Ba giải pháp chiến thắng sự đau khổ

Thứ Hai, 01/08/2022, 09:48

Anh là CEO một doanh nghiệp lớn. Tôi tình cờ gặp anh qua một vị tu sĩ, rồi sau đó khoảng một tháng/lần, ba chúng tôi lại ngồi cùng nhau ở một ngôi chùa nhỏ, nằm sâu trong một con ngõ Hà Nội ngoằn nghèo.

Chúng tôi cùng trả lời một câu hỏi: Trong suốt một tháng qua, điều gì đã xảy ra với mình? Quan sát lại những điều đáng nói nhất trong một tháng, chúng tôi cùng vạch ra kế hoạch cho mình (và cho nhau) để thân tâm an lạc hơn trong tháng tới. Một lần, rất bất ngờ, anh thổ lộ với chúng tôi rằng anh đang đau khổ và đấy chắc chắn là nỗi đau khổ điển hình của những người làm kinh doanh, đặc biệt là những “yếu nhân” ở vị trí quản trị, điều hành.

Ba giải pháp chiến thắng sự đau khổ -0
Ảnh: L.G

1. Vợ anh không biết về nỗi đau khổ của anh. Tất cả những nhân viên dưới quyền anh đều không biết. Mà khi đứng trước nhân viên, anh vẫn giữ vẻ ngoài bình thường, như không có chuyện gì xảy ra. Đấy là điều khiến tôi vừa nể anh, lại vừa lo lắng cho anh. Nể, vì khi đối diện với một nỗi đau lớn trong tâm hồn, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vẫn thể hiện ra ngoài một phong thái bình thường như anh. Lo, vì e rằng khi con người bên ngoài (bình thường) và con người bên trong (bất thường) cùng bị đẩy tới cao trào, đối chọi nhau, tấn công nhau, hủy hoại nhau thì mọi thứ sẽ nổ tung và thảm kịch tinh thần mà anh đối diện là cực đại.    

Sau khi thực hiện vài biện pháp mà không thấy hiệu quả, cuối cùng vị tu sĩ giao cho tôi một nhiệm vụ: cứ 2 ngày một lần, lại đến căn biệt thự của anh ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội) để cùng anh nói chuyện và đọc sách. Tất cả dựa trên một nhận định: Trong cơn đau khổ, con người thường có xu hướng tuyệt đối hóa sự đau khổ. Nỗi đau bủa vây toàn bộ tâm trí họ. Nỗi đau khiến họ cảm thấy cùng đường. Nỗi đau khiến họ nghĩ rằng thế giới như sụp đổ. Vậy nên lúc này phải tìm ra cách thức vượt thoát khỏi xu hướng tuyệt đối hóa sự đau khổ.

Một trong những cách hữu hiệu là định vị tọa độ tồn tại của mình và đặt tọa độ ấy trong những hệ tọa độ lớn hơn. Mình có phải là toàn bộ Trái đất không? Không! Nỗi đau của mình có phải là cả thế giới không? Không! Mình chỉ là một phần bé nhỏ vô cùng của Trái đất. Mình cũng chỉ là một định lượng bé nhỏ vô cùng của nhân loại. Mà cái nhân loại ấy cũng bé vô cùng trước càn khôn. Cái nhân loại ấy chỉ manh nha thành hình khoảng 2,5 triệu năm, chỉ bắt đầu phát triển khoảng 200.000 năm (thời điểm Home Sapiens phát triển từ Đông Phi). 200.000 năm, quá khiêm tốn so với 4 tỷ năm Trái đất, càng khiêm tốn so với 14 tỷ năm vũ trụ. Khi hiểu được tọa độ của mình trong cái trục không, thời gian đằng đẵng ấy, người ta sẽ hiểu rằng: Những vấn đề của mình ở thời điểm này, trong kiếp nghiệp này cũng chẳng ghê gớm, khủng khiếp như mình đang tưởng tượng đâu!

Khi đặt mình vào một điểm nhìn cao hơn để trải nghiệm những suy nghĩ rộng lớn hơn, bạn sẽ ngộ ra những điều mà ở điểm nhìn thấp, mình không thấy được. Vì thế, giải pháp tâm lý ở đây là: Khi đang ở “tọa độ thấp”, phải làm sao tưởng tượng được mình đang ở “tọa độ cao”. Những cuốn sách về vũ trụ học, thiên văn học sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình này.    

2. Nếu không thể tưởng tượng đến những điểm cao không, thời gian thì bạn có thể tham khảo những điểm cao tâm lý. Tôi nghĩ rằng, những người thoát khỏi những hỉ nộ ái ố thường hằng là những người đang ngự ở một điểm cao tâm lý. Họ thường là những giáo sĩ/những bậc chân tu, bất luận họ đi theo trường phái nào: Cơ Đốc giáo, Hồi giáo hay Phật giáo. Điểm chung lớn nhất giữa họ chính là sự tĩnh lặng và tĩnh tại. Sau những trải nghiệm tĩnh lặng của bản thân, họ luôn có những thức nhận thông suốt về đau khổ và hạnh phúc. Trong tâm thế tĩnh tại, không mảy may vướng bụi trần thế, họ luôn có thể chỉ ra những giải pháp hữu ích để chúng ta đủ công lực thoát khỏi sự bủa vây của đau khổ. Chẳng hạn, trong sự bủa vây của đau khổ, liệu bạn có thể nghĩ đến giá trị của đau khổ hay không? Không! Chắc chắn là không! Vậy mà, họ có thể chia sẻ với bạn ngay cả những điều không tưởng ấy.

Tôi không thuộc về thế giới của họ nhưng tôi đã mải miết đọc những trước tác để đời của họ và tôi đã chia sẻ với vị CEO mà tôi kể ở đầu bài viết về những điều mình đọc được. Buổi sáng hôm ấy, tôi đề nghị chị quản gia của anh bật một bản nhạc thiền và hai chúng tôi vừa nghe nhạc thiền, vừa ngâm mình trong bể bơi. Tôi kể cho anh những cảm nhận về một thế giới được gọi tên là “thế giới cực lạc” trong bộ kinh A Di Đà nổi tiếng. Bộ kinh này nói rằng, quả nhiên có một thế giới cực lạc mà con người có thể hướng về sau khi chết.

Nhưng, điều trăn trở rất lớn trong tôi là: Tại sao chúng ta cảm nhận được đó là thế giới “cực lạc” nếu chúng ta đủ duyên tới đó? Hãy thử tưởng tượng: Nếu thế giới chúng ta đang sống là cực lạc, nếu quả đất này là cực lạc thì chúng ta còn cảm nhận được một cõi cực lạc khác nữa không? Vấn đề nằm ở chỗ ấy: Chúng ta mơ ước về cực lạc, mong mỏi về cực lạc, cảm nhận về cực lạc vì chúng ta đang sống trong một thế giới đầy khổ đau. Như vậy, khái niệm “cực lạc” chỉ có thể ánh lên, hắt lên và hiện hữu khi nó được đặt cạnh khái niệm “khổ đau”. Nếu không có khổ đau thì không thể nhận diện được cực lạc. Và, đấy chính là giá trị của khổ đau. Khổ đau chính là một trải nghiệm quan trọng để chúng ta có thể cảm nhận được cực lạc và những trạng thái tương đồng với nó (vui sướng, hoan hỉ, hạnh phúc...) sau này.

Càng khổ đau thì năng lực cảm nhận hạnh phúc càng sâu sắc. Càng khổ đau thì sự trân trọng hạnh phúc càng mãnh liệt. Hãy thử tưởng tượng, một cá thể từ khi sinh ra đến khi lớn lên, trưởng thành, chết đi đều được sống trong nhung lụa, kẻ đón người đưa - một cá thể như vậy thực sự biết gì về hạnh phúc? Cảm nhận được gì về hạnh phúc? Và, cái trạng thái mà cá thể ấy tưởng là “hạnh phúc” có phải là hạnh phúc thứ thiệt không? Nhìn nhận như thế sẽ thấy ở một chừng mực nào đó, chúng ta còn phải cảm ơn nỗi buồn và phải biết ơn sự đau khổ mà cuộc đời tặng ta.

Khi công ty của ta sắp sụp đổ, ta đau khổ nghĩ về những giọt mồ hôi nước mắt cùng biết bao tháng ngày quyết tâm gây dựng của mình trước đây. Ta đau khổ vì những ý nghĩ đó, chắc chắn là như thế. Và, có thể ta còn muốn chết. Lúc ấy cần một người nói rõ cho ta thấy, tại sao ta muốn chết? À, tại vì lúc ấy ta không đủ dũng cảm nhìn thấy cả một cơ đồ sụp đổ. Ta muốn chết là bởi ta nuông chiều con người yếu đuối, hèn nhát trong mình. Tại sao ta không nhớ lại rằng, để có được thành công, ta đã trải qua không biết bao nhiêu thử thách. Và, bây giờ ta lại đứng trước một thử thách nữa, một thử thách cực đại, một thử thách lớn hơn mọi thử thách đã từng. Tại sao ta không nghĩ rằng, trải nghiệm với một thử thách cực đại sẽ giúp ta có cơ hội chạm vào một niềm vui cực đại? Mà, ngay cả khi không có được những niềm vui cực đại thì ta cũng có được những thức nhận mang tính bước ngoặt để quy hoạch lại cuộc đời mình? Tuyệt đối hóa nỗi đau cá nhân, thỏa hiệp với con người hèn nhát bên trong, vội vàng tìm đến cái chết - đấy chắc chắn là cách giải quyết tồi tệ nhất trong mọi kịch bản tồi tệ mà ta có thể chọn lựa.

Chẳng nhẽ, ta sẵn sàng chọn lựa sự tồi tệ nhất đó sao?

3. Đặt mình ở một hệ tọa độ cao hơn cái hệ tọa độ mình đang tồn tại, tham khảo những “đỉnh cao tâm lý” của những bậc trí giả đắc đạo, nêu hai cách đó là quá khó cho bạn thì vẫn còn cách này: Hãy thử nhìn vào những người đang đau khổ hơn mình. Henrique Calisto - bạn biết ông ta phải không? Phải rồi đấy, ông ta là Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng đá quốc gia Việt Nam năm 2008. Một điều vô cùng kinh khủng đã diễn ra với ông ấy trước thềm Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á: Đội bóng của ông đá 11 trận không biết thắng. Dư luận công kích, nội bộ nghi hoặc, tương lai mù mờ..., đấy thực sự là những điều đã diễn ra. Ông ta thực sự đã sống trong những ngày tháng rất nặng nề. Và, ông thậm chí đã chấp nhận cho các cầu thủ bỏ phiếu kín để xem mình có cần từ chức hay không. Nói chung, cuộc đời huấn luyện của ông chưa bao giờ bi thảm như thế. Vậy mà cuối cùng, ông đã vượt qua và sau đó cùng Đội tuyển Việt Nam giật luôn cúp vàng Đông Nam Á. Sức mạnh nào đã giúp ông ta vượt qua?

“Tôi nói điều này không chỉ cho tôi, mà có thể còn cho chính anh nữa đấy, vì anh là một nhà báo trẻ, sau này có thể sẽ phải trải qua nhiều nỗi đau nghề nghiệp” - Calisto nói với tôi. Rồi ông rít thuốc: “Điều duy nhất giúp tôi vượt qua giai đoạn kinh khủng ấy là nghĩ đến những người đã từng chết đói, chết khát ở châu Phi mà tôi từng chứng kiến. Lúc ấy tôi nghĩ rằng, cuộc đời mình có đau khổ tới đâu thì cũng không thể khổ hơn những người như vậy được!”.

4.Vị CEO mà tôi nói đến ở đầu bài viết cuối cùng cũng đã vượt qua đau khổ. Tôi không dám nghĩ rằng những buổi nói chuyện và cùng đọc sách với tôi giúp anh làm được điều đó. Chắc chắn tôi không hồ đồ, ngộ nhận như thế, vì mọi phương pháp suy cho cùng đều chỉ là những sự gợi ý, điều quan trọng là sự gợi ý đó đánh động con người bên trong mỗi chúng ta. Nếu con người bên trong quá yếu đuối, hèn nhát, bi lụy thì không một sự gợi ý nào là hiệu quả. Những sự gợi ý phù hợp kết hợp với con người bên trong đủ bản lĩnh và sự thức nhận, đấy mới là công thức để chiến thắng sự đau khổ.

Tháng trước, vị CEO này mời tôi đến nói chuyện với những “yếu nhân” trong đội ngũ của anh. Tôi nhớ mãi một câu anh nói hôm ấy: “Tôi đã từng rất đau khổ và từng nghĩ rằng mình không thể vượt qua. Nhưng, vượt qua rồi, nhìn lại tôi mới thấy, còn con người là còn hy vọng. Chúng ta phải học các phương pháp để vượt qua đau khổ, để xem đâu là phương pháp phù hợp nhất với mình, từ đó tiếp tục nuôi dưỡng những hy vọng của mình...”.

Anh còn bảo, khi điều kiện cho phép, anh sẽ xuất hiện công khai trên các phương tiện truyền thông để kể lại toàn bộ câu chuyện này. Vì anh tin, đây là câu chuyện có ích cho nhiều người, đặc biệt là những người trẻ đang đi trên hành trình khởi nghiệp gian nan.

Nguyễn Mỹ Linh
.
.