Trong lòng người xa xứ

Thứ Hai, 25/02/2019, 11:31
Có người bảo, thời hội nhập, mở cửa với thế giới còn ăn tết, đón xuân theo tục truyền thống làm gì cho phiền hà, tốn kém. 


Nhưng, chỉ cần nhìn dòng người Việt náo nức từ bốn biển năm châu về quê cha đất tổ cũng như tình cảm mà họ gửi gắm với quê nhà cho thấy, dù trong bất cứ bối cảnh nào, quê hương nghĩa nặng là bản gốc làm nên cốt cách con người Việt. Còn cái gốc, cái cốt cách ấy thì còn tết Nguyên đán, còn xuân quê hương, còn bản sắc dân tộc.

Tôi đọc những dòng thơ trên tạp chí Quê hương, thấu hiểu bao cảm xúc những người con xa xứ trải lòng qua mỗi câu từ:

Bài thơ Xuân ở nơi đây con viết
Năm mới sang điểm hoa tuyết trên cành
Nỗi nhớ trong con lại cồn cào da diết
Bếp lửa hồng Mẹ gói bánh chưng xanh

Mẹ lặng lẽ giữ ấm hồng ngọn lửa
Mái nhà xưa vương vấn khói lam chiều
Bao khát khao trào dâng trong lòng Mẹ
Gói cho đầy nỗi nhớ gửi con yêu

Nơi xa xứ lặng thầm từng khoảnh khắc
Nhớ Mẹ hiền chải mái tóc cho con
Bàn tay Mẹ nhẹ gỡ từng sợi rối
Giữ nuột nà suối tóc phủ lưng thon

Xuân xa xứ - Bùi Nguyệt (CHLB Đức)

Anh Nguyễn Phương Hùng nhớ lại lần đầu tiên về quê ăn tết sau 36 năm sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Đó là năm 2011, anh về Việt Nam cùng đoàn báo chí kiều bào theo lời mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, để tham dự Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt”. 

Tiếp đó, tết năm 2012, đoàn nhà báo quận Cam (Orange County) được vinh dự tham gia đoàn kiều bào ở nước ngoài tham gia chương trình “Xuân quê hương”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu và bà con kiều bào.

“Đây là một cái tết quê hương đúng nghĩa kể từ ngày tôi được sinh ra tại Bắc Giang năm 1946. Lần đầu tiên trong đời, tôi được biết đến hương vị của ngày tết cổ truyền mà từ lâu vẫn chỉ biết qua sách vở và tiểu thuyết. Tôi và đoàn nhà báo nước ngoài cùng các đoàn kiều bào khác trên thế giới tham dự chương trình “Gala xuân quê hương” tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, tham dự tiệc “Xuân quê hương”, “Lễ thả cá” cùng Chủ tịch nước tại chùa Trấn Quốc, chúc tết trong Phủ Chủ tịch...” -  anh chia sẻ.

Đặc biệt, kỷ niệm về thăm bến Nhà Rồng khiến anh nhớ mãi. Anh bày tỏ: “Bác đã đi một chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm. Tôi thường hay ví von, cộng tất cả các bước chân của tất cả các lãnh đạo trên thế giới có lẽ không bằng bước chân Bác Hồ đi trong 30 năm. Một nửa đời người lục thập hoa giáp, Bác đã bôn ba lăn lộn trải qua biết bao khó khăn, cực khổ, nằm gai nếm mật vì một lý tưởng yêu quê hương đất nước và mưu tìm con đường cách mạng để giải phóng dân tộc, mang lại độc lập cho đất nước. 

Bác đã nói “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Tôi đã tự thưởng cho mình một món quà bằng những giọt nước mắt xúc động khi đến địa điểm tổ chức trước cả giờ đồng hồ. Tôi vào bên trong xem những dãy nhà cũ đã tân trang, sơn sửa mới, rồi băng qua đường ra bờ sông nhìn về phía bên kia TP Hồ Chí Minh lung linh trong ánh sáng huyền ảo. Tôi lặng người với hai dòng nước mắt lăn dài trên má, bùi ngùi nhớ đến bản nhạc Từ thành phố này Người đã ra đi. Vâng chính từ thành phố này, Người đã ra đi và ngày hôm nay, tôi được hưởng thành quả, đơm hoa kết trái vì cái “nhân” Bác đã gieo trên quê hương từ ngày 5-6-1911”... 

Anh Trần Thu Dung (Cộng hòa Pháp) thì chia sẻ trên trang “Quê hương online” kỷ niệm về thăm quê, được thăm quần đảo Trường Sa. Và, trong chuyến thăm Trường Sa tháng 4-2018, anh may mắn được đến thăm các em học sinh trên đảo, được nghe các em cùng các nghệ sĩ theo đoàn vui hát. Tiếng hát bồng bềnh trên sóng. Đó là những ngày biển yên sóng lặng, tàu cập bến dễ dàng... 

Ở Trường Sa đâu có những cửa hàng đầy hoa, những vườn đầy trái chín. Đoàn kiều bào cùng các nghệ sĩ đến thăm đảo, ở đảo nào cũng tổ chức giao lưu văn nghệ. Anh kể, các cô văn công xinh đẹp hát múa hay quá, các cháu trên đảo không đủ hoa để tặng. Đảo chỉ có hoa rau muống dại, hoa hiếm nên không ai hái hoa trồng trong chậu. Hoa tặng chỉ là mấy vỏ ốc nhỏ gắn lên dây điện. Tất cả vì biển đảo, vì chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

“Đêm đã khuya, lướt qua mạng internet thấy thông tin Trường Sa gặp bão, tôi thầm cầu nguyện cho bão đừng đi qua đảo, mong cho sóng lặng, biển bình yên, đất nước hòa bình mãi mãi” - anh viết. 

Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, liên tục từ năm 2012, Ủy ban phối hợp với Bộ Tư lệnh hải quân tổ chức các đoàn kiều bào đi thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK. 

7 năm qua, khoảng  400 lượt kiều bào đã đi thăm Trường Sa. Những chuyến đi đã giúp bà con hiểu hơn về Trường Sa và nhà giàn DK, tình yêu biển đảo trong cộng đồng kiều bào được lan tỏa rộng rãi hơn, thể hiện mạnh mẽ hơn. Qua đó, bà con kiều bào đã dành nhiều tình cảm, sự quan tâm và có những đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần cho quân và dân đang ngày đêm canh gác bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc... 

Qua nhiều chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK, sự chung tay góp sức của kiều bào ủng hộ cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tiền tuyến hải đảo của Tổ quốc ngày càng tăng lên. 

Năm 2018, bà con kiều bào đã đóng góp, ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa khoảng 700 triệu đồng tiền mặt và 1 tỷ đồng bằng hiện vật gồm máy phát điện mini, hệ thống pin năng lượng mặt trời, bộ thể thao đa năng... cho các chiến sĩ, nhân dân trên huyện đảo và nhà giàn DK1/18.  

Nhiều năm nay, hình ảnh của các thành viên đoàn kiều bào về từ Hàn Quốc mướt mát mồ hôi tháo rời từng bộ máy phát điện năng lượng mặt trời hiệu năng cao di chuyển xuống xuồng để vận chuyển vào các đảo chìm đã trở nên rất đỗi thân thuộc với những ai đã từng ra Trường Sa. 

Anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Quỹ “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” tại Hàn Quốc cho biết, ra mắt từ năm 2015, Quỹ “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” hiện đã thu hút được sự tham gia của kiều bào từ 15 quốc gia. Từ lúc thành lập cho đến nay, Quỹ đã kêu gọi quyên góp được tổng số tiền hơn 75 nghìn USD, dành cho tất cả các dự án. 

Chị Vũ Thị Phương (kiều bào tại Singapore) kể, chồng chị đã vinh dự được tham gia chuyến thăm và tặng quà cho các chiến sỹ Trường Sa năm 2016 và có tình yêu đặc biệt với Trường Sa. Anh đã lan tỏa tình yêu này tới các thành viên trong gia đình và cộng đồng người Việt tại Singapore. Điều này đã thôi thúc chị đến với Trường Sa và mong muốn làm được điều gì đó cho Trường Sa. 

Bà con kiều bào về thăm quê hương dịp tết Kỷ Hợi. Ảnh: TGVN.

Những giải pháp vận động, hỗ trợ tích cực và toàn diện của Đảng, Nhà nước đã thu hút được đáng kể nguồn lực và nguồn chất xám của hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ để phục vụ phát triển đất nước. 

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300-500 lượt trí thức kiều bào về nước, tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thiết thực trong các vấn đề phát triển của đất nước, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển công nghệ trong nước. 

Về thương mại - đầu tư, rất nhiều doanh nhân người Việt ở nước ngoài, các hiệp hội, mạng lưới đã và đang tích cực đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới, đồng thời đưa các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty đa quốc gia vào Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh. 

Năm 2018, số kiều hối gửi về nước đã lên tới gần 16 tỉ USD, tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn là "chất xúc tác" quan trọng đối với những thành công của hoạt động ngoại giao nhân dân nước ta trong công cuộc đổi mới. 

Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, tôn giáo, bà con kiều bào ta đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy, lan tỏa và giành được sự yêu mến của bạn bè các nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Gặp mặt bà con kiều bào tại chương trình “Xuân quê hương 2019”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. 

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tổ quốc và Chính phủ luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ các người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà!”.

“Nước có nguồn, cây có cội, dù đi xa vạn đỗi, không phai nhòa nguồn cội Rồng Tiên” - những lời căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khắc ghi trong mỗi dặm trường sống, làm việc của bà con kiều bào.

An Nhi
.
.