Cuộc chạy trốn của bông hoa hay cánh cửa của đau khổ?

Thứ Bảy, 27/08/2022, 09:47

Khi đậu trên cây, xu hướng tồn tại của bông hoa là gì? Nhiều nghệ sĩ đặt ra câu hỏi ấy. Nhiều thiền sư đặt ra câu hỏi ấy. Mỗi người trả lời mỗi kiểu, chẳng ai giống ai. Osho - nhà huyền môn danh tiếng Ấn Độ bảo rằng, bông hoa có xu hướng chạy trốn khỏi cái cây. Rõ ràng là cái cây sinh ra nó, nhưng đến lượt mình, nó luôn muốn chạy trốn khỏi cây. Nó muốn đi xa hơn cái cây, vượt thoát khỏi cái cây, trở thành một sinh thể độc lập, tách biệt với cái cây.

Nó có thể làm được cuộc chạy trốn vĩ đại ấy không? Được chứ! Khi con người ngắt nó khỏi cây có nghĩa là con người đã "đồng lõa" với ham muốn chạy trốn của nó - nếu bạn tin vào giả thiết chạy trốn. Khi con người cắm những bông hoa trong bình, đặt bình hoa ở nơi đẹp đẽ, trang trọng nhất trong một căn phòng thì cũng là khi con người "đồng lõa" với ham muốn phô trương vẻ đẹp một cách độc lập của nó. Nếu nói được, có thể nó sẽ nói với cái cây: Đấy, thấy không, chẳng cần một cái cây, ta vẫn sống được một mình.

Cuộc chạy trốn của bông hoa hay cánh cửa của đau khổ? -0
Ảnh: L.G

Mà, ngay cả khi những bông hoa cứ đứng im trên cây mãi mãi, chẳng ai ngắt, chẳng ai hái, chẳng ai mang về thì nó đã thực hiện một cuộc chạy trốn theo cách riêng của nó rồi: Chạy trốn bằng mùi hương. Nó không thể bay thoát khỏi cây thì hương của nó có thể làm điều ấy. Hương của nó bay xa, bay xa. Nó sẽ hí hửng. Cây sẽ ngậm ngùi.

Bạn có thấy bất công cho cây không?

Nếu bạn trả lời là "có" thì lại phải bàn tiếp: Nhưng, ngẫm nghĩ sâu xa, bông hoa có phải là độc quyền sinh trưởng của cây đâu! Cây nương đỡ hoa, cây tạo chỗ đứng cho hoa, nhưng cây không phải gốc rễ căn bản tạo nên hoa. Cái gốc rễ căn bản, đầu tiên ấy phải là một hạt mầm. Đấy là một hạt mầm cô đơn và cô độc. Nó bị/được gieo xuống đất mà không có bất cứ ràng buộc vốn có nào với đất. Nó bị bao phủ bởi một thế giới vốn không có kết nối gì với nó. Đấy là sự hy sinh thầm lặng, ghê gớm của nó để sau này tạo nên một cái cây, một bông hoa.

Vậy thì nếu có trách bông hoa phụ tình, đối tượng được quyền trách không phải là cái cây, mà phải là hạt mầm. "Tại sao ngươi bỏ ta đi?", hạt mầm có thể nói vậy. "Tại sao ngươi quên sạch những hy sinh đầu tiên, lặng thầm, cô độc của ta?", hạt mầm có thể trách móc. Lúc ấy bông hoa sẽ nói lại như thế nào?

Nếu chúng ta đặt câu hỏi này với những nhà triết học cổ đại phương Tây, câu trả lời thật đơn giản: Vì nhiệm vụ của ta không phải là cứ đứng khư khư trên một cành cây - bông hoa sẽ nói thế. Nhiệm vụ của hoa là phải làm đẹp, tỏa hương cho đời. Càng đi xa khỏi cây, bông hoa càng có cơ hội thực hiện triệt để nhiệm vụ đó. Cũng giống như hạt mưa, sở dĩ nó "chạy trốn" bầu trời để rơi xuống đất vì nhiệm vụ của nó là phải nằm trên mặt đất. Các nhà triết học cổ đại phương Tây thường có xu thế lấy mục đích cuối cùng để giải thích cho lý do đầu tiên.

Nhưng, hãy thử tưởng tượng, nếu chúng ta không hỏi những nhà triết học cổ đại phương Tây nữa, mà hỏi đức Phật thì câu trả lời của đức Phật là gì? Theo thuyết Nhân - Quả thì hạt mầm đúng là nguyên nhân đầu tiên tạo nên một bông hoa. Nhưng, nếu chỉ có mỗi hạt mầm thì chắc chắn sẽ chẳng có hoa. Khi hạt mầm nhú lên, cái cây thành hình thì cái cây ấy phải được chăm sóc. Nếu có một nhà làm vườn thiện nghệ chăm sóc, tưới tiêu thì quá tốt. Nhưng, nếu không có một nhà làm vườn thiện nghệ thì nó cũng phải được thiên nhiên chăm sóc. Thiên nhiên cho nó ánh nắng, cho nó những hạt mưa. Hạt mầm đầu tiên (nguyên nhân) phải kết hợp với nắng mưa (duyên) và đấy phải là một sự kết hợp đủ tinh tế thì cuối cùng một bông hoa (kết quả) mới thành hình.

Vậy thì ai dám bảo bông hoa là đặc quyền sở hữu của riêng hạt mầm? Trong bông hoa có nắng, trong bông hoa có đám mây. Trong bông hoa có gió, trong bông hoa có mưa, trong bông hoa có mặt trời. Nếu bông hoa được chăm sóc bởi một người làm vườn thì nó còn có tình thương và nguồn năng lượng lặng lẽ của người làm vườn đó nữa.

Rõ ràng, bông hoa không phải độc quyền sở hữu của hạt mầm, bông hoa là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố trong trời đất, vậy thì làm sao có thể ngăn cản bông hoa lan tỏa nguồn năng lượng vốn có của mình ra trời đất. Làm sao có thể nói bông hoa chạy trốn cái cây, hay chạy trốn hạt mầm.

Ở đây, chúng ta đang thử hóa thân vào cái cây, hạt mầm để đi tới tận cùng các chiều kích của suy nghĩ mà thôi. Còn trên thực tế, cái cây có nói gì đâu, hạt mầm có nói gì đâu. Cả cái cây lẫn hạt mầm đều im lặng trước bông hoa. Mà ngay cả đức Phật cũng có lần im lặng trước bông hoa.

Đấy là lần đức Phật giảng pháp ở núi Linh Sơn, giai thoại kể rằng ngài giơ một bông hoa lên và chẳng nói gì cả. Ngài cứ thế nhìn bông hoa hàng giờ mà chẳng nói gì cả. Các đệ tử của ngài đều bồn chồn, không hiểu điều gì xảy ra, bởi trong những buổi giảng pháp trước đây, ngài có im lặng như vậy bao giờ đâu. Một sự im lặng mơ hồ, một buổi giảng pháp khác hẳn truyền thống giảng pháp vốn có của đức Phật khiến sau này nhiều người đã chủ ý cắt giai thoại này khỏi kinh điển Phật giáo. Họ cho rằng nó là một giai thoại được người đời sau tạo dựng, tô vẽ, khác xa truyền thống duy lý vốn có của đức Phật.

Riêng Osho (một lần nữa lại phải thỉnh Osho về) không tin như thế. Osho bảo, chính cái khoảnh khắc im lặng trước bông hoa là khoảnh khắc "Phật" nhất. Osho bảo, người ta có thể bỏ đi mọi kinh điển dài dòng nhưng nhất định không được bỏ đi khoảnh khắc im lặng đó. Osho bảo, hàng giờ liền im lặng nhìn bông hoa, đức Phật đã đi vào trong bông hoa.

Bạn sẽ đi vào một căn phòng, đi vào một trường học, đi vào một văn phòng, đi vào một quốc gia nhưng có bao giờ bạn đi vào một bông hoa? Nếu thực hành đi vào trong bông hoa trong nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều năm tháng, bạn có thể thấy gì? Nếu không thấy gì, bạn sẽ kể cho người khác rằng bạn "không thấy gì". Nếu thấy một cái gì đó, bạn sẽ kể cho người khác về "một cái gì đó", có phải vậy không nào? Bạn sẽ kể. Vì nếu không kể, không nói, không chia sẻ thì bạn đã không còn là bạn nữa. Vậy thì theo bạn, đức Phật sẽ kể gì?

Trong giai thoại nói trên, đức Phật chẳng kể gì cả. Đám đệ tử nóng lòng chờ đợi ngài sẽ kể một điều gì đó. Họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý để lắng nghe ngài rao giảng một điều gì đó. Nhưng, điều duy nhất ngài làm vẫn chỉ là lặng lẽ. Lặng lẽ và lặng lẽ. Một sự lặng lẽ tối cao.

Sự lặng lẽ kéo dài mãi cho đến khi có một nụ cười bất giác vang lên. Nụ cười ấy là của Ma Ha Ca Diếp, một người mà ở thời điểm ấy chỉ là một đệ tử vô danh tiểu tốt khi đặt cạnh những đại đệ tử trí huệ của đức Phật như Xá Lợi Phất hay Mục Kiền Liên. Nụ cười của Ma Ha Ca Diếp phá tan sự im lặng. Giai thoại kể rằng, sau nụ cười ấy, đức Phật nói: Những gì nói được ta đã trao lại cho các ngươi, những gì không nói được ta trao lại cho Ma Ha Ca Diếp.

Đức Phật đã im lặng đi vào một bông hoa. Và, bây giờ đức Phật trao lại cho Ma Ha Ca Diếp sự im lặng của mình. Đấy là sự im lặng của chân đế. Đấy là sự im lặng của bản thể tuyệt đối. Đấy là sự im lặng mà mọi giới hạn của các quy ước không thể chạm vào.

Con người có thể sinh tồn và đối thoại với nhau là nhờ các hệ quy ước, mà ngôn ngữ chính là một hệ quy ước điển hình. Nếu không có các hệ quy ước, con người đã không là con người. Nhưng, cũng vì kiến chấp vào các hệ quy ước, từ đó nảy lên những cái tâm phân biệt về sang - hèn, giàu - nghèo, cao - thấp, trên - dưới... mà con người đau khổ. Ngay cả việc nghĩ về trạng thức tồn tại của một bông hoa, rồi dùng mọi tri kiến Đông - Tây từng có để luận đàm về sự tồn tại ấy cũng có nguy cơ mở ra một cánh cửa của đau khổ.

Bông hoa có chạy trốn khỏi cái cây không?

Cái cây được quyền trách móc bông hoa không?

Hạt mầm có hy sinh oan uổng quá không?

Khi chúng ta còn đặt ra những câu hỏi đó là khi cái tâm kiến chấp của chúng ta còn dính mắc. Nó dính mắc vào đâu? Vào chính những hệ quy ước mà loài người chúng ta tưởng tượng ra. Đức Phật chỉ im lặng trước bông hoa. Ma Ha Ca Diếp đột nhiên phá lên cười trước sự im lặng bản thể đó. Và, đức Phật truyền sự im lặng bản thể cho Ma Ha Ca Diếp. Vậy là đủ!

Bạn hãy thử đi vào một bông hoa và thực hành im lặng như đức Phật. Bạn hãy tiếp tục đi vào một cành hoa, rồi đi xuống tận cùng cái hạt mầm đầu tiên tạo nên hoa. Biết đâu, sẽ có một tiếng cười khanh khách của trời đất vang bên tai bạn!

Phan Đăng
.
.