Bí ẩn mật khu

Thứ Năm, 17/02/2022, 10:00

Đó là địa danh nổi tiếng từ thời kháng chiến chống Pháp tới cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ở đó, nơi một thời trở thành lãnh địa của nhiều tổ chức cách mạng thuộc Tỉnh ủy Tây Ninh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, một số đơn vị tình báo chiến lược thuộc Đoàn tình báo J22, An ninh Sài Gòn - Gia Định…

Ở đó, từng hội ngộ nhiều vị chỉ huy tình báo vang bóng một thời: ông Trần Quốc Hương, ông Ba Trần (Tướng Trần Văn Danh, thời đó là Phó Tổng tham mưu quân Giải phóng kiêm Trưởng ban tình báo B2); Tướng Nguyễn Đức Trí (Nguyễn Văn Khiêm) - Cụm trưởng tình báo A20… Vậy, mật khu ở đâu? Xin thưa, đó là Mật khu Bời Lời - một cánh rừng thuộc xã Đôn Thuận - Trảng Bàng - Tây Ninh, vùng chiến lược quan trọng - cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn.

Kỳ I: Những vị chỉ huy cự phách

Với 10 năm hoạt động tại chiến trường Nam bộ, do yêu cầu nhiệm vụ, đã có 4 lần tôi được điều chuyển địa bàn hoạt động. Từ Cụm tình báo chiến lược B48, B49, V8 và cuối cùng là H67 (A20) căn cứ bám trụ tại Mật khu Bời Lời. Tôi coi lần điều động này là một vinh dự đối với mình, bởi thời đó H67 là đơn vị lẫy lừng thành tích chiến đấu bảo vệ căn cứ; thứ nhì, Mật khu Bời Lời là địa bàn bám trụ mang ý nghĩa chiến lược của một đơn vị tình báo. Bởi ở đó có thể mở ra nhiều cửa ngõ tiếp cận với các lưới giao thông điệp báo nội thành.

Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng

Từ cửa ngõ Bàu Nhái, suối Bà Tươi, Gia Tân, An Tịnh, Phước Hiệp, Bàu Chèo, Bàu Hai Năm, Bàu Mây... (thuộc Trảng Bàng, Tây Ninh) tới vùng Ba Cụm, xóm trại Dàn Bầu,... để ra cửa ngõ Trung Hòa - Phú Hòa Đông (thuộc Củ Chi, Sài Gòn). Bởi vậy, Bời Lời và Củ Chi trở thành mục tiêu trọng điểm tấn công của địch. Sau Tết Mậu Thân, địch đã “nâng cấp” 2 mục tiêu trên thành trọng điểm hủy diệt sự sống. Trong 2 cuộc kháng chiến, địch đã mở hàng trăm cuộc càn tấn công Mật khu, nhiều trận càn với quy mô tổng lực bộ binh (có xe tăng, thiết giáp mở đường), với 3 trận địa pháo yểm trợ cùng đủ loại máy bay cường kích, tiêm kích, B-52, trực thăng vận...

20181201_100255-1644570170810.jpg
Cuộc gặp truyền thống cựu chiến binh Đoàn tình báo J22. Hàng đầu, từ phải qua: Cụm phó H67 Năm Tuyến; tác giả bài viết; và Anh hùng Lực lượng vũ trang Tư Cang, nguyên Cụm trưởng H63

Mật khu được “chăm sóc” bằng việc tăng cường tối đa hỏa lực. Chúng đã trút xuống rừng Bời Lời hàng ngàn tấn bom đạn, thuốc độc khai quang, rừng bầm giập, xác xơ, không một thân cây nào còn nguyên vẹn. Thậm chí, có những thân cây mang trên mình hàng trăm vết thương từ bom đạn địch. Con người muốn tồn tại, chỉ có cách duy nhất là “độn thổ” ăn, ngủ, làm việc, hội họp... dưới hầm. Ban đêm, chỉ duy nhất có cột ăng-ten điện đài là được cắm trên mặt đất. Liên lạc xong phải cất giấu ngay.

Ban ngày, khoảng 5h chiều, bộ phận cảnh giới xác định không có dấu hiệu địch, từ các hầm mới chui lên mặt đất. Số trinh sát địa bàn nhanh chóng ra “cửa ngõ” đón tài liệu từ thành chuyển về. Số ở nhà nhanh chóng ra suối Cầu Cám tranh thủ tắm giặt. Chia nhau mỗi người một việc: xuống suối lấy nước, kiếm củi, kê bếp thổi cơm, đi hái rau rừng làm canh... Cơm nấu cho 3 bữa: ăn tại chỗ, một vắt (nắm) nhỏ cho bữa sớm, vắt lớn cho bữa trưa hôm sau. Ăn xong, trước khi về hầm làm việc, phải xóa tất cả, từ bếp nấu tới chỗ ngồi ăn, một hạt cơm cũng không được bỏ sót. Đó là nội dung quy chế nghiêm ngặt - “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Với đặc thù Mật khu Bời Lời, phải bổ sung thêm nội dung thứ tư là “nấu không dấu” mới đầy đủ yếu tố để gạt (lừa) địch rằng “nơi đây không còn sự sống con người”.

Tính từ khi thành lập tới ngày kết thúc chiến tranh (1962-1975) có trên phân nửa thời gian, tính tỉ mỉ ra là 2.677 ngày H67 đã sống, chiến đấu trong lòng Mật khu vào đúng giai đoạn khốc liệt nhất. Có thể nói đó là một cụm tình báo bám trụ lâu dài nhất, chiến đấu kiên cường nhất để bảo vệ căn cứ giữa chảo lửa Mật khu Bời Lời nhằm giữ vững liên lạc giữa các lưới điệp báo nội thành với Bộ Chỉ huy quân Giải phóng trong mọi tình huống.

Với trên hai ngàn sáu trăm ngày bám trụ Mật Khu, nếu không phải là người trong cuộc, hẳn sẽ không ít ý kiến cho rằng cái đơn vị H67 ấy hẳn có một “bí quyết” gì đó? Xin thưa, có đấy! Chúng tôi thời đó gọi là bí ẩn của H67 hoặc “Bí ẩn Mật khu”. Cái bí ẩn ấy bây giờ đã được “bật mí”, đến người trong cuộc ngẫm lại cũng phải ngỡ ngàng.

Thành lập năm 1962, chỉ lèo tèo 13 cán bộ chiến sĩ tại căn cứ. Mấy năm sau, bằng nhiều nguồn bổ sung, lúc đỉnh điểm cũng chỉ trên dưới 20 người. Vậy mà, chỉ một khoảng trong cả cánh rừng Đôn Thuận, sau 6 năm, H67 đã xây dụng tới 7 căn cứ, với trên 50 hầm làm việc, sinh hoạt và hầm bí mật, cùng với gần nửa cây số địa đạo, giao thông hào và công sự chiến đấu, quả là một kỳ công. Xây dựng hầm làm việc, hội họp..., đất đào lên để xử lý, cứ đắp lên nóc hầm rồi ngụy trang lại là xong. Song, với đất đào địa đạo với hàng ngàn mét khối thì đổ đi đâu, trong thực hiện quy định “3 không” ngặt nghèo. Việc xây dựng và xử lý đất đào địa đạo trở thành “bí ẩn” là do sáng kiến của Cụm trưởng Bảy Vĩnh.

Nghề tình báo có đặc thù riêng. Có thể phân chia thành 2 phương thức: Hoạt động đơn tuyến (điệp viên hoạt động trong lòng địch ) báo cáo gửi về trung tâm thông qua đài phát sóng một chiều; hình thành tổ chức một cụm, đương nhiên cơ cấu thành 2 bộ phận: Bộ phận điệp viên cố thủ trong sào huyệt địch, tài liệu, tin tức thu thập được, mạng lưới giao thông viên chuyển về căn cứ thông qua điện đài báo cáo về trung tâm. Đó là một quy trình khép kín, một “đôi chân” đều khỏe như nhau. Cái “chân căn cứ” vững vàng mà cái “chân nội thành” yếu, tin tức èo uột thì cũng vô nghĩa. Ngược lại, tin tức điệp viên phong phú, nhiều tin quan trọng hàm chứa yếu tố khẩn cấp để cấp trên nghiên cứu nhưng căn cứ bị động triền miên, chạy càn liên tục, tài liệu bị “ngâm” nhiều ngày, khi đã hết giá trị thời gian thì có chuyển được về trung tâm cũng thành vô nghĩa.

Trong loạt bài này, xin được hồi tưởng đôi điều về miền quê máu lửa ấy.

Cụm trưởng đầu tiên

Ông là Thiếu tướng Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí), bí số “H6”, tên thật là Nguyễn Văn Khiêm, tuổi Ất Sửu (1925). Quê quán Gò Công - Tiền Giang. Một điệp viên gạo cội của Cụm tình báo B210 rồi trở thành tổ trưởng điệp báo. Phong cách chính khách hơn là một nhà binh. Vậy mà thời “Đệ nhất Việt nam Cộng hòa” ông lại “chui” vào được Tổng nha Cảnh sát quốc gia, trở thành sĩ quan của đơn vị này. Nhờ vậy mà ông có điều kiện “với tay” tới nhiều nơi để cảm hóa, thuyết phục những người quen của mình trở thành cơ sở bí mật, điệp viên phục vụ cách mạng.

8-9-chantrang.jpg -0
Tướng Nguyễn Đức Trí, nguyên Đoàn trưởng Đoàn tình báo J22

Từ Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt nam Cộng hòa, Tổng nha Cảnh sát quốc gia, Nha cảnh sát Đô thành, ty cảnh sát một số địa phương, tới một số nhân vật trong giới chính trị, trí thức, ký giả, thương gia... đặc biệt trong số đó có một người đồng hương của ông, từ một sĩ quan cảnh sát mà chỉ mấy năm đã leo lên tới trưởng ty cảnh sát ở 2 tình thuộc Nam bộ và còn leo cao hơn nữa, trở thành nghị sĩ Quốc hội Sài Gòn khóa 1967-1972, một nhân vật quan trọng trong Ủy ban An ninh - Quốc phòng Hạ Viện. Đó là điệp viên Nguyễn Văn Lễ (Ba Lễ) bí số “H3”, “H9”. Mật danh “Ba Nghĩa”, “Chín Nghĩa”. Đó là cơ sở tạo nên nguồn tin của “H6” vô cùng phong phú. Đó cũng là yếu tố quan trọng để tháng 8-1962 cấp trên quyết định thành lập Cụm A20 (H67) đồng thời bổ nhiệm ông làm Cụm trưởng.

Nhiệt huyết cách mạng của nhà tình báo chiến lược Nguyễn Đức Trí đã thấm sang những người thân trong gia đình - phu nhân của ông trở thành giao thông viên “gạo cội” của H67. Vợ chồng người em ruột của ông, đồng chí Tám Thanh (Tám Nam) tên thật Nguyễn Thành Nam - Cụm phó, mật danh “H8” trở thành hai nhân vật quan trọng chuyển, nhận tài liệu, tiếp nhận thiết bị đài phát sóng từ căn cứ Bời Lời chuyển vào thành phố; chọn địa điểm đặt đài kiêm luôn nhiệm vụ cất giấu, bảo vệ đài phát sóng “Sài Gòn 1” và “Sài Gòn 2”.

Ngoài ra, Tám Thanh còn là “một cây” thu thập tài liệu, tin tức. Những năm hoạt động hợp pháp trong thành đã 2 lần được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng. Một nhân vật quan trọng nữa không thể không nhắc tới, đó là người “con gái rượu” của tướng quân Nguyễn Đức Trí, đó là cô Nguyễn Thu Nguyệt - đang là nữ sinh Sài Gòn, bỗng gác bút nghiên vào Mật khu, được đơn vị cử về “R” học lớp báo vụ (hiệu thính viên), mãn khóa, đã cùng Nguyễn Thị Hoa - quê Tân Trụ, Long An trở về Mật khu, Mấy tháng trước tết Mậu Thân, hai cô “nữ sinh rởm” được đơn vị “đánh” vô Sài Gòn, sử dụng đài “Sài Gòn 2” phục vụ chiến dịch. Là cụm trưởng nhưng ông Sáu Trí thường xuyên “ẩn” tại Sài Gòn để chỉ đạo mạng lưới bí mật, thi thoảng mới về căn cứ. Khi đã dày công xây dựng, bồi dưỡng người kế vị, năm 1965 ông được cấp trên rút về trung tâm, bổ nhiệm chức vụ Đoàn trưởng Đoàn tình báo J22. 

------------------------------------------------------------

Kỳ tới: CÓ MỘT VỊ ANH HÙNG NHƯ THẾ

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ
.
.