Thái tử Mohammed bin Salman: Chính khách “bão tố”

Thứ Hai, 15/01/2018, 09:10
Mohammed bin Salman được phong Thái tử sau khi Quốc vương Saudi Arabia Salman tước bỏ ngôi vị này từ cháu trai Mohammed bin Nayef và chính thức trở thành người kế vị của Saudi Arabia. Tuy nhiên, từ trước khi được phong Thái tử, vị hoàng thân này đã đóng vai trò vô cùng lớn trong việc điều hành đất nước.


Thái tử Mohammed được xem là nhân tố chính trong cuộc cách mạng hiện đại hóa Saudi Arabia với chiến lược “Tầm nhìn 2030” thời kỳ hậu dầu mỏ. Chưa hết, từng là Bộ trưởng Quốc phòng trẻ tuổi nhất thế giới, Mohammed bin Salman đã đưa Saudi Arabia vào một cuộc chiến tàn khốc ở Yemen chưa thấy hồi kết.

Giờ đây, Saudi Arabia đang vướng vào một cuộc đấu nguy hiểm với đối thủ Iran, dẫn đầu bởi một người đàn ông trẻ tuổi dường như đang rất nôn nóng muốn trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Đông.

Tham vọng quyền lực

Quyền lực gần như không bị kiểm soát của Mohammed bin Salman khiến không ít người phải e dè. Kể từ lúc bước ra vũ đài chính trị khu vực và thế giới sau khi phụ vương Salman đăng quang năm 2015, Thái tử Mohammed được gán cho rất nhiều biệt danh.

Đối với giới trẻ kỳ vọng, nhân vật này được ví như “Lý Quang Diệu của Saudi Arabia” với tham vọng hiện đại hóa đất nước bằng những quyết sách sắt đá. Một số nhà quan sát lại xem vị thái tử 32 tuổi này như “Vladimir Putin của Trung Đông” khi đề cập đến những bước đi táo bạo và quyết liệt làm thay đổi trạng thái cân bằng quyền lực. Số khác nhìn thấy hình mẫu của một “quân vương” với những thủ đoạn tranh đoạt quyền lực khét tiếng, đến mức gọi Mohammed là “chính khách bão tố”.

Có thể nói, chính quyền lực đã thúc đẩy “sự nguy hiểm” của Thái tử Mohammed. Từ khi 12 tuổi, cậu bé Mohammed đã bắt đầu tham gia các cuộc họp do phụ vương điều hành. 

Mohammed không học đại học ở nước ngoài mà lựa chọn ở lại Riyadh để theo học Đại học Quốc vương Saud và tốt nghiệp ngành luật. Mohammed là một người đàn ông trẻ tuổi nghiêm túc, không hút thuốc, không uống rượu và không có hứng tiệc tùng.

Mohammed bin Salman (32 tuổi) đang được coi là nhân vật quyền lực bậc nhất ở Saudi Arabia.

Với tư cách cố vấn riêng, Mohammed đã vận hành triều đình một cách quyết đoán sau khi phụ vương Salman được phong Thái tử hồi năm 2012. Trên mỗi bước đường, Mohammed luôn ở bên phụ vương - người đã đưa cậu con trai ưa thích lên vị trí cao cùng với mình khi cấp bậc của ông trong gia tộc Saudi được nâng lên.

Khi Salman lên ngôi vua Saudi Arabia vào tháng 1/2015, ông đã bắt đầu suy yếu và dựa nhiều vào con trai. Quốc vương mắc chứng mất trí nhớ và chỉ tập trung được trong vài giờ mỗi ngày. Với vai trò “người giữ cửa” cho cha, Mohammed mới là người có quyền lực thực sự trong vương quốc.

Quyền lực đó đã tăng lên đáng kể khi Mohammed được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng ở tuổi 29, được giao phụ trách công ty năng lượng quốc gia Aramco, đồng thời là người đứng đầu của Hội đồng Kinh tế - Phát triển với quyền giám sát các bộ khác. Thiếu kiên nhẫn với tệ quan liêu, Mohammed bin Salman đã nhanh chóng làm nên tên tuổi bằng việc yêu cầu các bộ xác định và cung cấp các chỉ số hiệu suất chủ chốt hằng tháng.

Ở độ tuổi 32, Mohammed bin Salman đã nắm giữ hàng loạt chức vụ như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Chính trị - An ninh hay Chủ tịch Hội đồng Kinh tế - Phát triển. Mohammed thậm chí đã nắm quyền lãnh đạo Tòa án Hoàng gia trước khi trở thành nhân vật số hai ở Saudi Arabia.

Tiếp đó, quá trình thâu tóm bộ ba quyền lực gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và lực lượng Vệ binh quốc gia của Mohammed hoàn tất vào đầu tháng 12-2017.

Chưa hết, Mohammed còn nhắm đến một cột trụ khác của vương triều là thế lực của giới giáo sĩ Hồi giáo Wahhabi. Ông làm suy yếu tầm ảnh hưởng của họ bằng cách giải phóng tự do xã hội, hạn chế quyền hạn của cảnh sát tôn giáo, không ngại bắt giữ các giáo sĩ phách lối, trong khi nữ giới được nới rộng các quyền tự do như lái xe hoặc vào sân vận động.

Đối ngoại nguy hiểm

Trái với những thành công nhất định trong công cuộc “tề gia, trị quốc” mang màu sắc dân túy, nỗ lực “bình thiên hạ” của Mohammed phần nhiều chỉ có tác dụng ngược. Saudi Arabia theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn hơn ở khu vực, xoay quanh cuộc đối đầu và cạnh tranh ảnh hưởng với Iran ở Iraq, Syria, Li Băng, Yemen và Vùng Vịnh.

Trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, Mohammed chỉ huy cuộc can thiệp quân sự vào Yemen kéo dài hai năm rưỡi, với kết quả là một cuộc chiến sa lầy và một thảm họa nhân đạo. Cuộc bao vây ngoại giao Qatar thời gian vừa qua cũng không thu được kết quả nào ngoài sự chia rẽ trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh và đẩy Qatar xích lại gần hơn với đối thủ Iran.

Và mồi lửa của cuộc chiến ủy nhiệm giữa Saudi Arabia với Iran có nguy cơ lan từ Syria sang Li Băng, khi Thủ tướng Saad Harari đột ngột từ chức ngày 4-11-2017. Ông Harari bị cho là từ chức dưới sức ép của Saudi Arabia, trong nỗ lực của Riyadh nhằm loại bỏ nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn ra khỏi chính trường ở Li Băng.

Theo giới quan sát, tính hiếu chiến của Mohammed có thể gây hại trong cuộc đấu tranh ngày càng gia tăng với Iran để có được quyền bá chủ khu vực. Việc Mohammed tuyên bố thành lập hội đồng 34 quốc gia Hồi giáo để “chống lại chủ nghĩa khủng bố” có thể nhằm vào Iran. Những hành động đối ngoại liều lĩnh của Mohammed đang đẩy Trung Đông lâm vào tình trạng bất định nguy hiểm.

Thái tử Mohammed muốn “tái sinh” Saudi Arabia với chiến lược “Tầm nhìn 2030”.

Có thể đây là một phần chiến thuật nhằm “chuyển lửa ra bên ngoài” để dẹp “thù trong” nhưng sự trỗi dậy thần tốc của Mohammed đang khiến không ít nước láng giềng, đối tác và cả người trong hoàng gia bồn chồn lo lắng. Tham vọng và việc thâu tóm quyền lực chớp nhoáng của Thái tử Mohammed khiến danh sách kẻ thù của ông đang ngày càng dài ra.

Các đối thủ trong gia đình cầm quyền chỉ trích sự kiêu ngạo của Mohammed, lo ngại Thái tử quá thiếu kinh nghiệm, không ai kiểm soát và cho rằng ông đổi hướng đi một cách thiếu thận trọng, thậm chí còn kêu gọi lật đổ ông và phụ vương.

Thế nhưng, những lời kêu gọi đó đã không đi tới đâu, và Mohammed bin Salman tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, vẫn còn đó câu hỏi về kết quả mà bản chất hăng hái của ông sẽ dẫn tới trong cuộc xung đột với Iran.

Tầm nhìn thay đổi

Mohammed bin Salman còn tỏ rõ quyết tâm tái tạo hình ảnh Saudi Arabia qua việc cam kết đưa vương quốc này thành một xã hội cởi mở với nhiều sự tự do hơn cho công dân, đồng thời thu hút nhiều đầu tư hơn.

Ông đi tiên phong trong kế hoạch cải cách “Tầm nhìn 2030” - một sáng kiến nhằm cách mạng hóa hầu hết các khía cạnh của cuộc sống người dân ở Saudi Arabia, tư nhân hóa tài sản nhà nước và làm cho nền kinh tế đa dạng, ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn. Sáng kiến này cũng nhằm mục đích tạo ra 1,2 triệu công ăn việc làm trong khu vực tư nhân và giảm tỉ lệ thất nghiệp từ 11,6% xuống còn 9%.

Ngoài ra, chính quyền Riyadh đang vận hành kế hoạch trị giá 500 tỉ USD để thành lập một khu công nghiệp và kinh doanh lớn, mở rộng sang Jordan và Ai Cập.

Về đối nội, Mohammed bắt đầu trấn áp chính trị gia Hồi giáo, kêu gọi kiềm chế nội dung cực đoan trong chương trình giảng dạy, cho phép phụ nữ lái xe, dỡ bỏ lệnh cấm các buổi hòa nhạc nơi công cộng và dự kiến mở rạp chiếu phim khắp vương quốc vào năm 2018. Ông cũng tích cực theo đuổi các kế hoạch tư nhân hóa một phần công ty năng lượng quốc gia Aramco.

Gần đây, Mohammed bin Salman được bổ nhiệm đứng đầu Ủy ban Chống tham nhũng, tiến hành một chiến dịch trấn áp chưa từng có trong lịch sử, bắt giam hơn 200 nhân vật gồm nhiều hoàng thân, bộ trưởng và trùm tài phiệt thuộc “nhóm thiểu số thao túng”.

Nhân vật hoàng gia chỉ mới 32 tuổi này đã cam kết sẽ làm cho mọi hoạt động trở nên minh bạch hơn. Tuy nhiên, giới quan sát xem đây là cuộc thanh trừng gây chấn động, “loại bỏ” những người có tiềm năng thách thức về chính trị trước khi Mohammed lên ngôi.

Dù vậy, hành động quyết đoán của Mohammed cho thấy ông muốn xóa bỏ những giá trị bảo thủ tồn tại ở Saudi Arabia. Với ông, lòng trung thành hiện tại là không đủ khi Mohammed không muốn cho phép sự tồn tại của những nhân vật “bất khả xâm phạm” với quyền lực mạnh mẽ ở hoàng gia.

Thái tử Mohammed gọi Saudi Arabia là vương quốc “không bình thường” trong suốt 30 năm qua và hiện tại là lúc “tái sinh” đất nước Hồi giáo này. Ông không chỉ có mục đích “dọn dẹp nhà cửa” hoặc củng cố vị thế trong nước mà còn muốn “tái khởi động” toàn bộ chính phủ và xã hội Saudi Arabia.

Theo ý định của Mohammed, vương quốc mới sẽ có sự ổn định nội bộ, vị thế mạnh mẽ trên toàn cầu, kinh tế đa dạng, xã hội hài hòa với các chuẩn mực quốc tế nằm dưới sự trị vì của ông.

Đến năm 2030, Mohammed bin Salman dự định thành lập nhà nước Saudi thứ tư. Thông qua mọi thay đổi, có thể thấy mong muốn của ông là biến bản thân và những ý tưởng trở thành thứ kết nối giữa hai nhà nước thứ ba (hiện nay) và thứ tư.

Vương quốc Saudi Arabia hiện đại đã được xây dựng trên hai trụ cột chính là sự đồng thuận giữa hoàng gia và định chế tôn giáo, sự quan tâm đến giới thương gia và nhân dân. Tuy nhiên, dưới thời Mohammed bin Salman, hai trụ cột của đất nước chính sẽ là bản thân ông và người dân. 

Nói cách khác, ông là vị vua dân túy sắp đăng cơ “vẫn còn bảo thủ về chính trị nhưng lại suy nghĩ thoáng về kinh tế và tiến bộ về xã hội”...

Nam Hồng
.
.