Thủ tướng Shinzo Abe: Lập cân bằng trong cán cân quyền lực ở châu Á

Thứ Hai, 13/06/2016, 15:48
Với sức mạnh kinh tế và quân sự không ngừng tăng trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc dần khẳng định vị thế là siêu cường số 1 của châu Á, và đang cạnh tranh gay gắt vị trí bá chủ thế giới với Mỹ. 

Những tưởng rằng, với vị thế là cường quốc lớn nhất khu vực và là siêu cường lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc sẽ là đối tượng mà ít nước dám “qua mặt”. Tuy nhiên, trong thời gian qua, siêu cường này lần lượt bị thách thức bởi nhiều quốc gia.

Mới đây nhất, Nhật Bản cũng bắt đầu “giương vây” với Trung Quốc thông qua những thay đổi chính sách đầy bất ngờ của Thủ tướng Shinzo Abe. Giới phân tích cho rằng, động thái này của Nhật Bản nhằm đối phó với việc Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động đơn phương gây bất ổn.

Tỉ thí kinh tế

Chính sách tái cơ cấu nền kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình là một chiến lược hợp thời, và sẽ làm thay đổi nền kinh tế Trung Quốc. Với ý đồ thống trị thế giới, Bắc Kinh không xây dựng cơ chế “đôi bạn cùng tiến” mà chủ động “tấn công một mình”. 

Các chương trình kinh tế lớn nhằm tái cơ cấu lại nền kinh tế của Trung Quốc đều có thể gây thiệt hại cho kinh tế Nhật Bản. Với chính sách kích thích tiêu dùng nội địa của Bắc Kinh thì Nhật Bản khó có thể chiến thắng trong chiến lược mũi nhọn này.

Bởi lẽ, một mặt Bắc Kinh khai thác thế mạnh hàng hoá trong nước với phương châm “người Trung Hoa dùng hàng Trung Hoa”. Mặt khác, hàng giá rẻ luôn là lựa chọn của người Trung Quốc, và đó cũng là rào cản cho sản phầm tiêu dùng của Nhật Bản trên thị trường Trung Quốc.

Tokyo và chính quyền Shinzo Abe đã rất vất vả chống chịu ngay khi chiến lược tái cơ cấu phát huy tác dụng. Bắc Kinh luôn biết cách tìm thấy những công cụ khai thác lợi ích trong mũi nhọn kinh tế thương mại và tài chính, đẩy Tokyo vào thế yếu và gần như không thể cạnh tranh. Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc lập nên đã và đang tạo ra một thế đối trọng với ngân hàng phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản điều phối.

Thủ tướng Shinzo Abe nhận định, chỉ có tăng cường đầu tư với nước ngoài mới có thể giúp Abenomics kiềm chế hiệu quả chính sách tái cơ cấu của Trung Quốc.

Khi ông Shinzo Abe quyết định tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhà lãnh đạo không ngờ rằng Bắc Kinh “ngầm” sử dụng nhiều mánh khóe để thâu tóm lợi thế của những đối tác khác trong TPP, gây ít nhiều thiệt hại cho Tokyo. Thế nên, Trung Quốc có thể trực tiếp và gián tiếp “móc túi” Nhật Bản trong các hoạt động kinh tế dịch vụ mà Abenomics chưa có những kế sách để vô hiệu hóa.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Shinzo Abe nhận định, chỉ có tăng cường đầu tư với nước ngoài mới có thể giúp Abenomics kiềm chế hiệu quả chính sách tái cơ cấu của Tập Cận Bình. Đây trở thành “lá bài” mà Tokyo cần tận dụng triệt để nhằm tránh bị Bắc Kinh “hạ đo ván” trong những giao dịch quan trọng, lấy lại ưu thế vốn có trước đây và khiến sức mạnh của Bắc Kinh suy giảm. Thủ tướng Shinzo Abe đã nhận ra lợi thế tiềm tàng nếu Tokyo xây dựng được nền tảng vững chắc cho chính sách ngoại giao kinh tế.

Nhà lãnh đạo cho rằng, uy tín của chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản, hay chất lượng của hàng hoá Nhật Bản vẫn là thế mạnh của Tokyo trong các cuộc “so găng” với Bắc Kinh. Chỉ cần Abenomics trụ vững, và Shinzo Abe tiếp tục tư duy đưa ra các chính sách mới khôn ngoan hơn, là hoàn toàn có thể thách thức uy lực của Bắc Kinh.

Trong một diễn biến mới nhất, chính quyền Shinzo Abe sẽ tăng số hiệp định đầu tư với nước ngoài lên gấp đôi hiện nay, ước tính đạt 100 hiệp định vào năm 2020. Các nước được Tokyo ưu tiên lựa chọn thúc đẩy đàm phán hiệp định đầu tư là những nước Nam Mỹ có thị trường đầy tiềm năng, và các nước châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên, có các ngành công nghiệp quan trọng của Nhật Bản (như chế tạo ôtô) muốn mở rộng đầu tư.

Cùng với hiệu quả có được từ hiệp định đa phương TPP, chính quyền Shinzo Abe sẽ thúc đẩy tiến độ đàm phán các hiệp định đa phương quan trọng như Hiệp định liên kết kinh tế Nhật - châu Âu hay Hiệp định liên kết kinh tế bao quát Đông Á, đồng thời mở rộng khu vực đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua các hiệp định đầu tư song phương. 

Như vậy, Abenomics đã tìm thấy chìa khoá có thể “mở van làm giảm công lực” các chính sách kinh tế của Tập Cận Bình. Shinzo Abe đã nhìn ra công cụ hữu hiệu mà có thể giúp Tokyo ngang cơ với Bắc Kinh trong cuộc chiến đang diễn ra gay gắt trên phương diện kinh tế.

Thách thức quyền lực

Đối với Nhật Bản, quan hệ với Trung Quốc vẫn rất quan trọng khi hai quốc gia chia sẻ trách nhiệm về hòa bình và ổn định trong khu vực. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác và trao đổi với Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ có lợi cho đôi bên dựa trên những lợi ích chiến lược chung. 

Nói là vậy, nhưng nhà lãnh đạo Nhật Bản luôn bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm làm thay đổi hiện trạng và khiến căng thẳng leo thang.

Theo ông Abe, Tokyo sẽ gia tăng nỗ lực để bảo đảm luật pháp được tuân thủ trên những vùng biển mở, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt mọi hoạt động cải tạo, bồi lấp các bãi đá với quy mô lớn nhằm biến chúng thành đảo nhân tạo. 

“Tình hình an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phức tạp. Chúng ta không thể chấp nhận những hành động đầy khiêu khích và vi phạm luật pháp quốc tế của Bắc Kinh”, ông Shinzo Abe tuyên bố.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” vì một loạt vấn đề như tranh chấp lãnh thổ hay lịch sử, chiến tranh. Gần đây, Tokyo trở nên dè chừng hơn và cảnh giác hơn khi Trung Quốc ngày một lớn mạnh và tham vọng hơn. 

Chứng kiến cuộc đối đầu quyết liệt và căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines ở biển Đông, chính quyền Abe không khỏi lo ngại khi chính Tokyo cũng đang có một cuộc tranh chấp lãnh thổ ở đảo Senkaku với Bắc Kinh.

Nhật Bản tăng cường tập trận chung với nhiều quốc gia như Mỹ, Australia hay Ấn Độ.

Ông Shinzo Abe nhận định, nếu Trung Quốc thắng thế trong cuộc tranh chấp với Philippines ở biển Đông thì Bắc Kinh có thể sẽ lấn tới trong các cuộc tranh chấp với những nước khác, trong đó có cả Nhật Bản. Thế nên, nhà lãnh đạo “xứ sở mặt trời mọc” đã thể hiện thái độ cứng rắn, quyết không lùi bước trong bất cứ tranh chấp nào.

Bên cạnh đó, ông Abe cũng thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Mỹ - một đồng minh lớn, lâu đời và bền chặt của Nhật Bản. Đây được coi là một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, bởi sự hiện diện của Mỹ ở châu Á khiến Tokyo có thêm sức mạnh và động lực để đối đầu với một Trung Quốc hung hăng.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng rất khôn ngoan khi luôn tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của nhiều quốc gia nhằm đối phó với Trung Quốc. Nhật Bản từng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa các quốc đảo Thái Bình Dương, với nội dung tăng cường hợp tác an ninh biển, và chính quyền Abe cam kết trợ giúp 500 triệu USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Nhật Bản tăng cường tập trận với những nước trong khu vực. Không phải vô tình mà gần đây lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận chung với nhiều quốc gia như Mỹ, Australia hay Ấn Độ. Những cuộc tập trận của Nhật Bản với các nước đồng minh và khu vực được cho là đều mang một thông điệp, ý đồ nhất định. Và tất nhiên, những thông điệp đó đều nhằm vào Bắc Kinh.

Trung Quốc hẳn cảm thấy bất an khi Nhật Bản đã cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể bằng cách giải thích lại bản Hiến pháp hòa bình trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe đang nỗ lực tăng cường vị thế của Nhật Bản thành “quốc gia đóng góp chủ động” cho hòa bình và an ninh toàn cầu.

Theo đó, Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu sự tồn tại của nước này bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đe dọa tới quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân. 

Giới phân tích cho rằng, động thái này của chính quyền Abe là một phần trong kế hoạch lập lại cân bằng trong cán cân quyền lực ở châu Á – nơi Trung Quốc đang không ngừng củng cố sức mạnh quân sự để thực hiện giấc mộng bá quyền.

Mọi động thái trên của Nhật Bản đã chọc giận Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang lạnh nhạt vì mất niềm tin lẫn nhau. Bắc Kinh từng đe dọa Tokyo không được lấy lý do về “mối nguy hiểm từ Trung Quốc” để thúc đẩy việc mở rộng vai trò của quân đội, đồng thời cảnh báo việc Nhật Bản thay đổi trong chính sách không được làm tổn hại đến an ninh và chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc cũng đồng loạt lên tiếng phản đối quyết định tăng cường tập trận chung trên biển của Thủ tướng Shinzo Abe, gọi đây là một mối đe dọa an ninh châu Á. Thế nhưng, sau tất cả, Bắc Kinh vẫn không thể ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ của Tokyo, và chắc chắn sẽ phải hứng chịu những “đòn hiểm không nương tay” từ phía chính quyền Abe trong tương lai…

Trần Quân
.
.