Hành trình 8.000km nối liền ASEAN - Ấn Độ:

Bồ Đề Đạo Tràng đêm Giáng sinh

Chủ Nhật, 10/02/2013, 15:35
Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), một trong Tứ đại thánh tích của Phật giáo, là nơi Thái tử Siddhartha Gautama đốn ngộ dưới gốc cây Bồ đề để trở thành Đức Phật. Có lẽ, để tìm ra một chỉ dấu rõ ràng nhất về sự kết nối về lịch sử và văn hoá giữa Ấn Độ và các quốc gia trong khối ASEAN, không đâu có thể so sánh được với vùng đất tôn giáo thiêng liêng này, khi chứng kiến cảnh hàng vạn người hành hương từ khắp nơi đổ về đây đảnh lễ. Đêm Giáng sinh ở nơi được mệnh danh là “thánh địa Phật giáo”, hoá ra lại thấy chặng đường chính thức trở thành thánh địa, còn nhiều điều gian truân…

Nhọc nhằn đất Phật

Những phật tử lần đầu tiên đến với Bồ Đề Đạo Tràng, sẽ không khỏi có chút ngạc nhiên pha thất vọng về quy mô của vùng đất thiêng. Không có những đại cảnh chùa chiền lộng lẫy vàng son như ở Myanmar hay Thái Lan, cũng không có những ngôi cổ tự bề thế như ở Trung Quốc, cũng không có những mái chùa thanh tao nép mình bên cảnh sơn thuỷ hữu tình như ở Việt Nam

Bồ Đề Đạo Tràng giống như vô vàn những thị trấn nhỏ khác của Ấn Độ: những con đường bụi bặm, những mái nhà lụp xụp sẫm màu cũng phủ đầy bụi, và những con người mà sự vất vả hằn lên trên khuôn mặt đang rộn lên trong cuộc mưu sinh…

Đó là những người đàn ông Ấn Độ khắc khổ, quấn mình trong những bộ quần áo cũ kỹ, mỏi mệt mời chào du khách đi xe đạp thồ. Đó là những cô bé, cậu bé đi chân trần trong cái lạnh mùa đông, ra sức chèo kéo khách mua hoa và nến để vào lễ chùa. Đó là những người tàn tật và trẻ em lẵng nhẵng bám theo khách xin tiền từ thiện. Đó là những tay cò kiên trì bám theo du khách để giới thiệu nhà trọ và mua đồ lưu niệm…

Này các Tỳ kheo, sau khi ta diệt độ, tất cả Thiện nam, Tín nữ, người mà có lòng tin nơi Phật pháp nên đi đến 4 nơi linh thiêng và ghi nhớ rằng đây là Lumbini, nơi Ta đản sanh, đây là Bodhgaya, nơi Ta thành đạo, đây là Sarnath, nơi Ta truyền pháp luân, và đây là Kushinagar, nơi Ta nhập Niết bàn”.

Lời Phật tổ dạy đủ sức mạnh hiệu triệu hàng ngàn vạn phật tử khắp nơi trên thế giới không ngại gian khó mà tìm tới Bồ Đề Đạo Tràng mà thành tâm đảnh lễ. Nhưng thực tâm mà nói, sự đầu tư của nước chủ nhà vào đất Phật thể hiện qua quy mô, tầm vóc và sự thuận tiện về phương tiện giao thông… vẫn có gì đó chưa xứng tầm với nơi được xưng tụng là “thánh địa của Phật giáo”.

Vậy nên, từ New Delhi, người ta vẫn phải ngồi tàu từ 13 đến 15 tiếng để đến với Bồ Đề Đạo Tràng. Vào mùa đại lễ cữ tháng 10 tới tháng 3 năm sau, thông thường phật tử hành hương phải kiên nhẫn bỏ ra thêm 9-10 tiếng ngồi tàu nữa vì những đận sương mù dày đặc trong mùa đông che hết tầm nhìn của lái tàu. Muốn đi máy bay nội địa, nhõn 1 chuyến bay/ngày nối liền New Delhi hoặc Kolkata tới sân bay Gaya. Trong khi đó từ Thái Lan hoặc từ Myanmar, phật tử có thể dễ dàng bay từ Bangkok hoặc Yangoon tới Gaya cũng với lịch trình 1 chuyến/ngày.

Và kể cũng như một sự oái oăm, “thánh địa Phật giáo” lại nằm trong một tiểu bang được coi là nghèo nhất nước và cũng có tình hình an ninh được liệt vào hạng kém nhất cả Ấn Độ. Những cuộc xung đột về đẳng cấp, bắt cóc tống tiền, cướp bóc, trộm cắp và những vụ bạo lực có liên quan tới nhóm Naxalite có xuất xứ từ vùng Tây Bengal… đã khiến tiểu bang Bihar trở thành một vùng trũng, ít học thức và vô kỷ cương nhất Ấn Độ. Những thông tin kể trên cũng là một rào chắn vô hình khiến du khách ngại ngần khám phá những điểm du lịch nổi tiếng trong tiểu bang này, tất nhiên phải kể đến Bồ Đề Đạo Tràng.

“Nhưng ngược lại với hầu như tất cả mọi nơi ở tiểu bang Bihar, Bồ Đề Đạo Tràng lại là một nơi rất an toàn. Cảnh chèo kéo mua hàng nói thách thì có, nhưng không có trộm cắp, cướp giật, và ban đêm rất an toàn” -  Gyanglthang Lobsang, ông chủ nhà nghỉ Kirti người gốc Tây Tạng, một trong những nhà nghỉ đầu tiên trên đất Bồ Đề Đạo Tràng, cho biết - “Ở các thành phố lớn như thủ phủ Patna hay thành phố Gaya, ra ngoài đường sau 8 giờ tối rất nguy hiểm, có thể trở thành nạn nhân của các vụ cướp, nhưng ở đây thì không”.

Rất nhiều tăng sĩ phương Tây cũng đến Bồ Đề Đạo Tràng dâng hoa đảnh lễ Phật hằng năm.

Một cõi thoát tục khác

Nếu ở Ấn Độ một thời gian đủ lâu, du khách sẽ dần thích nghi, thậm chí thích thú với những “cú sốc của sự trái ngược”. Những gì diễn ra tại Bồ Đề Đạo Tràng cũng là một trong những “cú sốc” như vậy. Trái ngược với cảnh xô bồ, bụi bặm, huyên náo bên ngoài, một “cõi thoát tục” khác, thanh thản và tĩnh lặng, thành kính và trang nghiêm… lại hiện diện bên trong những ngôi chùa, những tu viện, đặc biệt là bên trong thánh tích Tháp Đại Giác (Mahabodhi).

Từ 6 giờ sáng, khi sương sớm còn giăng kín đường phố với cái lạnh thấu xương, những tấm cà sa màu nâu đỏ, màu vàng, màu nâu đã âm thầm nhuộm ấm cả những con đường. “Như pháp cà-sa sắc tam chủng”, tấm áo cà-sa ghép lại từ những mảnh vải quấn thây người chết, vải vụn bỏ đi của Đức Phật ngày nào, nay đã được phát triển và bồi trúc thành một đạo luật về giới y hoàn chỉnh cho phù hợp với sự phát triển trăm tông ngàn phái của Phật pháp, nhưng vẫn không mất đi thông điệp nguyên thuỷ: sự khiêm cung, tĩnh lặng, đạm bạc và đơn sơ. Mọi người yên lặng đi trên đường còn mờ mịt sương, âm thầm đổ về bên gốc cây Bồ đề linh thiêng để làm lễ Liên Hoa tọa, hoặc thực hiện hành trì lễ lạy trong khu vườn bao quanh tháp Đại Giác.

Bước vào khu vực ngọn tháp thiêng, tất cả đều phải để lại giày dép ở bên ngoài, như một lời nhắc nhở gác lại bụi trần khi bước vào nơi đất Phật. Tất cả những xô bồ tất tả bên ngoài dường như đã bị chặn đứng lại. Từng đoàn người nối đuôi đứng từ xa bái lạy phần trên của tháp thờ xá lợi Đức Phật, rồi cùng nhau dâng hương ở chánh điện bên trong tháp.

Nhiều phật tử kiên trì thực hiện nghi thức đảnh lễ “hữu nhiễu tam táp”, “tam bộ nhất bái”, “nhất bộ nhất bái” xung quanh ngọn tháp thiêng đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hoá Thế giới vào năm 2002 và ghi nhận bằng văn bản “Quần thể Tháp Đại Giác tại Bodh Gaya có liên quan trực tiếp tới cuộc đời của Đức Phật, là nơi Ngài thành đạo.

Nhưng có lẽ tâm điểm mà bất kỳ phật tử nào cũng muốn được chiêm ngưỡng là gốc cây Bồ Đề linh thiêng, nơi Đức Phật ngồi thiền và chứng quả. Trong mùa đại lễ này, những phật tử muốn thực hiện lễ Liên Hoa tọa bên gốc Bồ Đề thường phải có mặt ở đây từ 6 giờ sáng mới có chỗ để tọa thiền. Đối với các phật tử và chư tăng, một lần được kết pháp giới định ấn, mắt mở phân nửa, thân tâm như nhất bên gốc Bồ Đề, chẳng khác nào sinh tử phiền não chẳng thể gần, được gọi là lập địa thành Phật, đại dụng đại cơ.

Phía bên ngoài Tháp Đại Giác và cây Bồ Đề, một tràng đại cảnh dễ khiến người ta kích động không nguôi. Hàng trăm vị Lạt ma Tây Tạng mặc cà sa màu đỏ, ngồi tọa thiền, đồng thanh miệng tụng kinh xướng danh hiệu Phật. Hàng trăm người khác thì thực hiện pháp môn lạy Phật.

Cách thực hành pháp môn lễ lạy của Phật giáo Tây Tạng cũng khác biệt so với Việt Nam: về cơ bản cũng giống đại lễ “ngũ thể đầu địa”: đứng thẳng, chấp tay, cúi đầu, gập thân mình, cong đầu gối, quỳ xuống, quỳ ngồi trên bắp chân, nhưng đến đây thay vì nằm sát đất thì trượt tay nằm dài dán người xuống đất rồi dập đầu. Họ thực hiện pháp môn lạy Phật trên những tấm ván gỗ, đa phần đã bóng lên và mòn thành những rãnh sâu ở chỗ tay trượt vì đảnh lễ hàng ngàn lần.

Điều đáng ngạc nhiên là trong số hàng trăm tăng sỹ Tây Tạng đang miệt mài thực hiện pháp môn lạy Phật ấy, có nhiều mái tóc vàng, cả nam lẫn nữ cũng đang đổ mồ hôi ròng ròng đảnh lễ.

Họ là những người châu Âu theo Phật giáo Mật tông, hàng năm cũng bỏ công việc, vận cà sa tới Bồ Đề Đạo Tràng dâng hoa đảnh lễ. Đây cũng là quãng thời gian họ có cơ hội được gặp Đức Dalai Lama hoặc Đức Karmapa tới Bồ Đề Đạo Tràng để thuyết pháp. Đều đặn hàng năm, hai vị Lạt ma nổi tiếng này đều luân phiên nhau tới đây giảng đạo tầm hai tháng. Đây thực sự là những ngày hội đối với những người Tây Tạng.

Bao giờ chính thức là thánh địa Phật giáo?

Một điều ít ai ngờ tới là lịch sử liên quan tới vùng trọng địa Phật giáo này lại có nhiều điều khúc mắc: năm 1590, một vị giáo sĩ Ấn Độ giáo đã lấn chiếm đất Bồ Đề Đạo Tràng và tự xưng là người kế thừa.

Một quá trình dài đấu tranh của những phật tử để đòi lại những giá trị Phật giáo đã diễn ra, trong đó phải kể đến sự đóng góp to lớn của nhà văn được phong tước Hiệp sỹ Sir Edwin Arnold, cha đẻ của tác phẩm nổi tiếng Ánh sáng châu Á và nhà văn Anagarika Dharmapala.

Bị sốc khi chứng kiến cảnh toàn bộ ngôi đền thiêng đang nằm trong tay vị giáo sỹ kia, hình ảnh Đức Phật bị biến dạng thành mang dấu ấn Hindu và phật tử bị cấm cầu nguyện, hai ông đã thành lập ra Hội Đại Giác, đấu tranh đòi chính quyền Ấn Độ gây sức ép trả lại Bồ Đề Đạo Tràng, đồng thời kêu gọi các quốc gia Phật giáo ủng hộ phong trào này.

Dưới áp lực dư luận, năm 1891, một phần Bồ Đề Đạo Tràng đã được trả lại cho Phật giáo. Năm 1949, Bộ luật về Bồ Đề Đạo Tràng ra đời nhằm xác định Bồ Đề Đạo Tràng thuộc di tích Phật giáo, nhưng Hội đồng Quản trị bao gồm 10 thành viên thì đại đa số lại là người Ấn Độ giáo (7/10). Khi phật tử Ấn Độ lên tiếng bất bình, mà điển hình là cuộc tuần hành lớn nổ ra năm 1992, gần đây Chính phủ Ấn Độ đã thành lập thêm Ban Cố vấn, bao gồm các vị đại sứ của các quốc gia Phật giáo và Đức Dalai Lama thứ 14.

… Đêm Giáng sinh trên đất Phật của tôi lại trôi đi miên man trong câu chuyện buồn đất Phật của một vị Đại đức xin giấu tên. Hoá ra, những cảm nhận ban đầu đến vô lý về sự thiếu đầu tư ở đây lại khúc mắc rối rắm đến như vậy. Thôi thì kẻ vô đạo này lại nguyện Phật trong ngày lễ thánh, nguyện sao trong một ngày Phật pháp phát dương quang đại, những sự vụ trên mảnh đất thiêng của Phật giáo sẽ được các phật tử quyết định.

Hàng chục năm qua, Phật tử khắp nơi trên thế giới đã đóng góp vô cùng lớn vào sự phát triển của Bồ Đề Đạo Tràng, nhưng những gì phát triển ở đây chưa tương xứng với tiềm năng, và Bồ Đề Đạo Tràng phải trở thành thánh địa của Phật giáo

Việt Đông
.
.