Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Những mũi tên mới

Thứ Tư, 13/04/2016, 09:53
Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh rằng dù vẫn còn nhiều khó khăn song nền kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi giảm phát sau ba năm thực thi các biện pháp ưu tiên hàng đầu cho kinh tế.


Ông cho rằng, 2016 là năm mở đầu các nhiệm vụ đầy thách thức của Nhật Bản và chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện ba mũi tên trong chính sách Abenomics giai đoạn hai (Abenomics 2.0). Tuy nhiên, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng tới nay chính sách này chưa đem lại nhiều kết quả như kỳ vọng. Thậm chí, các chỉ số tăng trưởng kinh tế không mấy khả quan cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn bị ám ảnh bởi tình trạng trì trệ kéo dài, thách thức tính hiệu quả trung và dài hạn của Abenomics, nhất là trong bối cảnh “xứ sở hoa anh đào” sắp bước vào kỳ bầu cử Thượng viện mùa hè này..

Kỳ vọng đổi thay

Nếu như Abenomics 1.0 được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra với ba mục tiêu là thúc đẩy gói kích thích tài chính lớn, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu, thì ở Abenomics 2.0 nhà lãnh đạo Nhật Bản đặt quyết tâm xây dựng nền kinh tế mạnh “để tạo ra hi vọng”, hỗ trợ tăng tỷ lệ sinh “để nuôi dưỡng ước mơ” và đảm bảo một xã hội bình yên.

Cụ thể, Thủ tướng Abe mong muốn thúc đẩy GDP đạt khoảng 5 nghìn tỷ USD, tăng tỷ lệ sinh lên mức trung bình 1,8 trẻ/bà mẹ vào năm 2020 nhờ các biện pháp hỗ trợ tài chính và giáo dục cho các gia đình, từ đó duy trì dân số ở mức 100 triệu người trong vòng 50 năm tới. Ông cũng đặt quyết tâm giảm bớt gánh nặng dân số già lên hệ thống phúc lợi xã hội thông qua việc xây dựng thêm nhiều nhà dưỡng lão trong 5 năm tới.

Sự thay đổi mục tiêu trong Abenomics 2.0 không khó để lý giải, bởi Nhật Bản vốn được biết là cường quốc của những người già và chính cơ cấu dân số già với tỷ lệ sinh thấp đã và đang là gánh nặng đặt lên vai nền kinh tế. Tỷ lệ sinh thấp có một phần nguyên nhân do xu hướng xã hội, nhưng dân số già cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy. 

Phải kể đến thực trạng hàng nghìn người trong độ tuổi lao động bỏ việc để chăm sóc cha mẹ già, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít nhân công. Vì vậy, Abenommics 2.0 là “quân bài” đầy hi vọng của Thủ tướng Abe, nhấn mạnh mục tiêu kinh tế gắn chặt hơn với vấn đề an sinh xã hội cùng mong muốn sẽ đưa Nhật Bản vào một thời kỳ phát triển mà chất lượng cuộc sống được ưu tiên hàng đầu.

Với Abenomics 2.0, Thủ tướng Shinzo Abe mong muốn đem lại “hi vọng”, “giấc mơ” và “sự yên tâm” cho người dân.

Trong chiến lược này đã đưa ra mục đích chủ yếu là làm sao có thể vực dậy nền kinh tế Nhật Bản như nó đã vốn có trước đây, mà cụ thể là chuyển việc cải thiện tình trạng giảm phát do thiếu nhu cầu (đã thực hiện trong giai đoạn 1 của Abenomics) sang việc tạo ra chính sách mới nhằm vượt qua “cửa ải” giảm dân số trầm trọng trong thời gian qua. Nói đơn giản hơn, Nhật Bản vừa duy trì thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thông qua quá trình đầu tư một cách có hiệu quả nhất và năng suất nhất trong môi trường đầu tư cạnh tranh nhằm phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân và từng địa phương.

Điểm sáng le lói và niềm an ủi đối với ông Abe hiện nay là tỷ lệ lạm phát vừa qua đã trở về mức 0% (thấp hơn nhiều so mục tiêu 2% mà ngân hàng Nhật Bản đặt ra), trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang duy trì ổn định ở mức 3,3%. Trong một diễn biến mới nhất vào ngày 1-4, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành ngân sách kỷ lục khoảng 852 tỷ USD cho năm tài khóa 2016, chú trọng giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm và sự già hóa dân số. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách kinh tế Abenomics 2.0 và triển vọng phát triển dài hạn của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Hơn ai hết, ông Abe cũng được hưởng lợi khi liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh mới (NKP) sẽ “đoàn kết hơn” trong cuộc bầu cử Thượng viện dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới, bất chấp các đảng đối lập cũng dần tăng tốc trong cuộc đua này.

Đối diện thách thức

Dường như khó khăn chồng chất khó khăn, khi Thủ tướng Shinzo Abe liên tiếp phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường thực hiện chính sách Abenomics phiên bản thứ hai. 

Theo lộ trình tháng 4-2017, thuế tiêu dùng sẽ tăng từ 8% lên 10%, để “chặn đứng một cú sốc” tương tự như vụ sụp đổ của Lehman Brothers hồi năm 2008 - khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Abenomics mới cũng dựa vào việc tăng thuế này mà tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, việc điều chỉnh thuế tiêu dùng lần này sẽ có khả năng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Nhật Bản ở tầm dài hạn, bởi lẽ tâm lý không ai thích tăng thuế và như vậy sẽ khó cho chiến lược dài hạn mà chỉ phục vụ trước mắt.

Do đó, việc kích thích phát triển của một nền kinh tế không chỉ đơn thuần là đưa ra chính sách tài chính, mà đòi hỏi phải kết hợp cả chính sách tài chính và tăng trưởng kinh tế. Như vậy, trong giai đoạn tới, dường như việc tiếp tục thực hiện “ba mũi tên” của Abenomics cũ có vẻ như hiệu quả hơn Abenomics mới.

Chưa hết, sự ảm đạm của nền kinh tế Nhật Bản cũng khiến Thủ tướng phải đau đầu cân nhắc những điều chỉnh phù hợp cho chính sách mà ông đang theo đuổi. 

Chiến lược mới đặt ra yêu cầu tăng tỷ lệ sinh và giảm bớt gánh nặng dân số già lên hệ thống phúc lợi xã hội.

Theo thống kê, tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong quý IV/2015 đã giảm 1,4% so cùng kỳ năm trước, khiến mức tăng trưởng kinh tế của nước này trong cả năm 2015 chỉ tăng 0,4% so với năm 2014. Tiêu dùng tư nhân đã giảm 0,8%, nhiều hơn mức dự đoán 0,6% - nguyên nhân lớn nhất khiến tăng trưởng GDP của Nhật Bản ì ạch. Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng giảm 0,9% do sự giảm sút hoạt động xuất khẩu sang Mỹ và các nền kinh tế đang nổi, trong đó có Trung Quốc.

Trước tình hình này, Thủ tướng Abe đã quyết định mời các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đến Nhật Bản nhằm xin ý kiến cố vấn về chính sách kinh tế đầy tham vọng Abenomics. Và rất bất ngờ khi nhiều chuyên gia khuyên Nhật Bản không nên tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4-2017 tới.

Dù là Abenomics 1.0 hay Abenomics 2.0 thì mục tiêu sau cùng vẫn hướng về tương lai của Nhật Bản. Ba mục tiêu trong chính sách Abenomics đầu tiên cần phải được thực hiện “chắc chắn và đem lại kết quả rõ rệt”, thay vì quá nóng vội đưa ra “ba mũi tên” mới. Theo giới phân tích, cho đến nay, các công ty lớn và các doanh nghiệp ở thành phố đang được xem là các đối tượng hưởng lợi từ các chính sách Abenomics.

Còn các nơi khác, nhất là khu vực nông thôn, lại ít cảm nhận được lợi ích từ chính sách này. Thậm chí, có quan điểm nhận xét, Abenomics chỉ đang che đậy những vết thương, nhưng không chữa trị các vấn đề căn bản. Vì vậy, Thủ tướng Shinzo Abe phải đối mặt với nhiều sức ép trong việc tiếp tục theo đuổi các trụ cột trong Abenomics để đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi nhiều năm dài trì trệ.

Dư luận xã hội Nhật Bản bình luận rằng, ông Abe đang “lừa dối chính mình”. Chính điều này làm tăng thêm mối lo ngại rằng tỷ lệ ủng hộ ông Abe sẽ tiếp tục giảm. Cho dù chính sách kinh tế “ba trụ cột” của ông Abe đang mang lại ít nhiều kết quả tích cực nhưng nhiều người vẫn còn chưa cảm nhận được và luôn tỏ ra hoài nghi.

Thủ tướng Nhật Bản đã phải đưa ra cam kết sẽ tiếp tục tăng cường theo đuổi chiến lược tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy chương trình cải cách, cam kết sẽ có thêm nhiều phụ nữ gia nhập lực lượng lao động, bãi bỏ quy định không hợp lý trong ngành công nghiệp, tự do hóa khu vực nông nghiệp và chuẩn bị để thích ứng với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Với những thách thức nêu trên, con đường tới thành công của học thuyết kinh tế Abenomics gồm chấn hưng kinh tế và cải thiện hệ thống an sinh xã hội vẫn còn không ít chông gai. Mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe mô tả “ba mũi tên” mới của mình sẽ cung cấp “hi vọng”, “giấc mơ” và “sự yên tâm”, nhưng giữa lúc tình hình kinh tế - chính trị - xã hội thế giới đang xuất hiện rất nhiều vấn đề khủng hoảng đe dọa đến tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu, việc các mục tiêu tham vọng của Abenomics 2.0 có đạt được không vẫn là một dấu hỏi lớn.

Thành hay bại, tất cả phụ thuộc vào tấm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo Nhật Bản – nhân vật luôn được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi ngoạn mục cho “xứ sở hoa anh đào” trong thời gian tới…

Nam Hồng
.
.