Đặt tên phố thời hội nhập: Những lợi ích lớn của một giải pháp nhỏ
Vì thế, thái độ ứng xử với địa danh cũng phần nào thể hiện thái độ chính trị và và trình độ văn hóa quản lý của chính quyền. Nhận định đó là về các địa danh cũ, nhưng về cơ bản cũng đúng với các địa danh mới. Đó chính là lý do vì sao việc đặt và đổi tên đường phố, công trình công cộng, đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân.
Không những thế, theo chúng tôi việc đặt tên phố nếu áp dụng một cách khôn khéo, còn có thể mang lại những hiệu quả kinh tế và chính trị rất to lớn mà không đòi hỏi nhiều công sức và đầu tư tốn kém.
Nhưng trước hết, hãy điểm qua tình hình thực tế. Trong những năm qua, mặc dù không phải là không được chính quyền quan tâm, nhưng rõ ràng là việc đặt, đổi tên đường tên phố của chúng ta thiếu nguyên tắc và thiếu tính dự báo. Thiếu sót này càng trở nên trầm trọng khi quá trình đô thị hóa nhanh chóng đang làm cho số đường, phố và khu đô thị mới cần đặt tên tăng đột biến.
Bên cạnh đó, quá trình mở rộng và sáp nhập các vùng dân cư cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lặp và lộn xộn về tên phố, tên đường. Tình trạng này đã được nêu lên tại hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tháng 11- 2015 vừa qua.
Một trong những vấn đề được nhiều người đề cập là tính hệ thống và khoa học trong việc đặt tên đường, phố và các khu phố. Cho đến nay, nhiều người vẫn ca ngợi cách đặt tên phố Hà Nội của Bác sĩ Trần Văn Lai, mặc dù ông giữ chức vụ Ðốc lý Hà Nội chỉ vẻn vẹn có một tháng.
Cách đặt tên phố và tên đường ở Sài Gòn trước 1975 cũng được nhiều người đánh giá là khoa học và có tính giáo dục cao. Trong khi đó, theo lời ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hà Nội, việc đặt tên phố ở thủ đô còn nhiều vấn đề chưa hợp lý, còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, nhất là trong việc xây dựng quy hoạch mang tính định hướng.
Minh họa: Lê Phương. |
Một vấn đề khác mà nhiều người nêu lên là một số tên danh nhân chọn không thực sự chính xác và thuyết phục, một số phố thì lại không tương xứng với tên người được đặt. Có trường hợp gây nhiều tranh cãi như việc Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết đặt tên hai phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông.
Trong khi đó, theo Giáo sư Phan Huy Lê, có những cái tên thực sự đáng vinh danh hoặc đề cao thì lại bị bỏ qua, như trường hợp các địa danh Trường Sa, Hoàng Sa, hiện vẫn chưa có mặt ở Hà Nội. Nhưng vấn đề khó khăn nhất, theo quan điểm của Phó Giám đốc Sở Văn hóa –Thông tin Thành phố Hà Nội, là ngân hàng dữ liệu để đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đang cạn kiệt.
Theo chúng tôi, ở đây cần phải có cái nhìn lịch sử. Cách lấy tên danh nhân, phần lớn là của Việt Nam, để đặt cho đường, phố và các công trình công cộng là một cách hay, đặc biệt trong bối cảnh nước ta - khi đó đang trong quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập và thống nhất đất nước, khi nhu cầu củng cố tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc cần phải được đề cao. Và cũng cần phải nói thêm, các đô thị của chúng ta khi đó còn rất nhỏ bé, số đường phố và công trình công cộng còn rất ít. Ngày nay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có đến hàng ngàn đường, phố và công trình mới, việc ngân hàng danh nhân cạn kiệt là điều dễ hiểu.
Nhưng, theo chúng tôi, ngay cả trong trường hợp quỹ tên danh nhân vẫn còn dồi dào, còn có thể đáp ứng nhu cầu, thì việc đặt tên phố, đặc biệt là ở Thủ đô và thành phố Hồ Chí Minh, vẫn đòi hỏi một cách tiếp cận khác. Bởi lẽ thời đại đã khác: Hà Nội đã khác, Việt Nam đã khác, và thế giới cũng đã khác rồi. Nếu ngày xưa thế giới là một tập hợp những quốc gia riêng biệt, tự khép kín, tự đủ, thì ngày nay thế giới là một cái làng khổng lồ, trong đó các quốc gia không chỉ liên hệ, ảnh hưởng mà phụ thuộc lẫn nhau rất chặt chẽ.
Nếu ngày xưa Việt Nam là một xứ thuộc địa nghèo khó, bị chia cắt, phải vật lộn trong nhiều thập kỷ, phải trả giá bằng máu của nhiều thế hệ để có được cái tên, để tồn tại và để khẳng định bản sắc, thì ngày nay Việt Nam là một trong những nước đông dân nhất thế giới, có nền kinh tế mở bậc nhất thế giới và cũng đang phát triển với tốc độ nhanh hàng đầu thế giới.
Nếu ngày xưa, Hà Nội là một thành phố bé nhỏ, bình lặng, thậm chí là hẻo lánh, thì ngày nay Hà Nội là một trong những thành phố lớn nhất thế giới, nơi cư trú của không chỉ 7 triệu người Việt, mà còn của hàng trăm ngàn doanh nhân, chính trị gia, nghệ sĩ và công nhân nước ngoài, là điểm đến của hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Bản thân người dân Hà Nội, cũng như người dân Việt Nam nói chung, cũng đang hòa nhập vào cộng đồng khu vực và thế giới. Khi chúng tôi viết những dòng này, vào ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN cũng chính thức ra đời.
Tất cả những điều này có liên hệ gì với chuyện đặt tên phố của chúng ta hay không?
Câu trả lời là có. Hà Nội và các thành phố của chúng ta, từ nay phải được ứng xử như là những thành phố lớn của ASEAN, của châu Á, và của cả thế giới. Bằng cách nào? Bằng nhiều cách, nhưng ngay cả trong việc đặt tên phố, chúng ta cũng phải thay đổi cách tiếp cận. Hãy mở rộng “ngân hàng dữ liệu”- nói bằng lời của ông Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội. Đó không chỉ là một quyết định khéo léo, cho phép giải quyết được triệt để “cái khó” của ông, mà còn là một giải pháp để giúp tạo nên cho các thành phố của chúng ta những giá trị độc đáo.
Hãy tưởng tượng, Hà Nội là thành phố duy nhất trên thế giới có 200 phố mang tên 200 quốc gia. Hãy tưởng tượng, thành phố Hồ Chí Minh là thành phố duy nhất trên thế giới có 200 phố mang tên thủ đô của 200 nước. Và chúng ta cũng có thể ứng xử tương tự - đặt tên phố và tôn vinh hàng trăm văn hào, hàng trăm nhà thơ, hàng trăm nhà tư tưởng, hàng trăm nhà khoa học, hàng trăm họa sĩ… của các dân tộc khác, cũng có nghĩa là của toàn thế giới. Rồi còn hàng trăm ngọn núi, hàng trăm dòng sông, hàng trăm di tích… Đó là chưa nói những đặc sản, những công trình, những bài hát dân gian…
Chúng ta đang muốn làm bạn với thế giới, chúng ta đã tốn rất nhiều công sức và tiền của để chào mời bè bạn đến với chúng ta. Nhưng có lời chào mời nào gần gũi và hiệu quả hơn là những cái tên gắn liền với tâm hồn của du khách? Hãy tưởng tượng niềm vui của khách du lịch Thái Lan khi thấy ở Huế có đại lộ Chulalongkorn, của khách Hàn Quốc khi đến Bắc Ninh thấy có vườn hoa Arirang, của người Nga khi gặp phố Dostoievky ở Nha Trang và người Italia khi đi dạo phố Dante ở Đà Lạt…
Về phía người dân Việt Nam, sự hiện diện của những tên người, tên đất nước ngoài cũng khiến chúng ta gần gũi hơn với các dân tộc khác. Đối với các em học sinh, đó cũng là những từ khóa mở ra vô số kho tàng văn hóa, lịch sử của nhân loại. Như vậy, một quyết định khéo léo của nhà quản lý, mặc dù hầu như không hề đòi hỏi kinh phí, có thể đem lại những lợi ích kinh tế, văn hóa, giáo dục và cả chính trị… vô cùng to lớn. Đó chính là một cách ngoại giao văn hóa. Và tôi tin chắc rằng những cái tên đó cũng góp phần làm bớt đi những định kiến, thù hằn đang chia rẽ thế giới.
Dĩ nhiên, việc lựa chọn các tên riêng nước ngoài để làm địa danh ở Việt Nam không thể làm cẩu thả, đặc biệt là đối với tên các sự kiện và các nhà chính trị hiện đại, vốn có thể gây mâu thuẫn và tranh cãi. Nhưng điều đó hoàn toàn có thể xử lý không mấy khó khăn bởi một hội đồng chuyên gia và ưu tiên nên dành cho những giá trị đã được lịch sử thẩm định.
Thực ra việc lấy tên riêng nước ngoài để đặt tên đường, tên phố không phải là điều gì quá mới mẻ, cả ở nước ngoài lẫn ở Việt Nam. Ta đã thấy có từ lâu Đại lộ Italie và ga Métro Stalingrad ở Paris, có phố Yersin ở Hà Nội hay đường Alexandre de Rhodes ở Sài Gòn.
Ngay cả việc lấy tên các thành phố kết nghĩa trong nước để đặt tên đường cùng đã có tiền lệ, như Xa lộ Hà Nội ở Sài Gòn, phố Đà Nẵng ở Hải Phòng và đường Hải Phòng ở Đà Nẵng… Vấn đề là một chủ trương kịp thời và có hệ thống, rồi sau đó là sự áp dụng - cũng kịp thời có hệ thống – của chủ trương đó.
Việc đặt tên đường, tên phố, cũng giống như nhiều việc khác, thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng vẫn đòi hỏi ở nhà quản lý không chỉ các kỹ năng hành chính thông thường, mà còn cả tư duy nhạy bén và kiến thức sâu rộng về những xu hướng lớn của thời đại.
Để kết luận, tôi mong rằng các nhà quản lý đặc biệt là ông tân Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ đọc những bài viết nhỏ này, và rất có thể tưởng tượng của tôi sẽ được trở thành hiện thực: Hà Nội sẽ trở thành một thành phố độc đáo, nơi có những đường phố mang tên TẤT CẢ các quốc gia, và thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố độc đáo khác, nơi có những đường phố mang tên của TẤT CẢ các thủ đô trên thế giới.