Dăm chuyện nhặt ở nước Đức

Thứ Năm, 29/02/2024, 09:16

Trong chuyến sang Cộng hòa Liên bang Đức thăm thân nhân, tôi đã có những trải nghiệm thú vị với những nhận xét bổ ích về một số mặt sinh hoạt ở nước Đức và tiếp xúc với nhiều người Việt xa xứ. Xin được nêu lại những nhận xét lý thú với mong muốn có thể có những điều học hỏi bổ ích giúp cho sự phát triển của nước nhà và những chính sách hỗ trợ cho người Việt ở nước ngoài.

Từ hệ thống giao thông công cộng...

Những ngày ở thủ đô Berlin, tôi đã có dịp đi các phương tiện công cộng ở thành phố này cũng như đi dọc nước Đức.

Điều cảm nhận đầu tiên của tôi là ngoài những người đi ô tô ở trên đường thì đa phần người dân ở đây đi phương tiện công cộng. Vì sao vậy, vì đi các phương tiện công cộng (có nhà nước bảo trợ) vừa tiện lợi lại ít tốn kém. Chính quyền ở từng bang có chính sách cụ thể khuyến khích người dân đi phương tiện công cộng: Giảm giá vé, ngoài ra còn có ưu đãi khác như cho được kèm người vào ngày cuối tuần hoặc miễn phí cho học sinh tiểu học...

Dăm chuyện nhặt ở nước Đức -0
Nhiều người Đức chọn phương tiện công cộng để di chuyển.

Tại thủ đô Berlin, hệ thống giao thông công cộng do một công ty đảm nhận (Công ty BVG). Hệ thống này có các phương tiện: Xe bus, xe điện trên mặt đất (gọi là Train), tàu dưới lòng đất (gọi là Uban), tàu chạy nhanh còn gọi là Sban. Các loại phương tiện này kết nối với nhau ở một số ga. Khi tàu hoặc xe bus chạy luôn có biển điện tử thông báo bằng lời hoặc chạy chữ trên bảng hiệu về điểm sẽ đến có những phương tiện nào; phương tiện đó bao nhiêu phút nữa sẽ chạy. Ở sân ga cũng có những bảng hiệu tương tự như thế. Người đi phương tiện chủ động chọn phương án đi đâu và bằng phương tiện gì, gần như đều được thông báo để chọn lựa.

Sự kết nối ở một số điểm đỗ cố định tạo điều kiện cho người dân chọn lựa đường đi với phương án tối ưu. Ví dụ cùng điểm xuất phát nhưng chọn phương tiện nào đi đoạn đường nào sẽ nhanh hơn, người dân từ đó tính toán để lựa chọn phương án tối ưu. Tất nhiên để đảm bảo chất lượng hiệu quả và an toàn hệ thống giao thông này đã được xây dựng một chương trình chỉ huy điều phối thông minh, đảm bảo an toàn khi chạy các phương tiện trên.

Hệ thống giao thông ở Berlin được chia 3 vùng (giống như ở Hà Nội hiện gọi là vành đai từ 1 đến 4 như hiện nay). Giá tiền vé được tính toán khi đi trong vòng mấy giờ và ở vùng nào.

Do có sự hỗ trợ của chính quyền Berlin, Công ty BVG có cách tính toán khoa học từ giá vé, những ưu đãi cho trẻ em, rồi phương tiện nào được mang theo xe đạp hay mang theo thú cưng. Họ còn khuyến khích mua vé dài hạn: Mua vé theo năm, mua vé theo tháng. Hệ thống bán vé cũng rất linh hoạt, vừa bán ở nhà ga lớn, bán ở những điểm cố định hoặc mua ngay trên tàu, mua trên xe bus. Nhân viên kiểm soát vé thường kiểm tra đột xuất, ai không có vé sẽ bị phạt tiền, nếu vi phạm lần 2 sẽ tăng gấp đôi, nhiều lần vi phạm sẽ bị từ chối phục vụ... Có thể nói ở Berlin nói riêng và nước Đức nói chung, hệ thống giao thông công cộng là rất tốt.

Với thực tế này, rất đáng để các nhà quy hoạch hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam tham khảo để phát triển giao thông tại các đô thị lớn ngày càng tốt hơn.

Tới chuyện nuôi thú cưng

Người Đức rất thích nuôi thú cưng. Đi ngoài đường, trên đường bộ hay ở trên các phương tiện giao thông công cộng, nhất là ở trên tàu điện ngầm như ở Uban hay Train có người dắt chó, mèo đi theo; các chú thú cưng đó thường được mặc áo ấm và được họ nuôi cẩn thận.

Gia đình con gái tôi cũng để cho 2 cháu nuôi hai chú thỏ trắng. Việc chăm sóc thỏ làm cho chúng vui vẻ, thích thú dù hàng tuần hai cháu phân công nhau dọn vệ sinh chuồng thỏ trong sự giúp đỡ của cha mẹ.

Con gái tôi cho biết nhà cháu chỉ dám nuôi thỏ vì nuôi thỏ thì chỉ phải đăng ký và tiêm chủng, không phải nộp thuế và đưa đi khám sức khỏe định kỳ; nếu chúng ốm đau phải đưa đi bệnh viện của thú cưng để chữa trị. Nuôi một chú chó hoặc một chú mèo cũng rất tốn kém. Phải là những nhà có điều kiện mới dám nuôi thú cưng. Chính quyền có sổ theo dõi việc nuôi thú cưng và việc thu thuế để chi cho việc bảo vệ vật nuôi và đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp cho việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc nuôi thú cưng.

Người nuôi thú cưng ngoài việc phải chăm sóc thú cưng theo yêu cầu của cơ quan quản lý việc nuôi thú cưng cũng còn phải có ý thức giữ gìn sinh hoạt chung của cộng đồng như: Không để chó phóng uế nơi công cộng; nếu chúng làm mất vệ sinh ở nơi công cộng phải có trách nhiệm làm sạch nơi mất vệ sinh đó. Những ai vi phạm, tùy lỗi nặng nhẹ mà phải nộp tiền phạt hoặc phải đi lao động công ích.

Dăm chuyện nhặt ở nước Đức -0
Đường phố Berlin.

Những quy định cụ thể và chặt chẽ đó giúp những ai nuôi thú cưng vừa phải chăm lo thú cưng theo sở thích của mình vừa phải đảm bảo môi trường cũng như đảm bảo sự thân thiện với người xung quanh. Chính vì thế mà cuộc sống người dân vừa được khuyến khích lối sống theo sở thích vừa đảm bảo sinh hoạt văn minh trong cộng đồng.

Khi viết bài này, tôi mong ở Việt Nam ta bên cạnh việc tuyên truyền lối sống văn minh, vừa có những quy định cụ thể, chặt chẽ trong việc nuôi những thú cưng ở cộng đồng, để cuộc sống của mọi người trong cộng đồng dân cư vừa được tôn trọng theo sở thích riêng vừa đảm bảo nếp sống chung của cộng đồng.

Những người trẻ Việt Nam ở Đức

Những trẻ em Việt lớn lên ở Đức hiện nay thường là con của những gia đình Việt trẻ sang Đức từ nhiều nguồn khác nhau.

Thứ nhất, từ thế hệ thứ 3 của những người Việt di cư sang Đức sau năm 1975.

Thứ hai, những người Việt di cư từ Liên Xô và các nước Đông Âu sau sự tan rã của Liên Xô và các nước Đông Âu năm 1991.

Thứ ba, các du học sinh và các công nhân tại Đông Đức (Cộng hòa Dân chủ Đức) ở lại nước Đức có thế hệ thứ 3 tại Đức.

Dù ở nguồn nào thì trẻ em Việt hiện nay đều lớn lên ở Đức và chịu sự giáo dục của nền giáo dục Đức. Từ sự ảnh hưởng của nền giáo dục Đức, trẻ em Việt ở Đức có những đặc điểm sau:

 Được sự giáo dục toàn diện về trí - thể - mỹ nên phát triển khá toàn diện: có sức khỏe, có nền tảng trí tuệ mang tính toàn cầu dựa trên những tri thức được bồi dưỡng, rèn luyện: các môn học về tự nhiên và xã hội; năng khiếu cá nhân được khuyến khích phát triển (nhạc, họa, thể thao...); kỹ năng sống được rèn luyện.

Riêng về giáo dục theo truyền thống đa dạng sắc tộc chưa được chú ý đầy đủ (ở Úc điều này được chú ý tốt hơn vì học sinh ở Úc được học ngôn ngữ của dân tộc mình).

Điều này tôi chú ý vì mong muốn trẻ em Việt ở Đức được giáo dục nhiều hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là về truyền thống gắn bó các thế hệ trong gia đình là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt. Mặc dù thời nay nếp sống chung (thường được gọi là tứ đại đồng đường hay tam đại đồng đường) có khác trước, nhưng nay dù ở xa không trong cùng ngôi nhà nhưng tình cảm vẫn được gìn giữ thể hiện ở tình yêu thương gắn kết có sự kính trên nhường dưới. Do cách giáo dục theo truyền thống phương Tây: tôn trọng tự do cá nhân, trẻ em sống ở môi trường đó được khuyến khích tư duy độc lập nhưng sẽ rất dễ có lối sống cá nhân, không coi trọng tình cảm gia đình. Chính vì thế mà người già ở Đức cũng như ở phương Tây thường cuối đời sống cô đơn ở nhà dưỡng lão. Tôi không phê phán lối sống này nhưng vẫn thấy cần giáo dục trẻ em Việt ở các nước phương Tây trong đó có nước Đức thấy được và xây dựng được tình cảm gia đình với nhiều thế hệ.

Từ thực tế trên hiện nay với các Việt kiều ở nước ngoài, nhà nước ta nên quan tâm đến các Kiều bào ở nước ngoài, cần giúp đỡ họ các điều kiện để giáo dục trẻ em ở nước ngoài về tình yêu đất nước, đặc biệt thấy được những nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt.

Vì thế, theo tôi nên có các chính sách, chương trình giáo dục về truyền thống văn hóa của dân tộc Việt. Cụ thể nên xây dựng ở nước ngoài, bước đầu xây dựng ở các nước có đông Việt kiều, chẳng hạn như ở Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Úc những trung tâm văn hóa Việt (gọi là ngôi nhà Việt) để giúp cho Kiều bào có nơi sinh hoạt cộng đồng người Việt, có nơi để các thế hệ được học và hiểu về văn hóa Việt. Nơi đó có các lớp dạy tiếng Việt. Nơi đó có các đoàn văn học, nghệ thuật giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt, có các đoàn biểu diễn nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt, có giới thiệu về các trò chơi dân gian gắn với tuổi thơ: Múa rối, chơi ô quan, nhảy dây, cướp cờ, kéo co... Tổ chức các chuyến về nguồn để trẻ con và thanh niên kiều bào hiểu thêm về đất nước nguồn gốc của mình, từ đó có thêm tình yêu với Tổ quốc Việt Nam. Tăng cường giao lưu từ cấp nhà nước đến các tổ chức quần chúng nhân dân tăng thêm tình hữu nghị và vị thế Việt Nam giúp cho chính quyền nước sở tại quan tâm đến Việt kiều.

Trần Bá Giao
.
.