Thái tử Mohammed Bin Salman: Quyền lực tham vọng và hoài nghi
Dù trẻ tuổi, quyền lực và đầy bí ẩn nhưng Thái tử lại nhanh chóng trở thành một nhân vật gây tranh cãi sau nhiều động thái bành trướng quyền lực. Hình ảnh của Thái tử Mohammed đối với dư luận quốc tế ngày càng xấu đi trong thời gian qua, có phần trở nên “độc hại” và khó có thể cứu vãn trong một sớm một chiều.
Quyền lực xuyên biên giới
Mohammed bin Salman sở hữu quyền lực xuyên biên giới, rất cứng rắn với quyết định can thiệp nội chiến ở Yemen. Thế nhưng, chính phủ của ông bị cáo buộc tấn công bừa bãi vào các mục tiêu dân sự, phong tỏa viện trợ nhân đạo khiến ít nhất 10.000 người thiệt mạng trong cuộc chiến Yemen, cùng hàng triệu người phải di tản.
Tiếp đó, Mohammed bin Salman được cho là “đạo diễn” của cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh, khiến nhiều quốc gia cắt đứt quan hệ với Qatar và áp đặt một cuộc phong tỏa ngoại giao và thương mại.
Chính Thái tử đã khởi xướng yêu cầu Saudi Arabia đóng cửa biên giới đất liền với Qatar và biến Qatar thành một hòn đảo chỉ có thể đến được bằng đường hàng không và đường biển.
Chưa hết, kịch bản xa hơn đã được ông toan tính: chia rẽ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, sau đó sử dụng lực lượng quân sự xâm lược Qatar. Tuy nhiên, dưới áp lực từ Mỹ và lo ngại động thái này làm tổn hại mối quan hệ song phương, Thái tử chỉ thắt chặt thêm trạng thái cô lập “người hàng xóm”.
Thái tử Mohammed bin Salman với tham vọng cải cách đất nước thông qua kế hoạch “Tầm nhìn Saudi 2030” bị đặt dưới lăng kính hoài nghi. |
Trong chính sách đối ngoại, Thái tử Saudi Arabia tỏ ra rất lạnh lùng. Sau khi Canada kêu gọi phóng thích các nhà hoạt động và cải thiện nhân quyền ở Saudi Arabia, chính quyền của ông đã lập tức trục xuất Đại sứ Canada ở Riyadh.
Căng thẳng leo thang khi Saudi Arabia đóng băng thương mại với Canada và yêu cầu tất cả sinh viên Saudi Arabia ở Canada trở về nhà. Phản ứng này được giải thích bằng tuyên bố đầy ngạo mạn của vị Thái tử, rằng “Chúng tôi không muốn đá bóng chính trị với Canada”.
Mohammed bin Salman cũng tạo nên một cuộc xung đột ngoại giao âm ỉ hơn một năm qua với Đức, dẫn đến việc Saudi Arabia rút đại sứ từ Berlin và từ chối công nhận đại sứ của Đức tại Riyadh.
Nguồn cơn sự việc bắt nguồn từ những chỉ trích của Berlin khi cáo buộc Saudi Arabia can thiệp vào chính trị nội bộ của Lebanon khi giam giữ Thủ tướng Lebanon Saad Hariri trong chuyến thăm Riyadh, hay kéo dài chiến tranh tại Yemen bằng những vụ tấn công “không kiểm soát mục tiêu”.
Berlin cho rằng, Thái tử Mohammed đang bành trướng quyền lực để thâu tóm Trung Đông bằng “chủ nghĩa mạo hiểm”, đi tới đâu là “cướp” tới đó. Thái tử bin Salman đáp trả bằng những tuyên bố đầy tính đe dọa quân sự khiến Đức phải đưa ra dự thảo luật nhằm ngăn chặn xuất khẩu vũ khí đến Saudi Arabia do e ngại chính quyền Mohammed có thể lạm dụng để gây chiến.
Đi tìm đồng minh
Có thể nói rằng, tình thế hiện nay ở Trung Đông và châu Âu là không thực sự thuận lợi cho Mohammed bin Salman. “Giọt nước tràn ly” khiến Thái tử phải xoay trục chiến lược ngoại giao chính là vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Những khúc mắc chưa được tháo gỡ khiến mối quan hệ giữa Riyadh với đồng minh Washington và phương Tây có phần nguội lạnh.
Để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, cũng như mở rộng và đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, Thái tử Mohammed bin Salman đã hướng đến những “vùng đất hứa” là Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc - vốn liên quan mật thiết đến lợi ích địa chính trị và kinh tế của Saudi Arabia.
Saudi Arabia đang tìm kiếm đồng minh nhằm tránh thế cô lập, đồng thời “kề vai sát cánh” trong trường hợp đối thủ Iran ở ngay kế bên vùng lên. Thái tử cho rằng, Pakistan có vai trò quan trọng trong cộng đồng các nước Hồi giáo, có tiềm lực quân sự và cũng là một cường quốc hạt nhân trong khu vực.
Bên cạnh đó, mối quan hệ “đôi bên có lợi” giữa Riyadh và Islamabad rất hiển nhiên ở chỗ Saudi Arabia giúp đỡ Pakistan về kinh tế còn Islamabad ủng hộ Riyadh về chính trị.
Thậm chí quân đội Pakistan, vốn nắm nhiều quyền lực, luôn ngầm hậu thuẫn Saudi Arabia và hoàng tộc nước này. Đây được cho là toan tính dài lâu nếu như Mohammed bin Salman muốn xây dựng lực lượng hậu thuẫn mạnh cho mục tiêu kéo dài thời gian lãnh đạo của mình.
Với tham vọng cải tổ kinh tế, Mohammed bin Salman lưu tâm đến Ấn Độ và Trung Quốc - hai khách hàng mua dầu mỏ hàng đầu của Saudi Arabia. Nhiều thỏa thuận trị giá hàng chục tỷ USD đã được ký kết trong những chuyến viếng thăm tới Bắc Kinh hay New Delhi, mang lại kỳ vọng đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia, tránh tình trạng phụ thuộc vào dầu mỏ.
Saudi Arabia và New Delhi đã thông qua quyết định thành lập Hội đồng Đối tác chiến lược, chính thức chuyển mối quan hệ dựa trên lĩnh vực năng lượng giữa hai nước sang thành quan hệ đối tác chiến lược dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, cùng tăng trưởng và đạt tới thịnh vượng.
Điểm nhấn chiến lược “xoay trục phía Đông” của Mohammed bin Salman là Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Trung Đông. Có thể thấy Saudi Arabia và Trung Quốc đã gác sang một bên những vấn đề còn tồn tại để tận dụng những tiềm năng thế mạnh của nhau, chọn lựa những vấn đề ưu tiên thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.
Từ đây, Thái tử đang chứng minh cho phương Tây thấy rằng Riyadh không đơn độc mà vẫn tìm thấy đồng minh tin cậy để hiện thực hóa tham vọng “Tầm nhìn Saudi 2030” nhằm thay đổi toàn diện Saudi Arabia từ kinh tế đến xã hội và định hình tương lai của cường quốc Trung Đông, cũng như khẳng định hình ảnh của vị Thái tử trẻ tuổi trong lòng người dân.
Saudi Arabia và Ấn Độ đã thành lập Hội đồng Đối tác chiến lược, chuyển mối quan hệ dựa trên lĩnh vực năng lượng giữa hai nước thành quan hệ đối tác chiến lược. |
Tầm nhìn nhiều tranh cãi
Sau khi trở thành Thái tử, Mohammed bin Salman công bố kế hoạch “Tầm nhìn Saudi 2030” nhằm đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia và nhận được sự ủng hộ lớn từ trong nước. Tham vọng có vẻ đang vào guồng nhờ hiệu ứng tích cực từ chính sách mở rộng ngoại giao.
Bên cạnh đó, vị Thái tử còn gây bất ngờ khi tạo nên những hiệu ứng tích cực trong các chiến dịch cải cách diện rộng. Mohammed bin Salman ghi dấu ấn mạnh mẽ với vụ bắt giữ hàng trăm nhân vật giàu có ở Saudi Arabia tại khách sạn Ritz-Carlton - một động thái được đồn đoán là thanh trừng những phần tử tham nhũng, thanh lọc bộ máy chính quyền.
Để thuyết phục các nhà đầu tư quan tâm hơn đến quốc gia Trung Đông, Thái tử Mohammed còn tập trung quảng bá dự án Neom 500 tỷ USD - siêu đô thị tự động hóa của tương lai nằm bên bờ Biển Đỏ, với lời hứa siêu đô thị sẽ dần đi vào hoạt động trong năm 2020.
Dường như, Thái tử đang lèo lái đất nước theo hướng cải cách lâu hơn so với những người tiền nhiệm, thoát khỏi cái bóng dầu mỏ đầy ám ảnh trong bối cảnh giá dầu biến động khó lường. Thế nhưng, truyền thông cho rằng, sự tiến bộ này vẫn chỉ là ảo ảnh. Mọi chỉ số đều là hình thức và rằng các nỗ lực cải cách của Mohammed bin Salman vẫn đầy thất vọng.
Với thị trường chứng khoán - trụ cột trong chiến lược chấn hưng nền kinh tế Saudi Arabia của Thái tử Mohammed, mọi chỉ số lành mạnh thực chất là kết quả của quá trình bí mật thổi phồng giá trị thị trường.
Ngay cả chiến dịch chống tham nhũng cũng gây rất nhiều tranh cãi khi nhằm vào cả các thành viên hoàng tộc mà giới thạo tin khẳng định nhuốm màu trả thù và loại bỏ những đối thủ đe dọa chính trị trong tương lai.
Tham vọng cải cách trong nước bị đặt dưới lăng kính hoài nghi. Sau khi trở thành lãnh đạo, chính phủ của Thái tử trải qua liên tiếp những biến động lớn trong quan hệ đối ngoại, từ khủng hoảng ngoại giao với Qatar, cùng cương quyết không chấm dứt can thiệp quân sự tại Yemen đến những cáo buộc chỉ đạo vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi làm rúng động dư luận, trở thành một nhân vật gây tranh cãi trên trường quốc tế.
Dù được lòng người dân trong nước nhưng cách hành xử táo bạo của người kế vị ngai vàng Saudi đang làm giới đầu tư nước ngoài ngày một quan ngại. Không có dòng tiền đầu tư nước ngoài, nhà lãnh đạo trẻ tuổi về lâu dài sẽ khó giữ được thái độ lạc quan của người dân.
Giờ đây, tên tuổi của Thái tử đã trở nên “độc hại” và việc khôi phục vị thế như trước sẽ không hề dễ dàng. Điều đáng chú ý ở chỗ, Thái tử Mohammed cũng tạo ra rất nhiều thù địch ở bên trong gia đình hoàng tộc, khiến hoàng gia Saudi Arabia đang tìm cách phế truất Thái tử.
Hội đồng Tận trung Saudi Arabia đang lên kế hoạch đưa người em trai Khalid bin Salman làm Phó Thái tử. Nếu Khalid được bổ nhiệm, điều đó có nghĩa là Mohammed bin Salman sẽ bị truất quyền nối ngôi trong thời gian tới.