Ba bài thơ nôm của Vua Lê Thánh Tông về biển đảo Quảng Ninh

Chủ Nhật, 24/05/2020, 08:58
Trong quá trình biên soạn sách Văn học biển đảo Việt Nam - tổng tập, tôi đã tìm được 3 bài thơ Nôm của Vua Lê Thánh Tông viết về biển đảo Quảng Ninh. 

Trước nay, di sản thơ biển đảo của Vua Lê Thánh Tông được biết đến với các bài ngự chế chữ Hán ở núi Truyền Đăng. Nhưng, thực tế, ông còn nhiều bài khác như 2 bài về Bạch Đằng Giang, bài Kinh Lư hải môn, Đồng tuần trú Đồng cảng, Đông Triều vãn bạc, Truyền Đăng sơn trú chu, An Bang trị sở, An Bang phong thổ, Vân Đồn cảng khẩu.

 Phần lớn đây đều là thơ chữ Hán được làm trong dịp vua đi tuần thú luyện tập thủy quân ở An Bang (Quảng Ninh) vào năm 1467. 3 bài thơ Nôm của ông có lẽ cũng sáng tác trong đợt này. Đó là bài Chiếc Đũa sơn, bài Vịnh Thầy Tiêu thi và Ngự chế hòn Cóc thi. Các bài này được chép trong Hồng Đức quốc âm thi tập, Hải Dương phong vật chí và Hoàng Việt nhất thống dư địa chí.

Bài đầu tiên là Chiếc Đũa sơn chép trong Hồng Đức quốc âm thi tập và Hải Dương phong vật chí.

Trấn cõi Nam minh nẻo thuở xưa

Đời Nghiêu nước cả ngập hay chưa?

Nguồn tuôn xuống: tanh tao sạch

Triều dẫy lên: mặn ngọt ưa.

Xọc xương kình, tăm chẳng động

Dò lòng bể, sóng khôn lừa.

[Núi] nay còn để Thiên Nam mượn

Họa chước bình Ngô mãi mãi vừa.

Hòn Cóc. Ảnh: dulichquangninh

Sách Tổng tập văn học Nôm (2008, tr.464) chú núi Chiếc Đũa ở cửa biển Thần Phù, trên địa bàn huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Núi đứng trơ trọi một mình, xa trông như hình chiếc đũa dựng trên cửa biển. Bài này xuất hiện trong nguyên chú của bài Hải Dương phong vật khúc có đoạn “Non Chiếc Đũa trông hình như hệt. Núi Thầy Tiêu ngắm phắc càng in. Xưa kia đã khéo đặt tên. Lại câu đề vịnh lưu truyền tới nay” (2009: 303).

Suy ra, núi Chiếc Đũa là một đảo nằm trong vịnh Hạ Long, chứ không phải là núi Chích Trợ ở cửa Thần Phù. Khảo sử liệu thì thấy, Đồng Khánh dư địa chí ghi: một ngọn tròn như chiếc đũa nên gọi là hòn Đũa, người ta thường lấy núi đấy làm tiêu dấu để đi biển. [Quốc sử quán triều Nguyễn. 1886-1887. Đồng Khánh địa dư chí, 1998, tr.407.]

Thiên Nam: văn bản chép nhầm thành An Nam, theo phong cách thì phải là chữ Thiên Nam. Bởi An Nam là tên do triều đình Trung Quốc hay dùng để gọi Đại Việt. Tên gọi này có từ thời thuộc Đường, song ít được sử dụng. Đến khi người Pháp sang thì từ này được dùng nhiều hơn. Nghĩa là kẻ thực dân đến sau mượn từ của Trung Quốc để gọi nước Đại Việt. Thời Hồng Đức, nước ta có quốc hiệu là Đại Việt hoặc Thiên Nam. Bản thân vua Lê Thánh Tông tự xưng là Thiên Nam Động Chủ. Việc chép nhầm Thiên Nam thành An Nam có lẽ do văn bản đời sau chép nhầm.

Bài thứ hai là Vịnh Thầy Tiêu thi được chép trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806, tr.49a), Hải Dương phong vật chí, Thiên tải nhàn đàm, A.584. Nội dung như sau:

Đồn ngoài Cửa Lục có Thầy Tiêu,

Ngồi tựa Cầu Loan nghe Mối kêu.

Chuông kệch phó cho Thằng Nộm gióng,

Đèn tàn để mặc Cái Dơi khêu.

Vẳng da trời, sương lạt móc,

Dò lòng bể, nước in rêu.

Dầu ai đon hỏi bao nhiêu tuổi,

Non nước bao nhiêu, tuổi bấy nhiêu.

Bài thơ ghi rõ các địa danh Cửa Lục, Thầy Tiêu. Đây là cứ liệu chứng minh thêm bài Chiếc Đũa sơn là ở Vịnh Hạ Long chứ không phải là ở Thần Phù. Cửa Lục là cửa biển hệ vịnh - sông nằm trên địa bàn thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Phía cửa ngoài, một bên là thành phố Hạ Long ở phía Đông, một bên là phường Bãi Cháy ở phía Tây. Vịnh Cửa Lục là một vụng biển rộng 18 km2, nơi sâu nhất là 17 m. Thế kỷ 19, triều cường nước sâu 5 trượng 9 thước, triều rặc sâu 5 trượng. Cửa rộng 79 trượng 3 thước [Quốc sử quán triều Nguyễn. 1886-1887. Đồng Khánh địa dư chí, 1998, tr.408.] Eo Cửa Lục nối liền vịnh Cửa Lục với vịnh Hạ Long ở ngoài.

Nguồn của vịnh Cửa Lục là một số nhánh sông nhỏ như sông Trới, sông Diễn Vọng, sông Vũ Man, sông Oai. [Trần Trọng Dương 2019a]. Khảo sử liệu thì thấy, Thầy Tiêu là một đảo trong vịnh Hạ Long. Đại Nam nhất thống chí ghi: Ngoài Cửa Lục còn có núi Thầy Tiêu, cách phía Đông Nam của huyện Hoành Bồ 48 dặm. Hình thế núi chạy dài, các đỉnh liền nhau. Vua Lê Thánh Tông cũng có thơ Nôm đề vịnh ở đó [Quốc sử quán triều Nguyễn, 1910, Đại Nam nhất thống chí, Q22: 2012 T2: 1307.]

Đồng Khánh dư địa chí cũng ghi: Đảo Xà Sơn (hay núi Xà Đầu sơn, núi Đầu Mối, trông như đầu con rắn) nằm ở phía Nam núi Truyền Đăng, cùng với núi Thanh Lãnh, núi Thầy Tiêu đều là các đảo núi mà người đi biển nhìn làm cọc tiêu đi vào Cửa Lục. [Quốc sử quán triều Nguyễn. 1887. Đồng Khánh địa dư chí, 1998, tr.407]. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí lại chép: “Núi đá la liệt, chỉ có ba ngọn là có tên, có một ngọn trên đỉnh có tảng đá giống hình người đàn bà, tục gọi là núi Bà Thanh Lãnh, có ngọn thì cao thẳng như hình chiếc đũa, tục gọi là núi Chiếc Đũa, có một ngọn thì chóp nó như hình nhà sư, tục gọi là núi Thầy Tiêu”.

Hải Dương phong vật khúc có đoạn “non Chiếc Đũa trông hình như hệt, Núi Tử Tiêu [sic] ngắm phắc càng in. Xưa kia đã khéo đặt tên, Lại câu đề vịnh lưu truyền tới nay” (2009: 303).

Bài thứ ba là Ngự chế hòn Cóc thi được ghép trong Hải Dương phong vật chí. Bài này xưa nay ít được biết đến bởi nó nằm trong phần chú thích chứ không nằm ở chính vă. Phiên âm như sau:

Chẳng dái (sợ) ai mà mọc giữa đàng,

Hiệu là hòn Cóc trấn bên giang.

Nổi thè lè trên mặt nước,

Ngồi chầu hẫu ở trong hang.

Trên xuôi coi xuống thù hàm ếch,

Dưới ngược trông lên tỏ chẫu chàng.

Vực nước đã an, ruồi muỗi lánh,

Lọ phiền quân kiến dám bò ngang.

Hòn Cóc hay hòn Con Cóc nằm trong vịnh Hạ Long, cách cảng Bãi Cháy 12km về phía Đông Nam, cách bến tàu Tuần Châu khoảng 18km. Hòn đá này cao 9m trông giống như một con cóc ngồi giữa vụng nước.

3 bài thơ trên có thể coi là những di sản văn chương quý giá về vịnh Hạ Long nói riêng và biển đảo Việt Nam nói chung. Cả 3 bài đều có cùng chung phong cách ngôn ngữ với nhiều bài thơ Nôm khác của Hoàng đế Lê Thánh Tông. Đó là những bài thơ ca ngợi vẻ đẹp non kỳ thủy tú của đất nước. Như GS Hà Văn Tấn đã chỉ ra, bài thơ Vịnh Thầy Tiêu dùng rất nhiều địa danh Nôm dân dã để tạo nghĩa, như: đảo Cầu Loan, đảo Mối, đảo Chuông, đảo Con Dơi, đảo Thằng Nộm, Núi Đèn (núi Đọi Đèn, núi Truyền Đăng).

Nhà vua đã tận dụng tối đa các từ thuần Việt, sử dụng các âm hưởng dân dã để chơi chữ. Như bài Vịnh Con Cóc: ông đưa một loạt các họ hàng nhà cóc vào bài: chầu hẫu, chẫu chàng, ếch, với các con vật liên quan như ruồi, muỗi, kiến. Sự đối lập giữa cóc với ruồi muỗi được đẩy lên thành sự đối lập giữa quân tử - tiểu nhân, giữa chính nghĩa - phi nghĩa, giữa ta và dịch.

Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên dùng thể tài vịnh cảnh, vịnh vật để ca ngợi non sông gấm vóc Đại Việt. Ông đã dùng những bài thơ như cột mốc cắm chốt trên những vùng hải giới của đất nước. Trong đó, cảm hứng chủ đạo là đề cao những chiến công hiển hách, những trận đánh đi vào lịch sử. Qua Bạch Đằng giang, ông nhớ lại những trận chiến hào hùng từ thời Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo:

Rửa không thảy thảy thằng Ngô dại

Dịa mọi lâng lâng khách Việt hầu.

Nọ đỉnh Thái Sơn đành rạnh đó

Nào hồn Ô Mã lạc loài đâu.

Đến An Bang, ông hình dung những chiến công của Trần Khánh Dư, Trần Quốc Tảng:

Xọc xương kình, tăm chẳng động

Dò lòng bể, sóng khôn lừa.

[Núi] nay còn để Thiên Nam mượn

Họa chước bình Ngô mãi mãi vừa.

Ngắm đảo Chiếc Đũa, ông hình dung đảo như chiếc trụ chống trời giữ biển, bảo vệ vùng biển cương giới bình yên, hình dung thế núi như “ngọn giáo giang san” đang “xọc xương kình”, trừ diệt mọi kẻ thù xâm lược vào vùng lãnh hải, chân núi cắm xuống lòng biển như đo mực nước nông sâu, ngăn chặn sóng lừng sóng lẫy. Dáng núi ấy góp một phần vào cảnh trí thiên nhiên nhưng còn là một thế hiểm sơn hà để Thiên Nam dùng trong kế sách “bình Ngô”.

Có thể nói những bài thơ mang khẩu khí của đế vương đã góp nên những chứng cứ về truyền thống đánh giặc giữ nước, là cảm hứng để những hậu nhân của non sông Đại Việt sau này làm nên những chiến thắng lẫy lừng. Những lời thơ của Hoàng đế Lê Thánh Tông xứng đáng như những mốc giới đánh dấu chủ quyền, khẳng định tinh thần hướng biển, tư duy hướng biển là một trong những vấn đề cốt lõi của tinh thần “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ, Nước Việt muôn năm vững trị bình”.

Trần Trọng Dương
.
.