Cho hun một chút, em hai đừng phiền

Thứ Ba, 15/08/2023, 07:27

Một trong những tính cách của người Việt nói chung, vẫn là tinh thần lạc quan, thích vui đùa bông phèng. Nhưng phải là khi vào đến vùng đất mênh mông sông nước của miền Nam nước Việt, ta mới được nghe câu hò tếu táo "trầm trọng" cỡ như: "Nước Láng Linh chảy ra Vàm Cú/ Thấy em chèo cặp vú muốn hun".

Láng Linh thuộc thành phố Long Xuyên (An Giang). Láng là vùng trũng sâu, quanh năm ngập nước. Năm 1867, ba tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên mất vào tay giặc Pháp, Đức cố quản kéo quân về Láng Linh xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài, ngài tuyên bố:

Thà thua xuống láng xuống bưng

Kéo ra đầu giặc lỗi chưng quân thần

Lướt qua thông tin này, ít nhiều ta cũng hiểu về từ "láng" - vốn địa hình/ địa vật đã trở thành yếu tố của địa danh: Láng Linh. Tất nhiên, láng còn nhiều nghĩa khác nữa.

Còn "vàm/ Vàm Cú" thì sao? Theo học giả Vương Hồng Sển, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Văn Hầu ở trong Nam thì vàm chính là péam vay mượn từ tiếng Khmer/ Cơ Me/ Khơ Me. Cụ Sển giải thích trong quyển “Tự vị tiếng Việt miền Nam” (NXB Văn Hóa-1993): "Péam là cửa biển, cửa sông. Người trước trong Nam dịch là vàm. Vàm Nao, Vàm Cống, Vàm Tuần, Vàm Tấn, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Vàm Tượng… đều là địa danh trong Nam. Thuyền mới mớm (múm vào vàm), đẻ ra danh từ, động từ: 'việc còn ở ngoài vàm', 'việc đã múm vô vàm', trong Nam hiểu về việc cưới hỏi chưa thành tựu hay việc đã thành rồi, mới nghe dường tục tuy nghĩa rất thanh, nếu câu nệ của Cơ Me không dùng thì làm sao làm giàu tiếng Việt?" (tr. 688).

Cho hun một chút,  em hai đừng phiền -0
Kênh rạch là hình ảnh thân quen vùng Nam Bộ (ảnh tư liệu)

Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã sử dụng từ vàm khi viết truyện ngắn “Người xỏ vàm nghé”. Thật ra, vàm này chính là giàm/ dàm, phải viết "xỏ giàm/ xỏ dàm" thì đúng hơn. Theo “Việt Nam tự điển” (1970): "Dàm/ giàm: Dây xỏ vô hai mũi con trâu và bò rồi cột quàng lên sừng để làm lợi khí điều khiển: Dây dàm, giựt dàm, xỏ dàm". Với câu ca dao: "Thấy em chèo cặp vú muốn hun", người vùng miền khác cũng có thể chính người miền Nam cũng không thể giải thích vì sao lại hun, chứ không phải là hôn? Nếu chàng trai ở đồng bẳng sông Cửu Long đổi qua từ hôn trong ngữ cảnh này:

Đôi mình mới gặp hôm nay

Cho hun một chút, em hai đừng phiền

Ắt cô gái ấy sẽ ngắc ngứ, chần chừ trong giây lát chăng, dù cô thừa biết tỏng dẫu nói hun hay hôn thì cũng chỉ động tác: "Chạm nhẹ môi, mũi để bày tỏ tình cảm" - theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999).

Nếu khi chàng trai thả thính, dụ khị, năn nỉ: "Cho hun một chút, em hai đừng phiền", nghe câu nói dịu vợi da diết ấy, "em hai" cười mà rằng: "Thiệt hôn", ấy là cô đã "bật đèn xanh" rồi chăng  - là ý muốn chàng "hôn thiệt" chứ không phải nói lấy lệ. Hiểu như vậy là một lẽ tất nhiên như trong trường hợp đến chơi nhà bạn đúng lúc cả nhà đang dùng cơm, bạn ỡm ờ nửa đùa nửa thật: "Cho tớ cầm đũa làm ba miếng cho vui", chủ nhà hỏi: "Thiệt ăn" là ngụ ý hỏi lại muốn "ăn thiệt" hay chỉ nói giỡn chơi? Thế nhưng, khi "em hai" nói "thiệt hôn" thì hôn lại hiểu là "không/ thiệt không" dùng cho câu nghi vấn, tương tự cách hỏi:

Em đi trên khoảnh đất giồng

Nghe người ta biểu em chưa chồng phải hôn?

Từ "hôn" này, nếu đặt đầu câu thì nói lại "biến hóa" thành "hổng" lại chỉ sự khẳng định. Có lẽ ca khúc tuân thủ cách nói này, quen thuộc với công chúng nhất vẫn là “Hổng dám đâu” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên. Với câu: "Hổng dám đâu, em còn phải học bài. Hổng dám đâu em còn phải làm bài", thế nhưng khi "chế" lại từ " làm bài" qua "trả bài" lại hoàn toàn mang ý nghĩa khác, có tính bông lơn, đùa cợt cho vui cái sự đời, không ai bắt bẻ làm chi. Cơn cớ sao từ "trả bài" lại gây cười, không rõ người nước ngoài dù giỏi tiếng Việt có thấu hiểu? Không những đứng đầu câu, từ hổng đó cũng có lúc chen vào giữa câu:

Lấy chồng Tân Long, Tân Hội, bà nội hổng cho

Lấy chồng Suối Sỏi, ăn mắm kho rặt ròng

Từ "rặt ròng" rất Nam Bộ. "Rặt" là chỉ một thứ gì đó, không có gì khác chen lẫn vào; "ròng" là chỉ con nước đã cạn, hơn cả cạn xịt là cạn queo, vậy, chỉ có mỗi một thứ mà ở đây là mắm kho. Nếu chơi chữ để nói về chuyện chỉ ăn một món rặt ròng từ ngày này qua ngày nọ, người Việt mình cũng còn có cách nói hết sức dí dỏm. Thí dụ, mở đầu di cảo chưa xuất bản là “Tạp lục 89/90”, học giả Vương Hồng Sển tự trào: "Xính xáo, xịch xoạc chín mươi tuổi. Ngày thường ổng thích ăn "mắm đuôi" tức con mắm, ổng dành phần đuôi, nhiều thịt, duy từ ngày mắm đuôi cũng cao giá mua không nổi, con dâu dọn một dĩa, có nắp đậy, ông dở ra, chỉ thấy "muối hột đâm nhỏ", ông nổi quạu, hỏi:

- Mắm đuôi mà không còn nữa, hẻ?

Con dâu trả lời:

- Mắm đuôi ăn hoài, ngán quá, nay con dọn món muối đâm, ba là người thích nói lái, như vậy, trở bữa, không ăn mắm đuôi thì tạm "muối đâm" và xin ba tạm dùng, lấy thảo".

Đọc xong, ắt ta phải tủm tỉm cười. Và, tôi nghĩ lối nói lái này qua nghệ thuật chèo vốn là "đặc sản" của sân khấu đồng bằng Bắc Bộ cũng từng áp dụng hiệu quả gây cười. Chẳng hạn một cảnh trong vở chèo “Chu Mãi Thần”, thằng Chóp bảo buổi sáng cho Thiệt Thê ăn tạm cơm cà. Thiệt Thê gật gù:

- Thôi cũng được. Thế còn buổi chiều?

Thằng Chóp bảo ngay:

- Món cá cừ.

Có "tiếng đế" vọng lên: "Cá cừ là cá gì?". Thằng Chóp: "Cá cừ là… cứ cà".

Biết đâu, khi đọc đến đây có bạn bảo: "Cứ cà kê dê ngỗng, cứ lan man chạy nọ xọ chuyện kia, không khéo… lạc đề dễ như bỡn". Chính xác, đang bàn chuyện hôn mà người Nam nói là hun kia mà? Vậy, xin trở lại với câu ca dao: "Thấy em chèo cặp vú muốn hun". Với từ "hun/ muốn hun", nếu hiểu theo nghĩa của tiếng Việt toàn dân, ta lập tức liên tưởng tới động tác đốt lửa cháy ngầm, không phựt lên thành ngọn, cho có nhiều khói vì mục đích nào đó, chẳng hạn, hun chuột, hun muỗi... Tục ngữ có câu "Lù rù như chuột chù phải khói", đích thị đó là lúc nó bị "hun/ hun chuột". Từ hun này, trong Nam còn có từ tương tự là "un".

Trong ngữ cảnh của ca dao, anh chàng khi "muốn hun" lại là lúc ham hố, ham muốn sỗ sàng là "hôn/ muốn hôn". Hôn chi mà ác liệt vậy trời? Bởi muốn hôn ở chỗ mà bà Hồ Xuân Hương đã thăng hoa thành thơ: "Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm". Cô gái trả lời ra làm sao? Không rõ. Thấy người ta e thẹn, thẹn thùng, không thèm hé miệng trả lời, được trớn anh chàng ba trợn ba trạo này liền sấn tới, hò rằng:

Tui hun mình, dẫu mình có la làng

Thì tui la xóm, hai đàng la chung

Tui hun, mình dẫu có làm hung

Nhơn cùng tắc biến tui chun xuống sàn

Mình "la làng", tui "la xóm". Câu này hay ở chỗ cụm từ "la làng la xóm" bày tỏ cách kêu la ầm ĩ đã tách ra làm đôi, mỗi bên một nửa, vậy là huề trớt, như đã có… một sự đồng lòng. Rào trước đón sau là thế, thừa biết chỉ là nói lấp liếm qua truông nhưng vẫn sợ cô nàng làm hung làm dữ thì sao? Thì phương án cuối cùng, anh ta chọn là "chun".

Từ chun này, nghĩa của nó ra làm sao?

Cứ theo như “Đại từ điển tiếng Việt” (1999): "Chun: 1.Dây chun, nói tắt: mua chun quần, sợi chun; 2. Vật có khả năng co giãn, tự thu ngắn lại: Voi chun vòi, đỉa chun lại, bèo chun cánh". Rõ ràng, không thể áp dụng trong ngữ cảnh này cũng như trường hợp:

Trống treo ai dám đánh thùng

Bậu không ai dám giở mùng chun vô

Đúng là thế. Muốn gì thì phải xin, người ta gật đầu ưng thuận thì mình mới chun, chứ làm càn làm quấy sao được. Đi về miền Nam, ta được nghe câu hò nhằm chỉ thái độ xin cực hay, cực hóm:

Gió đưa con buồn ngủ lên bờ

Mùng ai có rộng, tôi ngủ nhờ một đêm

Này bạn, không phải tôi muốn như thế đâu, chỗ ngủ của tôi là ở chỗ bao la sông nước này, buồn ngủ thì tôi ngủ nhưng khổ nỗi do "gió đưa con buồn ngủ lên bờ". Vì thế mới xin nhưng với điều kiện "mùng ai có rộng", chứ nào phải tôi muốn ngủ chung đâu. Khéo léo đến thế là cùng. Tinh tế đến thế là cùng. Với câu này, chú ý ta thấy, người Nam dùng từ "con/ con buồn ngủ", trong khi đó, người Bắc lại dùng từ "cái/ cái ngủ":

Cái ngủ mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về

Dù khác nhau nhưng ai ai cũng hiểu. Tiếng Việt mình đó. Lắt léo chưa? Trở lại với phương án "chun" của anh chàng ba trợn kia, ta hiểu cũng là cách nói của từ đồng nghĩa là "chui". Thế nhưng dứt khoát không thể hoán đổi, ít ra cũng còn vì bảo vệ cho phép tắc nghiêm ngặt, bất di bất dịch của thể thơ lục bát nữa:

Tui hun, mình dẫu có làm hung

Nhơn cùng tắc biến tui chun xuống sàn

Không thể thay bằng từ chui. Nhân đây xin cà kê một tí tẹo nữa cho vui, rằng, khi người Bắc gọi "dây chun", trong Nam lại gọi "dây thun". Có lẽ từ "dây thun" đã trở nên phổ biến hơn, bởi đã có câu cửa miệng cực kỳ quen thuộc "giờ dây thun". Giờ gì thế? Xin không giải thích lòng vòng, bạn mình cứ… đi ăn đám cưới ắt rõ nhất.

Lê Minh Quốc
.
.