Nhớ Phạm Tiến Duật

Thứ Hai, 15/08/2016, 23:15
Thời gian trôi nhanh quá. Đã 9 năm kể từ ngày anh mất, kể từ cái khoảnh khắc tôi thấy mình có lỗi vì cho đến lúc ấy vẫn chưa kịp viết một bài nào, thậm chí một dòng nào về cuộc đời thi ca huyền thoại của anh.

Tôi và anh có một tình bạn có thể gọi là tri âm tri kỷ, và chính anh đã có lần bảo tôi rằng: Anh và em là một cặp đôi rất đẹp khi nói chuyện thơ. 

Khi ngồi viết những dòng này, tôi thấy nhớ quá cái lần ngồi nói chuyện với anh, không phải trong một quán cà phê sang trọng, mà trong một hàng nước gày còm, khi nói về thơ anh, anh đã cười buồn và bảo: Anh là người của muôn năm cũ mất rồi.

Thật là buồn khi một huyền thoại thơ của một thời khói lửa oanh liệt đã nói như vậy. Tôi nhớ ánh mắt như có ngấn nước của anh lúc đó và chúng tôi đành lảng chuyện bằng cách nhìn những cái lá sấu vàng lăn theo gió trên con phố nhỏ. Nỗi buồn ấy anh cũng đã nói trong thơ:

Và những ngày này ai còn nói về si mê
Âm  nhạc với văn chương thành makétting tuốt luốt
Tình yêu hả? Tình yêu thì cũng tốt
Có nhạc vàng khách khứa đến đông hơn

Tôi vẫn nhớ nguyên vẹn cảm xúc của mình khi còn là một cô học trò nhỏ bé gầy gò, trong một đêm đông Hà Nội thời chiến tranh đã đứng lặng dưới cái loa đầu phố, để nghe bài hát Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây phổ thơ Phạm Tiến Duật.

Tôi vẫn nhớ mình đã cùng với rất nhiều thính giả khác  đứng im lặng dưới cái loa công cộng để nghe một cách say đắm bài hát tình yêu đầy lãng mạn quyện trong bom đạn và khói lửa ấy. Và chừng ấy đủ cho trái tim non nớt của tôi  hiểu rằng tình yêu là gì.

Bài thơ ấy và những bài thơ tình khác của Phạm Tiến Duật đã dạy tôi rằng: Tình yêu là một sự hy sinh. Sau này lớn lên, do số phận cuộc đời, tôi đi nhiều miền đất trên thế giới, nghe nhiều bài hát, nhiều bản nhạc tình yêu nổi tiếng, nhưng lạ thay không bao giờ tôi quên cảm xúc trái tim lặng đi khi nghe bài hát ấy:

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.

Tôi dám quả quyết rằng ngày hôm nay trong âm nhạc hiện đại Việt Nam có ít những bài thơ - những bài hát tình yêu đẹp và trong sáng đến thế. Có cả một thế hệ những người anh, người chị, những người bạn của tôi, những chị Trâm, anh Thạc đi vào chiến trường và chính họ cũng biết là mình có thể ngã xuống trên những nẻo đường chiến tranh, vậy mà họ vẫn ra đi với tâm thế "Đường ra trận mùa này đẹp lắm".

Trong cuộc đời một con người có lẽ ai cũng phải chịu ơn những trang sách, những câu thơ, và tuổi trẻ của tôi đã chịu ơn những bài thơ Phạm Tiến Duật. Anh đã dạy tôi về tình yêu Tổ quốc, tình yêu con người bằng những vần thơ giản dị và trong sáng y như con người anh vậy. Những bài thơ ấy được viết tại chiến trường, nơi không tồn tại sự dối trá, bởi con người không thể dối trá trước cái chết.

Gần bốn mươi năm trước Phạm Tiến Duật đã viết về nỗi đau và sự mất mát trong chiến tranh của những người phụ nữ. Đọc những câu thơ này của Phạm Tiến Duật lại thấy thương cho những người con gái ở trong vùng rừng chiến tranh, lại nhớ cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm với bao xót xa khi chị viết thèm được vuốt mái tóc một người con trai mà mình thương mến.

Nỗi đau của những cô gái trên những nẻo đường chiến tranh đã được Phạm Tiến Duật kể lại bằng những câu thơ âm thầm mà cái đau cứ lặng lẽ xuyên suốt vào trái tim chúng ta và nằm lại ở đó:

Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay
Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá
Anh biết rồi bao nhiêu vất vả
Tháng năm dài cùng nhau đi qua

Đã sáu bảy năm em gái xa nhà
Ba lăm tuổi chuyện chồng con chưa nói
Cả một thời thanh xuân sôi nổi
Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa.

Có lẽ Phạm Tiến Duật là một trong những nhà thơ đầu tiên nói về nỗi đau, sự mất mát của chiến tranh, cái giá phải trả của nó, vì anh hiểu nó và cảm xúc với nó bằng trái tim một người trong cuộc.

Đọc lại những bài thơ viết trong chiến tranh chống Mỹ của Phạm Tiến Duật chúng ta thấy nhà thơ làm thơ để trả ơn nhân dân, trả ơn dân tộc, trả ơn những người lính, những cô thanh niên xung phong đang chiến đấu ở chiến trường để giành sự sống cho anh, giành độc lập tự do cho dân tộc. Và với sự nghiệp thi ca của mình, anh đã làm trọn vẹn điều đó. Chỉ riêng điều đó thôi đã quá xứng đáng và trọn vẹn đối với cuộc đời của một nhà thơ lớn.

Với Phạm Tiến Duật, một nhà thơ mà số phận đã may mắn cho tôi được gần gũi như một người anh, một người bạn, chứ không phải chỉ qua những trang thơ, có một kỷ niệm mà tôi đành viết ra, mong hương hồn anh thứ lỗi: Đó là sinh thời Phạm Tiến Duật rất nghèo, dù không khi nào anh nói tới điều ấy cả. Nghèo mà lại giàu lòng tự trọng - cái phẩm cách của một ông đồ nho như anh đã viết trong bài thơ cuối của mình:

Nhớ ông đồ thì ít nhớ câu đối thì nhiều
Cái bút lông bay trên giấy hồng điều

(Ấy là cái đích gần treo lên phía trước
Mỗi một lần nhìn một lần nguyện ước)

Vào những năm đầu 90 của thế kỷ trước, khi tôi và Phạm Tiến Duật cùng làm cộng tác viên cho câu lạc bộ thơ của một cung văn hoá ở Hà Nội, cô phụ trách chương trình ấy đã kể với tôi rằng, Phạm Tiến Duật đã vay cô ít tiền và đề nghị sẽ trừ dần vào thù lao của những buổi nói chuyện thơ.

Ảnh trong bài: Nguyễn Đình Toán.

Mà vào những năm tháng ấy, thù lao của những buổi nói chuyện thơ ít đến nỗi giống như là làm từ thiện, chỉ đủ để chúng tôi mời nhau bát cháo sau khi lao động. Tôi thật sự cũng không biết là phải hết mấy năm anh mới trả nổi món nợ ấy. Tôi kể lại kỷ niệm này mà nước mắt rơi xuống những trang giấy. Và tôi nhớ, Phạm Tiến Duật cũng từng viết những câu thơ đắng lòng về nước mắt:

Nửa phần đất giặc phải ngừng ném bom

Nhớ câu nói của mẹ, câu nói như chắt từ nước mắt

- Thà ăn muối suốt đời

- Còn hơn là có giặc!

Phạm Tiến Duật cũng chú thích rằng: “Bài thơ có đến hai thứ muối: thứ muối mà bà mẹ nói tới và thứ muối mặn chứa trong nước mắt. Nếu nước mắt người không có muối thì làm sao chắt ra? Nếu nước mắt người không có muối thì làm sao mặn, làm sao xót chính ta đến vậy?”. Những lời này đã thể hiện điển hình chiều sâu trong suy nghĩ và trong thi ca của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Khi nhớ về anh và viết về anh, không hiểu sao tôi lại nhớ đến cảm xúc khi viết về nhà thơ Nguyễn Bính trước đây. Lúc đó tôi có viết rằng có những sự ra đi của một số nhà thơ làm chúng ta nghĩ đến như trong một gia đình có nhiều đứa con.

Có đứa thì trời cho ăn nên làm ra, ra khỏi quê hương lập nghiệp, đi tới những miền đất xa lạ và khi trở về thì xênh sang áo mũ trong sự yêu quý, kính trọng; lại có những người con ở lại với quê  hương, chỉ biết âm thầm hi sinh cho quê hương, phụng thờ tiên tổ, và những đứa con ấy mọi người vẫn xem sự có mặt của họ là hết sức tự nhiên, chỉ đến khi họ ra đi thì chúng ta mới hiểu hết sự hy sinh của họ và thấy thiếu vắng họ.

Phải chăng số phận nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng là như vậy? Và những câu thơ nổi tiếng của Ôna Becgôn lại trở về trong tâm trí tôi, vì dường như nó cũng đúng với cuộc đời Phạm Tiến Duật:

Và nếu những câu hát ấy được đặt ra
Để nói về con người anh, sự nghiệp anh
Chắc anh sẽ nói: không giống đâu
Tôi giản dị hơn và cũng đau đớn hơn nhiều.

(*) Tiến sĩ khoa học ngữ văn, khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đoàn Hương
.
.