Nỗi buồn xa xứ

Thứ Hai, 11/08/2014, 14:00

Thi thoảng, khi viết một đoạn nào đó về thân phận mà không kiềm chế nổi cảm xúc của mình tôi vẫn khóc. Năm xưa, gần gần tháng này, tôi ngồi xe đò xuống miền Tây để làm loạt bài về thôn nữ Việt mang thai hộ ở Thái Lan. Để kịp tiến độ báo in tôi phải viết khi xe đang chạy. Đến đoạn, thôn nữ giao con để nhận lại một số tiền trước khi về Việt Nam, nước mắt tôi cứ chảy dài. Đớn đau nhất của đời người, theo tôi, là huyết thống bị chia lìa. Không có đớn đau nào hơn chuyện đó. Thế nhưng, tôi đã nhầm. Bởi tôi đã thấy và chứng kiến những câu chuyện rất khác so với suy nghĩ của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn tin những cá nhân khác biệt không thể nào là đại diện cho tất cả.

Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP HCM, một hôm tháng Bảy, có câu chuyện buồn buồn. Câu chuyện không liên quan quá nhiều đến điều tôi vừa kể phía trên, nhưng có một điểm chung là thân phận của người phụ nữ bị lừa bán ra khỏi biên giới nước mình.

1. Có nhiều câu chuyện về phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc, họ bị bán vào động mại dâm, họ bị bán cho gã nông dân bất bình thường nào đó, họ vừa làm vợ cho tất cả đàn ông trong nhà, lại vừa lo việc đồng áng như một kẻ khổ sai. Họ, không được đối xử như những con người ở quốc gia ấy, họ được mặc định là một món hàng không hơn không kém.

Trương Thị Hằng, 43 tuổi, ngụ ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Hằng học đến lớp 9 thì thôi học ở nhà làm thuê phụ giúp gia đình. Lớn chút, Hằng lập gia đình, có được hai con. Nhẽ ra, nếu không phạm pháp, Hằng chính là hình mẫu tương đối điển hình của những cô thôn nữ quê với công thức chung: nghỉ học sớm, làm thuê (hay công nhân) phụ giúp gia đình, lấy chồng sinh con và chở thời gian kéo tuổi về, để tóc điểm sương, để da điểm đồi mồi, để chạng vạng nghe bìm bịp kêu nước lớn, để tinh sương thấy én chao đồng vàng. Mấy chốc, qua hết một đời người trong bình an và tĩnh lặng.

Đời sống, có phải vô danh để đến cõi tạm, rời cõi tạm này là điều thú vị nhất hay không. Sớm mai, được uống một chén trà, nhìn sương tan trên lá, nhìn nắng vàng đổ rượm lông con gà mái tơ. Ban trưa, được nghe gió từ tán xanh trong vườn, được nghe tiếng cu gù sau ngõ. Chạng vạng chiều, nghe tiếng con thơ bi bô trong nhà. Nửa khuya khó ngủ, giật mình chạm mảnh trăng lưỡi liềm, choàng dậy đọc vài trang sách cũ… Ai công hầu, ai khanh tướng, ai xuống ngựa, ai lên voi... là chuyện của thiên hạ. Ai anh hùng, ai thuyền quyên, ai tranh hươu bắt nai, ai tước cao áo gấm... đều là chuyện của người, há không phải là tận cùng của nỗi vui sao? Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta làm được đều đó. Bởi phàm là người, chưa có danh thì lo kiếm danh, có được chút danh thì sinh kiêu ngạo, lại thêm chuyện chẳng phải do mình gây ra cứ vận hết vào người, muôn phần khổ não.

Viết loăng quăng ngoài lề một chút cho khuây khỏa phần tâm tưởng đang trĩu nặng thôi, bạn đọc thương mà bỏ quá cho, đừng phiền. Trở lại câu chuyện của Trương Thị Hằng.

Một ngày đầu tháng 2 năm trước, Hằng nhận được điện thoại của một người quen tên Thu, gọi về từ Trung Quốc. “Hằng, bà có muốn kiếm tiền không?”, Thu hỏi. “Tiền ai mà không muốn. Bà có gì cho tui làm hả?”, Hằng hỏi ngược lại. “Ờ, chuyện kiếm tiền này cũng dễ lắm. Tui đang có mối kiếm vợ cho mấy thằng cha người Trung Quốc, bà biết ai muốn lấy chồng Trung Quốc thì giới thiệu cho tui. Cứ mỗi lần họ thành vợ thành chồng, thì tui cho bà 2 vạn NDT, độ khoảng 60 triệu tiền mình”, Thu đề nghị. “Tưởng gì, chuyện này đơn giản mà”, Hằng đáp.

Một liên minh ma quỷ chính thức hình thành từ cuộc gọi điện thoại đơn giản ấy.

2. Xảo hợp thay, vừa nhận lời Thu thì Hằng lại nhận được điện thoại của người quen khác. Người quen này nói, “Bà có mối nào để giới thiệu lấy chồng Trung Quốc không, tui biết có người đang muốn lấy chồng Trung Quốc”. “Tui biết chứ, bà giới thiệu liền cho tui đi”, Hằng vội vã đề nghị.

Người quen gọi điện thoại cho Hằng tên là Nguyễn Ngân Kiều (33 tuổi, ngụ xã Mỹ Quý Đông). Người muốn lấy chồng Trung Quốc tên là Trần Thiên Hương (42 tuổi, đã thôi chồng và có con riêng, tên nhân vật đã được thay đổi – K.H). Sở dĩ, chị Hương muốn lấy chồng Trung Quốc là vì chị nghe Kiều khen đời sống bên Trung Quốc vui lắm, chồng Trung Quốc lại cưng vợ như cưng trứng mỏng. Hơn nữa, chị cũng đã chán chuyện ruộng đồng, chị chỉ muốn thoát khỏi không gian này, cảnh vật này, đi đâu cũng được, làm gì cũng được, miễn là thoát khỏi thực tại.

Hằng hẹn Kiều và chị Hương tại một quán cà phê. Hằng nói, “Tui làm phước thôi, chứ không phải làm cò hay môi giới gì đâu nha Hương. Nếu Hương đồng ý lấy chồng Trung Quốc, thì tui sẽ cho con Hương ở nhà 10 triệu đồng. Tui sẽ cho Kiều 500 ngàn để Kiều mua card nạp điện thoại”.

Giữa tháng 3, Hằng cùng Hương ngồi xe đò đến thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Tại đây, Hằng và Hương được một người phụ nữ tự xưng là người nhà của Thu lo chỗ lưu trú. Đồng thời, người phụ nữ này sẽ lo cho Hằng và Hương sang đến địa phận của Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, Thu xuất hiện. Thu dẫn Hằng và Hương gặp một gã đàn ông, gã này sau khi nhìn nhan sắc của Hương đã đồng ý bỏ ra số tiền 2 vạn NDT để mua Hương. Tuy nhiên, sáng hôm sau gã đổi ý. Bị Thu trách móc, gã đành bỏ ra 1.500 NDT để xem như là bồi thường chi phí đi lại cho nhóm Thu, Hằng, Hương. Hằng chê ít tiền, không lấy nên Thu cất giữ. Lại lang bạt ở Trung Quốc thêm vài ngày, Thu tìm được người muốn mua Hương làm vợ. Người đàn ông này có tên là A Thìn.

Nhìn thấy Hương, A Thìn đồng ý trả 8.000 NDT để mua Hương. A Thìn đưa tiền cho Thu. Thu chia cho hai người môi giới, mỗi người 1.000 NDT, còn lại 6.000 NDT Thu cất giữ. Thu cất công đưa Hằng về lại Việt Nam. Tại Việt Nam, Thu chỉ đưa cho Hằng 4 triệu. Thu nói, “Chuyến này, không thành công, được ít tiền quá, nên bà cầm tạm nhiêu đây đi. Chuyến sau thành công, tui bù lại cho bà”. Hằng nhận 4 triệu đồng Thu đưa rồi đón xe khách từ Móng Cái về Long An. Về lại đến quê nhà, Hằng tìm đến mẹ ruột của Hương để chia cho bà 2 triệu nhằm có thêm tiền nuôi cháu ngoại, tức con của Hương.

Hương ở Trung Quốc chịu đựng đủ trò quái đản của A Thìn, đến lúc chịu không nổi nữa, Hương liên tục gọi điện thoại về Việt Nam, xin mẹ nói với Hằng qua Trung Quốc kiếm cách đưa Hương về lại Việt Nam. Thương con gái lưu lạc xứ xa, bà mẹ quê ấy chạy vạy khắp nơi vay được 8 triệu đồng đưa cho Hằng để Hằng sang Trung Quốc tìm cách đưa Hương về nước. Hằng nhận tiền xong, lại mò sang Trung Quốc.

Hằng sang đến Trung Quốc tìm gặp Hương, nói gọn lỏn, “Bà trốn về Việt Nam với tui đi”, Hương đáp “Lỡ nó bắt được, nó đánh tui chết”. “Bà không dám trốn về thì thôi vậy”, Hằng kết luận rồi quay ngược về Việt Nam.

Về đến quê nhà, Hằng lại lừa tiếp một phụ nữ khác để bán sang Trung Quốc. Của phải tội, người phụ nữ chân chất cùng quê với Hằng đã 52 tuổi. Hằng nói với bà, muốn kiếm tiền thì Hằng giới thiệu sang Trung Quốc làm nghề đốn tre, thu nhập khá lắm. Nghĩ đã sống đến cái tuổi quá nửa đời người, còn gì chưa trải qua, còn gì phải lo sợ, nên người phụ nữ kia đồng ý.

Bà theo Hằng đến Móng Cái, kịch bản cũ lặp lại. Bà bị Hằng cùng đồng bọn bán cho một người tên Ân để làm vợ. Không may, làm vợ  Ân được vài ngày thì vợ chính của  Ân phát hiện. Sợ vợ,  Ân trả bà lại cho nhóm của Hằng (khi này, Hằng vẫn đang ở Trung Quốc). Hằng lại tìm mối, bán bà cho một gã đàn ông Trung Quốc khác để lấy vài ngàn nhân dân tệ.

Hai tháng, làm vợ của hai gã đàn ông Trung Quốc khác nhau, bị xem như một thứ công cụ phòng the, người đàn bà tuổi quá trung niên may mắn trốn được về lại quê nhà. Trước bà vài tuần, chị Hương cũng tìm cách trốn thoát khỏi ông chồng A Thìn, tìm đường về đến quê.

Về đến quê, ngay lập tức chị Hương làm đơn tố cáo hành vi của Hằng. Tiến hành điều tra, xác minh tố cáo của chị Hương là hoàn toàn đúng sự thật, Cơ quan Điều tra đã bắt giữ Trương Thị Hằng để điều tra về hành vi “Mua bán người”.

3. Tại phiên tòa sơ thẩm, tòa án Nhân dân Tỉnh Long An đã tuyên phạt Trương Thị Hằng 9 năm tù về tội danh “Mua bán người”. Tại tòa, Hằng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Tuy nhiên, cho rằng mức án mà Tòa sơ thẩm tuyên là quá nặng. Hằng có đơn kháng cáo. Vài hôm trước, ở phiên phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP HCM đã chấp thuận đơn kháng cáo của Hằng, tuyên phạt Hằng 7 năm tù giam về tội danh “Mua bán người”, giảm 2 năm so với mức án ở phiên tòa sơ thẩm.

Dài ngắn bảy năm tù, là điều tôi không muốn bàn đến. Bởi bất cứ ai trong chúng ta chỉ cần mường tượng thôi cũng đã đủ hiểu những ngày tù tội nó khủng khiếp đến mức nào.

Tôi chỉ nghĩ rằng, không hiểu cùng thân phận như nhau, cùng một kiếp đàn bà, nỡ nào lại xui nhau vào những con đường không lối thoát và đầy nhọc nhằn đến vậy. Cuộc sống khó khăn thì chịu khó thu vén một chút, chịu cực một chút rồi cũng vẹn toàn thôi.

Ham một ít tiền vặt để đối diện với những đêm đen dài thăm thẳm trong bốn bức tường giam có đáng hay không(?). Ham một cơ hội đổi đời để đối diện với sự tủi nhục có đáng hay không(?).

Bởi không phải, chỉ mong sống một kiếp bình an đã là vô cùng viên mãn hay sao(?)

Kinh Hữu
.
.