Bí ẩn mật khu: Có một vị anh hùng như thế

Thứ Bảy, 26/02/2022, 21:11

Đó là địa danh nổi tiếng từ thời kháng chiến chống Pháp tới cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ở đó, nơi một thời trở thành lãnh địa của nhiều tổ chức cách mạng thuộc Tỉnh ủy Tây Ninh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, một số đơn vị tình báo chiến lược thuộc Đoàn tình báo J22, An ninh Sài Gòn - Gia Định…

Ở đó, từng hội ngộ nhiều vị chỉ huy tình báo vang bóng một thời: ông Trần Quốc Hương, ông Ba Trần (Tướng Trần Văn Danh, thời đó là Phó Tổng tham mưu quân Giải phóng kiêm Trưởng ban tình báo B2); Tướng Nguyễn Đức Trí (Nguyễn Văn Khiêm) - Cụm trưởng tình báo A20… Vậy, mật khu ở đâu? Xin thưa, đó là Mật khu Bời Lời - một cánh rừng thuộc xã Đôn Thuận (Trảng Bàng, Tây Ninh), vùng chiến lược quan trọng - cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn.

Đó là cụm trưởng thứ hai của đơn vị chúng tôi - người kế vị Cụm trưởng Sáu Trí - ông là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh), tuổi Giáp Tý (1924), mật danh “H7”, quê Cầu Kè, Trà Vinh. Nguyên là sĩ quan tham mưu pháo binh thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 330 (bộ đội miền Nam tập kết). Năm 1961 được Cục Tình báo Bộ Quốc phòng tuyển chọn, huấn luyện để tăng cường cho chiến trường “B”. Năm 1962, sau hơn 4 tháng vượt Trường Sơn, chỉ mấy ngày đặt chân tới chiến khu “B2”, ông được phái ngay về Mật khu Bời Lời (quân số bổ sung cho Cụm B210) và trở thành lực lượng nòng cốt để hình thành Cụm A20 (H67) và được bổ nhiệm Cụm phó phụ trách bộ phận căn cứ của đơn vị.

Bí ẩn mật khu: Có một vị anh hùng như thế -0
Anh hùng tình báo Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh - H7), Cụm trưởng H67

Có thể nói ông là nhân vật biệt tài về bám trụ chiến đấu bảo vệ Mật khu với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”. Tinh thần ấy lại xuất phát từ nhận định, chúng tôi thường nói vui rằng “nhận định Bảy Vĩnh”, đó là: “Không có ở đâu bám trụ yên tâm, an toàn bằng nơi mình quen thuộc với nó” hơn 7 năm H67 cố thủ rừng Đôn Thuận là vậy.

Bài viết này chỉ dám đề cập chút xíu về cái phần chìm của “tảng băng Lê Văn Vĩnh”, đó là một số chuyến vi hành đặc biệt của ông vào sào huyệt địch.

Nghề tình báo có những nguyên tắc rất ngặt nghèo, có những việc phải truyền đạt trực tiếp, không được thông qua bất kể phương tiện nào.

Cuối năm 1967, có tới 2 lần Cụm trưởng Bảy Vĩnh đột kích Sài Gòn. Cả 2 lần đều phải về “R” nhận chỉ đạo và trở về báo cáo kết quả khi xong việc.

Lần thứ nhất: Trực tiếp điều nghiên 2 mục tiêu quan trọng là Tiểu khu Phước Long và Chi khu Phước Bình - xác định bố phòng binh lực, các tuyến phòng thủ, trận địa pháo, dinh tỉnh trưởng, ty cảnh sát, tuyến phòng thủ sân bay, trung tâm cải huấn (trại giam)... Vào Sài Gòn không khó. Cái khó là đi Phước Long bằng cách nào vì đường bộ đã bị quân giải phóng chặt đứt từ lâu. Sắm vai một điền chủ ở Đồng bằng sông Cửu Long, là bạn thân của Ba Lễ, tháp tùng ông nghị sĩ đi thị sát miền Trung, kết hợp tính chuyện làm ăn, hùn vốn mua mấy cơ sở cao su ngoài đó.

Mỗi tuần chỉ có 1 chuyến máy bay loại nhỏ đi Phước Long, lẽ ra phải xếp hàng chờ tuần sau, nhờ cái tiêu chuẩn “VIP” của ông nghị nên được đi sớm. Hai người cưỡi chiếc CESSNA (loại phi cơ một động cơ cánh quạt) cất cánh lúc 9h30. Trung tá H, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Phước Long mừng vui chào đón thượng khách, người đã tạo niềm hy vọng cho anh ta sớm thoát khỏi xứ rừng đầy hiểm họa. Vì kẹt kế hoạch hành quân “tiễu trừ Việt cộng” sẽ kết thúc vào chiều hôm sau nên Trung tá H khẩn khoản giữ 2 người lại. “Cáo lỗi với “toi” (anh), “moi” (tôi) sẽ kết thúc kế hoạch sớm. Ở nhà chờ “moi”, tài xế sẽ đưa nhị vị khách quý tham quan cái thị xã heo hút miền sơn cước để thông cảm với tụi này. Buồn thấy mồ!”.

Sáng hôm sau, một chiếc xe Jeep trườn tới, dừng lại trước dinh tỉnh trưởng. Người lính xế xuống xe, vòng sang phía trong mở cửa, Ba Lễ xua tay, khẽ cười: “Khỏi! Khỏi đi nhóc!... Bữa nay để qua (tao) lái. Cho bay ở nhà đi “o mèo”. Cứ tự nhiên nghen, qua không méc sếp bay đâu”. Người lính xế khẽ cười: “Cha! Quan lớn cũng lái được xe hơi”. “Chớ sao! Qua lái thiết giáp cũng được nói chi tới cái “Cà Jeep” của tụi bay”.

Thế là hai Việt cộng xịn cưỡi xe tỉnh trưởng tiến hành điều nghiên phục vụ quân giải phóng tấn công Phước Long, Phước Bình quả là điều kì lạ trên thế gian này.

Chuyến vi hành đô thành lần thứ hai của Cụm trưởng Bảy Vĩnh diễn ra vào cuối tháng 9-1967. Theo quy trình cũ - từ căn cứ Bời Lời về “R” nhận chỉ đạo trực tiếp, nhanh chóng trở lại đơn vị chuẩn bị xuất quân. Nhiệm vụ ông được giao trực tiếp đó là: điều nghiên mục tiêu Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Tổng nha Cảnh sát quốc gia số 258 đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi), Nha Cảnh sát đô thành (54 Trần Hưng Đạo), sân bay Tân Sơn Nhất, Chi khu quân sự Hóc Môn... để phục vụ cuộc Tổng tấn công tết Mậu Thân (1968).

Sau khi nhận được tín hiệu an toàn của bộ phận trinh sát địa bàn, trưa hôm ấy, Cụm trưởng Bảy Vĩnh rời mật khu ra cửa ngõ Gia Tân để đón xe hơi đi Sài Gòn. Tháp tùng ông từ căn cứ là một vị khách. Đó là ông Năm Truyện (thường gọi anh “Năm mắt kính”, anh “Năm Sài Gòn”, chắc là dân Sài Gòn chánh hiệu). Ông là sư đoàn trưởng chủ lực quân giải phóng - một đơn vị chủ công sẽ tấn công phi trường Tân Sơn Nhất khi có chỉ thị từ Tổng hành dinh. Nhiệm vụ của ông là tháp tùng để điều nghiên mục tiêu này. Hai người ra tới cửa ngõ, nhanh chóng lên chiếc xe hơi đã đợi sẵn dưới tán cây. Đó là chiếc xe của Ủy ban An ninh - Quốc phòng Hạ viện, chủ nhân kiêm tài xế là Ba Lễ. Xe chạy ra quốc lộ 22, tăng tốc phóng về Sài Gòn, về thẳng nhà Ba Lễ ở quận 10 - một địa chỉ “bất khả xâm phạm” đối với 2 ông Việt cộng thứ thiệt.

anh 2.jpg -0
Họp mặt truyền thống giao thông viên Cụm Tình báo H67 tại Bảo tàng Phụ nữ TP Hồ Chí Minh (Cụm trưởng Bảy Vĩnh thứ tư, từ phải qua)

Cuộc điều nghiên phi trường được triển khai trong 2 ngày (một ngày vòng trong, một ngày vòng ngoài) để Sư trưởng Năm Truyện sớm hồi cứ. Song, phải kéo dài 3 ngày, bởi ngày đầu ông nghị “H3” phải tới nhiệm sở giải quyết sự vụ và lập thời gian biểu hợp thức hóa những ngày vắng mặt sau đó. Cái hôm tiếp cận vòng trong, 9h sáng, 3 người đã ung dung cà phê tại lầu 1 khu quốc ngoại của phi trường bởi ông nghị “đi đón bạn từ Đài Bắc qua”. Ngồi ở đó, có thể bao quát toàn cảnh phi trường, đếm được từng chuyến phi cơ hạ, cất cánh. Lối hơn 10h, viên trung tá chỉ huy phi trường xuất hiện. Đó là một tay ngang tàng nổi tiếng từ sinh hoạt, ngôn từ giao tiếp, tới phương tiện sử dụng chẳng giống ai. Chiếc xe hơi màu lửa chạy tung hoành trong phi trường là của anh ta. Bởi độc nhất vô nhị nên nói tới “xe trung tá” là người ta biết ngay.

Bắt tay hai vị khách, chỉ Ba Lễ, anh ta “nổ” 1 tràng: “Bạn tui đó. Chừ làm lớn, tân nghị sĩ mừa. Tưởng quên cái thằng trung tá quèn này, ai dè đêm hồi hôm lại phôn cho tui, nói sáng nay vô đón khách ngoại quốc. Ngó bộ ốm (gầy), làm ông nghị hổng được ốm nghen! Phải tẩm bổ vào cho có sức phụng sự quốc gia”.

Ba Lễ bắt chặt tay viên trung tá: “Quên sao đặng. Sợ bê bối công chuyện nhà binh nên không dám gây phiền hà. Bữa nay bọn văn phòng coi lộn chuyến, chiều thành sáng. Tạm chia tay, hẹn hàn huyên dịp khác. - Chớ rởn ngươi vậy! Chiều đón thì trưa vô chỗ tui nghỉ. Phải làm mấy ly chúc mừng chiến hữu chớ. Chừ... tui tính vầy, tất cả xuống xe, trong khi chờ tụi đàn em chuẩn bị đồ nhậu, ta làm mấy vòng để quý vị biết lãnh địa hoạt động của bọn này mà cảm thông cho đám nhà binh.

Chiếc xe màu lửa vút đi, dừng lại nhiều lần. Mỗi lần dừng xe, viên trung tá đều giới thiệu tỉ mỉ “mấy đường băng kia dành cho phi cơ dân dụng. Phía xa là khu quân sự; đây là cửa ra phía Đông; đây là cửa ra phía Bắc; phía Đông Bắc được ưu tiên hỏa lực phòng thủ, bọn “Mẽo” (Mỹ) chi viện tối đa... những ụ nổi kia là hầm phi cơ quân sự chống pháo kích của Việt cộng”. Hai vị khách ngồi ghế sau chắc là đều cười thầm, thiệt là “buồn ngủ gặp chiếu manh”.

Cuộc điều nghiên vòng ngoài phi trường thực hiện ngay sáng hôm sau, có thể nói đã vượt yêu cầu đề ra và tối hôm đó anh “Năm Sài Gòn” chia tay hai người về đơn vị.

Cụm trưởng Bảy Vĩnh còn bám trụ Sài Gòn thêm một tuần nữa thực hiện các mục tiêu còn lại. Để giảm bớt tần suất lưu thông xe của “H3”, mục tiêu Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, Cụm trưởng tháp tùng “H81” - điệp viên mang lon thiếu tá, nằm trong Ban Tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Chủ yếu khảo sát vòng ngoài, vòng trong đã có “H81” cung cấp rất tỉ mỉ. Với mục tiêu Nha đô thành và Tổng nha, nhất là khu vực cảnh sát đặc biệt, H7 tháp tùng nhưng chỉ quan sát tổng thể khu vực, đi sâu vào các bộ phận do “ông nghị” thực hiện. Đề phòng những nơi đó có bọn chiêu hồi nên H7 phải tránh né.

Xong việc điều nghiên, hai người ngồi với nhau trọn một đêm để H7 nghe H3 tường thuật lại. Có một số địa chỉ ông phải phác thảo sơ đồ hẳn hoi.

Cụm trưởng Bảy Vĩnh nhanh chóng trở về mật khu, ông chỉ dành thời gian 30 phút nghe Cụm phó Trung Tuyến báo cáo tình hình và ông phán luôn một số việc cần làm tiếp, yêu cầu bố trí tổ trinh sát sáng hôm sau đưa ông về “R” rồi chui ngay xuống hầm làm việc, trắng đêm ngồi tổng hợp báo cáo, vẽ sơ đồ các mục tiêu điều nghiên.

(Còn nữa)

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ
.
.