Nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Một người rất cô đơn..."

Thứ Năm, 06/03/2014, 15:51

Một trong những ấn tượng đẹp trong ngày thơ Việt Nam diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội ngày rằm tháng giêng vừa qua là triển lãm các thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Và một trong những điểm nhấn ở đó chính là phần dành cho tác giả của “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhà thơ Phạm Tiến Duật, tên tuổi đầu bảng trong thế hệ nhà thơ xuất hiện ở Trường Sơn...

Thế là đã hơn 7 năm vắng bóng nhà thơ Phạm Tiến Duật trên cõi đời này. Cuối tháng chạp vừa rồi, gia đình mới sang cát cho anh, cũng vẫn ở trong nghĩa trang Văn Điển thôi nhưng là tại khu A. Chị Vân, vợ anh, có mời tôi đến thắp hương cùng nhưng do kẹt công việc đột xuất nên tôi đành khất hẹn lại sau... Cũng vì thế nên tôi cứ canh cánh trong lòng, vì với tôi, nhà thơ Phạm Tiến Duật không chỉ là một bậc đàn anh trong thơ mà còn là người mà ít nhiều tôi đã có một giai đoạn cực kỳ gắn bó... Anh đã có vai trò không nhỏ trong những bước đường trưởng thành của tôi trong thơ...

Với tư cách nhà báo, tôi đã được khá nhiều lần hầu chuyện nhà thơ Phạm Tiến Duật. Và những ghi chép từ những lần hầu chuyện đó cho tới hôm nay vẫn là nguồn tư liệu quý báu, gợi mở nhiều suy ngẫm... Cuộc trò chuyện sau đây đã diễn ra từ hơn mười năm trước. Khi đó, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tới tòa soạn của Chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng trên phố Yết Kiêu để trò chuyện cùng nhóm phóng viên chúng tôi là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà báo Trịnh Việt Đông và tôi... Có điều lạ là càng nhiều thời gian trôi qua, đọc lại những câu tâm sự của nhà thơ Phạm Tiến Duật, cá nhân tôi càng thấy yêu quý và xót xa anh hơn...

- Anh bắt đầu ở trong quân đội với vai trò là người thầy giáo? Anh học xong sư phạm đúng không?

- Học xong sư phạm Văn. Rồi tôi vào bộ đội nhưng không phải là vào Đoàn 559 ở Trường Sơn ngay đâu, mà đã là pháo thủ số 4 pháo cao xạ ở Tiểu đoàn 24 pháo cao xạ Tây Bắc. Đó là một tiểu đoàn độc lập, trực thuộc Quân khu, có nhiệm vụ bảo vệ sân bay Nà Sản. Tôi đã ở đó mấy tháng, từ tháng 8/1964 đến tháng 12/1964. Lúc đó, tất cả đều lên Tây Bắc. Vương Trí Nhàn cũng lên Tây Bắc, Tô Hoàng cũng lên Tây Bắc, vì hồi đó cứ đăng ký bộ đội là lên Tây Bắc hết. Sau này mới kéo xuống phân bổ cho các tổng cục. Đấy là lứa tốt nghiệp đại học đầu tiên vào bộ đội. Trước đó thì họ chưa hề lấy một khoá nào khác và sau đó, họ lấy cả sinh viên chưa tốt nghiệp. Còn khoá tôi là đã tốt nghiệp hoàn toàn, thậm chí còn ở lại giảng dạy.

- Anh tuy xuất thân từ vùng nông thôn, nhưng lại học khoa Văn, là sinh viên, chắc anh cũng rất hào hoa với mọi điểm mạnh điểm yếu của sinh viên thời ấy. Cảm giác đầu tiên khi anh vào bộ đội như thế nào? Anh có cảm thấy khó khăn gì không khi hoà nhập?

- Khó khăn. Hồi trong bộ đội ở Trung đoàn 225, tôi đã từng “vấp” một vụ rồi, bị kiểm điểm. Hồi đó mình là lính hoàn toàn, cứ đến giờ ngủ phải ngủ thôi, cứ keng keng keng là phải ngủ. Một lần, đồng chí chính trị viên bắt được mình che ánh sáng đọc sách. Nói chung, đọc sách thì tốt nhưng khổ một nỗi mình lại đọc Kinh Thánh. Đây là vụ gay gắt đầu tiên trong cuộc đời mình. Các vị không thể hiểu được là tại sao mình lại đọc Kinh Thánh. Thật ra, lúc ấy mình đã tốt nghiệp đại học rồi, là một người đã có sẵn mối quan tâm đến mọi chuyện tâm linh, tín ngưỡng rồi, đã in thơ từ trước đó rồi (thời sinh viên, mình đã có thơ trong tập Sức mới xuất bản năm 1962, đã có thơ trên báo Văn nghệ trước khi vào bộ đội, đã quan tâm tới văn học rồi nên cái việc đọc Kinh Thánh là việc bình thường; bây giờ việc đó là việc quá bình thường, nhưng hồi đấy trong quân ngũ, thế là vi phạm kỷ luật. Giờ ngủ anh không ngủ là vi phạm kỷ luật).

Còn chuyện này nữa,  lúc đó mình thanh niên, tính thì bồng bột, hiếu thắng, có thể cũng hơi cố chấp. Khi ngồi thảo luận về chính trị, nghe bảo Lênin nói “chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi ở một nước, ở một khâu yếu nhất trong toàn bộ hệ thống mắt xích của chủ nghĩa tư bản” thì mình, vốn đã đọc sách của Lênin rồi, cứ dứt khoát khẳng định, câu đó không phải của Lênin mà Lênin đã nói rằng, “khi tên Baconhin lúc chưa trở thành tên đốn mạt, hắn đã nói được một câu đúng rằng, chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi ở một nước...”. Tức là Lênin đã trích dẫn câu nói đúng của người khác; lãnh tụ sòng phẳng thế đấy nhưng do anh em ta đọc tài liệu toàn những trích dẫn không đầy đủ nên hiểu cũng không đầy đủ, mặc dù đã đúng rồi. Tất nhiên, bảo là Lênin nói như thế thì cũng không sai nhưng do Duật hồi đó còn trẻ, cứ tranh luận tới cùng, nên khiến một vài đồng chí cảm thấy bị xúc phạm…

Rồi còn chuyện này nữa. Khi Duật được giải thưởng thơ rồi, đồng chí Võ Nguyên Giáp điện thoại vào Trường Sơn cho đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nói là nên xuống chăm sóc Duật một tý… Lúc đó thế nào là chăm sóc? Thì làm cho một cái phòng riêng và mắc điện, mà quy định từ thượng tá trở lên mới được mắc điện. Lúc đó đến cấp trung tá cũng không có điện, cấp thiếu tá lại càng không có điện, nhưng đồng chí Duật mới cấp thượng sĩ lại có điện, có một phòng riêng, mà phòng đẹp hơn bất kỳ ai, vì nhà được lát gỗ. Tư lệnh đã ra lệnh rồi mà, ngoài Bộ điện vào bảo chăm sóc nên Duật mới được như thế. Thành ra Duật cũng bị người này người kia ghen tị, tìm cách gây khó khăn...

Trong nhà tưởng niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật ở Phú Thọ. Ảnh: Hà Văn Thể.

- Anh còn nhớ và có thể kể lại tình huống lúc anh được giải thưởng thơ của báo Văn nghệ không?

- Dạo đó, mình đang ở một nơi thuộc huyện Ăng Khăm, tỉnh Khăm Muội; Bộ Tư lệnh 559 mỗi một năm di chuyển tới mấy nơi. Hôm ấy, tôi nhớ là cánh rừng gió kinh khủng, gió ghê gớm, gió ào ạt. Duật đang ngồi với một nhóm bạn thì có người gọi: “Duật ơi! Lên nghe đài”. Giữa rừng chỉ có độc một cái radio thôi. Mình lên thì nghe thấy ông Hoài Thanh đang đọc bài phát biểu lúc trao giải thưởng, nhắc rất nhiều đến Phạm Tiến Duật. Mọi người nói rằng, đoạn trên thì họ nói xong rồi, có nghe họ nói là anh được giải Nhất. Thế thì biết vậy!

- Sau đấy anh có nhận được giải thưởng gửi vào không?

- Không. Sau đó thì mọi việc trôi đi thôi, chiến tranh mà. Lúc quay về Ghép thì Báo Văn nghệ có tổ chức trao giải trở lại. Thì cái giải Nhất ấy là được giải thưởng của Trung ương Đoàn Thanh niên. Hôm đó có mời đại diện Trung ương Đoàn, mời ban giám khảo có Hoài Thanh, có Xuân Diệu, có Chế Lan Viên đến. Trung ương Đoàn, đại diện mấy tờ báo cùng trao giải trở lại. Khi  đó mình mới từ chiến trường ra, lính  tráng gầy xanh vì sốt rét. Tôi nhớ thế này (cái này viết báo rất bất tiện, nói chuyện chơi cho vui thôi), tức là giải thưởng là một cái đài Orionton, không có vỏ. Lúc từ chiến trường ra, Duật chỉ ở một nơi là trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Mở ngoặc một chút, Duật bao giờ cũng mang ơn Văn nghệ Quân đội, bao giờ cũng coi như là người của Văn nghệ Quân đội. Năm 1968, ông Thanh Tịnh làm trưởng đoàn cùng với ông Xuân Sách và mấy người nữa đã đi vào Trường Sơn để xin Duật về Văn nghệ Quân đội rồi, nhưng mà thủ trưởng không cho. Anh em ở Văn nghệ Quân đội từ đó vẫn coi Duật như người nhà và luôn để dành cho một phòng. Và Duật đã từ tòa soạn Văn nghệ Quân đội đi đến Báo Văn nghệ để nhận giải thưởng thơ, đạp một chiếc xe Vĩnh Cửu cởi truồng, không có gác-đờ-bu, đờ-xen gì hết, không có chắn xích, chắn bùn gì hết. Rồi được nhận một cái đài Orionton không có vỏ. Mình mới lái xe một tay, cái đài thì kẹp vào nách nhưng nó cứ trơn cứ tuột… Lúc trao giải xong rồi, bắt tay bắt chân rồi, lúc ra về thì một đồng chí ở cơ quan Trung ương Đoàn mới nói: Anh Duật ơi, có chuyện này muốn nói với anh đây, cái đài ấy để trong kho lâu quá rồi, cái loa nó hơi bị rè một tí, anh thông cảm cho, không còn cái nào khác nữa! Sau thì mang về cho mẹ nghe, mẹ dùng cái đài đó để nghe chương trình Tiếng Thơ…

- Anh thực ra là con người sống rất hồn nhiên và những người hồn nhiên họ thích làm theo ý mình... Anh cũng cứ thích viết theo ý mình, và anh là một người rất được chiều chuộng, bởi vì anh có tài, ngay cả tổ chức cũng chiều chuộng anh. Và như thế, sự chiều chuộng đôi khi tạo cho anh một cảm giác tự tin và viết tất cả những điều mình nghĩ. Cái đó rất là hay đối với nhà thơ, nhưng mà trong con đường hành nghề, con đường sự nghiệp thường rất khó khăn. Anh có gặp trường hợp như thế bao giờ không, có bị chính kiến của anh tạo ra tình huống mà bây giờ có thể nhớ lại được như một bài học, như một kỷ niệm?

- Nó cũng tác động đến một phần nào, mặt nào thôi. Cái chính là sự tự học, tự làm cho mình vững lại mình rất quan trọng. Suốt từ bé đến lớn đều xa nhà, cấp 1 đã phải đi học cách nhà 5 cây rồi, cấp 2 xa nhà khoảng độ chục cây và cấp 3 thì xa nhà 20 cây v.v... Toàn xa nhà là xa nhà, cho nên nếu không tự tạo cho mình bản lĩnh thì không được. Cho nên, ví dụ như là bây giờ các vị chọn Duật làm Tổng Biên tập Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam thì rất đúng. Duật tự cho là đúng, bởi vì không chỉ có văn học đâu, mà Duật tự rèn luyện tự học suốt từ bé cho đến lớn các ngành khác nữa, không chỉ riêng văn học, nghệ thuật.

Cái hồi học đại học có chuyện rất vui mà Duật chưa nói với ai bao giờ. Hồi đó, Duật tự học bằng cách tự đặt cho mình từng tháng một, thí dụ nếu đặt tháng này là tháng múa (cái này không ai biết cả, chỉ mình mình biết) thì tháng ấy Duật đi vào Trường Múa chơi này, đi vào thư viện đọc sách về múa này, đến những chỗ nào mà nghệ sĩ múa biểu diễn. Đến tháng sau là tháng hội họa thì Duật vào thư viện tìm tất cả các loại sách về vẽ để đọc, đi tìm và làm quen với các hoạ sĩ để xem họ vẽ tranh, đi triển lãm, vào Trường Yết Kiêu để xem học sinh vẽ. Thì dần dần cứ lần mò, kể cả âm nhạc cũng vậy thôi. Ngay những thứ tiếng ngày xưa học hành, như tiếng Anh chẳng hạn, thì cũng toàn tự học đấy, chứ chẳng có trường lớp gì cả, nhưng học rất chăm chỉ. Nói có thể ngọng, ngữ pháp có thể sai, nhưng mà vốn từ thì nhiều đấy. Tự học bao giờ cũng thế, đêm đêm thì lấy từ điển ra ngốn, định ra thường thường mỗi buổi tối là một tiếng từ điển chẳng hạn. Tất nhiên, việc tự học đòi hỏi vất vả kinh khủng, nhưng điều kiện hoàn cảnh không cho phép mình khác được, hoặc là cuộc đời nó xô mình vào từng phía, từng phía một, mình phải tự chọn lấy.

- Nhưng mà xem ra anh rất biết thích ứng với cuộc đời, trong hoàn cảnh nào anh cũng tự tìm được chỗ nào đấy thuận lợi cho công việc của mình?

- Nhưng mà là một người rất cô đơn.

- Cô đơn nó là cái kiếp của mọi nhà thơ rồi. Thực chất mà nói, những bài thơ sau giai đoạn huy hoàng của anh về Trường Sơn có sự lắng lại, và nghe nói có một sự cố xảy ra với một bài thơ của anh, bài “Vòng trắng”. Nhưng người ta chủ yếu là nghe tin đồn mà ít ai được biết cụ thể sự tình như thế nào?

- Bài thơ đó bây giờ không còn vấn đề nữa bởi vì Báo Văn nghệ đã in lại ngay sau khi biên tập viên chính của tờ Tạp chí Thanh Niên, anh Định Nguyễn, tên thật là anh Nguyễn Bé qua đời. Anh ấy mất và Văn nghệ đã phúng anh ấy và đăng lại bài thơ Vòng trắng. Thực ra tôi không  có bài thơ nào tên là Vòng trắng cả, bài thơ này là Viết về số  0 và đấy mới đúng chứ không phải là Vòng trắng:

Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đến sau chiến tranh
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang, vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong”.

Chỉ có 8 dòng. Thì để trong sổ tay và cái hồi B52 Hà Nội, tuần lễ B52 đó. Năm 73, Duật ra Bắc mấy tháng, ra làm một số việc mà trong những việc đó thì anh Đồng Sĩ Nguyên có giao cho là để chuẩn bị cho việc soạn thảo Văn bia Trường Sơn nên Duật phải đi thu thập tài liệu của tất cả các văn bia từ trước đến giờ để anh xem, kể cả Vĩnh Lăng bi ký của Nguyễn Trãi, thu thập hết. Khi mình ra Hà Nội, anh Định Nguyễn đến thăm và bảo: Chúng tôi đang chuẩn bị làm một số báo kỷ niệm một năm tròn bom Mỹ ném Khâm Thiên, ông có bài thơ nào không? Duật bảo, chả biết, có mấy bài làm ở chiến trường. Anh ấy hỏi ở đâu thì Duật giở sổ tay sáng tác ra. Trông thấy bài thơ Viết về số 0, anh Định Nguyễn bảo, chùm này được, coi bài này là bài viếng những người chết ở Khâm Thiên. Vậy là đăng lên thôi. Thế nhưng số báo ra không phải là số tháng 12 năm 1973 mà in chệch ra thành số tháng giêng năm 1974 nên có lẽ người ta đã hiểu khác về bài thơ. Người đầu tiên nói với tôi là ông Đồng Sĩ Nguyên, ông bảo là, Duật ơi, hình như Duật có một tai nạn nghề nghiệp rồi, có nghe một ai bên Phủ Thủ tướng nói rằng Duật có làm bài gì “khó khăn” lắm, nhưng mà tôi không biết. Sau đó thì anh Bảo Định Giang là người đang trực ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật bảo, anh Tố Hữu có nhắn là Duật lên gặp anh ấy. Tôi lên gặp thì anh Tố Hữu nói chuyện rất nhiều, rất dài, về tình hình quốc tế, trong nước, về tình hình quân sự, so sánh lực lượng giữa ta và Mỹ, về triển vọng cuộc chiến. Thế là tôi bảo: Anh ơi, thấy anh Giang bảo là anh gặp tôi vì một bài thơ nào đó, mà hình như là có tai nạn gì đó, chứ không phải là chúng ta nói chuyện tình hình quốc tế hay là trong nước. Thì lúc bấy giờ anh Tố Hữu bảo: À thế là hoá ra thật à! Thì hoá ra là một ông tiền đạo rất giỏi của Việt Nam thế mà nay lại đá thủng lưới nhà à? Thủng lưới nhà rồi! Nhưng mà trong đầu tôi ngờ rằng cho đến giờ phút đó Tố Hữu chưa chắc đã đọc bài đấy. Tôi đoán rằng có lẽ ông mới được nghe ai đó tóm tắt cái ý của bài thơ cho ông ấy nghe, chứ ông ấy chưa đọc. Vì nếu đọc, Tố Hữu là người rất tinh, thì  chắc là không hiểu lầm được như thế. Sau đó việc ấy trôi đi.

- Kết thúc ở đấy?

- Không, chưa kết thúc gì cả. Đợt ấy, tôi chỉ ra miền Bắc có 10 ngày thôi. Trong thời gian tôi ở Hà Nội, ông Hoàng Trung Thông, lúc là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ của Ban Tuyên huấn Trung ương, đến nhà nhưng không gặp, lùa vào qua cửa khoá một tờ giấy có mấy dòng chữ sau đây: “Duật ơi, thôi cứ vào chiến trường đi. Mọi việc thì ngoài này sẽ thu xếp. Yên tâm mà sáng tác và chiến đấu.” Người thứ 2 là ông Chế Lan Viên gọi đến, bảo là mình biết việc này rồi, bây giờ Phạm Tiến Duật có thể đứng trước một tình huống như sau: Trước mặt là một cơn mưa lớn, mưa rất to, có thể có 2 cách,  cách thứ nhất là thôi trú lại đến khi nào trời tạnh thì đi. Cách này không hay lắm vì khi trời tạnh mà đi thì đoàn lữ hành họ đi qua lâu rồi, đuổi theo không kịp. Cách thứ hai là đội nón, mưa cũng đi, đội nón mà đi. Hôm nay Chế sẽ cấp cho Duật một cái nón như vậy để Duật đội mà đi. Đấy là bộ “Thủ Lăng Nghiêm kinh”. Lần đầu tiên Phạm Tiến Duật chạm vào kinh Phật. Trước bộ kinh này thì chưa bao giờ quan tâm thấu đáo tới kinh Phật. Kinh Phật thì có một bộ Adiđà nhưng đọc không thấy thích thú gì, hồi trước có đọc nhưng không thích thú gì, không động vào được và tưởng rằng Kinh Phật chỉ có bộ Adiđà không thôi, thế hoá ra là còn có bộ đấy nữa. Cho đến bây giờ có thể nói là rất mang ơn Chế Lan Viên, bộ Kinh Phật hay thật. Có thể nói rằng trong các bộ Kinh Phật không có bộ nào lại hay đến thế, kỳ diệu như bộ Kinh ấy. Nếu bạn chưa đọc thì cố mà đọc, rất hay. Toàn bộ vụ phê bình Vòng trắng thật ra là phê bình cho bạn đọc ngoài này nghe thôi, nghe và đọc chứ còn Duật đâu có đọc, vào trong Nam rồi. Nhưng tiếng dội vào Nam rất dữ, thông qua hệ thống tuyên huấn của quân đội thì biết cả. Thế thì cũng để lại vài việc dữ dội, và kể cả “đánh leo” cũng có. Nhưng rất kỳ diệu là có ông Đồng Sĩ Nguyên. Ông ấy là một người mà tôi mang ơn một đời. Ông ấy đặc biệt lắm, gặp tôi lần đầu tiên, ông nói như sau (lúc ấy tôi đã  là  nhà thơ có tiếng rồi): Về văn học thì tôi không biết, tôi hoàn toàn không biết một dòng nào cả, toàn bộ việc này thì tôi thấy rất đáng trọng, đáng nể nhưng rõ ràng là không dễ. Cho nên tôi không kiểm điểm anh và tôi đề nghị Cục Chính trị chỗ anh công tác sẽ không kiểm điểm anh hàng tháng mà kiểm điểm hàng năm. Tức là đến cuối năm anh mới phải báo cáo Cục Chính trị là anh làm được gì trong năm đó, chứ anh không phải kiểm điểm hàng tháng vì có những tác phẩm viết 4-5 tháng mới xong thì sao. Riêng tôi thì cứ 3 năm tôi hỏi anh một lần. Còn anh cần bất cứ thứ gì thì anh cứ nói với tôi. Thế thì tôi hỏi, tôi biết anh là hội viên Hội Nhà văn rồi, thế hội viên Hội Nhà văn được những cái gì? Duật đáp, hình như là được một tháng 10 gói chè Hồng Đào và mỗi ngày 1 bao thuốc lá, tức là 1 tháng được 3 tút thuốc, đấy là tiêu chuẩn của hội viên Hội Nhà văn. Ông Đồng Sĩ Nguyên bảo ngay, thế thì tháng này anh sẽ có tiêu chuẩn ấy, tôi sẽ cấp cho anh y như thế, không khác gì. Thực ra thì cũng không được dùng, chỉ được thuốc lào thôi vì mấy cây thuốc lá mang về đồng đội dùng hết, nhưng mà đại khái là mình đã có một ông thủ trưởng đặc biệt. Có được những ông thủ trưởng như thế thì kỳ diệu lắm và tôi cũng mong rằng các thủ trưởng của bộ đội, công an cũng đối xử với quân lính như thế thì thật là đặc biệt.

- Hồi anh được giải, nghe nói anh là trường hợp duy nhất được 9 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mời cơm, có đúng không ạ?

- Đúng. Tôi không nhớ tất cả nhưng trước hết là tôi nhớ lần được gặp đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lần đó tôi không bao giờ quên. Tôi nhớ hôm ấy còn có những người được giải thưởng khác như Phan Thị Thanh Nhàn, Bế Kiến Quốc, giải 3 và giải 2, còn có cả Việt Phương và Chế Lan Viên. Mọi người đều ngồi quanh mâm nhưng không ai ăn, chỉ riêng tôi ăn tới miếng cuối cùng trên mâm. Tất cả họ đều không ăn, họ chỉ nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện. Thế là Thủ tướng cười bảo, Duật đúng là lính thật, ăn rất là ngon. Thực ra hôm đấy không có món gì đặc biệt lắm, chỉ có một thứ duy nhất gây ấn tượng đối với tôi là bánh cuốn, bánh cuốn rất ngon. Nhưng mà Thủ tướng có nói mấy câu rất hay, rất gây ấn tượng đối với tôi và đến bây giờ tôi nghĩ rằng nhắc lại vẫn cần thiết. Lúc bấy giờ các bạn nhớ cho là chúng ta dịch văn học nước ngoài dè dặt vô cùng. Trăm năm cô đơn vẫn chưa hề được dịch. Sách của cái ông gì viết Của Chuột và Người nhỉ?

- John Steinbeck!

- Đúng, John Steinbeck! Thủ tướng có đọc cuốn này qua bản tiếng Pháp, thế là ông hỏi là, truyện được dịch chưa. Mọi người bảo, thưa, chưa dịch ạ vì với thị hiếu Việt Nam tác phẩm này có hai mặt, nên không hợp. Thế thì Thủ tướng mới bảo: Phải dịch, với những tác giả lớn thì tác phẩm của họ có nội dung nói về cái xấu cũng phải dịch nếu nó hay, nhưng mà trong lời nói đầu phải nói rõ chỗ nào xấu để dân biết. Việt Nam ta là một cơ thể khoẻ, không sợ vi trùng, cơ thể yếu mới sợ vi trùng. Tôi nghĩ những nhà lãnh đạo văn hoá văn nghệ rất nên nghe lại câu nói đó của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thế còn trong buổi gặp mặt ăn cơm, thì Thủ tướng có nói đến Trường Sơn, đến tất cả mọi thứ. Ông bảo là: Nhìn chung văn nghệ không chỉ là một lúc. Rất nhớ và hình như lúc bấy giờ ông đã trông được những nhược điểm của tôi chăng, nên ông mới nói rằng, không chỉ làm cho bây giờ mà làm những cái gì cho dài hơn, xa hơn, con người hơn chứ không chỉ là cuộc chiến đấu này, thời khắc này, hay là sư đoàn này mà là cuộc đời này, nhân quần này. Tôi thấy là “ông già” đặc biệt lắm, “ông già” rất được. Thế còn cái buổi ăn cơm với đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ đang là Tổng Tư lệnh tối cao của chúng ta, thì có 2 vợ chồng ông tiếp cơm thôi. Thì ông chăm sóc tôi khác, rõ ràng là chăm sóc một người lính, cho ăn ngon hơn Thủ tướng nhiều. Đúng là hôm đó bếp  của Thủ tướng nấu cái gì thì chỉ tăng thêm số lượng thôi, có thêm đĩa bánh cuốn thôi, không có cái gì khác. Còn hôm ăn cơm nhà Đại tướng thì đây đúng là bữa tiệc cho thằng lính trong rừng đói khát thiếu thốn được ăn nhiều món ngon, rất ngon. Nhưng mà cử chỉ kỳ diệu nhất tôi thấy trong ngày hôm đó không phải là ăn uống, và những câu chuyện ở mức thông tin, dù tôi có cám ơn là có những thông tin về mặt chiến sự, hay là những tình hình vận chuyển về ngoại giao, chính trị là mình được biết do “Cụ” tiết lộ ra cho mình nghe, tức là  cũng quý thôi. Cái đặc biệt nhất là lúc cắt táo ra để ăn, thì ông Đại tướng từng chỉ huy suốt 2 cuộc kháng chiến, đánh Đông dẹp Bắc thắng lợi, nhưng ông đã quệt cái tay áo dạ của ông vào thành cốc và cái cốc đổ nghiêng ra, và cái đĩa táo cũng lăn. Và khi cái đĩa táo lăn thì ông cực kỳ lúng túng, ông không với được và phu nhân của ông nhẹ nhàng hứng ở đầu kia, cứ để cho táo lăn và hứng rất nhẹ nhàng. Cả hai người cùng mỉm cười và bà ấy đưa cho ông Võ Nguyên Giáp quả táo. Và tôi thấy đó là một cử chỉ cực kỳ hạnh phúc và tốt đẹp.

Trước đó tôi có đọc một bài báo trên tờ Thống Nhất, tờ báo dịch của nước ngoài, có nói là Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay rất nể một đứa trẻ con. Vì sao? Vì khi tôi đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì thấy ông ấy rất là nể vợ, và vợ ông ấy thì rất nể một đứa cháu, thì hoá ra người cao nhất của Quân đội lại nể một đứa trẻ con. Đấy là một niềm hạnh phúc lớn và đấy là lý do thắng trận của Việt Nam vì người ấy biết sợ một đứa trẻ con, và người đàn ông biết sợ đàn bà.

Còn đồng chí Lê Đức Thọ chính là người đầu tiên bênh đỡ cho vụ Vòng trắng. Tố Hữu sau này có nói lại rằng Phạm Tiến Duật đứng từ xa, ờ cái gì trắng trắng thế nhỉ, nhưng đến gần thì không phải, thì đấy là Tố Hữu nói thế thôi. Cho nên tôi ngay từ đầu đã nói bài thơ không có vấn đề gì cả, bài thơ chẳng qua là bài thơ của một thằng lính yêu bạn mình, quý bạn mình, thương bạn mình, không có vấn đề gì cả. Phải nói là thái độ của đồng chí Lê Đức Thọ là trước sau bênh đỡ cái việc này và đấy là điều tôi nghĩ rằng chính là vụ Vòng trắng không phải là trở thành một vụ việc lớn, mau chóng tan đi rất nhanh do có người nhìn ra, từ những người cao cấp nhất...

H.T.Q.
.
.