Chuyện Donald Trump sau 1 năm cầm quyền: Trump là trên hết

Thứ Bảy, 24/03/2018, 17:35
Giới quan sát cho rằng nước Mỹ đã thay đổi nhiều kể từ ngày 20-1-2017, khi Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức, trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng. 

Hơn 1 năm qua, Mỹ có một nhà lãnh đạo khác biệt, phá vỡ mọi quy tắc, đảo lộn mọi chính sách, không chỉ khiến “xứ cờ hoa” mà cả thế giới phải thay đổi.

Bước chân vào Nhà Trắng với học thuyết “Nước Mỹ là trên hết”, Tổng thống Trump tuyên bố ngày 20/1 sẽ là ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử khi quyền lực được chuyển giao trở lại cho người dân, đồng thời mang lại thịnh vượng, giàu có và sức mạnh cho nước Mỹ.

Đánh giá sau 1 năm nắm quyền, Tổng thống Trump đã hoàn thành được không ít cam kết, đưa nền kinh tế Mỹ khởi sắc, nhưng bên cạnh đó nhiều cam kết của ông vẫn còn để ngỏ hoặc chưa hoàn thành mặc dù được thúc đẩy quyết liệt. Bên cạnh đó, có vẻ như ông Donald Trump đang dần mất đi niềm tin của người dân khi liên tục xuất hiện những lùm xùm khiến tương lai của ông trở nên khó đoán định.

Thành và bại

Sau 1 năm theo đuổi học thuyết “Nước Mỹ là trên hết”, ông Donald Trump đã giúp kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, với tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh. Mặt khác, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng đang gia tăng, tình trạng nhập cư trái phép giảm và sức khỏe nền kinh tế cho thấy triển vọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 3% là hoàn toàn có cơ sở.

Trong năm đầu cầm quyền, Tổng thống Trump đã ký 96 dự luật thành luật. Mặc dù số lượng đạo luật ban hành ở mức trung bình so với các đời tổng thống trước đó nhưng có nhiều văn bản mang ý nghĩa quan trọng. Ông Trump cũng thành công trong việc đảo ngược hàng loạt các chính sách và di sản của chính phủ tiền nhiệm. 

Thành công lớn nhất của ông Trump phải kể đến đạo luật cắt giảm thuế trị giá tới 1.500USD. Đây được xem là thắng lợi lập pháp quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với cá nhân Tổng thống Donald Trump cũng như đảng Cộng hòa.

Sau 1 năm theo đuổi học thuyết “Nước Mỹ là trên hết”, Donald Trump đạt được một số thành công nhất định.

Bên cạnh các thành công, nhiều cam kết của ông Trump vẫn chưa thành hiện thực. Các chính sách cứng rắn về nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ từ đảng Dân chủ mà còn từ đông đảo dư luận người dân. Có không ít vấn đề vẫn còn để ngỏ, không được ông Trump nhắc đến như đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách giáo dục, hay xây dựng bức tường với Mexico.

Ngoài ra, nước Mỹ cũng chứng kiến sự chia rẽ ngày càng sâu sắc, không chỉ về khoảng cách giàu nghèo mà còn về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc hay giới tính. Nước Mỹ của Tổng thống Trump trở thành một ẩn số cho thế giới với chính sách đối ngoại đầy mâu thuẫn, khó đoán định. Các nước trông đợi chính sách của nước Mỹ thông qua những dòng Tweet trên mạng xã hội của cá nhân ông Trump chứ không phải từ các văn bản hay tuyên bố chính thức của chính quyền.

Tương lai 365 ngày sắp tới ra sao chắc chắn phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của Tổng thống Mỹ. Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục khỏe mạnh và những xung đột ngoại giao được xử lý tốt, ông Trump có lẽ vẫn còn khả năng để tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. 

Tuy nhiên, nếu những tin xấu và các bê bối vây quanh Tổng thống Mỹ chiếm ưu thế, Nhà Trắng sẽ rơi vào thế bị cô lập, thậm chí các thành viên từ chính đảng Cộng hòa và cả đảng Dân chủ sẽ tìm cách để thay thế ông vào năm 2020.

Trong bối cảnh này, Tổng thống Donald Trump đã công bố Thông điệp liên bang, như một cách bày tỏ những tham vọng của ông chủ Nhà Trắng nhằm trấn an và lấy lại niềm tin từ dư luận. Tuy vậy, Thông điệp liên bang đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đã nhận được những phản ứng trái chiều từ truyền thông.

Trong một phản ứng tích cực, nhiều ý kiến nhận định ông Trump đã thể hiện tinh thần lạc quan trong Thông điệp liên bang khi kêu gọi người dân Mỹ “mơ về mọi thứ” và “tin ở chính mình”, đồng thời khơi gợi sự đoàn kết bằng cách nói về “một gia đình Mỹ”.

Một số cây bút bình luận ông Trump đã có một bài phát biểu phô diễn sức mạnh và biết cách hứa hẹn, từ đó làm dấy lên những tia hi vọng về một khởi đầu mới trên chính trường đang tồn tại nhiều chia rẽ. 

Tuy nhiên, Thông điệp liên bang có nhiều điểm đáng tiếc, cụ thể là những tuyên bố sai sự thật, từ việc Mỹ “là nhà xuất khẩu năng lượng trên thế giới”, cho đến việc “Quốc hội đã thông qua và ký cải cách và luật cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. 

Bên cạnh đó, ông Trump bị chỉ trích vì không nhắc đến những khó khăn mà nước Mỹ phải đối mặt trong năm 2018 như bạo lực súng đạn, quan hệ với Nga hay Trung Quốc.

Lùm xùm tai tiếng

Tuy nhiên, điều mà truyền thông chú ý lại là những lùm xùm tai tiếng của ông Trump. Mặc dù ông liên tục nhận mình là nạn nhân của “tin giả” nhưng sự thực là những phát ngôn ông đưa ra mới chính là kẻ thù lớn nhất đối với ông. Việc ông Trump liên tục sử dụng mạng xã hội Twitter để công kích các đối thủ chính trị đang tạo ra những hiệu ứng không mong muốn.

Các lãnh đạo thế giới vẫn bối rối, thậm chí giận dữ vì những hành động được xem là bốc đồng ở Tổng thống Trump. Những tranh cãi liên quan đến sức khỏe tâm thần của ông chủ Nhà Trắng trở nên phổ biến đến nỗi mọi người coi đó là chuyện hoàn toàn bình thường.

Bên cạnh đó, ông Trump từng không ít lần bị cáo buộc phân biệt chủng tộc và thông tin về việc Tổng thống Mỹ dùng từ khinh miệt với các nước nghèo khó, gọi họ là những quốc gia “thối nát”, khiến ngay cả những đồng minh thân cận nhất với Mỹ cũng phải lắc đầu ngao ngán.

“Cuộc đấu trí” giữa chính quyền Donald Trump và FBI trong quá trình điều tra chiến dịch tranh cử hồi năm 2016 ngày càng trở nên gay cấn.

Chưa dừng lại ở đó, trong những tháng đầu năm 2018, Tổng thống Mỹ lại tiếp tục phải hứng chịu những bê bối, mà theo giới truyền thông Mỹ, “rất có thể sẽ làm lung lay đến tận gốc sự nghiệp chính trị của ông”. 

Đó là “cuộc đấu trí” giữa chính quyền Donald Trump và Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ngày càng trở nên gay cấn khi Nhà Trắng xác nhận ông Trump sẽ thông qua việc công bố báo cáo cáo buộc FBI lạm quyền trong quá trình điều tra chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump hồi năm 2016.

FBI đã tích cực vận động để chống lại việc công bố tài liệu này với lý có thể tiết lộ cả các thông tin tuyệt mật về chống gián điệp, cũng như có khả năng hủy hoại cuộc điều tra về các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 để giúp ông Trump giành chiến thắng. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại chính thức “bật đèn xanh” cho việc công bố tài liệu này với lý do “tôi muốn chứng minh bản thân trong sạch”.

Theo truyền thông Mỹ, tài liệu cho rằng FBI đã lạm dụng quyền hạn dưới danh nghĩa an ninh quốc gia để được phép theo dõi các cuộc đối thoại của Carter Page - cựu cố vấn đối ngoại của ban vận động tranh cử của Trump bị nghi ngờ làm gián điệp do những mối liên hệ thường xuyên với các quan chức Nga. Phe Cộng hòa cho rằng cuộc điều tra này là thiên vị vì được một công ty ủng hộ đảng Dân chủ cầm quyền khi đó tài trợ. 

Báo cáo cũng cho biết đã có nhiều bằng chứng về việc “một số tổ chức” tìm cách hạ uy tín của ông Trump. Đáp trả, nhiều ý kiến cho rằng ông Trump đang “ngụy tạo bằng chứng” và đưa ra một “hình ảnh lệch lạc về FBI”.

Việc công bố tài liệu vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ FBI nhằm mục đích “không tốt” là gây hoài nghi về tính độc lập của FBI, khi sử dụng các thông tin vốn không thể công bố rộng rãi, đồng thời tạo nên nguy cơ tiết lộ các chiến dịch bí mật của chính phủ nhằm ngăn chặn tình báo nước ngoài. Điều này sẽ tiếp tục châm ngòi cho mâu thuẫn trong quan hệ vốn đang căng thẳng giữa chính quyền Donald Trump và FBI.

“Cú sốc” lớn nhất ở thời điểm hiện tại là việc một cựu người mẫu Playboy đã tiết lộ quá khứ trăng hoa của Tổng thống Trump cũng như cách thức ông dùng tiền để che đậy chuyện ngoại tình. Những tiết lộ này khá tương đồng với câu chuyện của các phụ nữ khác từng có quan hệ tình ái với ông Trump hoặc bị ông quấy rối tình dục.

Theo đó, Tổng thống Trump và những người thân cận đã dùng những cuộc gặp bí mật, tiền chuộc, và hợp đồng để giữ kín các cuộc ngoại tình - thậm chí nhiều cuộc ngoại tình cùng một lúc, khiến dư luận cứ lầm tưởng rằng đời tư của họ là hoàn toàn trong sạch. 

Trong bối cảnh này, Nhà Trắng ngay lập tức ra tuyên bố nói ông Trump phủ nhận ngoại tình với cựu người mẫu Playboy, gọi mọi thông tin đang lan tràn trên báo giới là giả mạo và “hạ uy tín đê hèn”.

Có vẻ như sự kiện này đã khơi mào cho hàng loạt những tiết lộ “gây sốc”. Một số người mẫu đã lên tiếng cáo buộc ông Trump tấn công tình dục hay “có hành vi quá mức” như cưỡng hôn và sờ soạng. 

Họ cho biết đều được dẫn tới nhiều căn nhà khác nhau của ông Trump bởi một người vệ sĩ có tên Keith Schiller - người từng được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm vị trí giám đốc phụ trách hoạt động của Phòng Bầu Dục và phó trợ lý tổng thống sau khi ông Trump đắc cử.

Trong nhiều tháng, để duy trì mối quan hệ, ông Trump đã chi mạnh tay nhằm giữ chân “người tình”, thậm chí cho phép họ tới tham dự các sự kiện riêng. Vị Tổng thống Mỹ luôn sử dụng chiêu bài “khoe tài sản để tán tỉnh”, hứa hẹn với người tình những căn hộ bạc tỉ ở Florida hay New York, cùng hàng loạt món đồ hiệu xa xỉ. 

Truyền thông đồn đoán, với ông Trump, khoe bất động sản và các sản phẩm mang thương hiệu của mình thường là bước đầu tiên trước khi... rủ họ lên giường.

Lê Nam
.
.