ở Bồ Đề Đạo Tràng -0

Tiến về phía cổng an ninh với một đĩa hoa trên tay, tôi lập tức bị chặn lại. Thì ra mang hoa vào thì được nhưng điện thoại di động thì không. Cảnh sát Ấn Độ yêu cầu tôi quay lại, gửi điện thoại ở quầy trông đồ. Nhưng, quầy bán hàng và quầy trông đồ lẫn vào nhau, san sát, chẳng biết đâu mà lần. Thấy gương mặt ngơ ngác của tôi, một vị sư trẻ tiến đến, nở nụ cười thân thiện. “Cách đây 2 năm, đã có âm mưu đánh bom, phá hủy thánh tích. May mà cảnh sát kịp phát hiện nên không có hậu quả nào xảy ra. Nhưng, kể từ đó mọi người không được mang điện thoại vào trong nữa” - vị sư trẻ giải thích. “Vậy làm sao để chụp ảnh kỷ niệm, thưa sư?”. “À! Có thể mang máy ảnh, nhưng phải đăng ký và được kiểm tra cẩn thận”. May quá, anh bạn đi cùng tôi có mang máy ảnh. Thế rồi vị sư này nhiệt tình dẫn tôi đến tận cửa gửi đồ. “Đất Phật có khác, con người tận tâm với nhau đến thế là cùng”, tôi tự nhủ.

Qua cửa kiểm tra an ninh, ấn tượng đầu tiên mà Bồ Đề Đạo Tràng tạo nên trong tôi chính là tòa bảo tháp có tên tháp Đại Giác. Những tia nắng đầu tiên chờn vờn trên đỉnh tháp và những chú chim bồ cầu, từng đàn, từng đàn đậu quanh tháp. Một không khí trong biếc, nguyên sơ bao trùm. Mặc dù còn khá sớm nhưng nhiều vị tu sĩ đã xếp hàng ngay ngắn trong tháp để niệm Phật. Tôi không biết chính xác ngôn ngữ họ đang sử dụng, chỉ lờ mờ đoán đó là ngôn ngữ Tây Tạng. Tôi cũng không hiểu họ đang tụng niệm những nội dung nào, thuộc kinh sách nào. Thực sự không biết. Mù tịt. Nhưng, dòng âm thanh mà họ tạo ra thật đặc biệt. Nó vừa thành kính, thiết tha, vừa nhịp nhàng, lan tỏa. Nó sóng sánh trong không gian, khó tả. Tôi ngồi xuống cạnh họ, chìm vào dòng âm thanh của họ, rồi nhẹ nhàng nhìn lên phía trước, nơi có bức tượng Phật duy nhất đang hiện hữu. Bức tượng được cuốn quanh bằng những dải pháp y màu vàng, thật dễ hiểu. Nhưng, mắt Đức Phật được tô màu xanh. Tôi chưa từng nhìn thấy một bức tượng nào như thế, kể cả ở dòng Nam tông hoặc Bắc tông. Chợt nghĩ: Màu xanh là màu Ấn Độ điển hình. Cũng giống như màu đỏ là màu Trung Hoa điển hình. Rồi lại nhớ: Vài năm trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt, hậu thế mới khắc chạm những bức tượng Phật đầu tiên, hoàn toàn theo sự tưởng tượng của mình. Cho nên tượng Phật ở mỗi quốc gia lại có những nét khác nhau, tương thích  với mỗi vùng văn hóa khác nhau. Cũng chẳng sao cả. Tất cả cũng chỉ là hình tướng thôi mà. Đạo Phật dạy chúng ta không chấp vào hình tướng. Cho nên sau một thoáng bất ngờ, tôi tĩnh lòng trở lại.

“Đi nhiễu nhé” - anh bạn tôi cất lời. Anh là một Phật tử, nên thường “đi nhiễu”, tức là đi rất chậm và vừa đi, vừa tụng niệm. Tôi không phải Phật tử, nhưng cũng mạn phép “đi nhiễu” cùng anh. Chúng tôi đi vòng quanh tháp Đại Giác, thật chậm. Từng bước chân của chúng tôi xúc chạm lên mặt đá lát phía dưới, thật nhẹ nhàng. Khi đi tới phía sau tòa tháp, chúng tôi nhìn thấy gốc bồ đề nổi tiếng, gốc cây mà ngày xưa Đức Phật đã ngồi thiền và trở thành một bậc thầy lớn của nhân gian. Gió lặng. Rất lặng. Những chiếc lá bồ đề xanh dịu, im ắng trên cành. Tôi từng nghe những người tới đây kể về những lúc mà gió bất chợt nổi lên và từng chiếc lá rơi xuống. Tôi từng nghe kể về việc người ta nhặt những chiếc lá rơi, ép lên trái tim mình và tưởng tượng về khoảnh khắc Đức Phật hiện sinh. Nhưng, lúc này, toàn bộ thiên nhiên im ắng quá. Gió không nỡ can thiệp vào sự im ắng đó. Chẳng có chiếc lá nào rơi xuống. Những bước chân đẩy tôi về phía trước. Sự im ắng thiêng liêng đẩy hồn tôi lùi sâu hơn vào phía trong mình. Nước mắt ướt nhòe mắt kính. Và, tôi nghe văng vẳng một luồng âm thanh nho nhỏ vọng ra:

Ở trong mình thăm thẳm

Người về từ mênh mông

Rồi ngồi ngày lặng gió

Biết mình là ai không?

Mỗi chúng ta đều là một ai đó trong cuộc đời này. Nhưng rồi mỗi chúng ta cũng chẳng là ai đó trong cuộc đời này. Những ý niệm tạo nên ta, rồi những ý niệm trói buộc ta. Niềm vui suy cho cùng cũng chỉ là sản phẩm của ý niệm. Nỗi buồn suy cho cùng cũng chỉ là sản phẩm của ý niệm. Nhưng, chúng ta cứ kẹt mãi vào vui buồn, mà chẳng thể thoát ra. Bao giờ mới có thể thoát ra? Bao giờ đầu óc ta không còn bám dính? Tôi hít một hơi. Bước chân của tôi vốn chậm giờ càng chậm lại. Tôi quan sát bước chân tôi, quan sát hơi thở tôi, quan sát tất cả những sản phẩm tư duy vừa chảy trôi trong tôi. Sao cứ phải để ý nhiều thế nhỉ? Buông đi! Một tiếng nói nào đó đang nói với tôi. Ừ thì buông. Tôi trả lời tiếng nói đó, thản nhiên hư không.

ANTGGT Tết trang 11: Động tâm ở Bồ Đề Đạo Tràng -0
Quang cảnh một buổi sáng ở Bồ Đề Đạo Tràng.

Đúng lúc ấy, vị sư trẻ mà tôi gặp ở phía ngoài cổng an ninh tiến về phía tôi. Vị sư trẻ rút từ cái túi trên vai mình hai chiếc lá bồ đề được ép khô tặng tôi và anh bạn đi cùng tôi. Mình sẽ mang chiếc lá kỷ niệm này về Việt Nam, đặt lên tủ sách - tôi nghĩ ngay như vậy. Vị sư trẻ kể với tôi rằng, mình đang sống rất khó khăn ở một ngôi chùa gần Bồ Đề Đạo Tràng, đề nghị tôi giúp đỡ. “Tôi không có tiền, tôi rất cần tiền để đảm bảo tu tập” - vị sư cau mặt, nheo mắt lại rồi nài nỉ: “Anh hãy giúp tôi”. Tôi lấy ví rút ra tờ 100 rupee. Vị sư lắc đầu: “Không! 100 rupee không đủ!”. Không cần để ý tới biểu cảm ngỡ ngàng của người đối diện với mình, vị sư nói ngay: “200 rupee”.

 - Trời ạ! Trời ơi là trời! Tôi buột miệng... 

Sau một lúc phân bua qua lại, cuối cùng vị sư cũng chấp nhận 100 rupee. Ngay lúc đó, một vị sự khác đang ngồi ở gốc cây gần đó liền chạy đến: “Tôi là thầy của cậu ấy. Tôi cần được hỗ trợ gấp đôi cậu ấy”. Đến lúc này thì anh bạn đi cùng tôi phải vào cuộc và phải nói rõ rằng nếu tiếp tục quấy nhiễu, chúng tôi sẽ báo cảnh sát. Về phần mình, đến lúc này tôi mới nhớ đến lời dặn của sư Thích Minh Cảnh, một người từng sang Bồ Đề Đạo Tràng rất nhiều lần: “Khi tới đó cũng phải để ý hiện tượng sư giả đấy nhé. Sư giả ở đấy không ít”. Sư giả! Đúng là sư giả thật rồi.

Giá mà không có sư giả thì những cảm xúc của mình ở đây trọn vẹn biết bao nhiêu - tôi nghĩ. Rồi tôi nghĩ nữa: Ở một chốn linh thiêng, khởi nguồn của văn hóa Phật giáo mà vẫn tồn tại hiện tượng sư giả, đi xin tiền khách du lịch thì cứ sao sao ấy. Tôi còn nghĩ thêm một vài điều gì đó xung quanh câu chuyện này.

Nhưng, một con người khác trong tôi trồi ra, trách móc: Nghĩ gì mà nghĩ lắm thế. Buông đi. Thú thực là lúc đó chưa buông ngay được một vài ý nghĩ còn đang vương vấn, nhưng điều này thì tôi làm được: Tách mình khỏi mình để quan sát những ý nghĩ vừa qua. Sự quan sát có tác dụng tức thời. Tôi nhận ra: Nếu chỉ vì một, hai vị sư giả mà những cảm xúc đặc biệt của mình ở Bồ Đề Đạo Tràng bị ảnh hưởng thì phải trách chính mình, chứ không phải trách những ông sư giả. Bởi như thế có nghĩa tâm mình vẫn bị phân tán/bám dính bởi những cái ngoài mình, mà tu tập - theo quan điểm của Đức Phật là phải vượt thoát khỏi các bám/dính như thế để làm chủ tâm.

Tôi hít một hơi. Nhắm mắt. “Phật ơi, con đã hiểu rồi” - tôi thầm nhủ.

Rồi tôi mở mắt. Một chú chim nhỏ từ tháp Đại Giác bay về phía cây bồ đề, rồi bay lướt qua tôi.

Phan Đăng
.
.